Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn chủ trì, Phó chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương điều hành nội dung phiên họp. Đại tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng dự phiên họp.
Việc hoàn thiện Luật Sĩ quan QĐND Việt Nam tác động trực tiếp đến tâm tư, nguyện vọng của đội ngũ sĩ quan
Qua thảo luận tại phiên họp, các đại biểu Quốc hội đều thống nhất về sự cần thiết phải sửa đổi, bổ sung Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân (QĐND) Việt Nam; bởi vì luật này đã được ban hành từ năm 1999, đã qua 3 lần sửa đổi, bổ sung và hiện nay cũng đã có nhiều luật mới được ban hành hoặc sửa đổi, bổ sung có nội dung liên quan, tác động trực tiếp đến lực lượng sĩ quan QĐND Việt Nam như Bộ luật Lao động, Luật Nhà ở, Luật Bảo hiểm xã hội.
Chính vì vậy, quá trình tổ chức thực hiện phát sinh những khó khăn, vướng mắc nhất định, trong đó có quy định về hạn tuổi phục vụ tại ngũ của sĩ quan. Ngoài ra, một số quy định của luật hiện hành chưa giao cơ quan có thẩm quyền quy định chi tiết, chính vì vậy quá trình tổ chức triển khai thực hiện luật hiệu quả chưa cao, do vậy cần phải sửa đổi, bổ sung Luật Sĩ quan QĐND Việt Nam để tháo gỡ, khắc phục những vướng mắc, bất cập trong thực tiễn.
Ảnh minh họa: Tuấn Huy/qdnd.vn
Các đại biểu nhấn mạnh, việc hoàn thiện Luật Sĩ quan QĐND Việt Nam sẽ đóng vai trò rất quan trọng, tác động trực tiếp đến tâm tư, nguyện vọng của đội ngũ sĩ quan, góp phần xây dựng đội ngũ sĩ quan QĐND Việt Nam vững mạnh, làm nòng cốt để xây dựng quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.
Đề xuất quy định tuổi nghỉ hưu của sĩ quan Quân đội có hiệu lực từ ngày thông qua
Các đại biểu Quốc hội cũng góp ý về hiệu lực thi hành của dự án luật quan trọng này.
Đại biểu Nguyễn Đại Thắng (Đoàn Hưng Yên) đề xuất thông qua dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan QĐND Việt Nam theo quy trình một kỳ họp và theo trình tự, thủ tục rút gọn. “Tôi đề nghị luật sẽ có hiệu lực kể từ ngày thông qua theo quy định tại khoản 2 Điều 151 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật”, đại biểu nói.
Tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Đại Thắng cũng bày tỏ, nếu luật sửa đổi có hiệu lực ngay sẽ ảnh hưởng đến một số sĩ quan đã đến tuổi nghỉ hưu theo Luật Sĩ quan hiện hành. Do đó, đại biểu đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu bổ sung lộ trình, hướng dẫn về việc nâng tuổi nghỉ hưu theo Luật sửa đổi, bổ sung để bảo đảm thuận tiện cho việc tổ chức thực hiện sau khi luật thông qua và có hiệu lực, có thể tham khảo hướng dẫn cách tính tuổi nghỉ hưu đối với công chức, viên chức hiện hành.
Đại biểu Nguyễn Đại Thắng (Đoàn Hưng Yên) đề xuất luật sẽ có hiệu lực kể từ ngày thông qua. Ảnh: Trọng Hải
Đại biểu Phạm Trọng Nghĩa (Đoàn Lạng Sơn) thì dẫn chiếu quy định tại Khoản 3 Điều 146 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật rằng: “Trường hợp ban hành theo trình tự, thủ tục rút gọn gồm trường hợp cần sửa đổi ngay cho phù hợp với văn bản quy phạm pháp luật mới được ban hành".
Nhấn mạnh từ khi Luật Sĩ quan QĐND năm 1999 được sửa đổi đến nay, có nhiều luật liên quan được ban hành, đại biểu Phạm Trọng Nghĩa cho rằng, việc Chính phủ trình dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan QĐND Việt Nam để Quốc hội xem xét, cho ý kiến và thông qua tại Kỳ họp thứ tám này theo trình tự, thủ tục rút gọn là phù hợp; hồ sơ dự án luật cũng bảo đảm các yêu cầu quy định và được chuẩn bị chu đáo, công phu.
“Dự thảo luật tập trung vào 4 nội dung chính với phạm vi hẹp là sửa đổi, bổ sung 13 điều khoản và thay thế một số thuật ngữ của luật hiện hành. Do đó, tôi nhất trí thông qua dự án luật theo quy trình một kỳ họp”, đại biểu nói.
Ngoài ra, đại biểu Phạm Trọng Nghĩa dẫn chiếu Khoản 2 Điều 151 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật quy định "văn bản quy phạm pháp luật được ban hành theo trình tự, thủ tục rút gọn thì có thể có hiệu lực kể từ ngày thông qua và ký ban hành". Đại biểu cho rằng, dự án luật này đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định áp dụng theo trình tự, thủ tục rút gọn, do đó đề nghị xác định sớm thời gian hiệu lực thi hành trong luật.
Đại biểu Phạm Trọng Nghĩa (Đoàn Lạng Sơn) phát biểu. Ảnh: Trọng Hải
Trước đó, tại phiên thảo luận tổ về dự án luật này, đại biểu Nguyễn Trường Giang (Đoàn Đắk Nông) đề xuất, cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu, quy định về tuổi nghỉ hưu cần có hiệu lực ngay từ ngày 1-12-2024 còn đối với các nội dung khác có hiệu lực từ ngày 1-1-2025 để phù hợp với công tác chuẩn bị các nội dung quy định trong luật; đồng thời bổ sung quy định về điều khoản chuyển tiếp để thuận lợi trong tổ chức thực hiện.
Kết luận phiên họp, đề cập đến thời gian có hiệu lực của luật này, Phó chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho biết, theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật sẽ tính toán ngay sau khi Quốc hội thông qua và khi Chủ tịch Quốc hội ký chứng thực ban hành.
THẢO PHƯƠNG