Sức mạnh cộng hưởng từ mô hình tập đoàn tài chính
Mô hình ngân hàng - tập đoàn tài chính xuất hiện tại Việt Nam những năm gần đây, thường có các cấu phần như: ngân hàng, công ty bảo hiểm, công ty chứng khoán, công ty tài chính tiêu dùng… cung cấp cùng lúc nhiều dịch vụ cho khách hàng.
Với ưu điểm là các công ty con có thể tận dụng nguồn lực, uy tín, thương hiệu của công ty mẹ để nâng tầm quản trị và cung cấp hệ sinh thái dịch vụ trọn gói, đồng thời gián tiếp gia tăng tăng năng lực cạnh tranh cho công ty mẹ qua các sản phẩm mang tính tương hỗ, mô hình này được không ít đơn vị lựa chọn.
Mô hình tập đoàn tài chính đa ngành được kỳ vọng sẽ giúp ngân hàng và cổ đông tối ưu hóa hiệu quả sử dụng vốn đầu tư. Ảnh minh họa: H.T
Với VPBank, ông Bùi Hải Quân, Phó chủ tịch, đơn vị dự kiến sẽ bổ sung công ty bảo hiểm nhân thọ và công ty quản lý quỹ vào hệ sinh thái, gồm: ngân hàng, công ty tài chính tiêu dùng (FE Credit), công ty chứng khoán (VPBank Securities) và công ty bảo hiểm phi nhân thọ (OPES). Dự kiến, mỗi công ty sẽ có vốn điều lệ ở mức 2.000 tỉ đồng, với tỷ lệ sở hữu tối đa là 100%, thuộc về VPBank và các bên liên quan.
Tại lĩnh vực bảo hiểm, dựa trên nền tảng là kinh nghiệm vận hành OPES, lãnh đạo VPBank kỳ vọng việc thành lập và vận hành công ty bảo hiểm nhân thọ sẽ diễn ra thuận lợi, góp phần khai thác tối đa tiềm năng của tệp khách hàng có quy mô hơn 30 triệu người.
“Nếu chỉ hợp tác phân phối bảo hiểm với các đối tác khác, VPBank sẽ luôn bị động về sản phẩm, mô hình kinh doanh, quản lý và chăm sóc khách hàng. Do đó, chúng tôi xác định phải chủ động nguồn kinh doanh, từ sản phẩm cho tới tệp khách hàng và quy trình khai thác. Mặt khác, bảo hiểm nhân thọ và ngân hàng có sự gắn kết rất chặt chẽ về mô hình kinh doanh cũng như sự tương tác trong hệ sinh thái khách hàng”, ông Quân nói tại cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên 2025.
Cũng theo lãnh đạo VPBank, mô hình tập đoàn tài chính sẽ giúp đơn vị tạo ra sức mạnh cộng hưởng cho toàn hệ thống, nhờ tối đa hóa nguồn lực qua việc tạo ra các trung tâm chia sẻ dịch vụ. Chẳng hạn, các thành viên có thể chia sẻ công nghệ, mua sắm chung, điều hành nguồn vốn chung… góp phần giảm chi phí vốn và vận hành, cải thiện hiệu suất hoạt động.
Tương tự, HDBank công bố mô hình vận hành mới dưới tên gọi HD Financial Group, tích hợp các cấu phần, gồm: ngân hàng thương mại (HDBank), ngân hàng số (Vikki), tài chính tiêu dùng (HD Saison), chứng khoán (HD Securities), bảo hiểm (HD Insurance), quản lý quỹ (HD Capital), dịch vụ kiều hối (Đông Á Money Transfer), với mục tiêu nâng cao hiệu quả sử dụng vốn và mở rộng hệ sinh thái tài chính.
HDBank và Vikki Bank được HĐQT doanh nghiệp xác định là hai trụ cột HD Financial Group, với vai trò được phân chia cụ thể. Trong đó, Vikki Bank kinh doanh chủ yếu trên nền tảng số, phục vụ khách hàng bán lẻ và doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV), dựa trên nguồn lực tích hợp của tập đoàn.
“Là ngân hàng số thế hệ mới, Vikki hiện thực hóa tầm nhìn kết nối và trao cơ hội cho hàng triệu khách hàng. Cách tiếp cận này không chỉ phát huy sức mạnh cộng hưởng nội bộ mà còn giúp tối ưu hóa hiệu quả đầu tư, vận hành, đẩy nhanh đổi mới sáng tạo, mang lại giá trị vượt trội cho hơn 20 triệu khách hàng”, ông Kim Byoungho, Chủ tịch HĐQT HDBank nói và cho biết 80% khách hàng mới của ngân hàng năm 2024 đến từ kênh số.
Không chỉ HDBank và VPBank, nhiều đơn vị cũng hướng tới mô hình tập đoàn tài chính - ngân hàng những năm qua. Chẳng hạn, MB nhiều lần xuất hiện trên các phương tiện truyền thông với tên gọi MB Group, cùng hệ sinh thái đa dạng, gồm sáu công ty con là: MB AMC, MBS, MB Capital, MIC, MB AgeasLife, tài chính MB Shinsei và MBV.
Tại các cuộc họp với cổ đông và nhà đầu tư, lãnh đạo MB nhiều lần khẳng định hệ sinh thái của ngân hàng là tập đoàn tài chính, với đầy đủ các dịch vụ tài chính từ chứng khoán, quản lý quỹ, ngân hàng, bảo hiểm và tài chính tiêu dùng, mua bán nợ… tạo ra động lực nội sinh đầy đủ, trong đó lớn nhất ngành tài chính - ngân hàng.
Cần khung pháp lý cụ thể để hạn chế rủi ro
Trong bối cảnh ngân hàng đóng vai trò quan trọng với việc xây dựng và phát triển các tập đoàn tài chính lớn, hoạt động đa ngành nghề và tạo ảnh hưởng lớn đến sự ổn định và phát triển của nền kinh tế, ông Phạm Xuân Hòe, Phó chủ tịch Hiệp hội cho thuê tài chính Việt Nam, cho rằng nếu tập đoàn tài chính phát triển không bền vững, thì nền kinh tế không thể bền vững. Bởi các tập đoàn, nhóm cổ đông của tập đoàn thường liên quan đến những lĩnh vực có rủi ro cao như bất động sản, chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp… nên dễ gây làn sóng đổ vỡ trên các thị trường.
Để hạn chế rủi ro, ông Hòe đề xuất minh bạch hóa thu nhập các cá nhân liên quan tới tập đoàn và công ty con, tiến hành kiểm toán báo cáo tài chính hợp nhất và riêng lẻ của các công ty con.
Với hoạt động giám sát theo chuyên ngành, cần thực hiện chuyên sâu hơn. Đồng thời, nâng tầm phối hợp giám sát giữa các cơ quan chuyên môn thuộc NHNN và Bộ Tài chính.
Bên cạnh đó, có thể nghiên cứu soạn thảo một Nghị định về giám sát bổ sung hợp nhất với tập đoàn tài chính, dựa trên căn cứ của khoản 10 và 11, Điều 4 Luật Tổ chức tín dụng 2024. Trong đó, nhấn mạnh trách nhiệm của ban quản trị - tập hợp những cá nhân đứng đầu tập đoàn tài chính, và điều lệ của tập đoàn tài chính.
"Các giao dịch nội bộ trong tập đoàn tài chính phải được quản lý bởi cơ quan giám sát. Và các công ty thành viên trong tập đoàn tài chính phải báo cáo định kỳ cho cơ quan giám sát các giao dịch nội bộ. Về dài hạn, nên cụ thể hơn trong Luật về thanh tra giám sát, Luật Kiểm toán, Luật Ngân hàng Nhà nước sửa đổi gồm các điều khoản cụ thể về quản lý giám sát tập đoàn tài chính", ông Hòe nói tại một hội thảo về xây dựng các tập đoàn tài chính ở Việt Nam.
HDBank là một trong những ngân hàng dẫn đầu mức tăng trưởng tín dụng của ngành. Ảnh: T.L
Còn Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, nhấn mạnh mức độ giám sát với lĩnh vực phải ở mức cao nhất. Chẳng hạn, toàn bộ cổ đông cần được công khai, thay vì chỉ công khai thông tin cổ đông sở hữu 1% cổ phần ngân hàng; toàn bộ danh sách khách hàng vay vốn đều phải công bố trên website ngân hàng, thay vì chỉ thôn tin khách hàng có dư nợ tương đương 10% vốn điều lệ ngân hàng.
“Chỉ công khai, minh bạch thì mới có giám sát thực sự. Tránh việc một người không nằm trong diện nộp thuế thu nhập cá nhân, nhưng là cổ đông nắm 1% cổ phần ngân hàng hoặc doanh nghiệp liên quan đến giới chủ vay từ ngân hàng. Bởi chỉ cần 10 cổ đông, mỗi người đứng tên sở hữu suýt soát 1% thì đã thành số gần gấp đôi giới hạn đối với một cổ đông cá nhân", ông Đức đặt vấn đề.
Vân Phong