Khi nghệ sĩ Hồng Ánh, Thanh Thủy lấy nước mắt khán giả

Khi nghệ sĩ Hồng Ánh, Thanh Thủy lấy nước mắt khán giả
4 giờ trướcBài gốc
Dưới bóng giai nhân do Quang Thảo đạo diễn, quy tụ dàn diễn viên thực lực của Nhà hát Kịch Idecaf: Hồng Ánh, NSƯT Mỹ Duyên, Thanh Thủy, Hoàng Trinh, Đại Nghĩa, Đình Toàn… Vở được cảm tác từ Truyện Kiều nổi tiếng của đại thi hào Nguyễn Du.
Vở kịch gồm 14 màn, xoay quanh 15 năm lưu lạc của nàng Kiều với hàng loạt biến cố. Bên cạnh chi tiết cốt lõi, tác giả hư cấu thêm một số nhân vật và tình huống, tạo sự mới mẻ, lôi cuốn cho tác phẩm.
Hồng Ánh cho thấy nội lực diễn xuất với vai diễn đòi hỏi đa tầng cảm xúc. Xuyên suốt vở kịch, nữ nghệ sĩ khai thác tốt chuyển biến trong tâm lý nhân vật, từ lúc còn là cô gái ngây thơ, đến khi gặp gia biến, lưu lạc và trải qua thăng trầm cuộc đời...
Ở tuổi 47, Hồng Ánh được đánh giá có ngoại hình khá phù hợp để hóa thân cô gái đôi mươi như Thúy Kiều. So với bản gốc, nhân vật mới có chiều sâu hơn về tính cách, mang tính nữ hiện đại. Kiều khi gặp bi kịch không buông xuôi, gục ngã, mà cho thấy sự quyết liệt, chủ động đứng dậy quyết định cuộc đời mình.
Hồng Ánh lấy nước mắt khán giả với các cảnh: Thúy Kiều hầu rượu Hoạn Thư và Thúc Sinh, màn đối thoại với Đạm Tiên, hay cảnh Kiều bị Hồ Tôn Hiến lừa, gián tiếp dẫn đến cái chết của Từ Hải…
Kiều đi hết một vòng đời được gói gọn trong từng ấy thời gian để tìm lại chính mình, cũng là để mưu cầu hạnh phúc. Những buồn vui, lúc hạnh phúc, khi bi phẫn hay tiếng thét của Kiều khi bị đẩy vào cảnh cùng cực khiến khán giả tin vào câu chuyện, cảm thương cho nhân vật.
Hồng Ánh đã dụng công, nghiên cứu kỹ từng lớp diễn để tạo nên một bản thể Thúy Kiều: mới mẻ và hợp thời đại hơn cho hình tượng vốn dĩ đã quá quen thuộc với khán giả.
Phân đoạn diễn xuất của nghệ sĩ Hồng Ánh và Thanh Thủy
Không dừng ở Kiều, vở kịch mang góc nhìn đa chiều về thân phận phụ nữ thời xưa. Các nhân vật Đạm Tiên, Tú Bà, Hoạn Thư được khắc họa với góc nhìn cảm thông. Đạm Tiên (NSƯT Mỹ Duyên) như chiếc bóng của Kiều, xuất hiện lúc Kiều cô đơn, cùng Kiều giãi bày nỗi lòng.
Vốn đều là diễn viên múa, Hồng Ánh và Mỹ Duyên có màn tương tác ăn ý về hình thể.
Đạm Tiên và Thúy Kiều như hình với bóng, vừa là quá khứ vừa là thực tại, giãi bày tâm tình với nhau, vừa để nói lên nét đồng điệu, sự đa cảm mãnh liệt của trái tim khát khao đi tìm hạnh phúc của thân phận phụ nữ.
Nhân tố gây bất ngờ của vở là vai Hoạn Thư do nghệ sĩ Thanh Thủy đóng. Nhân vật trước nay được nhìn nhận là đàn bà ghen tuông cay nghiệt, là một trong những người góp phần tạo nên bi kịch cho Kiều.
Trong vở kịch, Hoạn Thư được kể với góc nhìn thấu cảm hơn. Đằng sau một tiểu thư dữ dằn, là một người phụ nữ lắm nỗi niềm, vừa vun vén tổ ấm trong ngoài, lại vừa khao khát níu giữ trái tim của người chồng mình thương yêu.
Vai diễn có nhiều câu thoại đắt giá, như tự nhận là “gái độc không con” để chồng Thúc Sinh thoát tiếng bị vô sinh; Câu nói “Tại sao phụ nữ phải giẫm đạp nhau vì một người đàn ông không ra gì?" khi đối thoại với Kiều hay hành động cởi áo đòi Kiều “chỉ cho cách chiều chồng bằng kỹ năng ân ái của gái lầu xanh”... Ở cuối tác phẩm, Hoạn Thư chấp nhận từ bỏ Thúc Sinh để “sắp xếp lại cuộc đời” được đánh giá là điểm mới mẻ, hợp thời đại.
Trong buổi phúc khảo, Thanh Thủy bị đau bao tử vẫn cố gắng hoàn thành vai diễn. Chị kể bị khớp, đau họng, lại vừa mổ mắt song phải ráo riết tập luyện nên sức khỏe đi xuống. Nghệ sĩ mong nỗ lực của ê-kíp sẽ được đón nhận.
Chia sẻ với VietNamNet, nghệ sĩ Thanh Thủy nói vui, hạnh phúc vì nhận được vai diễn tốt, tạo thêm niềm hứng khởi làm nghề.
“Tôi yêu nhân vật Hoạn Thư trong vở bởi sự nổi giận hay ác độc đều được kiểm soát. Số phận bất hạnh nhưng cô ấy ứng xử công bằng với cuộc đời, xử lý cái sai rất văn minh. Tôi nghĩ đó là sự nhân bản, tư tưởng vượt qua định kiến mà tác phẩm hướng tới”, chị bày tỏ.
Nghệ sĩ Hoàng Trinh ghi dấu ấn với nhân vật tú bà Lã Thu. Một đàn bà từng trải, thủ đoạn và đanh đá còn đằng sau đó là phút giây chạnh lòng khi nhớ lại thời xuân sắc đã qua.
Các nhân vật trên vốn được biết đến bởi nét phản diện, nay được đạo diễn xây dựng với lăng kính bao dung, cảm thông. Ở mỗi lớp diễn, họ có dịp giãi bày tâm tư, hoàn cảnh để mỗi nhân vật đều là vai chính trong câu chuyện của mình.
Các nhân vật như Từ Hải (NSƯT Đại Nghĩa đóng) cương trực, oai dũng lại “hữu dũng vô mưu”, một Hồ Tôn Hiến (Đình Toàn) mưu lược song lật lọng... được các nghệ sĩ thể hiện tròn trịa.
Ê-kíp mang vào vở nhiều yếu tố nghệ thuật, với các màn diễn lẩy Kiều, ngâm Kiều, hát chầu văn, múa… Vở được đầu tư nhiều về cảnh trí, phục trang, hơn 200 bộ quần áo được thiết kế riêng.
Nhạc sĩ Văn Tứ Quý góp sức sáng tạo với 30 ca khúc, đoạn nhạc, lớn, nhỏ, có lời và không lời, sử dụng đàn tranh, sáo, đàn bầu tạo nên giai điệu âm nhạc, mang lại chiều sâu cho vở diễn.
Đạo diễn Quang Thảo nói khi tác phẩm được thành hình, anh cảm thấy thoải mái, thoát được trăn trở, lo lắng những ngày qua.
“Tôi rung động vì tác phẩm, có thể vì hiểu nên thương quý. Nếu nói hoàn hảo thì không đúng tuy vậy nó đã đạt được điều tôi mong muốn. Đâu đó tôi thấy đúng khi chọn kịch bản này để dàn dựng”, anh chia sẻ.
Đạo diễn Quang Thảo và các diễn viên trong hậu trường.
Điều Quang Thảo và ê-kíp áp lực là sự đón nhận của khán giả. Nam đạo diễn nhìn nhận thị hiếu người xem không có thước đo cụ thể, do đó kết quả của tác phẩm đều trông chờ vào ngày công diễn chính thức.
Ở vai trò đạo diễn, Quang Thảo cố gắng dung hòa tính nghệ thuật và giải trí của vở. Điều này góp phần chiều lòng số đông đối tượng khán giả, với mong muốn sẽ thỏa mãn được nhu cầu của mỗi người xem khi rời sân khấu.
Dưới bóng giai nhân dự kiến ra mắt tại Nhà hát Bến Thành (TPHCM) trong tháng 12.
Ảnh, clip: HK, Idecaf
Tuấn Chiêu
Nguồn VietnamNet : https://vietnamnet.vn/khi-nghe-si-hong-anh-thanh-thuy-lay-nuoc-mat-khan-gia-2342122.html