Cuối năm thường là thời điểm nhu cầu tuyển dụng lao động tăng cao, nhất là lao động thời vụ, lao động phổ thông. Các doanh nghiệp (DN) cũng tranh thủ đưa ra nhiều chính sách hấp dẫn nhằm thu hút NLĐ về làm việc nhằm giải quyết những đơn hàng cuối năm, kịp cho mùa sản xuất, kinh doanh dịp Tết. Chính vì vậy, khá nhiều lao động có tâm lý “đứng núi này trông núi nọ”, sẵn sàng bỏ việc đang làm để “nhảy” sang một công việc mới với lời mời chào hấp dẫn hơn. Thế nhưng, thực tế cho thấy, không phải công việc mới nào cũng như ý muốn. Lúc này, NLĐ muốn quay lại công việc cũ cũng không được, mà làm việc mới cũng không xong. Chưa kể, các chế độ, chính sách về lương, thưởng dịp Tết sẽ không còn nếu NLĐ tiếp tục nghỉ việc.
Thực trạng trên đã được nhiều chuyên gia lao động cảnh báo và đưa ra lời khuyên đối với những lao động có ý định thay đổi công việc dịp cuối năm, đó là phải cân nhắc thật kỹ, tránh thiệt thòi cho mình. Theo các chuyên gia, nếu công việc cũ ổn định với mức lương, thưởng ổn định, NLĐ nên tiếp tục yên tâm làm việc để hưởng các chế độ trong dịp Tết, không nên vì lời mời mọc hấp dẫn trước mắt mà quên đi lợi ích lâu dài. Muốn tìm công việc khác, NLĐ nên lựa chọn một thời điểm phù hợp, như ra Tết để có sự chuẩn bị kỹ lưỡng hơn, không vì một phút bốc đồng mà “nhảy việc” gây thiệt thòi cho bản thân.
Chính vì có sự cân nhắc, tính toán mà hiện nay, vào dịp sản xuất cuối năm, tình trạng NLĐ “nhảy việc” giảm đáng kể. Đa số NLĐ đều muốn ổn định công việc để hưởng chế độ phúc lợi dịp Tết, không muốn bỏ việc từ DN này qua DN khác hay làm lao động thời vụ bấp bênh. Điều này khiến cho việc tuyển dụng mới của một số DN gặp khó khăn khi muốn mở rộng hoạt động sản xuất, kinh doanh, song là tín hiệu đáng mừng, cho thấy quan hệ lao động trong DN hiện nay khá ổn định, hài hòa. Nhất là, NLĐ đã hiểu hơn về quyền lợi của mình, không “nhảy việc” để đánh đổi quyền lợi sau một thời gian dài gắn bó với DN.
Minh Ngọc