Khi người lao động 'chảnh', doanh nghiệp tuyển dụng khó

Khi người lao động 'chảnh', doanh nghiệp tuyển dụng khó
3 giờ trướcBài gốc
Lao động có trình độ đại học ít cơ hội việc làm
Theo thống kê mới nhất của Trung tâm DVVL Lâm Đồng vừa công bố, 10 tháng đầu năm 2024, toàn tỉnh có 955 doanh nghiệp đăng ký tuyển dụng lao động với nhu cầu 2.922 vị trí việc làm. Ngược lại, trong 10 tháng, có 2.869 lao động tới trung tâm DVVL Lâm Đồng tìm việc, trong đó có tới 1975 người là nữ, nhiều nhất là lao động phổ thông (915 người). Điều này cho thấy cơ hội việc làm cho lao động nữ rất khó khăn, chứng tỏ thị trường lao động dư thừa nên nhà tuyển dụng lựa chọn lao động là nam giới.
Người lao động tìm kiếm cơ hội việc làm tại Trung tâm DVVL Lâm Đồng.
Nhìn ở góc độ cầu – cung cho thấy một số ngành nghề rất khó tìm việc, chẳng hạn như ngành nghề Tài chính đang dư thừa nhiều khi nhu cầu tuyển dụng chỉ 270 lao động nhưng nguồn cung lên tới 621 lao động. Ngược lại, cơ hội tìm kiếm việc làm cao nhất rơi vào ngành dệt may khi cần tới 650 lao động nhưng chỉ có 150 người tham gia tuyển dụng.
Cung - cầu lao động theo các ngành nghề.
Còn nếu phân chia theo nhóm ngành nghề, dịch vụ vẫn là khu vực sôi động, chiếm đa số nhu cầu tuyển dụng cũng như nguồn cung của thị trường lao động. Nhóm ngành nghề công nghiệp xây dựng có nhu cầu tuyển dụng giảm mạnh so với mọi năm.
Khối dịch vụ chiếm ưu thế thị trường lao động Lâm Đồng.
Thực trạng đáng báo động đã tồn tại lâu nay của thị trường Lâm Đồng tiếp tục diễn ra trong 10 tháng của năm 2024 đó là lao động phổ thông chiếm ưu thế ở cả cung lẫn cầu, nhà tuyển dụng có xu hướng thích tuyển dụng lao động phổ thông.
Cụ thể, toàn thị trường có 31,9% lao động phổ thông tham gia tìm việc nhưng nhu cầu tuyển dụng chiếm tới 67% toàn thị trường.
Trong khi đó nhóm lao động có trình độ, nhất là trình độ đại học rất khó tìm việc, đang dư thừa. Cụ thể, trong khi nhu cầu tuyển dụng chỉ 6,7% nhưng lao động có trình độ đại học đi tìm việc chiếm tới 25%. Tỷ lệ cung – cầu lao động có trình độ cao đẳng là 9,7% - 4,9%; trình độ trung cấp 20,1% - 10%; công nhân kỹ thuật 13% - 11,3%...
Cơ hội việc làm dồi dào nhưng lao động có độ "chảnh”
Theo khảo sát của Trung tâm DVVL Lâm Đồng, chỉ riêng trong tháng 10/2024, toàn tỉnh có 196 doanh nghiệp tuyển dụng 1.234 vị trí việc làm chưa có người ứng tuyển. Mặc dù qua 10 tháng, số lượng lao động ứng tuyển tương ứng với nhu cầu tuyển dụng (2.869 – 2.922) nhưng vị trí ứng tuyển còn trống rất nhiều cho thấy lao động ở Lâm Đồng có độ "chảnh”: “Đây là những vị trí việc làm nhà tuyển dụng đăng ký tuyển chỉ trong tháng 10/2024 cho thấy công việc đang rất tươi và mới, cơ hội tìm việc rất dồi dào”, ông Hoàng Trọng Vinh- Giám đốc Trung tâm DVVL Lâm Đồng đánh giá.
Hơn 1.000 vị trí tuyển dụng trong tháng 10/2024 chưa có người ứng tuyển cho thấy cơ hội việc làm dồi dào.
Cũng theo khảo sát của Trung tâm DVVL Lâm Đồng, nhìn chung lao động ở địa phương đều mong muốn có mức lương cao, trong khi doanh nghiệp vẫn đang khó khăn, chủ yếu trả lương ở mức lương 5-10 triệu đồng/tháng.
Thống kê chung thì lao động có mức lương 5-10 triệu đồng ở Lâm Đồng chiếm tới 85%; từ 2,5- 3% lao động có mức lương trên 10 triệu đồng; lao động có mức lương trên 15 triệu đồng rất ít. Khảo sát của Trung tâm DVVL Lâm Đồng cũng cho thấy lao động trẻ không sẵn sàng tham gia tìm việc làm, độ trì trệ tham gia thị trường lao động cao, nhất là nam giới. Điều này cho thấy người lao động chưa ưu tiên làm việc cần trước khi làm việc như mong muốn.
Nhìn chung thị trường lao động Lâm Đồng quý III/2024 có 3 đặc điểm chính như sau: Thứ nhất, doanh nghiệp tuyển dụng lao động giảm khoảng 30% so với cùng kỳ năm 2023, nhất là nhóm ngành dịch vụ; nông lâm nghiệp; nhóm công nghiệp xây dựng; dệt may có nhu cầu tuyển dụng tăng. Xét theo trình độ thì nhà tuyển dụng có xu hướng hạn chế tuyển dụng lao động có trình độ, nhất là lao động có trình độ đại học, giảm hơn 50% so với cùng kỳ. Điều này cho thấy DN vẫn đang khó khăn.
Cơ hội tìm việc làm với lao động nữ ở Lâm Đồng rất khó khăn.
Thứ hai, lao động nữ ít có cơ hội tìm được việc làm, nhu cầu tuyển dụng lao động nam giới tăng lên cho thấy thị trường lao động có sự dư thừa; Thứ ba, lao động nghỉ việc giảm so với cùng kỳ nhưng có hiện tượng lao động nghỉ việc kéo dài, nhất là lao động nữ tăng lên. Hầu hết nữ giới khi được hỏi lý do nghỉ việc đều trả lời vướng bận nhiều lý do như bận chăm sóc gia đình, con cái, muốn làm việc gần nhà…nên khó tăng năng suất lao động nữ, đồng nghĩa với việc giảm cơ hội sử dụng lao động nữ.
Trong những tháng cuối năm, Giám đốc Trung tâm DVVL Lâm Đồng dự báo, cơ bản thị trường lao động Lâm Đồng chưa có chuyển biến mạnh, doanh nghiệp vẫn khó tuyển dụng lao động do mức lương doanh nghiệp chi trả chưa tương xứng với thị trường lao động phi chính thức. Cụ thể, ở thị trường phi chính thức, người lao động có thể nhận thu nhập 250 ngàn đồng/ngày, được miễn phí cơm trưa, được chủ động trong công việc, còn mức lương chung doanh nghiệp có thể chi trả dưới 200 ngàn đồng/ngày.
Lao động phổ thông có cơ hội tìm được việc làm cao hơn lao động có trình độ.
Để hội nhập thị trường lao động, lãnh đạo Trung tâm DVVL Lâm Đồng cho rằng cần triển khai đồng bộ một số giải pháp. Trước tiên cần thông tin rộng rãi bản tin thị trường lao động được Trung tâm DVVL Lâm Đồng xây dựng để tăng kết nối giữa người sử dụng lao động với người lao động. Bên cạnh đó, cộng đồng doanh nghiệp nên xem xét tăng thu nhập cho người lao động để dễ dàng tuyển dụng lao động. Về phía người lao động, nhất là lao động trẻ, lao động có trình độ cần thay đổi để thích ứng với thị trường lao động hiện nay, đó là làm cái mình cần trước khi làm cái mình muốn; người lao động cần ưu tiên có việc làm, cần thu nhập trước khi cần việc làm lương cao.
Huế Thương
Nguồn Pháp Luật VN : https://baophapluat.vn/khi-nguoi-lao-dong-chanh-doanh-nghiep-tuyen-dung-kho-post530633.html