Khi người trẻ 'chạm' vào lịch sử dân tộc theo cách rất riêng

Khi người trẻ 'chạm' vào lịch sử dân tộc theo cách rất riêng
7 giờ trướcBài gốc
Ngày 27/7, tại trường THCS Võ Trường Toản (11 Nguyễn Bỉnh Khiêm, P. Sài Gòn, TP. HCM), Ngày hội “Chuyện sử - Chuyện ta” đã diễn ra với nhiều hoạt động mang đậm giá trị truyền thống, đem đến nhiều trải nghiệm thú vị trong lòng người tham gia.
Với chủ đề “Ngũ sắc Sử Việt”, Ngày hội không chỉ gợi mở chiều sâu biểu tượng của ngũ hành trong văn hóa dân tộc, mà còn tôn vinh sự giao hòa giữa các thế hệ người Việt trong hành trình gìn giữ và tiếp nối truyền thống. Sự kiện đã thu hút đông đảo học sinh, sinh viên từ nhiều trường học trên địa bàn TP. HCM, những người trẻ cùng chung niềm yêu mến và tự hào về lịch sử dân tộc.
Nhìn lại quá khứ qua lăng kính hiện đại
Chương trình mở đầu bằng một talkshow, với sự góp mặt của hai diễn giả là thầy Võ Phúc Toàn (giảng viên Khoa Lịch sử, trường ĐH KHXH&NV, ĐHQG TP. HCM) và anh Đặng Hữu An (cựu học sinh trường Phổ thông Năng khiếu, ĐHQG TP. HCM, học sinh giỏi Quốc gia môn Lịch sử năm học 2024 - 2025). Tại buổi trò chuyện, hai diễn giả đã chia sẻ về cách lịch sử hòa vào trong cuộc sống trên mọi khía cạnh, từ kinh tế, đối ngoại, đến tư duy, lối sống.
Theo thầy Võ Phúc Toàn, lịch sử là thầy dạy của cuộc sống vì những kinh nghiệm ta đúc kết từ quá khứ đã trở thành những bài học quý báu, là kim chỉ nam giúp thế hệ trẻ định hướng tầm nhìn và góp phần phát triển đất nước.
Các bạn trẻ chăm chú lắng nghe talkshow mở màn ngày hội. Sự kiện do Đội hình Tự hào Sử Việt, trường Phổ thông Năng khiếu (ĐHQG TP. HCM) tổ chức.
Bên cạnh talkshow mở màn kết nối lịch sử với đời sống hiện đại, hoạt động workshop trang trí nón lá cũng thu hút sự quan tâm từ người tham dự. Tại đây, các bạn trẻ được trực tiếp sáng tạo trên chiếc nón truyền thống bằng màu sắc, họa tiết và ý tưởng cá nhân. Đó không chỉ là hoạt động trải nghiệm thủ công đơn thuần, mà còn là dịp để người trẻ thể hiện góc nhìn thẩm mỹ, cá tính và cảm xúc của mình đối với biểu tượng văn hóa Việt.
Nguyên vật liệu được chuẩn bị sẵn cho hoạt động trang trí nón lá tại Ngày hội.
Trần Gia Vy (trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch) chia sẻ: “Hoạt động giúp mình thêm yêu chiếc nón lá truyền thống dân tộc và hôm nay là lần đầu tiên mình có cơ hội được thể hiện tinh thần yêu nước qua những nét cọ”.
Trần Gia Vy thích thú khi lần đầu tự tay trang trí chiếc nón lá theo sở thích.
Hiểu chính mình theo một cách “rất Việt”
Tiếp nối với các hoạt động thú vị trước đó, loạt gian hàng trải nghiệm dân gian cũng đã tạo nên không khí vô cùng rộn ràng và đầy màu sắc.
Tại booth “Bói quẻ Kiều Hoa”, các bạn trẻ được trải nghiệm hình thức rút quẻ theo thơ Truyện Kiều, mỗi quẻ là một lát cắt tâm tình, sâu lắng và đầy thi vị. Trong khi đó, gian hàng Chắp cánh Hồn Việt” cũng đã đưa người tham gia trở lại tuổi thơ với hoạt động làm diều giấy truyền thống - món đồ chơi dân gian thấm đẫm hồn Việt.
Gian hàng “Chắp cánh hồn Việt” được các bạn ban tổ chức thiết kế và trang trí.
Booth “Chạm sử - Khai danh” cũng thu hút đông đảo người tham dự. Ý tưởng được hình thành từ chính sở thích của giới trẻ hiện nay đối với các hình thức khám phá bản thân như MBTI hay tarot. Lê Gia Phúc Uyên (đại diện Đội hình Tự hào Sử Việt) chia sẻ: “Nếu có thể tạo ra một hình thức ‘triệu hồi linh vật’ từ các giá trị văn hóa dân gian, thì đó sẽ là cách để các bạn hiểu chính mình theo một cách rất Việt”.
Không chỉ đơn thuần là trò chơi trắc nghiệm tính cách, “Chạm sử - Khai danh” còn là hành trình khám phá bản sắc cá nhân, nơi mỗi người tham gia được gắn với một linh vật đại diện, như một sự kết nối thú vị với chiều sâu văn hóa dân tộc.
Khoảnh khắc rạng rỡ của các bạn bên photobooth dân gian “Chuyện sử – Chuyện ta”.
Không gian photobooth dân gian cũng thu hút nhiều bạn trẻ check-in. Với phông nền lấy cảm hứng từ tranh vẽ, họa tiết và phục trang truyền thống, người tham gia có thể hóa thân thành nhân vật xưa và lưu giữ khoảnh khắc mang đậm màu sắc văn hóa trong không gian hiện đại.
Nguồn SVVN : https://svvn.tienphong.vn/khi-nguoi-tre-cham-vao-lich-su-dan-toc-theo-cach-rat-rieng-post1764204.tpo