Khi người trẻ đam mê khảo cổ

Khi người trẻ đam mê khảo cổ
4 giờ trướcBài gốc
Với đam mê khảo cổ, chàng trai trẻ Đỗ Minh Nghĩa đã trở thành hiện tượng trên mạng xã hội.
Khảo cổ bỗng mới mẻ, hấp dẫn
Khảo cổ - nghề nghe có vẻ xa lạ, nhưng qua cách “phá băng” của một số người trẻ bỗng trở nên mới mẻ, hấp dẫn. Để làm được điều đó chỉ có thể là đam mê. Loạt video hơn 100 tập “Nhật ký khảo cổ học” được đăng trên TikTok của tài khoản “Nghĩa Khảo Cổ” gần 2 năm qua đã trở thành nguồn cảm hứng khi công chúng tiếp cận với khảo cổ.
Chủ tài khoản “Nghĩa Khảo Cổ” là nhà khảo cổ trẻ Đỗ Minh Nghĩa, sinh năm 1994, hiện công tác tại Viện Bảo tồn di tích (Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch). Công việc của anh suốt thời gian qua là tập trung vào khai quật khảo cổ, đồng thời nghiên cứu kiến trúc cổ, bảo tồn di tích, xây dựng hồ sơ xếp hạng và số hóa các di tích.
Chia sẻ về tài khoản trên TikTok, anh Nghĩa cho biết, mục đích ban đầu chỉ là để ghi lại những kỷ niệm qua các chuyến đi thực tế, đồng thời lưu lại tư liệu làm việc, và cũng là cách để những người thân, bạn bè biết được công việc nên nội dung video ngắn gọn, súc tích, dễ hiểu và có tính thực tiễn cao. Thế nhưng, thật bất ngờ, sau khi đưa các nội dung này lên TikTok thì số người theo dõi với lượng tương tác ngày càng cao cho thấy sức hút đặc biệt của kênh “Nghĩa Khảo Cổ” .
Nhiều ý kiến nhận xét, loạt video của Đỗ Minh Nghĩa đã chạm đến cảm xúc của công chúng bởi sự sống động, bồi đắp cho người xem tình yêu với khảo cổ, với lịch sử. Qua những video cho thấy khảo cổ học có vai trò quan trọng trong nghiên cứu lịch sử - văn hóa. Nhờ có khảo cổ học, nhiều vấn đề của lịch sử dần được sáng tỏ.
Bắt đầu từ năm 2013 tới nay, nhà khảo cổ trẻ Đỗ Minh Nghĩa đã tham gia khai quật 27 công trường. Ấn tượng nhất với anh là lần khai quật đền An Sinh (thị xã Đông Triều, Quảng Ninh) - một di tích lớn, được nhiều nhà khoa học nhận định là phủ đệ của An Sinh Vương Trần Liễu (cha của Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn). Tại đây, anh Nghĩa và đồng nghiệp đã tìm thấy một thống gốm men nâu thời Trần, thế kỷ XIII. Chiếc thống gốm hoa nâu An Sinh sau đó đã được xếp hạng là Bảo vật quốc gia (đợt 10, năm 2021).
Những bí ẩn sau các cuộc khai quật dần hé lộ, được lý giải một cách khoa học về câu chuyện của lịch sử. Theo anh Nghĩa, khảo cổ học là một chuyên ngành khoa học tương đối trẻ tuổi, nhưng đã phát triển nhanh chóng. Việc nghiên cứu, khai quật khảo cổ học giúp chúng ta hiểu biết hơn về quá khứ của loài người. Khảo cổ học giúp làm sáng tỏ nhiều sai lầm, thiếu sót của các giả thuyết chỉ đơn thuần dựa trên các tài liệu lịch sử và truyền thuyết.
Khảo cổ học cũng giúp bổ trợ cho các ngành khoa học khác như địa chất, kiến trúc, mỹ thuật. Và rõ nhất hiện nay đó là khảo cổ học đã cung cấp tư liệu chân thực và chính xác về quy mô, cấu trúc, hình dáng và hoa văn cho việc trùng tu các di tích chùa, tháp cổ.
Đánh thức di sản
Coi khảo cổ là lẽ sống, nhà nghiên cứu độc lập về lĩnh vực khảo cổ Đào Xuân Ngọc (sinh năm 1987, quê Phú Thọ) cũng có hơn 12 năm trong nghề kể từ khi còn là sinh viên ngành Lý luận - Lịch sử mỹ thuật tại Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam. Năm 2020, khi bản phục dựng 3D di tích tháp cổ chùa Dạm (Bắc Ninh) - một trong những ngôi chùa lớn nhất của thời Lý được công bố, thì cũng là lúc giới nghiên cứu khoa học, kiến trúc và Phật giáo bắt đầu biết đến nhà nghiên cứu Đào Xuân Ngọc nhiều hơn.
Tiếp đến là những kết quả nghiên cứu đáng chú ý của nhà nghiên cứu Đào Xuân Ngọc như: Nghiên cứu về phong cách và niên đại 3 pho tượng Tam Thế Phật chùa Ngọc Khám (giải Nhất Nghiên cứu khoa học sinh viên, 2010 - 2011), bản phục dựng mô hình tháp chùa Thượng Miện Tự, chùa Hắc Y (2016 - 2017), tham gia phục dựng 2D phần đế bia Sùng Thiện Diên Linh…
Khác với nhiều cá nhân chỉ được đào tạo về ngành khảo cổ, Xuân Ngọc xuất thân từ ngành nghiên cứu mỹ thuật nên có đam mê và hiểu biết về nhiều vấn đề liên quan như mỹ thuật tôn giáo, kiến trúc Phật giáo. Sau một thời gian dài theo đuổi khảo cổ học, anh mong muốn mở một không gian xưởng nghiên cứu thực nghiệm để tự thử nghiệm, tìm tòi và khám phá nhiều hơn trong ngành khảo cổ.
Không theo học ngành khảo cổ, nhưng lại góp sức “truyền lửa” cho di tích Óc Eo - Ba Thê ở Thoại Sơn (An Giang), đó là Trương Minh Thuận, sinh năm 1999 - hướng dẫn viên Nhà trưng bày văn hóa Óc Eo. Anh Thuận nói: “Điều tôi phấn khởi và hứng thú đó chính là được truyền tải thông tin đến mọi người về một nền văn hóa cổ đại được đánh thức bởi các nhà khảo cổ học cách đây hơn 2.000 năm. Bên cạnh đó, tôi còn được tiếp xúc với nhiều nhà nghiên cứu, để tôi được hiểu rõ những thông tin về hiện vật và các điểm di tích, được tiếp xúc trực tiếp với các di vật và di tích của nền văn hóa Óc Eo”.
Như nhiều bạn trẻ thế hệ gen Z, anh Thuận thích sử dụng mạng xã hội. Một trong những nội dung thường xuyên được anh chia sẻ trên trang cá nhân đó là các hình ảnh, thông tin giới thiệu về văn hóa Óc Eo, thu hút nhiều tương tác, bình luận và chia sẻ.
Từ những cách làm trên cho thấy, một tín hiệu đáng mừng khi những người trẻ đã mang tinh thần trẻ trung, sáng tạo thổi hồn vào lĩnh vực khảo cổ tưởng như rất khó khai phá, giúp mọi người có thêm kiến thức và tình yêu đối với lịch sử.
TS Khảo cổ học Nguyễn Thị Hậu:
Hiểu đúng lịch sử - văn hóa từ căn cốt mới có thể gìn giữ bản sắc
Khảo cổ học luôn mang lại những tài liệu khoa học mới để mở rộng giới hạn và nhận thức mới về lịch sử, đồng thời góp phần tích cực trong việc tìm hiểu cội nguồn, bản sắc văn hóa từng vùng miền và cả dân tộc. Hiểu sâu sắc, hiểu đúng lịch sử - văn hóa từ căn cốt mới có thể gìn giữ bản sắc, bảo tồn truyền thống một cách khoa học, mới có thể đưa truyền thống, bản sắc đóng góp tích cực cho cuộc sống hôm nay.
Thật mừng khi nhiều bạn trẻ hiện nay hiểu về tầm quan trọng của việc gìn giữ bản sắc dân tộc và có thái độ tích cực trong việc bảo vệ giá trị văn hóa truyền thống. Nhưng nền tảng kiến thức văn hóa truyền thống của nhiều bạn chưa đầy đủ, còn bó hẹp trong kiến thức hàn lâm nhận được từ trường học, chưa tích cực tự tìm hiểu từ đời sống thực tế.
Do đó để giữ gìn, phát huy bản sắc dân tộc, văn hóa truyền thống, đặc biệt trong thời đại công nghệ kỹ thuật phát triển, trước hết hãy tìm hiểu về “bản sắc dân tộc, văn hóa truyền thống” với tâm thức cởi mở, không định kiến, bởi vì văn hóa luôn đa dạng và thay đổi theo thời gian, theo bối cảnh xã hội. Hãy quý trọng giá trị của văn hóa truyền thống và ứng xử một cách khoa học, có thái độ tôn trọng với di sản văn hóa và với những người đang trực tiếp làm công tác bảo tồn di sản văn hóa.
Hà Thành
Nguồn Đại Đoàn Kết : https://daidoanket.vn/khi-nguoi-tre-dam-me-khao-co-10294592.html