Khi người trẻ 'lười yêu, ngại cưới'

Khi người trẻ 'lười yêu, ngại cưới'
3 giờ trướcBài gốc
Nhiều người trẻ có xu hướng lựa chọn kết hôn muộn (ảnh minh họa). Ảnh: P.V
Không muốn bị ràng buộc bởi hôn nhân
Có một thực tế hiện nay nhiều bạn trẻ không hứng thú với việc kết hôn và có nhiều lý do khiến họ trì hoãn lập gia đình. Tôi có cô em họ Nguyễn Thị H., 31 tuổi, hiện đang làm việc tại một công ty vốn đầu tư nước ngoài tại xã Hoằng Thịnh (Hoằng Hóa) với mức lương trên 20 triệu đồng/tháng. Công việc bận rộn, một tuần H. chỉ được nghỉ duy nhất 1 ngày chủ nhật. “Con gái có thì”, mặc dù bố mẹ H. thường xuyên thúc giục cô chuyện lập gia đình, nhiều chàng trai cũng ngỏ ý muốn làm quen, tìm hiểu, gắn kết quan hệ. Song, bản thân H. một phần vì quá bận rộn với công việc, phần vì quan điểm cho rằng hôn nhân không còn quá quan trọng trong cuộc sống hiện đại nên cô ngại chuyện gặp gỡ, tìm hiểu, yêu và cưới. Thời gian rảnh rỗi của H. chỉ là chơi thể thao, dọn dẹp nhà cửa và lướt mạng xã hội. Đam mê công việc và mạng xã hội, internet luôn là “bạn đồng hành” khiến H. cũng như nhiều bạn trẻ khác ít cảm thấy cô đơn.
Bạn Nguyễn Linh C., 36 tuổi, ở phường Trường Thi (TP Thanh Hóa) cũng được xem là một trường hợp “ế” chủ động. C. là một người hoạt bát, là mẫu phụ nữ độc lập về tài chính và cũng chủ động không muốn bước vào thế giới hôn nhân. C. chia sẻ: “Phụ nữ khi lấy chồng thay đổi quá nhiều. Họ gần như không có thời gian dành cho bản thân, có những người còn bị đối xử tệ bạc. Nhiều người bạn của tôi lấy chồng chỉ được một vài năm rồi thì cãi vã, giận dỗi, thậm chí nhiều cặp đôi “đường ai nấy đi” chỉ với lý do không hòa hợp tính cách. Mối quan hệ hôn nhân, gia đình khá phức tạp nên tôi rất ngại lao vào những rắc rối đó”. Theo quan điểm của C., cô không muốn bị ràng buộc bởi hôn nhân, muốn một mình tự do ở một nhà, sống độc thân và theo đuổi đam mê trong công việc. Sau giờ làm việc thì chơi thể thao, lúc rảnh rỗi thì rủ bạn bè đi café, nghỉ dài ngày thì đi du lịch.
Không chỉ ở nữ giới, nhiều nam giới cũng ít hứng thú với hôn nhân gia đình. Ví như anh Trần Minh Đ., ở phường Đông Hải (TP Thanh Hóa) năm nay đã 41 tuổi nhưng vẫn cô đơn, lẻ bóng. Đ. là con trai cả của gia đình nên bố mẹ Đ. luôn thúc giục Đ. lấy vợ; nhiều lúc Đ. thấy mủi lòng khi để bố mẹ già phải lo lắng cho mình. Song, nghĩ đến gánh nặng về kinh tế, trách nhiệm phải gánh vác trên vai một gia đình nhỏ nên mỗi khi được hỏi “bao giờ cưới”, Đ. cũng chỉ cười trừ và đáp “từ từ tính”.
Trường hợp bạn Nguyễn Văn H., năm nay 28 tuổi, là chiến sĩ lực lượng vũ trang đang công tác tại huyện Quan Hóa. Cao ráo, đẹp trai, công việc ổn định song do hoàn cảnh công tác xa nhà nên đến nay H. vẫn chưa có một “mảnh tình vắt vai”. H. chia sẻ: “Nhiều lúc em cũng muốn tìm người yêu để kết hôn, ổn định cuộc sống và để bố mẹ yên tâm, song vẫn chưa tìm được “người đồng hành”. Các bạn gái bây giờ cũng có nhiều sự lựa chọn trong tình yêu, hôn nhân, điều kiện kinh tế, hoàn cảnh gia đình nên việc tìm kiếm một người phù hợp để có thể “tâm đầu ý hợp” trong một mối quan hệ gắn bó lâu dài không phải là chuyện dễ”.
Xu hướng kết hôn muộn
Theo quan niệm truyền thống, nam nữ đến tuổi trưởng thành phải dựng vợ, gả chồng. Khi đã lập gia đình, vợ chồng phải sinh con. Bởi mục tiêu của các gia đình (nhất là trong nền văn hóa phương Đông), việc sinh con là tất yếu để duy trì nòi giống, có người thờ phụng. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại, tư tưởng, quan niệm truyền thống dường như ít chi phối đến suy nghĩ, hành động của người trẻ. Nhiều người trẻ tập trung cho việc xây dựng sự nghiệp và tài chính cá nhân, không hướng đến mục tiêu kết hôn.
Tại Hội thảo quốc tế tham vấn chính sách, giải pháp ngăn chặn xu hướng mức sinh thấp do Cục Dân số (Bộ Y tế) tổ chức ngày 28/8/2024 tại Hà Nội, ông Phạm Vũ Hoàng, Phó Cục trưởng Cục Dân số thông tin: Tuổi kết hôn lần đầu tại Việt Nam liên tục tăng trong các năm qua cho thấy xu hướng kết hôn và sinh con muộn hơn. Cụ thể, tuổi trung bình kết hôn lần đầu tăng từ 24,1 tuổi (năm 1999) lên 25,2 tuổi (năm 2019). Sau 4 năm (2019-2023), tuổi kết hôn lần đầu đã tăng thêm 2 tuổi, từ 25,2 tuổi lên 27,2 tuổi. Năm 2023, tuổi kết hôn trung bình lần đầu của nam giới là 29,3 và nữ giới là 25,1. Đặc biệt, độ tuổi kết hôn trung bình của các bạn trẻ ở TP Hồ Chí Minh lên tới 30,4 tuổi.
Theo Tiến sĩ Nguyễn Thị Lý, Trưởng Bộ môn Xã hội học, Khoa Khoa học xã hội, Trường Đại học Hồng Đức, xu hướng “lười yêu, ngại kết hôn” hiện nay là một thực trạng đang diễn ra trong xã hội. Đi kèm với đó là tỷ lệ người độc thân cũng tăng dần qua các năm. Rõ ràng, đây cũng là xu thế xảy ra tại một số quốc gia rất gần với Việt Nam như: Hàn Quốc, Nhật Bản. Từ góc nhìn của xã hội học, xu hướng kết hôn muộn dẫn đến nhiều hệ lụy cho gia đình và xã hội.
Tiến sĩ Nguyễn Thị Lý nhận định: Đánh giá một cách khách quan thì có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến xu hướng người trẻ kết hôn muộn. Trong đó có thể “điểm danh” một số nguyên nhân chung, như: Kinh tế phát triển và sự năng động của thời đại 4.0, nhiều bạn trẻ chú trọng việc phát triển bản thân, nâng cao trình độ, năng lực, nắm bắt các cơ hội tự chủ cuộc sống, độc lập về tài chính trước khi lập gia đình và sinh con. Quan niệm về tình yêu và tình dục của các bạn trẻ hiện nay thay đổi nhiều cũng ảnh hưởng đến việc kết hôn. Thời đại công nghệ số, điện thoại thông minh trở thành vật bất ly thân của mỗi người. Nhiều người trẻ ít có nhu cầu tương tác, trò chuyện trực tiếp trong đời sống thực mà thường thông qua internet. Internet đáp ứng các nhu cầu giải trí của các bạn trẻ, thậm chí là giải tỏa các vấn đề tâm sinh lý của mỗi người, do đó, nhiều bạn trẻ không có nhu cầu phát triển các mối quan hệ trong đời sống thực. Bên cạnh đó, truyền thông phát triển, ảnh hưởng của những thông tin về hôn nhân, gia đình như: Bạo lực, đánh ghen, ly hôn, tranh chấp ly hôn... tạo thành những luồng thông tin tạo áp lực khiến nhiều người trẻ ngại thay đổi, ngại bước vào cuộc sống hôn nhân.
Xu hướng giới trẻ kết hôn muộn vừa có mặt tích cực, vừa có những ảnh hưởng tiêu cực. Mặt tích cực là các bạn trẻ có xu hướng tập trung vào việc nâng cao chất lượng cuộc sống, phát huy năng lực bản thân, phát triển sự nghiệp, cống hiến, đóng góp cho xã hội. Còn mặt tiêu cực dễ nhìn thấy nhất đó là dẫn đến việc sinh con muộn, xu hướng sinh một con hoặc không sinh con ngày càng phổ biến hơn. Y học đã chỉ ra rất nhiều các nguy cơ từ việc phụ nữ sinh con muộn như sảy thai, sinh non, sinh khó, tiền sản giật, thai lưu, con mắc các hội chứng... Đặc biệt, khi mức sinh giảm thấp sẽ dẫn tới suy giảm quy mô dân số, suy giảm nhóm dân số trong độ tuổi lao động trong tương lai, làm tăng nhanh quá trình già hóa dân số.
“Mỗi người là một cá thể khác nhau và sẽ có cách lựa chọn khác nhau. Tuy nhiên, xét từ rất nhiều yếu tố, tôi cho rằng phụ nữ không nên kết hôn quá sớm, song cũng không nên kết hôn muộn. Bởi đó không chỉ là trách nhiệm với gia đình mà là trách nhiệm xã hội. Bởi gia đình vẫn luôn là một thiết chế đặc thù của xã hội, là môi trường lành mạnh để xây dựng nguồn lực con người. Chính phủ cũng khuyến khích nam, nữ kết hôn trước 30 tuổi và sớm sinh con, phụ nữ sinh con thứ hai trước 35 tuổi...”, Tiến sĩ Lý chia sẻ thêm.
Mai Phương - Việt Hương
Nguồn Thanh Hóa : https://vhds.baothanhhoa.vn/khi-nguoi-tre-luoi-yeu-ngai-cuoi-33126.htm