Khi người trẻ trở về quê hương làm nông nghiệp sẽ giảm áp lực cho người già, nâng cao giá trị kinh tế.
Những mô hình nông nghiệp hấp dẫn, có thu nhập thực chất
Thực tế cho thấy, người trẻ sẽ không lựa chọn ở lại với ruộng đồng nếu phải tiếp tục cuộc sống "bán mặt cho đất, bán lưng cho trời" như các thế hệ trước. Nông nghiệp truyền thống với thu nhập thấp, rủi ro cao, lệ thuộc vào thời tiết và thị trường bấp bênh không còn đủ sức hấp dẫn họ.
Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa người trẻ quay lưng hoàn toàn với nông nghiệp. Khi nông nghiệp trở thành ngành nghề có tiềm năng kinh doanh thực chất, được tổ chức bài bản, ứng dụng công nghệ cao, có thị trường rõ ràng và thu nhập ổn định, thì chính họ sẽ là lực lượng tiên phong.
Các anh Nguyễn Văn Bách, sinh năm 1991, xóm Trại Mới, xã Phú Lạc, với mô hình trồng dưa lưới; Đỗ Thế Long, sinh năm 1995, xóm Lũng 1, xã Phú Lạc (Đại Từ), với mô hình sản xuất chè đặc sản, hay anh Nguyễn Văn Thắm, sinh năm 1985, xóm Na Bán, xã Phúc Lương (Đại Từ), với mô hình chăn nuôi lợn sinh học... là những người trẻ điển hình sau khi “bôn ba” ngoài xã hội đã trở về làm giàu trên chính mảnh đất quê hương. Họ đều có doanh thu từ trên dưới 1 tỷ đồng/năm. Anh Đỗ Thế Long chia sẻ: “Ngày trước, nhiều bạn trẻ chê nghề sản xuất chè vất vả, giờ học xong đại học có người lại quay về làm cùng chúng tôi vì thu nhập tốt, lại chủ động trong cuộc sống”.
Sản xuất nông nghiệp theo chuỗi liên kết sẽ góp phần ổn định thị trường tiêu thụ sản phẩm.
Hay mô hình kết hợp nông nghiệp sinh thái với du lịch trải nghiệm của chị Bùi Thị Mai, sinh năm 1990, ở xã Hoàng Nông (Đại Từ). Mai xây dựng Homstay Mây Sườn Đông để thu hút du khách đến tham quan, nghỉ dưỡng góp phần quảng bá hình ảnh tươi đẹp của quê hương Đại Từ; đồng thời, giới thiệu tới du khách quy trình sản xuất chè an toàn và thưởng thức ẩm thực địa phương cũng được chế biến an toàn.
Liên kết chuỗi - yếu tố sống còn để người trẻ yên tâm làm nông nghiệp
Một trong những rào cản lớn nhất khiến người trẻ ngần ngại trở lại làm nông chính là nỗi lo "làm ra không biết bán cho ai", hay rơi vào vòng luẩn quẩn “được mùa mất giá, được giá mất mùa”. Không ít thanh niên từng trở về quê với mong muốn khởi nghiệp từ trồng rau sạch, nuôi gà đồi, hay sản xuất chè... nhưng phải bỏ dở giữa chừng vì không có thị trường tiêu thụ ổn định, bị ép giá, hoặc không đủ sức lo “từ A đến Z”.
Vì vậy, liên kết chuỗi giá trị, từ sản xuất, chế biến đến tiêu thụ chính là chiếc “phao cứu sinh” để người trẻ yên tâm gắn bó với nghề nông, coi nông nghiệp như một sự nghiệp thực sự chứ không phải giải pháp tạm thời.
Hợp tác xã (HTX) chè Nhật Thức, ở xã Phục Linh (Đại Từ), là một trong những HTX thành công nhờ xây dựng được chuỗi liên kết từ trồng, chăm sóc, sản xuất, bao tiêu sản phẩm. Người trồng chè không còn lo “chè tươi bán cho ai, giá bao nhiêu”, bởi HTX bao tiêu với mức giá ổn định từ 20.000-30.000 đồng/kg chè tươi. Hơn 100 hộ ở Phục Linh và một số xã lân cận đã trở thành “đối tác” của HTX trong việc cung cấp nguồn nguyên liệu an toàn. HTX tuyệt đối không mua chè tươi ngoài vùng liên kết. Với doanh thu đạt gần 3 tỷ đồng/năm, HTX chè Nhật Thức đang tạo việc làm thường xuyên cho hơn 10 lao động với mức thu nhập bình quân 8 triệu đồng/người/tháng.
Tại huyện vùng cao Võ Nhai, những năm trước, nhiều hộ thanh niên từng trồng măng, na, dược liệu đã thất bại vì không có thị trường ổn định, phụ thuộc vào thương lái. Mùa vụ, nhiều hộ phải đổ bỏ hàng tấn măng, bán na dưới giá thành vì không tìm được đầu ra. Nhưng nay đã thay đổi, khi nhiều hợp tác xã đứng ra bao tiêu sản phẩm, nhiều hộ sản xuất nông nghiệp ở Võ Nhai không còn lo đầu ra cho sản phẩm.
Mô hình du lịch nông nghiệp sinh thái của chị Bùi Thị Mai, ở xã Hoàng Nông (Đại Từ) bước đầu đạt hiệu quả tích cực.
Liên kết chuỗi giá trị trong nông nghiệp chính là nền tảng để người trẻ không còn đơn độc khi làm nông. Khi có thị trường tiêu thụ rõ ràng, đối tác uy tín, hệ sinh thái hỗ trợ từ đào tạo, kỹ thuật đến bao bì, truyền thông... thì làm nông trở thành một sự lựa chọn có lý trí và có lãi. Thái Nguyên cần mở rộng các mô hình liên kết hiệu quả, hỗ trợ HTX, tổ hợp tác trẻ, doanh nghiệp nông nghiệp đồng hành với thanh niên để từng sản phẩm chè, bưởi, na, gà đồi... đều có một chuỗi kết nối giá trị bền vững.
Nông nghiệp số - cánh cửa cho người trẻ phát huy năng lực công nghệ
Không thể kỳ vọng những nông dân lớn tuổi có thể điều hành mô hình sản xuất thông minh hay quảng bá chè, gà, bưởi trên Facebook, TikTok, Shopee... Đây chính là sân chơi của người trẻ. Một nhóm thanh niên thành lập startup Nông sản sạch Thái Nguyên, chuyên livestream bán na Võ Nhai, gạo Bao thai Định Hóa, bưởi Phúc Trìu... Mỗi vụ na, nhóm bán trên 500 đơn/ngày, đưa sản phẩm lên sàn điện tử, doanh thu hơn 500 triệu/vụ.
Nông thôn không thiếu đất, thiếu cơ hội, chỉ thiếu những mô hình nông nghiệp thực chất, có “món lời xứng đáng” để người trẻ ở lại. Để giữ người trẻ, tỉnh cần: Ưu tiên đầu tư mô hình nông nghiệp công nghệ cao, quy mô đủ lớn, có thị trường bao tiêu; Xây dựng chuỗi giá trị rõ ràng, minh bạch, có đối tác đồng hành, để người trẻ không đơn độc; Khuyến khích, hỗ trợ khởi nghiệp nông nghiệp số - nơi người trẻ được sáng tạo, làm chủ và làm giàu... Bên cạnh đó, cần có chính sách tín dụng ưu đãi, hỗ trợ đất đai, đào tạo nghề, bảo hiểm xã hội cho thanh niên làm nông, đặc biệt là người khởi nghiệp tại nông thôn. Đồng thời, cần phát triển các HTX thanh niên, tổ liên kết trẻ để tạo cộng đồng lao động có kỹ năng và động lực bền vững.
“Không ai rời làng khi làng cho họ một tương lai xứng đáng”. Nông thôn Thái Nguyên hoàn toàn có thể làm được điều đó nếu biết cách thắp lửa khát vọng cho người trẻ bằng những mô hình nông nghiệp đáng để dấn thân.
Thái Nguyên cần một chiến lược phát triển hài hòa, nơi công nghiệp được hiện đại hóa, nhưng nông thôn vẫn là nơi đáng sống, đáng lập nghiệp. Khi ấy, người trẻ sẽ không phải rời làng để tìm cơ hội mà chính quê nhà sẽ là cơ hội lớn nhất của họ. Giữ chân lao động trẻ không chỉ là giải pháp tạo việc làm mà là giữ lấy sinh khí, tương lai và sự cân bằng cho phát triển nông thôn bền vững.
(Hết)
Nhóm P.V