Khi nhà hát opera trở thành biểu tượng văn hóa nâng tầm vóc quốc gia

Khi nhà hát opera trở thành biểu tượng văn hóa nâng tầm vóc quốc gia
7 giờ trướcBài gốc
Điểm tên "thánh đường nghệ thuật" lừng danh thế giới
Khi hỏi bất kì người dân nào về niềm tự hào của nước Úc, câu trả lời nhiều nhất có lẽ chính là nhà hát Con Sò Opera Sydney. Cùng câu hỏi nếu đặt ở trung tâm văn hóa châu Âu - Thành phố Milan của Italy, câu trả lời sẽ là Nhà hát Opera La Scala. Còn tại London, Nhà hát opera Hoàng Gia sẽ là công trình sánh đôi với tháp Big Ben, Cầu Tháp. Hàng năm, có tới vài triệu du khách đến với những nhà hát nổi tiếng thế giới này và không phải ai trong số họ cũng đến nhà hát vì lịch sử, ý nghĩa hay những tác phẩm kinh điển bên trong chúng. Chính lối kiến trúc độc đáo cùng danh xưng "biểu tượng mọi thời đại" là điều khiến các nhà hát lừng danh trở thành "điểm đến đời người".
Opera Sydney - "kiệt tác của kiến trúc thế kỷ 20"
UNESCO mô tả nhà hát Con Sò - Opera Sydney là "kiệt tác của kiến trúc thế kỷ 20" hay "biểu tượng kiến trúc nổi tiếng thế giới". Với danh xưng này, có tới 8 triệu du khách tới thăm nhà hát Con Sò mỗi năm. Ra đời trước đó khoảng 200 năm, nhà hát La Scala là niềm tự hào của "kinh đô nghệ thuật" Milan (Italy) được mệnh danh là thánh đường opera bởi những màn trình diễn kinh điển.
Nhiều quốc gia vẫn tiếp tục đầu tư hàng trăm triệu USD để xây dựng nhà hát, chọn lọc thiết kế độc đáo nhất để nhà hát trở thành nơi tổ chức các sự kiện trang trọng và trở thành biểu tượng của thành phố, của quốc gia. Tiêu biểu phải kể đến công trình biểu tượng của thế kỷ 21 - Nhà hát The Elbphilharmonie ở Hamburg (Đức) hay Nhà hát lớn Quốc gia Bắc Kinh với thiết kế giống một nửa hình elip độc đáo.
Nơi tôn vinh văn hóa
Không chỉ mang kiến trúc biểu tượng, những nhà hát nổi tiếng thế giới đều trở thành "trái tim" của đời sống văn hóa một đất nước. Được đứng trên sân khấu nhà hát nổi tiếng cũng chính là "giấc mộng" của những người nghệ sĩ vĩ đại. "Thánh đường" opera và ballet của nước Anh - Nhà hát opera Hoàng gia được xây dựng tại Covent Garden, quảng trường trung tâm và là địa điểm du lịch văn hóa nổi tiếng của London. Ngay những năm đầu mở cửa, nhà hát gắn liền với tên tuổi của George Frideric Handel, một trong những nhà soạn nhạc vĩ đại thời Baroque.
Nhà hát La Scala trở thành điểm đến yêu thích cho du khách tại "kinh đô nghệ thuật" Milan
Còn giọng ca nữ cao Maria Callas, một trong những ca sĩ opera có sức ảnh hưởng nhất trong thế kỷ 20 đã từng coi La Scala là "ngôi nhà" nghệ thuật mà cô gắn bó suốt những năm 1950. Dù từng sa sút trong thế kỷ 19 do khủng hoảng opera ở Italy, nhà hát vẫn khẳng định vị thế trung tâm nghệ thuật và niềm tự hào của "đất nước hình chiếc ủng", khi Giuseppe Verdi, Giacomo Puccini và các nhà soạn nhạc vĩ đại khác lần đầu tiên trình diễn tác phẩm của họ tại đây.
Nhà hát lớn quốc gia Bắc Kinh trở thành biểu tượng văn hóa
Ngay tại Trung Quốc, Nhà hát lớn quốc gia Bắc Kinh ra mắt năm 2007 trong kiểu dáng của viên ngọc trai khổng lồ, cũng trở thành công trình biểu tượng mới của đất nước tỷ dân. Ban đầu nhà hát hút khách chỉ vì tò mò, chụp ảnh, song giờ đây mỗi năm nhà hát tổ chức thành công đến 1.000 buổi biểu diễn thương mại, 1.000 buổi giáo dục nghệ thuật và thu hút khoảng 3 triệu lượt khách. Các nghệ sĩ lừng danh thế giới như Maurizio Pollini, Claudio Abbado, Simon Rattle, José Carreras, Lang Lang..., hay những dàn nhạc tên tuổi như Berlin Philharmonic, Chicago Symphony Orchestra… đều từng đến đây biểu diễn. Ông Vương Tranh Minh - thư ký ủy ban xây dựng nhà hát - từng nói với tờ Quảng Châu Nhật Báo sau 3 năm nhà hát "hái quả ngọt" rằng: "Trước đây, tranh cãi quanh việc xây nhà hát là điều thường tình. Lúc đó quan niệm còn chưa cởi mở. Bây giờ nhìn lại, 3 tỷ nhân dân tệ để xây một trung tâm nghệ thuật quốc gia, quá xứng đáng".
Quả vậy, điều mà nhà hát lớn quốc gia Bắc Kinh làm được không chỉ là một nguồn doanh thu khổng lồ, mà quan trọng hơn, một hình ảnh về Trung Quốc - nơi hội tụ tinh hoa văn hóa nghệ thuật đã được khẳng định với toàn thế giới.
Nhà hát Hồ Gươm luôn sáng đèn với những chương trình nghệ thuật quy mô
Loại hình opera ở các nước có nền âm nhạc hàn lâm phát triển như Italy, Đức, Pháp, Nga... đã du nhập vào Việt Nam từ những năm 60-80 của thế kỷ XX. Những nhà hát đầu tiên của Việt Nam cũng được xây dựng từ đầu những năm 1900, lớn nhất phải kể đến là Nhà hát lớn Hà Nội và Nhà hát Thành phố Hồ Chí Minh. Là nơi diễn ra những chương trình văn hóa nghệ thuật và các buổi diễn opera lớn, nhưng các nhà hát tại Việt Nam vẫn đang ở mức phục vụ các chương trình nghệ thuật ở quy mô trong nước, chưa thể trở thành lý do phải đến của những tên tuổi lừng danh toàn cầu trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật.
Mới đây nhất, Nhà hát Hồ Gươm với kiến trúc lộng lẫy, trang thiết bị âm thanh tối tân, đã liên tục mang tới cho khán giả nhiều chương trình có sự góp mặt của các nghệ sĩ nổi tiếng của Anh, Pháp, Áo, Mỹ, Nga…, đặc biệt ở thể loại âm nhạc cổ điển. Tiêu biểu phải kể đến là Four Seasons Concert với sự tham gia của các nghệ sỹ đến từ Nhà hát Opera hoàng gia Versailles; "Đặng Thái Sơn Returns" concert; The Vienna Concert; The Mozart Concert; "From struggle to triumph" concert…
Ngoài các chương trình quốc tế, Nhà hát Hồ Gươm là nơi tái xuất vở opera kinh điển "Carmen" và vở nhạc kịch "La Traviata". Trong khi "Carmen" được hồi sinh với nguyên tác từ năm 1875 do các nghệ sĩ đến từ Nhà hát Hoàng gia Versailles, Trung tâm âm nhạc Lãng mạn Pháp Palazzetto Bru Zane và Nhà hát Rouen Normandie trình diễn; "La Traviata" dựa theo tiểu thuyết nổi tiếng "Trà hoa nữ" được biểu diễn độc quyền ở Nhà hát Hồ Gươm.
Dù mới đi vào hoạt động từ tháng 7/2023, Nhà hát Hồ Gươm đã lọt top những nhà hát opera tuyệt vời nhất thế giới do Giải thưởng Du lịch Thế giới (World Travel Awards) bình chọn cuối năm 2023.
Thành phố Hà Nội vừa ban hành quyết định chấp thuận nhà đầu tư với dự án nhà hát Opera Hà Nội
Không lâu nữa, Hà Nội sẽ có thêm một nhà hát Opera hiện đại, quy mô. UBND TP Hà Nội mới đây đã có quyết định duyệt kết quả đánh giá sơ bộ năng lực, kinh nghiệm nhà đầu tư cho dự án Nhà hát Opera Hà Nội và công viên văn hóa nghệ thuật, vốn 500 triệu USD ở Quảng An, quận Tây Hồ.
Kiến trúc sư nổi tiếng thế giới người Italy Renzo Piano thiết kế công trình này. Ông là tác giả của các công trình biểu tượng như trung tâm Georges Pompidou ở Paris (Pháp) hay The Shard ở London (Anh).
Ở độ tuổi gần 90, KTS Renzo Piano dành tình yêu đặc biệt với nét văn hóa và những trầm tích lịch sử của Hà Nội nghìn năm văn hiến. Ông muốn dồn tất cả tâm huyết, sức lực và toàn bộ tinh hoa vào công trình mà ông cho là tác phẩm cuối cùng của mình, và dành nó cho Hà Nội.
Kiến trúc sư Renzo Piano đã lên ý tưởng kiến trúc nhà hát với hình dáng gợi nhắc những con sóng trên mặt nước Hồ Tây, mái vòm nhà hát mang vẻ đẹp mềm mại, thơ mộng và đậm nét đương đại. Phần mái vòm cũng được sử dụng hiệu ứng ngọc trai, giúp những khoảnh khắc thay đổi của thời gian như bình minh, hoàng hôn trên mặt nước Hồ Tây được phản chiếu và tạo vẻ đẹp riêng có.
Tương tự như các nhà hát Opera lừng danh thế giới đều tạo những dấu ấn riêng từ những DNA sáng tạo. Mái vòm uốn lượn của Nhà hát Opera Hà Nội được ốp một lớp ceramic hiệu ứng vỏ ngọc trai với công nghệ thiết kế độc đáo nhất. Thiết kế vỏ mái siêu mỏng này không chỉ tạo vẻ đẹp thanh thoát, độc đáo cho nhà hát, tạo không gian thoáng mát giúp hút gió tự nhiên tại các khu vực sảnh để không cần phải sử dụng điều hòa, mà còn giúp cho những trải nghiệm âm thanh trong các buổi trình diễn âm nhạc được lọc âm tốt nhất - một trong những yêu cầu tối cao dành cho những nhà hát tầm cỡ quốc tế.
Không chỉ có vỏ mái độc đáo bậc nhất thế giới, Nhà hát Opera Hà Nội còn được ứng dụng nhiều công nghệ và kỹ thuật thiết kế tân tiến. Toàn bộ tường của khán phòng chính được trang bị hệ thống các tấm acoustic có thể vận hành bằng cơ khí. Với mỗi loại hình show diễn khác nhau, các tấm acoustic sẽ được điều khiển đóng, mở, lên xuống theo các hướng và vị trí khác nhau.
Với nhà hát Opera Hà Nội, vẻ đẹp và sự độc đáo của kiến trúc sẽ làm sống dậy một Hà Nội văn hiến, không chỉ là những giá trị văn hóa đã trường tồn với thời gian, mà còn là văn hóa tiên tiến, tiệm cận với những giá trị tinh hoa của thế giới. Có thể nói, chúng ta không chỉ chờ đợi một công trình văn hóa mang tính biểu tượng của Hà Nội, mà còn kỳ vọng đón nhận sự tôn trọng và ngưỡng mộ của thế giới, trước một tuyệt tác để đời của huyền thoại Renzo Piano.
Thu Hà
Nguồn Người Đưa Tin : https://nguoiduatin.vn/khi-nha-hat-opera-tro-thanh-bieu-tuong-van-hoa-nang-tam-voc-quoc-gia-204250429211513341.htm