Tiến bộ khoa học công nghệ (KHCN) giữ vai trò quan trọng trong sản xuất nông nghiệp, giúp giảm chi phí, tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh. Được sự hỗ trợ, hướng dẫn của các cấp hội nông dân, các ban, ngành, đoàn thể, nhiều hội viên nông dân đã mạnh dạn ứng dụng tiến bộ KHCN vào sản xuất và đạt được nhiều kết quả tích cực.
Trang trại của chị Văn Thị Yến, thị trấn Tứ Trưng (Vĩnh Tường) được lắp đặt hệ thống bón phân, tưới nhỏ giọt tự động và hệ thống quản lý điện chiếu sáng trong nhà màng mang lại hiệu quả sản xuất cao. Ảnh: Dương Hà
Đến thăm trang trại của anh Phan Hồng Diên, thôn Đan Thượng, xã Tân Phú (Vĩnh Tường), chúng tôi ấn tượng trước quy mô chuồng trại vừa rộng rãi vừa đầy đủ trang thiết bị hiện đại. Với khát vọng làm giàu trên mạnh đất quê hương, được chính quyền địa phương tạo điều kiện cũng như sự hỗ trợ của Hội Nông dân xã, anh Diên đã dồn ghép ruộng đất, xây dựng trang trại chăn nuôi lợn công nghiệp theo hướng khép kín.
Anh Diên cho biết: Khai thác lợi thế của KHCN, tôi lắp đặt các thiết bị máy móc mới như quạt gió, điều hòa làm mát, đèn sưởi, hầm bioga và hệ thống cho ăn, uống tự động trong chăn nuôi lợn.
Đối với diện tích mặt nước, tôi sử dụng hệ thống cảm biến nuôi cá nước ngọt thâm canh, giúp nhận biết các chỉ số về oxy hòa tan, độ PH của nước, nhiệt độ nước trong ao và sử dụng hệ thống sục khí, quạt gió để có cách điều chỉnh môi trường nước, nhiệt độ phù hợp.
Nhờ công nghệ, máy móc hiện đại nên việc chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản không tốn công sức, chi phí. Các hoạt động ở trang trại, các thông số đều được chuyển vào máy tính, điện thoại qua kết nối mạng internet giúp tôi theo dõi, nắm bắt tình hình và có thể điều hành từ xa.
Trong lĩnh vực trồng trọt, nhiều hội viên nông dân tích cực ứng dụng tiến bộ KHCN vào sản xuất để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Điển hình như chị Văn Thị Yến, thị trấn Tứ Trưng (Vĩnh Tường) trồng dưa lưới, dưa chuột Nhật theo phương thức luân canh, gối vụ.
Chị Yến cho biết: Từ năm 2021 đến nay, tôi đầu tư 6.000m2 nhà lưới, nhà kính trồng các loại dưa chuột, dưa lưới, nho sữa theo phương thức luân canh gối vụ. Tháng 4/2024, được sự hỗ trợ về giống, kỹ thuật, tôi trồng thử nghiệm giống dưa lê Cẩm Ngọc có sử dụng hệ thống tưới nước nhỏ giọt trên diện tích 1.000m2 mang lại hiệu quả cao, năng suất tăng, khắc phục được tình trạng mất mùa do sâu bệnh, thời tiết.
Hệ thống tưới nước nhỏ giọt vừa tiết kiệm nước vừa kiểm soát được lượng phân bón hữu cơ, kiểm soát cỏ dại, giúp cây trồng cứng cáp, phát triển tốt, tiết kiệm thời gian, công sức và tạo ra sản phẩm có giá trị cao quanh năm, đáp ứng thị hiếu người tiêu dùng.
Hiện toàn tỉnh có trên 155.000 hội viên nông dân. Nhiều năm qua, nhằm giúp hội viên nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh, Hội Nông dân tỉnh thường xuyên tuyên truyền, khuyến khích, động viên hội viên, nông dân đổi mới tư duy, ứng dụng KHCN vào sản xuất; khai thác tối đa tiềm năng, thế mạnh về vốn, lao động, đất đai.
Hội phối hợp với các ngành liên quan, nhất là Sở Nông nghiệp và Môi trường, Sở Khoa học và Công nghệ tổ chức tập huấn, chuyển giao tiến bộ KHCN trong trồng trọt, chăn nuôi cho cán bộ, hội viên, nông dân; xây dựng nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng tiến bộ KHCN mang lại hiệu quả cao.
Từ năm 2024 đến nay, các cấp hội nông dân toàn tỉnh đã phối hợp với các cơ quan, đơn vị tổ chức tập huấn, chuyển giao khoa học, kỹ thuật, đào tạo, bồi dưỡng nghề cho hơn 1.000 hội viênvà lao động nông thôn.
Cùng với đó, tư vấn hỗ trợ nông dân về vốn, vật tư nông nghiệp, khoa học kỹ thuật; hỗ trợ thành lập mới 13 tổ hợp tác phát triển nông nghiệp; hỗ trợ xây dựng 31 mô hình trình diễn sản xuất nông nghiệp ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật; hỗ trợ xây dựng, phát triển 24 mô hình hợp tác, liên kết theo chuỗi giá trị; hỗ trợ xây dựng 80 sản phẩm OCOP đạt chứng nhận từ 3 sao trở lên.
Hội Nông dân các cấp vận động các hộ sản xuất kinh doanh giỏi xây dựng, phát triển mô hình theo định hướng của tỉnh về phát triển nền nông nghiệp xanh, sạch, an toàn, bền vững, ứng dụng công nghệ cao.
Hướng dẫn xây dựng các mô hình thực hành sản xuất nông nghiệp theo hướng VietGAP, nông nghiệp hữu cơ, sản xuất theo chuỗi; gắn sản xuất, kinh doanh nông nghiệp với du lịch nông thôn; liên kết với doanh nghiệp phát triển vùng nguyên liệu gắn với chế biến, xây dựng thương hiệu sản phẩm.
Đến nay, trên địa bàn tỉnh có nhiều mô hình của hội viên nông dân áp dụng thành công KHCN vào sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cao như: Chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học, ứng dụng chế phẩm vi sinh xử lý chất thải chăn nuôi, ứng dụng công nghệ tưới nước nhỏ giọt cho cây trồng nhà màng, nhà kính; sử dụng cảm biến trong nuôi cá nước ngọt; ứng dụng công nghệ tự động hóa trong chăn nuôi lợn công nghiệp…
Những kết quả đạt được khi ứng dụng KHCN vào sản xuất đã tạo thêm động lực để các cấp hội nông dân toàn tỉnh tiếp tục tuyên truyền, vận động hội viên ứng dụng tiến bộ khoa học vào sản xuất.
Qua đó, giúp tăng năng suất, chất lượng sản phẩm; tiết kiệm chi phí, ngày công lao động, giúp nâng cao giá trị và thu nhập cho người nông dân, thúc đẩy nông nghiệp phát triển bền vững.
Phương Loan