Khi phường rối Đào Thục làm du lịch

Khi phường rối Đào Thục làm du lịch
10 giờ trướcBài gốc
Du khách đến xem biểu diễn múa rối nước tại làng Đào Thục (huyện Đông Anh, Hà Nội). Ảnh: T.Q.
Nghệ thuật biểu diễn rối nước ở Đào Thục vừa có điểm chung, vừa có những nét riêng biệt so với các phường rối khác ở đồng bằng Bắc Bộ. Nếu như nhiều phường rối chủ yếu dùng sào, kết hợp với dây điều khiển quân rối thì một chương trình biểu diễn của Đào Thục tổng hợp nhiều phương thức điều khiển quân rối, gồm: Rối dây, rối sào, rối bè, rối que, rối đống.
Trong đó, có những kỹ thuật rất khó như diễn rối bằng máy, để quân rối kéo chạy xung quanh ao, hồ nơi biểu diễn; điều khiển rối bằng sào, đưa con rối quay trái quay phải, bơi lượn trên mặt nước; điều khiến rối que, tức là bằng cách cắm những con rối nhỏ tạo cảnh bổ sung thêm cho các tích trò...
“Ban nhạc” của phường rối cũng gồm rất nhiều nhạc cụ như: Trống to, trống nhỏ, thanh la, nhịp phách, sáo trúc, nhị, đàn nguyệt, đàn tam… Một buổi biểu diễn của phường rối rất sôi động. Quân rối biểu diễn dưới nước, người ở Tổ cạn phải phối hợp đồng bộ, vừa dẫn chương trình, vừa hát, vừa đối đáp, ứng biến cho phù hợp với bối cảnh.
Cặm cụi bên những quân rối, nghệ nhân Nguyễn Thế Nghị bảo, mừng là phường rối Đào Thục ngày càng phát triển và phát triển rực rỡ. Thế nhưng, Đào Thục cũng có những quãng thời gian thăng trầm, có những giai đoạn tưởng chừng làng đã mất nghề, phường rối cứ thành lập rồi lại giải tán. Rồi những buổi trời rét căm căm, nghệ nhân vẫn uống nước gừng, nước mắm, xắn quần lội nước để biểu diễn, tiền công có khi chỉ đủ bát phở, nhưng ai cũng động viên nhau “cố giữ lấy nghề truyền thống”.
“Năm 2007, ngay khi gia nhập phường rối, tôi và một số bạn trẻ trong làng đã nhận ra thực tế, nếu phường rối chỉ hoạt động theo phương thức cũ, mỗi năm biểu diễn vài lần vào các dịp lễ hội thì sẽ không thu hút được lớp trẻ, khó bảo tồn, phát huy giá trị bền vững. Do đó, tôi và một số bạn trẻ xin phép các cụ đi “chào hàng” làm du lịch, tổ chức lại công tác biểu diễn. Chỉ biểu diễn thường xuyên thì mới gìn giữ và phát triển nghề được” - ông Nghị nói.
Thời gian đầu việc đi chào hàng gặp rất nhiều khó khăn, bởi nhiều doanh nghiệp không nghĩ một phường rối làng lại có thể tổ chức biểu diễn cho khách du lịch. Và những người nghệ nhân, những nông dân hồn hậu, chất phác ấy đã phải trổ hết tài thuyết phục. Nghệ nhân Nguyễn Thế Nghị chia sẻ: “Rằng, các bạn sẽ được xem, trải nghiệm về rối nước trong không gian gốc của di sản, đó là những làng quê. Khi đến làng quê xem rối nước, mọi người còn được trải nghiệm nhiều hoạt động sinh hoạt, văn hóa khác ở làng quê, đề cao giá trị trải nghiệm thay vì chỉ biểu diễn đơn thuần, từ đó, các doanh nghiệp bắt đầu tìm hiểu và đưa khách về làng”.
“Chúng tôi tổ chức khôi phục lại các xưởng sản xuất làm con rối, làm xe trâu, bò kéo, các trò chơi dân gian... để giữ chân du khách thăm quan, trải nghiệm và xem biểu diễn múa rối nước. Hiện nay, khách về làng rối có thêm nhiều trải nghiệm, du khách cũng có thể mua các quân rối về làm quà nên họ rất thích” - ông Nghị kể.
Cùng với việc tổ chức tour, những người nghệ nhân phường rối Đào Thục đã biết lập trang web để quảng bá, giới thiệu rối nước Đào Thục. Rất nhiều doanh nghiệp du lịch, hoặc các vị khách đã tìm đến Đào Thục qua kênh thông tin này.
Sau thành công với việc đưa khách “Tây” về làng rối, người làng Đào Thục lại tiếp tục “chào hàng” ở các trường học, nhất là hệ thống trường Trung học cơ sở và Tiểu học để học sinh có những buổi ngoại khóa tìm hiểu về văn hóa truyền thống của người Việt. Hiện mỗi tháng phường rối Đào Thục có khoảng 15 - 30 buổi biểu diễn. Nghệ thuật múa rối nước ở Đào Thục ngày càng phát triển. Những người trẻ trong làng đua nhau theo học nghề truyền thống của cha ông. Đó là điều thật đáng mừng.
Ngọc Hà
Nguồn Đại Đoàn Kết : https://daidoanket.vn/khi-phuong-roi-dao-thuc-lam-du-lich-10294040.html