Thỏa thuận kéo dài 10 năm này được ký kết giữa tập đoàn dầu khí quốc doanh Nga Rosneft và tập đoàn tư nhân Ấn Độ Reliance Industries, cho phép Nga cung cấp khoảng 500.000 thùng dầu thô mỗi ngày cho Ấn Độ - tương đương 0,5% tổng cung dầu toàn cầu, theo nguồn tin từ Reuters.
Một đoàn tàu chở dầu đi qua gần một nhà máy lọc dầu ở Guwahati, bang Assam của Ấn Độ, năm ngoái. Ảnh: AFP
Với Nga, đây là một bước đi quan trọng nhằm duy trì nguồn thu từ dầu mỏ khi nước này đối mặt với các biện pháp trừng phạt kinh tế khắc nghiệt từ phương Tây. Những biện pháp này, được áp đặt sau cuộc xung đột ở Ukraine, đã đẩy Moscow vào thế phải bán dầu với giá giảm từ 3 đến 4 USD mỗi thùng so với mức chuẩn toàn cầu.
Đối với Ấn Độ, thỏa thuận này mang ý nghĩa kép: đảm bảo nguồn năng lượng giá rẻ để duy trì đà tăng trưởng kinh tế và khẳng định lập trường độc lập, không để bị ràng buộc bởi áp lực từ phương Tây. Theo các nhà phân tích, New Delhi đang tận dụng cơ hội để củng cố vị thế trên bàn cờ địa chính trị, đặc biệt khi Bắc Kinh ngày càng đóng vai trò lớn trong mối quan hệ với Moscow.
Trước năm 2022, dầu Nga chỉ chiếm chưa đến 2% tổng lượng dầu nhập khẩu của Ấn Độ. Tuy nhiên, tính đến tháng 6 năm nay, dầu thô từ Nga đã chiếm hơn 40% tổng lượng nhập khẩu của quốc gia Nam Á này, phản ánh rõ sự chuyển dịch mạnh mẽ trong chiến lược năng lượng của New Delhi.
Theo các chuyên gia, thỏa thuận này không phải điều đáng ngạc nhiên trong bối cảnh địa chính trị hiện nay. Việc phương Tây áp dụng các biện pháp trừng phạt đã buộc Nga phải tìm kiếm các đối tác mới, và Ấn Độ, vốn phụ thuộc lớn vào năng lượng nhập khẩu, đã không bỏ qua cơ hội để mua dầu giá rẻ.
Trong khi đó, Ấn Độ cũng cho thấy quyết tâm không để mối quan hệ với Nga bị lu mờ trước ảnh hưởng ngày càng lớn của Trung Quốc. Một chuyên gia về năng lượng tại New Delhi nhận định: "Ấn Độ đang tìm cách giữ cân bằng giữa lợi ích kinh tế và vị thế chính trị của mình trong trật tự thế giới mới”.
Thách thức đối với phương Tây
Việc Ấn Độ, một trong những đồng minh quan trọng của phương Tây tại khu vực, tăng cường hợp tác với Nga đang đặt ra những thách thức không nhỏ đối với Mỹ và các quốc gia châu Âu. Điều này cũng cho thấy những nỗ lực cô lập kinh tế Nga của phương Tây chưa đạt được hiệu quả như mong đợi.
Trong bối cảnh này, thỏa thuận dầu mỏ giữa Nga và Ấn Độ không chỉ là một bước đi kinh tế mà còn mang tính biểu tượng cao, khẳng định sự chuyển dịch quyền lực trong trật tự thế giới hiện đại.
Dũng Phan (Theo SCMP)