Sự đồng lòng hiếm hoi từ lưỡng đảng Mỹ
Ở thời điểm hiện tại, Quốc hội Mỹ đang thúc đẩy một dự luật trừng phạt mới nhắm vào Nga, với mức thuế quan lên tới 500% đối với bất kỳ quốc gia nào tiếp tục mua bán dầu khí của Nga nếu Moscow không chịu ngồi vào bàn đàm phán. Thượng nghị sĩ Cộng hòa John Thune cho biết, dự luật có thể được đưa ra bỏ phiếu ngay trong tháng này. Trong khi đó, Thượng nghị sĩ Elizabeth Warren kêu gọi siết chặt quyền lực Tổng thống Mỹ trong các quyết sách liên quan đến ông Putin, nhằm tránh những cú “bắt tay rồi buông tay” đầy rủi ro.
Hai thượng nghị sĩ Lindsey Graham của đảng Cộng hòa và Richard Blumenthal của đảng Dân chủ đang dẫn đầu nỗ lực thúc đẩy thông qua một dự luật trừng phạt kinh tế, được ví như “chiếc búa tạ” trao vào tay Tổng thống Donald Trump để buộc Nga nhanh chóng ngồi vào bàn đàm phán.
Hai nghị sĩ Mỹ Graham (phải) và Blumenthal (trái). Ảnh: Reuters
Phát biểu trên chương trình Face the Nation của CBS cuối tuần trước, ông Graham khẳng định: “Chúng tôi đã có tới 85 thượng nghị sĩ đồng thuận về thỏa thuận này. Đây là một tín hiệu rõ ràng rằng Quốc hội sẵn sàng trao cho Tổng thống Trump những công cụ mà ông chưa từng có. Chúng tôi tin rằng một đòn trừng phạt như vậy sẽ đủ sức thay đổi tính toán chiến lược của ông Putin và các quốc gia đồng minh của Nga”.
Hai nghị sĩ Graham và Blumenthal vừa trở về từ Rome, nơi họ tham dự một hội nghị quốc tế về tái thiết Ukraine và gặp Tổng thống Volodymyr Zelensky cùng nhiều lãnh đạo châu Âu. Cả hai tiết lộ rằng các đồng minh châu Âu đang trông đợi Washington hành động dứt khoát hơn, đặc biệt là trong việc cho phép khai thác số tài sản trị giá hàng tỷ USD của Nga bị phong tỏa tại Mỹ để hỗ trợ Ukraine.
“Chúng tôi đang hướng tới một cách tiếp cận đa tầng, nơi các tài sản bị tịch thu của Nga không chỉ bị đóng băng, mà còn được chuyển hóa thành nguồn lực phục hồi cho Ukraine. Đây không còn là lúc chờ đợi thiện chí, chúng ta phải buộc ông Putin ngồi vào bàn đàm phán bằng sức ép tài chính thực sự”, ông Blumenthal nói.
Trong khi đó, ông Graham nhấn mạnh: “Ông Putin đã tính toán sai. Ông ấy tin rằng nước Mỹ sẽ mệt mỏi, châu Âu sẽ chùn bước. Nhưng ngược lại: NATO đang mạnh hơn, đoàn kết hơn, và chúng tôi cam kết hơn bao giờ hết”.
Sự đồng thuận hiếm hoi giữa hai đảng tại Quốc hội Mỹ về gói trừng phạt Nga được coi là đòn giáng mạnh mẽ nhất vào nền kinh tế Nga kể từ khi xung đột bùng nổ ở Ukraine. Chủ tịch Hạ viện Mike Johnson khẳng định ông sẽ đưa dự luật ra bỏ phiếu nếu được Thượng viện thông qua, đồng thời tiết lộ rằng “mong muốn trừng phạt Nga đang lan rộng trong Hạ viện”.
Dù vậy, Tổng thống Trump vẫn chưa chính thức tuyên bố ủng hộ dự luật. Trong những phát biểu gần đây, ông cho biết mình “đang xem xét” và để ngỏ khả năng bật đèn xanh, nhấn mạnh rằng quyết định cuối cùng sẽ “tùy theo lựa chọn” của ông. Trong lúc chờ đợi, ông Trump đã tuyên bố sẽ đưa ra “một thông báo quan trọng về Nga” vào ngày 14/7, trùng với cuộc gặp của ông với tân Tổng thư ký NATO Mark Rutte.
Câu hỏi đặt ra: liệu ông Trump sẽ tiếp tục các biện pháp thỏa hiệp với người đồng cấp Nga, hay sẽ chính thức chuyển sang chiến lược răn đe vốn thường xuyên xuất hiện trong chính sách của các đời tổng thống Mỹ trước ông?
Thực tế trái ngược với kỳ vọng
Trong những ngày qua, ông Trump đã có những bước đi cho thấy sự thay đổi đáng kể trong cách tiếp cận với Nga. Ông chủ Nhà Trắng vừa công bố một thỏa thuận cung cấp thêm vũ khí cho Ukraine thông qua NATO, bao gồm cả hệ thống phòng không Patriot – một động thái được giới quan sát coi là bước ngoặt so với lập trường mềm mỏng trước đây của ông đối với Moscow.
Phát biểu với báo giới, Tổng thống Trump bày tỏ sự thất vọng sâu sắc với người từng được ông gọi là “lãnh đạo mạnh mẽ và tử tế”: “Tôi nghĩ ông ấy là người ăn nói rất có suy nghĩ, nhưng rồi lại thả bom vào dân thường trong đêm tối. Chúng tôi không thể chấp nhận điều đó”.
Quan hệ từng nồng ấm giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ-Nga dường như đã chạm đến bờ vực thẳm khi Moscow tiếp tục dội mưa tên lửa và UAV cảm tử xuống các thành phố Ukraine, trong bối cảnh Mỹ không ngừng kêu gọi hai bên tham chiến nhanh chóng ngồi vào bàn đàm phán. Ở thời điểm hiện tại, sự kiên nhẫn của ông Trump với người đồng cấp Nga Putin đang dần tan vỡ.
Quan hệ giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ-Nga từng bắt đầu trong không khí khá thuận hòa. Ngay sau khi nhậm chức, ông Trump để ngỏ khả năng đồng ý cho Nga giữ lại các vùng lãnh thổ Donetsk, Luhansk, Kherson và Zaporizhzhia cũng như bán đảo Crimea. Cùng lúc, Tổng thống Mỹ cùng thể hiện thái độ lạnh nhạt với việc tiếp tục viện trợ quân sự cho Kiev - điều trở nên đặc biệt nhạy cảm trong chuyến thăm của Tổng thống Volodymyr Zelensky tới Nhà Trắng vào tháng 2 vừa qua.
Ông Trump. Ảnh: Reuters
Tuy nhiên, việc quan hệ Mỹ-Nga được hâm nóng trở lại dưới thời Tổng thống Trump cũng không đủ sức để kéo Moscow tiến gần hơn đến một thỏa thuận hòa bình với Kiev.
Trên thực tế, Nga vẫn chưa thể ngồi vào bàn đàm phán ngay lúc này, khi các điều kiện hòa bình cốt lõi mà nước này đưa ra vẫn chưa được đáp ứng. Dù cộng đồng tình báo Mỹ đã nhiều lần cố gắng lý giải mục tiêu dài hạn của Nga tại Ukraine, giả thuyết hợp lý nhất vẫn là: làm suy yếu Ukraine, cản trở tiến trình gia nhập NATO và duy trì một vùng đệm ảnh hưởng quanh biên giới Nga. Viện Nghiên cứu Chiến tranh tại Washington nhận định: kể từ sau khi ông Trump trở lại nhiệm sở, nhịp độ tấn công của Nga thậm chí đã gia tăng, bất chấp các nỗ lực hòa giải từ phía Mỹ.
Trong thời gian chạy đua tranh cử hồi năm ngoái, Tổng thống Mỹ Donald Trump từng nhiều lần cam kết sẽ chấm dứt xung đột Nga-Ukraine Ukraine chỉ trong vòng 24 giờ sau khi trở lại nhiệm sở. Nhưng đến nay, sau hơn 4.000 giờ trôi qua, lời hứa ấy vẫn chưa thể trở thành hiện thực. Ở thời điểm hiện tại, thực tế chiến đang đòi hỏi ông chủ Nhà Trắng phải điều chỉnh cả giọng điệu lẫn cách tiếp cận vấn đề Ukraine.
Ông Trump dường như đã mất khá nhiều thời gian để thừa nhận thực tế này. Đến tháng 4/2025, ông chủ Nhà Trắng buộc phải lên tiếng: “Tôi không hài lòng với các cuộc tấn công vào Kiev. Hoàn toàn không cần thiết và thời điểm thì cực kỳ tệ hại. Vladimir, dừng lại!”.
Sau hai vòng đàm phán ngừng bắn gián tiếp không đi đến đâu và nhiều cuộc điện đàm không có tiến triển, Tổng thống Trump đã thay đổi thái độ rõ rệt. Nhà lãnh đạo yêu cầu Lầu Năm Góc khôi phục việc chuyển giao vũ khí cho Ukraine, đồng thời gây áp lực lên các đồng minh châu Âu phải đóng góp thêm hệ thống phòng không. Trong vài ngày qua, một số quốc gia đã bắt đầu đáp lời.
Không thể phủ nhận rằng ông Trump từng nuôi tham vọng kiến tạo một “thỏa thuận lớn” với Nga – điều mà ông cho là các đời tổng thống tiền nhiệm đã không thực hiện được vì thiếu sự linh hoạt và nhạy bén trong đàm phán. Nhưng cuộc chiến Ukraine đã chứng minh rằng không phải mọi cuộc xung đột đều có thể giải quyết bằng một thỏa thuận thương mại hay trao đổi lợi ích thông thường.
Việc Mỹ nối lại viện trợ quân sự cho Ukraine, gia tăng sức ép trừng phạt lên Nga và vận động châu Âu tăng cường hỗ trợ phòng không đang cho thấy sự chuyển biến rõ rệt của ông chủ Nhà Trắng trong cách tiếp cận cuộc chiến mà ông từng tin rằng có thể "giải quyết chỉ trong một ngày".
Diệp Thảo/VOV.VN (tổng hợp) Theo USA Today, CNN