Khi robot giúp 'lên đời' cuộc sống ở Trung Quốc

Khi robot giúp 'lên đời' cuộc sống ở Trung Quốc
7 giờ trướcBài gốc
Công nghệ len sâu vào nhịp sống thường nhật
Một chiếc drone vận chuyển hàng hóa do Meituan vận hành tại Thâm Quyến, Trung Quốc. (Nguồn: The Guardian)
Người dân Trung Quốc từ lâu đã quen với những chiếc drone của Meituan - hãng giao đồ ăn lớn nhất nước này, mang đầy ắp hàng hóa rời khỏi trung tâm thương mại, lơ lửng trên trạm giao hàng, rồi từ từ hạ xuống giao tận tay người đặt bữa với thức ăn còn nóng hổi. Những chiếc drone này chỉ là một phần rất nhỏ trong ngành công nghiệp robot và AI mà Trung Quốc đang quyết tâm mở rộng mạnh mẽ trong năm 2025.
Tháng 3/2025, Thủ tướng Lý Cường cam kết thúc đẩy sáng tạo trong nền kinh tế số, đặc biệt nhấn mạnh vào lĩnh vực “AI hiện thân” (Embodied AI). Tỉnh Quảng Đông, nơi có Trung tâm công nghệ Thâm Quyến đang đi đầu với khoản đầu tư 60 triệu Nhân dân tệ (khoảng 6,4 triệu Bảng Anh) cho các trung tâm đổi mới sáng tạo.
Thâm Quyến cũng được mệnh danh là thủ phủ drone của Trung Quốc nhờ chính sách quản lý cởi mở, giúp ngành “kinh tế độ cao thấp” phát triển nhanh hơn so với các khu vực khác. Cục Hàng không dân dụng Trung Quốc dự báo ngành công nghiệp drone sẽ tăng gấp 5 lần, đạt 3,5 nghìn tỷ Nhân dân tệ trong vòng 10 năm tới.
Không chỉ riêng drone, robot hình người cũng đang thay đổi mạnh mẽ nhịp sống đô thị tại Trung Quốc. Trong chương trình Xuân Vãn 2025 vừa qua, tiết mục gây ấn tượng nhất chính là màn múa của một nhóm robot hình người do Công ty Unitree chế tạo.
Gần đây, ở vùng ngoại ô Bắc Kinh, cuộc đua bán marathon đầu tiên trên thế giới, giữa con người và robot cũng được tổ chức, đánh dấu một bước tiến táo bạo trong mối quan hệ giữa công nghệ và đời sống thường nhật.
Con người chạy đua với robot trong cuộc thi bán marathon tại ngoại ô thủ đô Bắc Kinh. (Nguồn: Tân Hoa Xã)
Theo của ông Ma Rui, chuyên gia phân tích công nghệ Trung Quốc và là nhà đầu tư tại San Francisco, “việc ứng dụng AI vào lĩnh vực robot đã có những bước tiến vượt bậc trong năm qua”. Sự chuyển mình này hứa hẹn sẽ giúp ngành công nghiệp robot tăng trưởng nhanh chóng hơn rất nhiều trong năm 2025 so với những năm trước đó.
Đặc biệt, một trong những yếu tố góp phần quan trọng vào sự phát triển này là học tăng cường (reinforcement learning) - phương pháp huấn luyện robot dựa trên kinh nghiệm thực tiễn thay vì các mô hình lập trình cứng nhắc. Nhờ vậy, thời gian đào tạo robot hình người có thể được rút ngắn từ vài năm xuống chỉ còn vài tháng, mở ra cơ hội đẩy mạnh tốc độ đổi mới trong ngành.
Ngành công nghiệp robot của Trung Quốc đang phát triển mạnh mẽ nhờ vào những bước tiến vượt bậc trong lĩnh vực AI. Suốt nhiều năm qua, quốc gia tỷ dân không ngừng nỗ lực để thu hẹp khoảng cách với Mỹ trong cuộc đua công nghệ. Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình đã đặt mục tiêu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế thông qua việc xây dựng “lực lượng sản xuất mới” - khái niệm bao hàm các đổi mới đột phá về công nghệ.
DeepSeek - sự ra mắt của công cụ AI mới đã làm xôn xao dư luận thế giới. (Nguồn: Reuters)
Từ sau "cơn sốt" DeepSeek, ngành công nghiệp AI tại Trung Quốc tràn đầy khí thế và kỳ vọng. “Bây giờ, không chỉ chính phủ tin tưởng định hướng AI là một trụ cột cho tăng trưởng bền vững nữa, mà cả công chúng cũng bắt đầu tin vào điều đó”, ông Ma chia sẻ.
Ông Li Shuhao, một doanh nhân công nghệ ở Quảng Châu và cũng là người sáng lập công ty tiếp thị AI Tec-Do, tình cờ có mặt tại Mỹ khi DeepSeek tạo nên cú hích lớn. Ông cho biết, mọi công việc bỗng trở nên dễ dàng hơn nhiều, các buổi phỏng vấn và gặp gỡ với những nhà khoa học AI được sắp xếp rất nhanh chóng.
“DeepSeek là biểu tượng cho cách làm kinh doanh mang đậm chất phương Đông,” ông Li chia sẻ, đồng thời đề cập chiến lược đặc biệt của Liang Wenfeng - nhà sáng lập DeepSeek, khi tự dùng quỹ đầu tư cá nhân để phát triển dự án thay vì gọi vốn từ các quỹ đầu tư mạo hiểm bên ngoài. “Đây là cách mà các doanh nhân Trung Quốc thường nghĩ - trước tiên là phải sống sót, rồi mới tính đến chuyện đổi mới”.
DeepSeek đã công bố mô hình của mình dưới dạng mã nguồn mở - một định hướng lâu nay được chính phủ Trung Quốc khuyến khích. Định dạng này sẽ giúp sản phẩm nhanh chóng được ứng dụng rộng rãi, trong đó, ngành robot là một trong những lĩnh vực được hưởng lợi rõ rệt nhất.
Ưu tiên phát triển công nghệ
Chuỗi cung ứng trong ngành robot có thể tạm chia thành ba phần: bộ não, phần thân và ứng dụng công nghệ vào thực tế.
Trung Quốc từ lâu đã tự tin vào khả năng của mình ở hai phần sau. Những ngành công nghệ cao như xe điện hay drone cho thấy quốc gia này không chỉ có khả năng sản xuất linh kiện công nghiệp quy mô lớn, mà còn đủ năng lực để lắp ráp chúng thành các sản phẩm phức tạp. Tuy nhiên, thách thức lớn nhất đến từ việc làm sao để phát triển “bộ não” robot có khả năng học hỏi và hành động như con người. Đây là một bài toán phức tạp đòi hỏi công nghệ AI cực kỳ tiên tiến.
Theo các chuyên gia của Goldman Sachs, sự ra đời của mô hình R1 do DeepSeek phát triển đã tạo bước ngoặt lớn và mở ra cơ hội để các công ty robot hình người tại Trung Quốc thu hẹp khoảng cách với các đối thủ quốc tế. Đặc biệt, việc mô hình mã nguồn mở này có thể hoạt động hiệu quả mà không cần đến các loại chip quá tiên tiến đã góp phần giúp doanh nghiệp Trung Quốc giảm bớt sự phụ thuộc vào công nghệ nước ngoài và tạo nên một sân chơi công bằng hơn.
Một kỹ sư đang huấn luyện robot hình người. (Nguồn: Getty)
Dù vậy, ngành công nghiệp này vẫn còn không ít thách thức. Để huấn luyện một mô hình AI, cần một lượng dữ liệu khổng lồ. Với các mô hình ngôn ngữ lớn như chatbot, dữ liệu có thể dễ dàng thu thập từ internet. Tuy nhiên, đối với AI trong lĩnh vực robot - nơi cần dữ liệu về cách di chuyển trong không gian, tương tác với con người hay vật thể, thì nguồn dữ liệu lại rất hạn chế.
Là quản lý sản phẩm tại công ty phân tích dữ liệu BigOne Lab có trụ sở tại Bắc Kinh, ông Amber Zhang nhận định: "Robot vẫn chưa thể thay thế phần lớn lực lượng lao động. Chẳng hạn như xe taxi tự lái, thực tế có bao nhiêu tài xế bị thay thế? Vẫn còn rất nhiều rào cản phía trước”.
Tại một vài thành phố ở Trung Quốc, Tập đoàn công nghệ Baidu đang triển khai đội xe taxi tự vận hành mang tên Apollo Go. Tuy nhiên, thực tế triển khai vẫn còn nhiều hạn chế.
Trong một lần thử gọi xe taxi này ở Thâm Quyến, phóng viên của The Guardian gặp sự cố hai lần: Robotaxi chỉ hoạt động ở một khu nhất định và ngay cả khi đứng đúng khu vực đó, phải chờ gần 20 phút để rồi ứng dụng xin lỗi vì không thể tìm thấy xe. Trong khi đó, chỉ mất 4 phút để bắt được một chiếc taxi do người lái. Còn về những robot tuần tra an ninh từng được truyền thông Trung Quốc ca ngợi là công cụ tăng cường an ninh cho Thâm Quyến, thì đến nay vẫn chưa thấy xuất hiện.
Taxi robot Apollo Go (Nguồn: Baidu)
Tuy nhiên, không thể phủ nhận rằng cục diện đang dần thay đổi. Trong bối cảnh nhiều lĩnh vực kinh tế của Trung Quốc gặp khó khăn như: xuất khẩu chịu sức ép từ thuế quan, tiêu dùng nội địa ảm đạm... chính phủ nước này đang dần hướng sự chú ý vào những ngành có tiềm năng tạo đột phá.
Theo chuyên gia phân tích công nghệ Ma Rui, câu chuyện “công nghệ làm nền tảng cho tăng trưởng” đang dần thuyết phục được công chúng. Một phần cũng vì bây giờ người dân không còn nhiều lựa chọn đầu tư khác.
Đây là một chuyển biến lớn so với vài năm trước. Trước đây, các ông lớn công nghệ từng bị đẩy ra rìa do chiến dịch siết chặt kiểm soát khu vực tư nhân. Một ví dụ tiêu biểu là việc IPO của Ant Group - công ty liên kết với Alibaba - bị hủy bỏ đột ngột vào năm 2020, cùng với sự “ngã ngựa” của Chủ tịch tập đoàn Alibaba Jack Ma từng khiến giới công nghệ và tài chính chấn động.
Nhưng gần đây, ông Jack Ma đã bất ngờ xuất hiện tại một cuộc họp trực tiếp hiếm hoi với nhà lãnh đạo Trung Quốc cùng với những tên tuổi khác trong ngành công nghệ như nhà sáng lập DeepSeek Liang Wenfeng. Động thái này cho thấy chính quyền đang muốn “làm lành” và thể hiện sự ủng hộ trở lại với các doanh nhân công nghệ.
Ông Li Shuhao chia sẻ: “Những cuộc gặp như vậy tiếp thêm niềm tin cho chúng tôi. Có lẽ thời kỳ khó khăn đã thực sự qua rồi”.
Dù trước mắt, ngành công nghệ robot tại Trung Quốc còn phải đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức song cũng không thể phủ nhận những bước tiến trong lĩnh vực AI đang mở ra nhiều cơ hội đột phá cho quốc gia này. Chính những đổi mới không ngừng và tiềm năng to lớn mà AI mang lại đã và đang thắp lên kỳ vọng về một tương lai - nơi Trung Quốc có thể vươn lên trở thành một trong những trung tâm công nghệ robot hàng đầu thế giới.
(theo The Guardian)
Thanh Vân
Nguồn TG&VN : https://baoquocte.vn/khi-robot-giup-len-doi-cuoc-song-o-trung-quoc-312355.html