Theo tạp chí National Interest (Mỹ), mặc dù còn trong giai đoạn đầu, nhưng các diễn biến ban đầu cho thấy Islamabad đã giành được ưu thế trên không, gây thiệt hại đáng kể cho lực lượng không quân Ấn Độ (IAF). Diễn biến này gây bất ngờ cho không ít chuyên gia quốc phòng từng cho rằng New Delhi - với ngân sách quốc phòng và tiềm lực công nghệ vượt trội sẽ dễ dàng áp đảo đối thủ.
Sáng ngày 7.5.2025, Bộ Quốc phòng Pakistan tuyên bố lực lượng không quân nước này đã bắn hạ 5 máy bay chiến đấu của Ấn Độ, trong đó có ba tiêm kích Rafale do Pháp sản xuất, một Su-30MKI và một MiG-29. Đây là những khí tài quan trọng trong đội hình tác chiến của IAF, đặc biệt là Rafale - dòng máy bay được kỳ vọng nâng cao năng lực chiến đấu của không quân Ấn Độ trong những năm gần đây.
Máy bay chiến đấu J-10 của Trung Quốc - Ảnh: Reuters
Hiệu quả từ vũ khí tầm xa
Điểm đáng chú ý trong các tuyên bố từ Islamabad là việc sử dụng tên lửa không đối không tầm xa PL-15, được phóng từ máy bay chiến đấu J-10CE. Cặp đôi này đều do Trung Quốc sản xuất, đã đóng vai trò chủ chốt trong các đợt tấn công không đối không đầu tiên của Pakistan trong cuộc giao tranh.
Tên lửa PL-15 được thiết kế để tiêu diệt mục tiêu ở ngoài tầm nhìn, với hệ thống dẫn đường radar chủ động và tầm bắn xa. Trong biên chế của Pakistan, PL-15 được tích hợp trên các dòng máy bay JF-17 Block III và J-10CE. Đây là những máy bay do Trung Quốc sản xuất, được Pakistan đưa vào sử dụng như một phần trong chiến lược hiện đại hóa lực lượng không quân.
Được phát triển bởi Học viện Tên lửa không vận Trung Quốc, PL-15 có khả năng tấn công máy bay cảnh báo sớm, máy bay tiếp dầu, và máy bay chiến đấu ở cự ly lớn. Hệ thống dẫn đường của tên lửa bao gồm dẫn đường quán tính (INS), liên kết dữ liệu hai chiều và radar AESA chủ động, tăng độ chính xác và khả năng kháng nhiễu trong môi trường tác chiến hiện đại.
So với các mẫu tên lửa phương Tây như Meteor của châu Âu hay AIM-120D của Mỹ, PL-15 được đánh giá có nhiều điểm tương đồng về cấu hình và mục tiêu sử dụng. Một số phân tích cho rằng chính sự phát triển nhanh chóng của các dòng tên lửa như PL-15 đã thúc đẩy Mỹ tăng tốc hoàn thiện các hệ thống mới như AIM-260 để duy trì ưu thế công nghệ.
Biến thể xuất khẩu PL-15E, có thể đã được sử dụng trong cuộc không chiến nói trên, có thiết kế tương thích với yêu cầu tải trọng và cấu trúc máy bay nước ngoài, dù phạm vi hoạt động có phần hạn chế hơn so với phiên bản nội địa.
Tác động chiến lược
Việc 5 máy bay chiến đấu của Ấn Độ bị bắn hạ, nếu được xác nhận đầy đủ, sẽ là một tổn thất đáng kể về mặt chiến lược và hình ảnh đối với không quân Ấn Độ. Trong bối cảnh căng thẳng đang leo thang, sự kiện này cho thấy khả năng triển khai hiệu quả công nghệ quân sự của Pakistan, cũng như sự thích nghi nhanh chóng với các nền tảng vũ khí mới.
Giới phân tích cho rằng, mặc dù Ấn Độ có lực lượng không quân quy mô lớn hơn và kinh nghiệm chiến đấu dày dạn, yếu tố then chốt nằm ở năng lực tác chiến mạng lưới và khả năng tích hợp giữa cảm biến, vũ khí và chỉ huy điều khiển. Trong trận không chiến tầm xa, khả năng phát hiện sớm và phóng tên lửa trước là yếu tố sống còn. Với sự hỗ trợ của PL-15 và hệ thống radar hiện đại trên J-10CE, Pakistan có vẻ đã tận dụng tốt lợi thế về tầm bắn để giành thế chủ động.
Tuy nhiên, cuộc xung đột hiện tại vẫn chưa có dấu hiệu kết thúc. Phía Ấn Độ chưa đưa ra tuyên bố chính thức nào bác bỏ hay xác nhận các thông tin từ Pakistan, và truyền thông nước này giữ thái độ khá kín tiếng về diễn biến chiến sự. Điều này có thể cho thấy sự thận trọng trong xử lý thông tin chiến lược hoặc đơn giản là do các hoạt động xác minh vẫn đang được tiến hành.
Về phần mình, Pakistan dường như đang tận dụng các chiến thắng ban đầu để củng cố vị thế và truyền đi thông điệp về năng lực phòng vệ quốc gia. Dù vậy, một số chuyên gia cảnh báo không nên vội kết luận về cục diện cuộc xung đột khi mới chỉ ở giai đoạn mở màn. Ấn Độ, với hạ tầng quân sự đa dạng và lực lượng dự bị lớn, hoàn toàn có khả năng điều chỉnh chiến lược và phản công trong thời gian tới.
Hoàng Vũ