Mới đây, ông Phạm Tấn Hoàng, cựu Phó Chánh án TAND Cấp cao tại Đà Nẵng, đã bị khởi tố. Đây là bị can thứ 27 bị khởi tố trong vụ án đưa hối lộ, môi giới hối lộ và nhận hối lộ xảy ra tại TAND Cấp cao tại Đà Nẵng (nay là Tòa phúc thẩm TAND Tối cao tại Đà Nẵng) và một số tỉnh, thành.
Trước ông Hoàng, một cựu phó chánh án khác là Phạm Việt Cường, cùng nhiều thẩm phám, kiểm sát viên, chấp hành viên… cũng đã bị khởi tố.
Tức giận - hẳn là cảm xúc của rất nhiều người khi nhìn vào danh sách các bị can và nghề nghiệp của họ. Bởi lẽ thiên chức của họ vốn là những người bảo vệ công lý, bảo vệ tính nghiêm minh của pháp luật, bảo vệ sự thật khách quan.
Còn nhớ trong thư gửi Hội nghị Tư pháp toàn quốc tháng 2-1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết: “Các bạn là những người phụ trách thi hành pháp luật. Lẽ tất nhiên các bạn phải nêu cao cái gương “phụng công, thủ pháp, chí công, vô tư” cho nhân dân noi theo”.
“Phụng công, thủ pháp, chí công, vô tư” tức là tòa án phải là nơi phụng sự công lý, tôn thờ lẽ công bằng, không thiên lệch. Phải là nơi giữ gìn, bảo vệ pháp luật, không vì bất cứ lý do nào mà bẻ cong công lý, làm trái pháp luật.
Câu “phụng công, thủ pháp, chí công, vô tư” cũng chính là kim chỉ nam trong hoạt động của ngành tòa án và được khắc tại trụ sở các tòa án trên khắp cả nước. Ấy thế mà vẫn có nhiều người bước lệch hướng.
Trong bối cảnh hiện nay, người dân cũng như doanh nghiệp tìm đến tòa án để giải quyết tranh chấp ngày càng tăng. Bởi họ tin rằng đây là nơi công lý sẽ được thực thi một cách công bằng và minh bạch. Kể cả với các vụ án hình sự, những người có hành vi phạm tội vẫn mong một bản án được đưa ra dựa trên sự thật khách quan.
Thế nhưng, khi ai đó nắm trong tay quyền lực, họ cũng phải đối mặt với những cám dỗ về lợi ích vật chất, phi vật chất ngày càng lớn và hấp dẫn. Cái khó của những người cầm cân nảy mực không còn gói gọn trong những vấn đề chuyên môn thuần túy mà là cuộc chiến thực sự để không vượt qua lằn ranh pháp luật.
27 bị can - trong đó có rất nhiều người không thể vượt qua cám dỗ, từ vai trò người phán xử, người góp phần bảo vệ công lý lại trở thành bị can và không lâu nữa sẽ trở thành bị cáo, đứng tại tòa với vai trò người bị phán xử, kéo theo là nỗi đau của gia đình và người thân.
Đáng nói, hành vi của họ không chỉ ảnh hưởng tới bản thân mà còn gây nên nhiều hệ lụy vô cùng to lớn. Khi mà những người gánh trên vai mình sứ mệnh đại diện cho công lý và pháp luật lại vi phạm pháp luật. Nguy cơ có thể thấy rõ là điều ấy không chỉ là làm sai lệch bản chất vụ án, ảnh hưởng đến số phận pháp lý của nhiều người mà còn ảnh hưởng không nhỏ đối với niềm tin của người dân vào công lý.
Thế nên dù đau xót nhưng việc Cơ quan điều tra VKSND Tối cao đưa vụ việc ra ánh sáng là điều vô cùng cần thiết. Việc xử nghiêm không chỉ là yêu cầu tất yếu để đảm bảo kỷ cương mà còn là lời khẳng định mạnh mẽ về đường lối, chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước là không ai được quyền đứng trên pháp luật và việc xử lý vi phạm là không có vùng cấm.
Đây cũng là minh chứng cho cam kết về sự liêm chính, công bằng của pháp luật. Chỉ khi pháp luật được thực thi một cách nghiêm minh, không có ngoại lệ thì mới có thể bảo vệ công lý thực sự và giữ vững niềm tin của nhân dân.
Biết là “con sâu làm rầu nồi canh” nhưng vụ án trên, một lần nữa là lời cảnh báo đầy uy nghi về tính “phụng công, thủ pháp, chí công, vô tư” đối với đội ngũ những người cầm cân nảy mực trong ngành tư pháp. Cái họ cần không chỉ là năng lực, trình độ chuyên môn mà còn là cái tâm trong sáng để vượt qua được cám dỗ; là sự bồi dưỡng, rèn luyện không ngừng để nâng cao bản lĩnh.
Luật sư TRƯƠNG NGỌC LIÊU, Đoàn Luật sư TP Hà Nội