Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn và Phu nhân đến Yerevan, bắt đầu thăm chính thức Cộng hòa Armenia. (Nguồn: quochoi.vn)
Có nhiều điều đặc biệt để khẳng định tầm quan trọng của chuyến công tác Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn và Phu nhân dự IPU-150, thăm chính thức Armenia và Uzbekistan (2-8/4), trên cả bình diện đa phương lẫn song phương.
Đây là hoạt động đối ngoại đa phương đầu tiên của Chủ tịch Quốc hội trong năm 2025. Sự hiện diện của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn tại Đại hội đồng Liên minh Nghị viện thế giới lần thứ 150 (IPU-150) còn mang một dấu ấn lớn, cho thấy khí thế mới và sự cam kết rất cao của Việt Nam tại diễn đàn nghị viện đa phương lâu đời nhất hành tinh.
Về song phương, chuyến thăm Armenia và Uzbekistan của Chủ tịch Quốc hội là chuyến thăm đầu tiên của người đứng đầu cơ quan lập pháp Việt Nam tới hai nước, cũng là chuyến thăm cấp cao nhất của Lãnh đạo Việt Nam đến hai nước kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 1992.
Hành động vì sứ mệnh thiêng liêng
Hai nghị sĩ William Randal Cremer người Anh và Frédéric Passy người Pháp có công sáng lập Hội nghị Liên nghị viện về trọng tài (IPCA) – tiền thân của IPU đều có chung tình yêu với hòa bình và hòa bình cũng chính là ngọn đuốc thắp lên sức sống bền bỉ của IPU suốt 136 năm qua, song song với các sứ mệnh như thúc đẩy dân chủ và nghị viện thực quyền, bình đẳng giới và vai trò của phụ nữ, chống biến đổi khí hậu, phát triển bền vững…
Kỳ Đại hội đồng năm nay đánh dấu 150 kỳ Đại hội đồng IPU. Mỗi kỳ Đại hội đồng có chủ đề khác nhau, mang hơi thở của thời đại nhưng vẫn xoay quanh những “xương sống” cốt lõi kể trên, đưa IPU trở thành một “nghị trường” rộng lớn và quen thuộc – “nghị viện của các nghị viện”.
Có thể nói, với chủ đề “Hành động của nghị viện vì phát triển và công bằng xã hội”, Đại hội đồng IPU-150 đã lựa chọn chủ đề rất đúng và trúng trong bối cảnh thế giới đang phải đối mặt với nhiều thách thức an ninh truyền thống, phi truyền thống, bất bình đẳng ngày càng gia tăng giữa các nước, các khu vực, trong khi đó các cam kết chính trị và nguồn lực trong các lĩnh vực xóa đói, giảm nghèo, phát triển xã hội, ứng phó với biến đổi khí hậu có xu hướng giảm. Hơn bao giờ hết, các quốc gia cần phải phối hợp hành động và thúc đẩy hợp tác đa phương để cùng vượt qua các thách thức toàn cầu.
Rõ ràng, hòa bình, phát triển và công bằng sẽ mãi chỉ là tình yêu, khát vọng xa vời nếu như thế giới không cùng nhau hành động, tinh thần hành động đó vẫn mạnh mẽ trong IPU, từ câu chuyện “thai nghén” IPCA của hai nghị sĩ có tầm nhìn xa đến nỗ lực không mệt mỏi của IPU trong những hành trình tranh đấu vì các giá trị phổ quát thiêng liêng và ngay trong khuôn khổ IPU-150 lần này.
Chủ đề và tinh thần hành động của Đại hội đồng IPU-150 đồng điệu với tinh thần của Hội nghị thượng đỉnh Tương lai (tháng 9/2024) và tiếp tục được nhân lên tại Hội nghị thượng đỉnh về Phát triển xã hội của Liên hợp quốc, được tổ chức tại Qatar vào tháng 11 tới.
Kể từ khi gia nhập IPU năm 1979, hơn 45 năm qua, Quốc hội Việt Nam luôn thể hiện sự tham gia, đóng góp tích cực, có trách nhiệm, cùng nghị viện các nước nuôi dưỡng khát vọng và hiện thực hóa khát vọng chung.
Năm nay, Việt Nam tham dự IPU-150 với vị thế của một đất nước đầy khí thế bước vào kỷ nguyên mới, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn có dịp cùng lãnh đạo nghị viện các nước trao đổi, chia sẻ các kinh nghiệm phát triển, thúc đẩy hợp tác song phương, đa phương trên các lĩnh vực cùng quan tâm, tranh thủ sự ủng hộ và nguồn lực bên ngoài để phát triển đất nước. Thông điệp của người đứng đầu Quốc hội Việt Nam xuyên suốt kỳ Đại hội đồng cũng là minh chứng sống động cho thấy Việt Nam ủng hộ mạnh mẽ chủ nghĩa đa phương, coi trọng vai trò của IPU, là thành viên chủ động, tích cực, có trách nhiệm của IPU.
Tham gia “ngày hội” nghị viện đa phương còn là cơ hội để Việt Nam lan tỏa, truyền cảm hứng về câu chuyện phát triển của chính mình, đích đến của kỷ nguyên mới, là dân giàu, nước mạnh, xã hội xã hội chủ nghĩa, sánh vai với các cường quốc năm châu; ở đó người dân luôn được đặt ở vị trí trung tâm, là mục tiêu, động lực của mọi chính sách phát triển.
Việc góp tiếng nói vào những vấn đề nóng bỏng của “nghị trường” thế giới giúp Việt Nam ghi dấu ấn trong lòng bạn bè quốc tế, góp phần phát huy sức mạnh mềm của ngoại giao nghị viện, đậm nét Việt Nam.
Phó Chủ tịch Quốc hội Armenia Hakob Arshakyan chào mừng Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn và Phu nhân Nguyễn Thị Thanh Nga tại sân bay Yerevan. (Nguồn: quochoi.vn)
Tấm chân tình của những người bạn truyền thống
Thăm chính thức Uzbekistan và Armenia dịp này, người đứng đầu Quốc hội Việt Nam gửi tới hai người bạn Trung Á tình cảm chân tình giữa những bạn bè truyền thống, từng cùng nhau đi qua những năm tháng gian khổ và nay chung khát vọng phát triển, khẳng định mình.
Uzbekistan và Armenia chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam từ năm 1992 nhưng tình hữu nghị của Việt Nam và hai nước Trung Á đã có lịch sử sâu xa hơn, từ 75 năm trước, khi Việt Nam chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao với Liên Xô năm 1950, Armenia và Uzbekistan là những nước cộng hòa trong Liên bang Xô Viết.
Chính phủ và nhân dân Armenia và Uzbekistan luôn dành cho Việt Nam sự giúp đỡ quý báu, hiệu quả trong những năm tháng hào hùng, gian khổ đấu tranh giải phóng dân tộc của nhân dân Việt Nam. Nhiều cán bộ khoa học, chuyên gia Việt Nam đã được các bạn bè Armenia tận tình giúp đỡ đào tạo. Thời kỳ Xô viết, Việt Nam đã có 3.000 sinh viên học tập ở Uzbekistan và 2.000 sinh viên tại Armenia.
Chắc hẳn, nhiều sinh viên Việt Nam từng học tập ở Uzbekistan vẫn còn nhớ vị lãnh đạo Viện Kỹ sư thủy lợi và cơ giới hóa nông nghiệp Tashkent những năm 80 của thế kỷ trước – ông Shavkat Mirziyoyev, là Tổng thống Uzbekistan hiện nay. Ngay từ những tháng năm đó, Tổng thống Mirziyoyev đã rất ấn tượng trước sự cần cù, tinh thần chịu khó của sinh viên Việt Nam. Thiện cảm này theo ông đến tận ngày nay và trên cương vị lãnh đạo đất nước, thực hiện nhiều cải cách quan trọng, Tổng thống luôn theo dõi và chỉ đạo việc học hỏi kinh nghiệm của các nước, đặc biệt là Việt Nam trong hội nhập và phát triển đất nước.
Với những nền tảng tốt đẹp đó, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn mong muốn Việt Nam cùng hai nước củng cố tin cậy chính trị, tạo nền tảng để thúc đẩy hợp tác trên nhiều lĩnh vực, đưa quan hệ với mỗi nước lên tầm cao mới.
Ngoài ra, việc tăng cường hợp tác liên nghị viện, chia sẻ kinh nghiệm, xây dựng thể chế pháp luật, tăng cường hợp tác giữa nhóm nghị sĩ hữu nghị cũng là trọng tâm quan trọng của chuyến thăm. Có thể nói, việc IPU nhất trí tổ chức Đại hội lần đầu tiên tại khu vực Trung Á nói chung và tại Uzbekistan nói riêng đã khẳng định sự công nhận của cộng đồng thế giới đối với những cam kết, nỗ lực đóng góp của nghị viện Uzbekistan. Do vậy, chia sẻ kinh nghiệm sẽ giúp nghị viện các nước học hỏi lẫn nhau, nâng cao năng lực, thể chế, đóng góp vào sự nghiệp phát triển của mỗi nước.
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu tại Tọa đàm doanh nghiệp Việt Nam-Armenia. (Nguồn: TTXVN)
Đâu chỉ là lợi ích kinh doanh
“Hợp tác kinh tế không chỉ là câu chuyện của lợi ích kinh doanh, mà còn là sợi dây gắn kết nhân dân hai nước, làm sâu sắc thêm tình hữu nghị Việt Nam - Armenia. Với sự đồng hành của Quốc hội, Chính phủ và sự năng động của cộng đồng doanh nghiệp, chúng ta sẽ cùng nhau biến tiềm năng thành những kết quả thực chất, mang lại lợi ích cho cả hai dân tộc”, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh tại Tọa đàm Doanh nghiệp Việt Nam - Armenia ngày 2/4. Sợi dây gắn kết đó được người đứng đầu Quốc hội Việt Nam “nối mạch” trong các trao đổi cấp cao hay các sự kiện xuyên suốt chuyến thăm hai vùng đất Trung Á.
Hợp tác kinh tế Việt Nam - Armenia và Việt Nam - Uzbekistan đều có những bước tăng trưởng tích cực. Kim ngạch thương mại song phương năm 2024 của Việt Nam với Armenia đạt gần 500 triệu USD, tăng ngoạn mục hơn 40% so với năm 2023; với Uzbekistan đạt 202 triệu USD, tăng 26,5% so với năm 2023. Vậy nhưng, theo Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn tiềm năng, dư địa giữa các bên còn rất lớn, cần được thúc đẩy, khai thác mạnh mẽ.
Uzbekistan được xem là trung tâm của “con đường tơ lụa” kết nối châu Á và châu Âu, trong khi Armenia được biết đến như một “thung lũng Silicon” của khu vực với ngành công nghệ thông tin phát triển mạnh mẽ. Bắt “đúng mạch”, hợp tác kinh tế giữa Việt Nam với hai nước chắc chắn sẽ vươn xa theo nguyên tắc mà Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh là “cùng có lợi, cùng thành công”.
Trong các trao đổi, người đứng đầu Quốc hội Việt Nam tự hào chia sẻ về nỗ lực hoàn thiện thể chế, coi đây là “đột phá của đột phá”, tháo gỡ những “điểm nghẽn của điểm nghẽn” để bảo đảm phù hợp, đáp ứng kịp thời yêu cầu thực tiễn, qua đó giúp tiếp tục không ngừng cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh theo hướng thuận lợi, thông thoáng, cạnh tranh. Do đó, Chính phủ, Quốc hội Việt Nam cam kết luôn đồng hành và tạo mọi điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp Uzbekistan hay Armenia hợp tác đầu tư kinh doanh thành công, bền vững, lâu dài ở Việt Nam.
Như vậy, chuyến công du đa phương kết hợp song phương của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn và Phu nhân góp phần nâng tầm đối ngoại Quốc hội, tiếp tục khẳng định vai trò, vị thế Việt Nam trên trường quốc tế, lan tỏa và nâng cao hình ảnh về một Việt Nam thủy chung, nghĩa tình đối với các nước bạn bè truyền thống, khai phá tiềm năng hợp tác với những vùng đất Trung Á, trái tim của lục địa Á - Âu để tạo thêm những trợ lực quan trọng, đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới.
Hà Phương