Khi thiên tai không còn theo quy luật, đô thị đối mặt hiểm nguy

Khi thiên tai không còn theo quy luật, đô thị đối mặt hiểm nguy
một ngày trướcBài gốc
Những cơn “thịnh nộ” khó lường của thiên nhiên
Trong những năm gần đây, những hiện tượng thời tiết cực đoan như dông, lốc, cuồng phong đã trở nên quen thuộc hơn với người dân Việt Nam. Từ những trận gió giật mạnh làm tốc mái nhà ở các vùng nông thôn đến những cơn lốc bất ngờ gây lật tàu thuyền trên biển, thiên tai đang để lại những hậu quả nghiêm trọng. Theo báo cáo của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, mùa mưa bão năm 2025 dự kiến có 11 - 13 cơn bão và áp thấp nhiệt đới trên Biển Đông, trong đó 4 - 6 cơn sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền, tập trung ở miền Trung và Nam Bộ.
Đặc biệt, các trận dông lốc đi kèm bão thường xuất hiện bất ngờ với gió giật cấp 8 - 10, gây thiệt hại lớn. Sự xuất hiện bất thường của dông, lốc, cuồng phong trong mùa mưa bão có nguyên nhân sâu xa từ biến đổi khí hậu toàn cầu. Nhiệt độ trung bình tăng cao làm biến đổi trạng thái và lưu chuyển của khí quyển, thúc đẩy hình thành các cơn dông mạnh, cuồng phong với cường độ lớn hơn trước. Các chuyên gia khí tượng nhấn mạnh, hiện tượng ENSO (El Nino - La Nina) đang trong trạng thái trung tính nên dự báo năm nay thời tiết sẽ khó lường, không quá cực đoan như các năm trước nhưng vẫn có nhiều đợt dông lốc, mưa đá cục bộ nguy hiểm. Bên cạnh đó, sự đô thị hóa mạnh mẽ và biến đổi sử dụng đất làm suy giảm diện tích che phủ tự nhiên, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho việc phát triển các cơn lốc xoáy và gia tăng tác động của chúng.
Trận dông lốc mới xảy ra tại tỉnh An Giang vào sáng 23/7 khiến hàng chục ngôi nhà bị tốc mái. Ảnh: Quý Nguyễn
Việc dông lốc xuất hiện ngày càng nhiều đã gây ra những thiệt hại nặng nề. Vụ tàu du lịch bị lật tại Vịnh Hạ Long vừa qua khiến nhiều người thương vong, làm dấy lên mối lo ngại về sự an toàn khi tham gia các hoạt động trên biển trong mùa mưa bão. Tại các tỉnh vùng đồng bằng, miền núi và đô thị, dông lốc thường đi kèm với mưa lớn, gây sập đổ nhà cửa, gãy đổ cây xanh, hư hại cơ sở hạ tầng, làm gián đoạn sinh hoạt và sản xuất.
Ngoài thiệt hại vật chất, những sự kiện thiên tai bất thường còn để lại hậu quả lâu dài về tâm lý và an toàn cộng đồng. Dông, lốc, cuồng phong không chỉ gây thiệt hại về tài sản mà còn để lại những hệ lụy lâu dài về kinh tế, xã hội và môi trường. Ở các khu vực nông thôn, những trận gió giật mạnh làm tốc mái nhà, phá hủy mùa màng, khiến người dân rơi vào cảnh khó khăn. Tại các đô thị lớn như Hà Nội, dông lốc thường đi kèm mưa lớn gây ngập úng, làm gián đoạn giao thông và sinh hoạt. Về môi trường, các trận lũ quét sau dông lốc thường kéo theo ô nhiễm nguồn nước, làm gia tăng nguy cơ dịch bệnh như sốt xuất huyết hay các bệnh đường tiêu hóa. Ở miền núi, sạt lở đất do mưa lớn và gió mạnh phá hủy hệ sinh thái, làm suy giảm diện tích rừng phòng hộ. Thiên tai không chỉ gây thiệt hại tức thời mà còn làm suy yếu khả năng phục hồi của các cộng đồng dễ bị tổn thương.
Cần tăng cường tính chủ động ứng phó
Trước một thực tế thiên tai ngày càng cực đoan và khó lường, các chuyên gia khí tượng cho rằng, việc trông chờ vào may rủi hay chỉ bị động khắc phục hậu quả là một tư duy lỗi thời và nguy hiểm. Đã đến lúc phải chuyển sang một chiến lược ứng phó chủ động, toàn diện từ cấp vĩ mô đến từng cá nhân. Để thích nghi với hiện tượng thời tiết cực đoan đang gia tăng, bài toán cần nhiều giải pháp tích hợp. Trước hết, hệ thống dự báo cần nâng cấp cả công nghệ (radar, phân tích vệ tinh) và tính chuyên sâu đến từng vùng địa lý, hỗ trợ cảnh báo theo mức độ tác động cụ thể.
Cùng với đó, phải xây dựng tiêu chuẩn rõ ràng cho việc đình chỉ hoạt động tàu thuyền khi gió đạt cấp 6 trở lên, không để quyết định phụ thuộc vào thuyền trưởng hoặc chủ tàu đơn lẻ. Riêng về du lịch biển, bắt buộc du khách mặc áo phao, tàu trang bị đầy đủ phao cứu sinh và loa thông tin liên tục cập nhật thời tiết. Tàu và nhân viên cần thực tập diễn tập thoát hiểm hàng quý để sẵn sàng ứng phó với tình huống bất ngờ. Bên cạnh vai trò của Nhà nước, ý thức chủ động của DN và người dân đóng vai trò quyết định. Các DN hoạt động trong lĩnh vực nhạy cảm với thời tiết như du lịch, vận tải phải xây dựng quy trình vận hành an toàn, trong đó việc cập nhật liên tục thông tin thời tiết và tuân thủ lệnh cấm khi có cảnh báo nguy hiểm phải là nguyên tắc bất di bất dịch.
PGS.TS Mai Văn Khiêm - Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia (Bộ NN&MT) cho biết, về bản chất, dông lốc, sét là hiện tượng xuất hiện bất ngờ, phạm vi hẹp nhưng có thể gây hậu quả nghiêm trọng. Do đó, khi dông lốc xảy ra, người dân cần hạn chế ra ngoài khi có cảnh báo, đặc biệt tránh các khu vực trống trải, ven biển, nơi cao, dưới cây to hoặc gần sông, hồ. Tuyệt đối không sử dụng thiết bị điện tử cầm tay khi đang di chuyển ngoài trời.
Với người đi biển, chuyên gia khuyến cáo cần nghiêm túc chấp hành hướng dẫn và lệnh cấm ra khơi từ cơ quan chức năng, kể cả khi thời tiết tạm thời ổn định. Các đơn vị du lịch phải chủ động theo dõi bản tin thời tiết ngắn hạn, xây dựng phương án ứng phó khẩn cấp và phối hợp chặt chẽ với cơ quan khí tượng. Đặc biệt, trong trường hợp dông lốc xảy ra khi đang di chuyển, cách tốt nhất là nhanh chóng tìm nơi trú ẩn an toàn như nhà kiên cố, tránh xa cây lớn, cột điện và khu vực trống. Chuyên gia cũng lưu ý rằng, để bảo đảm an toàn khi dông lốc xảy ra, mọi người tuyệt đối không dùng điện thoại di động ngoài trời, không đứng gần cửa sổ hoặc cửa kim loại; cần ngắt các thiết bị điện không cần thiết để đề phòng sét đánh lan truyền qua đường dây.
Đó là những giải pháp trước mắt, còn về lâu dài, các chuyên gia môi trường cho rằng, để đối phó với các diễn biến bất thường của thời tiết, đặc biệt là các hiện tượng thời tiết cực đoan như dông lốc và cuồng phong… thì cách tốt nhất vẫn là hướng tới các giải pháp bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu. Đầu tư vào hạ tầng thông minh, như hệ thống thoát nước hiện đại và đê biển chống nước dâng, là ưu tiên hàng đầu. Đặc biệt là thực hiện nhiều giải pháp nhằm bảo vệ môi trường, giảm phát thải khí thải ra bầu khí quyển.
Một trong những việc cần làm ngay là khuyến khích sử dụng năng lượng tái tạo và giảm khí thải nhà kính sẽ góp phần làm chậm quá trình biến đổi khí hậu, từ đó giảm tần suất các hiện tượng thời tiết cực đoan. Biến đổi khí hậu đã và đang biến những cơn dông, lốc trở thành những sát thủ âm thầm, tấn công bất ngờ với sức mạnh hủy diệt ngày càng lớn. Cuộc chiến với thiên tai cực đoan không có chỗ cho sự bị động và chủ quan. Thay đổi tư duy từ “chống” sang “phòng”, từ “khắc phục hậu quả” sang “chủ động thích ứng” là con đường duy nhất để các đô thị phát triển bền vững, để hoạt động kinh tế diễn ra an toàn và quan trọng nhất là bảo vệ tính mạng, tài sản của mỗi người dân trước sự thịnh nộ của thiên nhiên.
Theo các chuyên gia khí tượng, mỗi gia đình, mỗi người dân cần trang bị kỹ năng phòng tránh trước mọi diễn biến bất thường của thời tiết, đặc biệt là các hiện tượng thời tiết cực đoan. Trước mỗi mùa mưa bão, việc chủ động gia cố nhà cửa, chằng chống mái tôn, cắt tỉa cành cây xung quanh nhà phải trở thành một thói quen.
Quý Nguyễn
Nguồn KTĐT : https://kinhtedothi.vn/khi-thien-tai-khong-con-theo-quy-luat-do-thi-doi-mat-hiem-nguy.781596.html