Khi thương hiệu ngoại thống trị rạp Việt

Khi thương hiệu ngoại thống trị rạp Việt
20 giờ trướcBài gốc
Sự áp đảo của thương hiệu ngoại
Aeon Entertainment - một trong những nhà điều hành rạp chiếu phim hàng đầu Nhật Bản đã công bố kế hoạch khai trương rạp đầu tiên tại Việt Nam trong năm nay. Không dừng lại ở đó, công ty này dự kiến đầu tư từ 134-200 triệu USD đến năm 2035 để mở rộng hệ thống rạp chiếu phim trên toàn quốc.
Thị phần rạp chiếu phim Việt Nam vẫn đang có sự thống trị của các thương hiệu nước ngoài.
Việc một thương hiệu ngoại tiếp tục gia nhập thị trường đã khiến không ít người đặt câu hỏi: Liệu rạp chiếu phim Việt Nam có còn chỗ đứng cho các doanh nghiệp trong nước, hay sẽ tiếp tục bị thống trị bởi các tập đoàn nước ngoài?
Theo thống kê của Box Office Vietnam, Việt Nam hiện có khoảng 1.200 phòng chiếu và 212 cụm rạp. Trong đó, CGV (Hàn Quốc) dẫn đầu với 45% thị phần, sở hữu 83 cụm rạp trên toàn quốc. Lotte Cinema (Hàn Quốc) xếp thứ hai, chiếm 26% thị phần với 50 cụm rạp.
Galaxy Cinema là thương hiệu nội địa lớn nhất nhưng cũng chỉ nắm giữ khoảng 10% thị phần. Các chuỗi rạp nhỏ hơn như Beta Cinema chiếm khoảng 8%, BHD CineStar nắm 5,5%, phần còn lại thuộc về CineStar, Mega GS và các rạp chiếu phim Nhà nước như Trung tâm Chiếu phim Quốc gia.
Đáng nói hơn, ngay cả những thương hiệu Việt cũng không hoàn toàn thuộc sở hữu của doanh nghiệp trong nước. Các tập đoàn nước ngoài vẫn đang nắm cổ phần lớn tại nhiều hệ thống rạp nội địa: 30% tại BHD, 30% của Galaxy và 49% của Mega. Điều này cho thấy sự chi phối mạnh mẽ của khối ngoại đối với thị trường rạp chiếu phim tại Việt Nam.
Phim Việt thất thế vì bị phụ thuộc
Không chỉ dừng lại ở việc thống lĩnh thị phần, các doanh nghiệp rạp chiếu phim nước ngoài còn bị cho là đang tạo ra sự bất lợi cho các bộ phim Việt Nam khi phân bổ suất chiếu. Nhiều đạo diễn, nhà sản xuất và phát hành phim trong nước đã lên tiếng về tình trạng phim Việt bị các rạp chiếu phim ưu tiên lợi nhuận gạt sang một bên.
Nhìn nhận một cách sòng phẳng, rõ ràng, khi các nhà đầu tư ngoại thống trị thị trường, họ sẽ có quyền chi phối.
Theo một chuyên gia điện ảnh, các hệ thống rạp ngoại thường tập trung suất chiếu vào những bộ phim Hollywood hoặc phim bom tấn từ Hàn Quốc, Trung Quốc, trong khi phim Việt Nam thường chỉ được sắp xếp ở những khung giờ không thuận lợi. Các bộ phim điện ảnh do Nhà nước đặt hàng sản xuất gần như không có cơ hội được chiếu rộng rãi vì không thể cạnh tranh với các phim thương mại.
Bên cạnh đó, do không thể cạnh tranh với dòng phim thương mại, nhiều nhà sản xuất phim trong nước phải tìm cách sản xuất với kinh phí thấp hơn, dẫn đến chất lượng không thể sánh ngang với phim ngoại.
Dù phim Việt ngày càng có nhiều tác phẩm chỉn chu và đạt được thành công, hiệu ứng phòng vé vẫn chưa cao và không kéo dài. Không chỉ vậy, việc ưu tiên phim ngoại vào các khung giờ vàng còn khiến khán giả quen thuộc với dòng phim nước ngoài hơn, từ đó tiếp tục củng cố sự thống trị của các thương hiệu ngoại trong ngành chiếu phim.
Bài toán cần lời giải
Một trong những nguyên nhân được nhắc đến nhiều nhất là các rạp nội địa chưa thể cạnh tranh về dịch vụ và cơ sở vật chất. Khán giả vẫn ưu tiên lựa chọn những hệ thống rạp như CGV, Lotte vì chất lượng phòng chiếu hiện đại, âm thanh hình ảnh tốt hơn và trải nghiệm dịch vụ tốt hơn.
Có thể nhận thấy, vấn đề ở đây chính là việc không mấy nhà đầu tư nội mặn mà với thị trường vốn đang đẻ trứng vàng cho khối ngoại.
Đại diện của BHD từng chia sẻ, các doanh nghiệp Việt Nam đang rất khó khăn về nguồn vốn. Vì chi phí quá cao nên hầu như các doanh nghiệp khó có lãi, thậm chí lỗ hoặc lãi rất thấp.
Trao đổi với PV, bà Vũ Thị Bích Liên, Giám đốc điều hành Tổ hợp giải trí và Truyền thông Mega GS cho biết, các doanh nghiệp rạp chiếu phim trong nước đang đối mặt với nhiều khó khăn khi phải thuê mặt bằng với chi phí cao, trong khi các thương hiệu nước ngoài như Lotte, Aeon lại có lợi thế tích hợp rạp chiếu vào hệ sinh thái trung tâm thương mại của họ.
Điều này giúp các chuỗi rạp ngoại giảm bớt áp lực chi phí vận hành và thu hút lượng khách ổn định, tạo ra sự cạnh tranh không cân bằng trên thị trường.
Ngoài ra, để mở rộng hệ thống và cạnh tranh với các thương hiệu ngoại, các doanh nghiệp nội địa cần nguồn vốn lớn, điều này không dễ dàng trong bối cảnh thị trường điện ảnh còn nhiều thách thức.
Trước tình hình đó, Mega GS đề xuất Nhà nước hỗ trợ doanh nghiệp trong nước bằng cách tạo điều kiện để xây dựng rạp tại các trung tâm văn hóa, địa điểm thuộc quản lý Nhà nước, giúp giảm gánh nặng chi phí mặt bằng.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng mong muốn có quy định rõ ràng về tỷ lệ chia doanh thu từ các nhà phát hành phim, đảm bảo sự công bằng giữa các rạp chiếu lớn và nhỏ, giúp các đơn vị nội địa có cơ hội cạnh tranh bền vững hơn.
Do thị trường chiếu phim tại các quốc gia phát triển đã bão hòa, khiến các doanh nghiệp nước ngoài phải tìm kiếm thị trường mới. Tại Mỹ, sự phát triển mạnh mẽ của các nền tảng streaming như Netflix, Disney+ và HBO Max đã làm giảm lượng khán giả đến rạp. Hay tại Nhật Bản, dân số già hóa và suy giảm đã khiến ngành chiếu phim dần mất sức hút.
Trong bối cảnh đó, Việt Nam với dân số hơn 100 triệu người và số lượng rạp chiếu phim còn hạn chế trở thành một thị trường đầy tiềm năng.
Thực tế cho thấy, các thương hiệu ngoại đang gặt hái được lợi nhuận khổng lồ tại "sân khách" Việt Nam. Chẳng hạn, năm vừa qua, thị trường Việt Nam đã mang về 207,2 tỷ won (khoảng 3.840 tỷ đồng) cho CJ CGV, tăng 12,1% so với năm 2023. Trung bình, mỗi ngày CGV Việt Nam thu về hơn 10,5 tỷ đồng.
Trong khi đó, các thương hiệu nội địa lại liên tục báo lỗ. Galaxy Cinema lỗ hơn 16,6 tỷ đồng chỉ trong nửa đầu năm 2024. Trước đó, Galaxy lỗ ba năm liên tiếp: 473 tỷ đồng (2023), 623 tỷ đồng (2022) và 371 tỷ đồng (2021).
Phạm Thắng
Nguồn Giao Thông : https://www.baogiaothong.vn/khi-thuong-hieu-ngoai-thong-tri-rap-viet-19225033123243717.htm