Những ngôi nhà nằm sâu trong các bản giờ cũng có thể nghe được tiếng loa.
"Trước kia loa nói tiếng Kinh, tôi nghe chập chờn không hiểu hết"
5h sáng, khi mặt trời vừa chớm mọc, tiếng loa thông minh đã bắt đầu ngân vang khắp núi rừng huyện Đakrông (tỉnh Quảng Trị). Không chỉ có bản tin về thời sự quốc gia, người dân còn cập nhật được cảnh báo thời tiết, thậm chí cả thông báo về chính sách hỗ trợ hộ nghèo, tất cả bằng giọng nói quen thuộc của những người cùng bản, bằng chính tiếng Pa Cô, Vân Kiều.
Bà Hồ Thị So (67 tuổi, xã A Vao, người dân tộc Pa Cô) cho biết: "Trước kia, loa chỉ nói tiếng kinh, tôi nghe chập chờn không hiểu hết, giờ thì loa nói tiếng Pa Cô, nghe rõ từng lời. Không còn lo bỏ sót chuyện to, chuyện nhỏ nữa".
Bà Hồ Thị So đang chuẩn bị bữa cơm trưa
Ông Phan Xuân Liệu, Trưởng phòng Văn hóa Thông tin huyện ĐaKrông, cho biết, sự thay đổi này đến từ Dự án 6 - Truyền thông và giảm nghèo về thông tin. Những chiếc loa truyền thống đã được nâng cấp thành loa thông minh.
Sự khác biệt của loa thông minh là có thể tích hợp được máy tính, micro, thiết bị phát wifi mini, cho phép lập lịch tự động, phát bản tin đúng giờ, đúng ngôn ngữ bản địa (tiếng Pa Cô, Vân Kiều). Những bản tin được chuẩn bị kỹ lưỡng, biến chiếc loa vốn đã quen thuộc thành "tiếng nói thức tỉnh" giữa đại ngàn.
Từ một thiết bị cũ kỹ, chiếc loa bản đã được nâng cấp bằng công nghệ số, len lỏi vào từng ngõ ngách đời sống dân bản, nhẹ nhàng nhưng sâu sắc.
Ông Hồ Văn Nhiếp, Chủ tịch UBND xã A Vao, khẳng định: "Những chiếc loa thông minh đã thay đổi cách chúng tôi truyền đạt chính sách. Trước kia phải mất nhiều ngày họp dân, giờ chỉ cần phát lên loa là cả bản đã nắm được. Thời điểm làm căn cước công dân, chúng tôi chỉ phát loa liên tiếp 3 ngày, người dân cả xã đã đến làm thủ tục đầy đủ. Nếu không có loa thông minh chắc lại phải đi đến từng nhà gọi miệng như trước".
Theo ông Nhiếp, trên địa bàn xã A Vao chủ yếu là người dân tộc Pa Cô và dân tộc Vân Kiều, dân tộc Kinh tại đây rất ít. Trong đó tỷ lệ người không nói, nghe được tiếng dân tộc Kinh còn nhiều, những người không biết đọc, viết chủ yếu tập trung vào nhóm người cao tuổi.
"Dân mình giờ tin loa như tin trưởng bản vậy"
Từ ngày được trang bị hệ thống loa thông minh, những buổi họp thôn, bản ở các xã trên địa bàn huyện Đakrông đã dần vơi đi. Thay vào đó là những tiếng loa vang đều mỗi sáng, mỗi chiều. Chính quyền xã tận dụng loa thông minh để đưa thông tin đến tận cửa từng nhà. Điều đáng quý là mô hình này không đòi hỏi nhiều chi phí.
"Trước đây loa báo có bão, nhiều người nghe không hiểu, vẫn đi nương bình thờng. Giờ cứ nghe loa là cả bản lo thu gom đồ đạc, chuẩn bị chỗ trú trước. Thoát được nhiều cái nạn", bà Hồ Thị Men (người dân bản Tân Đi 1, xã A Vao) cho hay.
Không chỉ hỗ trợ việc cập nhật thông tin thời tiết, hệ thống loa thông minh còn đóng vai trò như một người bạn đồng hành trong cuộc sống thường ngày của bà con vùng cao. Những kiến thức tưởng chừng xa vời, như cách phòng chống bệnh sốt xuất huyết, hướng dẫn kê khai bảo hiểm y tế trực tuyến, các quy định mới về hỗ trợ học sinh dân tộc thiểu số… nay đã được truyền tải bằng giọng đọc quen thuộc với từng người dân.
Những chiếc loa thông minh đang giúp bà con tiếp cận thông tin một cách tốt hơn
Ông Hồ Văn Bui (người có uy tín trong cộng đồng ở xã A Vao) cho biết, không phải ai ở vùng núi cũng có điện thoại thông minh, cũng có ti vi, nhưng chiếc loa thông minh thì nhà nào cũng có thể nghe được. Nhờ những bản tin phát bằng tiếng bản địa, người dân giờ đây đã nắm rõ các chính sách của Nhà nước, hiểu chuyện bản làng, sống nề nếp hơn và đoàn kết hơn.
"Chiếc loa nhỏ vậy thôi mà có ngày cứu được cả bản. Như đợt bão hồi tháng 9/2024 vừa rồi, huyện phát cảnh báo, loa thông minh báo liên tục bằng tiếng Pa Cô. Cả bản kéo nhau đi tránh trú, không ai bị thương tích. Dân mình giờ tin loa như tin trưởng bản vậy", ông Bui cười nói.
Vài năm gần đây tiếng loa thông minh dường như đã ăn sâu vào đời sống thường nhật, trở thành một phần không thể thiếu trong nhịp sống bản làng ở huyện Đakrông. Mỗi sáng, khi tiếng loa cất lên cũng là lúc bản làng như thức giấc, nối liền với dòng chảy thông tin từ bên ngoài, không còn bị bỏ lại phía sau trong hành trình chuyển mình.
Văn Long