Khi tội ác có tổ chức

Khi tội ác có tổ chức
2 ngày trướcBài gốc
Lỏng lẻo kiểm định
Thủ đoạn của các cơ sở sản xuất, kinh doanh hàng giả cũng ngày càng tinh vi và có tổ chức. Theo Thượng tá Vũ Thanh Tùng - Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát kinh tế (C03), Bộ Công an, nhiều doanh nghiệp đã sử dụng “chiêu bài” gửi mẫu kiểm định đạt chuẩn để qua mặt cơ quan chức năng, sau đó khi sản xuất hàng loạt lại thay thế nguyên liệu kém chất lượng nhằm tối ưu lợi nhuận. Thậm chí, các đối tượng chủ mưu không trực tiếp ra mặt mà thuê người sản xuất tại các địa điểm hẻo lánh, ngụy trang kỹ lưỡng. Khi có dấu hiệu bị kiểm tra, hàng hóa đã nhanh chóng được “tẩu tán” trước đó.
Lực lượng chức năng tuyên truyền các chủ cửa hàng kinh doanh thuốc chữa bệnh và sữa bột chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật. Ảnh: C.A tỉnh Thanh Hóa
Một số vụ việc gần đây cho thấy, hàng giả được sản xuất theo dây chuyền khép kín, từ làm giả bao bì, nhãn mác đến cấp mã QR đánh lừa truy xuất nguồn gốc. Nhiều cơ sở “vay mượn” thương hiệu nổi tiếng hoặc thuê dược sĩ có bằng cấp để hợp thức hóa hoạt động. Hàng giả được tiêu thụ qua thương mại điện tử và mạng xã hội, với quảng cáo mập mờ đánh vào tâm lý người bệnh muốn “chữa khỏi nhanh”, “không cần đơn thuốc”. Người tiêu dùng, đặc biệt người già, trẻ nhỏ, và bệnh nhân mãn tính, phải trả giá bằng sức khỏe, thậm chí tính mạng.
Không chỉ là những sản phẩm ngoài luồng, hàng giả còn thâm nhập cả vào các cơ sở khám chữa bệnh, từ quầy thuốc cho đến căng tin bệnh viện. TS Hà Anh Đức - Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) cảnh báo: “Nếu thiếu kiểm soát, người bệnh có thể vô tình sử dụng hàng kém chất lượng ngay trong không gian vốn được cho là an toàn nhất”.
Thực tế, từ năm 2020 đến nay, ngành y tế đã xử lý gần 200 cơ sở vi phạm an toàn thực phẩm, với tổng số tiền phạt gần 24 tỷ đồng. Năm 2024, hơn 260 đoàn thanh, kiểm tra đã được triển khai, trong đó 46 vụ vi phạm trong lĩnh vực dược phẩm đã bị xử lý. Tuy nhiên, mức độ răn đe vẫn còn hạn chế, khi phần lớn các vụ việc dừng lại ở mức xử phạt hành chính.
Cần sự vào cuộc đồng bộ
Trước thực trạng đáng lo ngại, ngành y tế đã phát động tháng cao điểm chống hàng giả từ ngày 15/5 đến 15/6, với sự phối hợp chặt chẽ giữa Bộ Y tế, Bộ Công an và các địa phương. Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan, cuộc chiến chống hàng giả không thể là một chiến dịch ngắn hạn rồi bỏ ngỏ, mà phải là nhiệm vụ liên tục, bền bỉ và có chiều sâu.
Một giải pháp trọng tâm là hoàn thiện khung pháp lý. Bộ Y tế đang sửa đổi Nghị định 15 về an toàn thực phẩm, trình Chính phủ trong tháng 6/2025, đồng thời phối hợp với Quốc hội thông qua Luật Dược sửa đổi có hiệu lực từ ngày 1/7/2025. Đây được kỳ vọng là hành lang pháp lý mới nâng cao hiệu quả quản lý hậu kiểm và kiểm soát chất lượng sản phẩm từ gốc.
Ngoài ra, cơ sở dữ liệu quốc gia về người hành nghề y và hệ thống đơn thuốc điện tử đang được xây dựng, cho phép giám sát toàn bộ quá trình kê đơn – cấp thuốc – tiêu thụ. Hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm cũng được đẩy mạnh nhằm giúp người dân nhận diện rõ ràng hàng thật – hàng giả. Bà Đào Hồng Lan cho rằng, công nghệ chính là bức tường bảo vệ đầu tiên trước hàng giả.
Ở góc độ quản lý/xử lý, các bộ, ngành liên quan như Công an, Công thương, Khoa học và Công nghệ cũng đang phối hợp xây dựng cơ sở dữ liệu hàng hóa làm nền tảng cho việc truy xuất nguồn gốc, phục vụ điều tra và định hướng chính sách. Thống kê của Bộ Công an cho thấy, chỉ trong 5 tháng đầu năm 2025, đã có 6 vụ án liên quan đến hàng giả y tế bị khởi tố.
Tuy vậy, khó khăn không chỉ nằm ở hệ thống pháp luật hay công nghệ. Một nguyên nhân then chốt được các địa phương thừa nhận là thiếu nhân lực và thiết bị kiểm nghiệm ở tuyến cơ sở. Bên cạnh đó, vẫn còn tình trạng cán bộ buông lỏng trách nhiệm, tiếp tay hoặc làm ngơ cho sai phạm. “Không có sự phân định trách nhiệm rõ ràng, việc kiểm tra sẽ mãi chỉ ở mức hình thức” - TS Hà Anh Đức nói.
Để khắc phục, Bộ Y tế yêu cầu các địa phương chủ động rà soát, lồng ghép nhân lực kiểm nghiệm vào công tác hậu kiểm; đồng thời đề nghị tăng chế tài xử phạt, bao gồm cả xử lý hình sự, đối với các tổ chức, cá nhân cố tình vi phạm.
Cuối cùng, không thể thiếu sự vào cuộc của người dân. Bộ Y tế đã phát động phong trào toàn dân tố giác tội phạm, đồng thời cập nhật thường xuyên các danh sách sản phẩm, cơ sở bị xử phạt lên Cổng thông tin điện tử. Bằng cách đó, người tiêu dùng có thể chủ động bảo vệ bản thân và hỗ trợ cơ quan chức năng.
Bộ trưởng Đào Hồng Lan khẳng định: “Một viên thuốc giả có thể cướp đi sinh mạng con người. Cuộc chiến này không chỉ là trách nhiệm của cơ quan quản lý, mà còn là bổn phận của mỗi người dân”.
Thuốc giả, sữa kém chất lượng, thực phẩm chức năng không rõ nguồn gốc… đang len lỏi ngày càng sâu vào đời sống người dân, gây nguy hại nghiêm trọng cho sức khỏe và làm lung lay niềm tin vào hệ thống y tế. Hàng giả trong y tế không còn đơn thuần là một hành vi gian lận thương mại, mà đã được Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan nhận định là “vấn đề tội ác”.
Đức Trân
Nguồn Đại Đoàn Kết : https://daidoanket.vn/khi-toi-ac-co-to-chuc-10306616.html