Khi Tổng thống Trump trở lại Riyadh: Saudi Arabia đã không còn như trước

Khi Tổng thống Trump trở lại Riyadh: Saudi Arabia đã không còn như trước
7 giờ trướcBài gốc
Tổng thống Mỹ Donald Trump và Thái tử Saudi Mohammed bin Salman trong buổi lễ đón chính thức tại Cung điện Hoàng gia Saudi ở Riyadh, Saudi Arabia, ngày 13/5. Ảnh: Getty Images
Tờ New York Times vừa đăng tải bài viết của tác giả Michael Ratney, cựu Đại sứ Mỹ tại Saudi Arabia từ năm 2023 đến 2025.
Theo ông Ratney, rất nhiều người dân Saudi Arabia dành thiện cảm cho Tổng thống Donald Trump. Họ xem ông là một doanh nhân thẳng thắn – người nói về lợi ích chứ không nói về giá trị, người không giảng đạo về nhân quyền và cũng chẳng hứng thú với các tư tưởng cấp tiến kiểu "thức tỉnh" mà họ ghét cay ghét đắng.
Nếu bạn không ưa Saudi Arabia hay ông Trump thì cũng chẳng sao. Bạn có thể thêm điều này vào danh sách những lý do để chê trách vương quốc này – sau sự thiếu khoan dung tôn giáo, việc hạn chế tự do ngôn luận và cả những vụ hành hình. Nhưng sau gần hai năm làm đại sứ Mỹ tại Riyadh và chứng kiến tận mắt quá trình chuyển mình đầy ấn tượng của quốc gia này, cựu Đại sứ Ratney muốn kêu gọi những người hoài nghi hãy nhìn kỹ hơn vào những gì thực sự đang diễn ra – vào những gì Tổng thống sẽ thấy và nghe trong chuyến thăm Riyadh tuần này, và vào cách mà an ninh quốc gia Mỹ có thể được củng cố, hoặc bị tổn hại, tùy thuộc vào thành công hay thất bại của chuyến thăm.
Lãnh đạo và người dân Saudi Arabia gần như chắc chắn sẽ xem việc ông Trump chọn quốc gia họ làm điểm đến cho chuyến công du nước ngoài đầu tiên trong nhiệm kỳ mới – giống như nhiệm kỳ đầu – là một cử chỉ thể hiện sự tôn trọng chân thành. Điều này trái ngược hẳn với cách Tổng thống Joe Biden khởi đầu nhiệm kỳ: ông từng cam kết biến Saudi Arabia thành "kẻ bị ruồng bỏ". Quan hệ Mỹ - Saudi Arabia về sau đã ấm lại – thậm chí là ấm lên rất nhiều – đặc biệt khi hai bên bắt đầu đàm phán các thỏa thuận nhằm đưa hai quốc gia xích lại gần nhau như những đồng minh hiệp ước và đối tác kinh tế, thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Riyadh và Tel Aviv, đồng thời củng cố triển vọng thành lập nhà nước Palestine. Nhưng nhiều người dân Saudi Arabia vẫn mong đợi ngày ông Trump trở lại Nhà Trắng – và trở lại Riyadh.
Từ lần ông Trump đến thăm vương quốc này năm 2017, mọi thứ đã thay đổi rất nhiều. Chỉ một tháng sau đó, Mohammed bin Salman (M.B.S) chính thức trở thành Thái tử. Khi đó, vị lãnh đạo trẻ đang mải củng cố quyền lực và tiến hành cuộc chiến chống lại lực lượng Houthi tại Yemen. “Tầm nhìn 2030” – chương trình cải tổ kinh tế và xã hội do ông khởi xướng và vẫn đang trực tiếp chỉ đạo – mới chỉ bắt đầu, chưa kịp truyền cảm hứng sâu rộng cho người dân. Và phụ nữ Saudi Arabia khi ấy vẫn chưa được phép lái xe.
Từ đó đến nay, đất nước này đã chuyển mình một cách đáng kinh ngạc. Phần lớn các đạo luật giám hộ – vốn kiểm soát gần như mọi khía cạnh trong đời sống phụ nữ – đã bị bãi bỏ; phụ nữ giờ đây có thể làm việc trong mọi ngành nghề, mọi cơ quan chính phủ. Cách đây vài năm, phụ nữ thậm chí không được phép đến sân vận động xem bóng đá; giờ thì đã có cả một giải vô địch bóng đá nữ chuyên nghiệp. Lực lượng cảnh sát tôn giáo – từng là biểu tượng vừa khó chịu vừa đáng sợ trong đời sống hàng ngày – đã biến mất. Saudi Arabia giờ là một trong những nhà đầu tư lớn nhất toàn cầu trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, nhằm chuẩn bị cho một tương lai phồn thịnh khi quốc gia này không thể mãi phụ thuộc vào dầu mỏ.
Từ bên ngoài nhìn vào, nhiều người cho rằng những gì Thái tử M.B.S. làm chỉ là chiêu trò PR. Chỉ ở Riyadh, mới cảm nhận được không khí ở đây khác xa với cách đây chừng chục năm. Đất nước này như được tiếp thêm sinh lực, tự tin hơn, đầy tham vọng, dân tộc chủ nghĩa hơn, và đơn giản là hạnh phúc hơn. Rất nhiều người dân, dù không phải ai cũng hài lòng với mọi thay đổi, vẫn công nhận M.B.S. là người đứng sau sự chuyển mình đó.
Tất nhiên, không phải bức tranh nào cũng toàn màu sáng. Quốc gia này vẫn thi hành án tử hình một cách rộng rãi, trong khi tính minh bạch của hệ thống tư pháp còn hạn chế. Biên phòng Saudi Arabia bị cáo buộc nổ súng vào người di cư từ Yemen. Chính quyền gần như không khoan dung với bất kỳ hành vi bất đồng chính kiến nào. Và dù đầu tư lớn vào năng lượng tái tạo, nước này vẫn phụ thuộc vào dầu mỏ để tài trợ cho công cuộc chuyển đổi kinh tế - xã hội.
Nhưng Saudi Arabia đang tiến nhanh trên một con đường đúng đắn – và thành công của họ phục vụ trực tiếp lợi ích của nước Mỹ. Đây là một quốc gia thịnh vượng, có tham vọng toàn cầu phù hợp với Mỹ trong các lĩnh vực như trí tuệ nhân tạo, năng lượng tái tạo và an ninh. Họ là lãnh đạo thế giới Arab và Hồi giáo, ngày nay chủ trương Hồi giáo ôn hòa và bác bỏ chủ nghĩa bài Do Thái. Vương quốc này chia sẻ lợi ích với Mỹ trong việc xây dựng một Trung Đông ổn định, nơi các nhóm vũ trang và khủng bố Hồi giáo cực đoan không còn gieo rắc hỗn loạn.
Vậy Tổng thống Trump nên làm gì để thể hiện rằng nước Mỹ muốn Saudi Arabia thành công?
Theo tác giả Ratney, trước hết, ông có thể nới lỏng việc xuất khẩu các loại chip tiên tiến – thứ giúp ngành AI của Saudi Arabia duy trì kết nối với Mỹ – và các hệ thống phòng thủ gắn kết quân đội hai nước. Ông có thể khẳng định rằng các trường đại học Mỹ luôn chào đón sinh viên, nhà nghiên cứu, giảng viên Saudi Arabia – cũng như các trường đại học Saudi Arabia đang đón tiếp người Mỹ – nhưng cũng nhấn mạnh rằng cách một quốc gia đối xử với công dân Mỹ là phép thử quan trọng.
Riyadh cần cho phép các công dân Mỹ bị cấm xuất cảnh vì những tội danh "vớ vẩn" như đăng bài chính trị lên mạng xã hội, được về nhà đoàn tụ với gia đình. Ông Trump cũng nên tận dụng chuyến thăm để thúc đẩy bình thường hóa quan hệ Saudi - Israel, nhưng có thể ông sẽ được nghe rằng việc này là bất khả thi nếu chiến sự ở Gaza vẫn tiếp diễn và chưa có chính phủ Israel nào ủng hộ lộ trình thành lập nhà nước Palestine.
Rất có thể, ông Trump sẽ nghe thấy thông điệp rằng Saudi Arabia quyết tâm không để bất cứ điều gì làm gián đoạn công cuộc chuyển mình của họ – không xung đột khu vực, không bất ổn kinh tế, không tên lửa Houthi và không bất ổn trong nước. Hiểu rõ rằng hệ tư tưởng của Iran khó mà thay đổi và khu vực Trung Đông khó mà bớt bất ổn, Thái tử M.B.S. có thể coi Mỹ là đối tác lựa chọn số một, và muốn ràng buộc hai nước bằng một hiệp ước – như một “bảo hiểm” tối thượng trong khu vực đầy rủi ro này.
Tuy nhiên, vị Thái tử này cũng có thể nhìn sang các đồng minh thân cận nhất của Mỹ và tự hỏi: “Nếu Mỹ đối xử với bạn bè như thế, thì sau này họ sẽ đối xử với chúng ta ra sao?”. Một hiệp ước liên kết Mỹ với Saudi Arabia cũng đồng nghĩa ràng buộc người Saudi với Mỹ, với sự khó đoán định, với thái độ ngày càng xa rời các liên minh của Washington và với xu hướng phá vỡ trật tự kinh tế toàn cầu mà về cơ bản lâu nay vẫn có lợi cho cả Mỹ lẫn Saudi Arabia.
Tác giả Ratney cho rằng, nhiều người dân thường ở Riyadh vui mừng trước việc ông Trump tái đắc cử, nhưng nhiều quan chức chính phủ và doanh nghiệp thì lại đánh giá cao sự ổn định của ông Biden. Khi bạn đang đổ hàng nghìn tỉ USD vào công cuộc tái thiết tương lai trong một khu vực đầy biến động, sự ổn định là thứ bạn mong muốn nhất ở một đồng minh. Saudi Arabia dường như đang tìm cách “neo giữ” tham vọng của mình vào Mỹ – hợp tác với quân đội, ngành công nghệ và giới học thuật Mỹ. Nhưng nước Mỹ đang đối mặt với cạnh tranh, và trong thế giới đa cực ngày nay, Saudi Arabia có nhiều lựa chọn.
Không biết liệu Thái tử M.B.S. có nói ra điều đó hay không, nhưng Tổng thống Trump nên hiểu rằng đó chính là điều mà Thái tử đang nghĩ.
Thu Hằng/Báo Tin tức và Dân tộc
Nguồn Tin Tức TTXVN : https://baotintuc.vn/the-gioi/khi-tong-thong-trump-tro-lai-riyadh-saudi-arabia-da-khong-con-nhu-truoc-20250513201038342.htm