Siêu đô thị tầm cỡ, kỳ vọng vào cơ hội rộng mở
Giữa tháng 4/2025, tại Kỳ họp lần thứ 22, Hội đồng nhân dân (HĐND) Tp.HCM khóa X, đã tán thành chủ trương hợp nhất tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, tỉnh Bình Dương và Tp.HCM. Lấy tên Tp.HCM trung tâm chính trị - hành chính đặt tại số 86, đường Lê Thánh Tôn, quận 1.
Đây là một trong những sự kiện được đánh giá là bước ngoặt trong việc phát triển nền kinh tế đất nước, khi Tp.HCM (được ví là trung tâm tài chính phía Nam); Bình Dương (thủ phủ công nghiệp) và Bà Rịa - Vũng Tàu (nơi có cảng biển, trung tâm logistics). Hợp nhất 3 địa phương này thì khu vực sẽ có "siêu đô thị" tầm cỡ mang đầy đủ sức mạnh về kinh tế xã hội.
Tp.HCM - Bình Dương - Vũng Tàu hợp nhất được kỳ vọng giảm áp lực nhà ở khu vực trung tâm.
Trao đổi với Người Đưa Tin, ông Lưu Quang Tiến, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu Kinh tế - Tài chính - Bất động sản Dat Xanh Services cho rằng; chủ trương hợp nhất 3 địa phương là Tp.HCM - Bình Dương - Bà Rịa - Vũng Tàu là hướng tới sự phát triển lâu dài, đồng bộ, tạo nên một siêu đô thị rộng lớn đầy đủ sức mạnh trong các lĩnh vực kinh tế hiện nay, viễn cảnh đặt ra với việc hợp nhất sẽ tạo động lực tăng trưởng mạnh mẽ cho kinh tế đất nước, dự kiến đóng góp khoảng 25% GDP.
Theo ông Tiến, Tp.HCM hiện là đầu tàu kinh tế cả nước, Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu tuy là tỉnh nhưng lại có những thế mạnh nổi bật. Bình Dương là trung tâm công nghiệp hàng đầu, trong khi Bà Rịa – Vũng Tàu là cửa ngõ biển quan trọng với hệ thống cảng biển và dầu khí. Việc hợp nhất sẽ tạo ra một vùng đô thị - công nghiệp - cảng biển có quy mô lớn, tiềm năng vượt bậc, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững hơn thu hút đầu tư mạnh mẽ hơn
"Có thể thấy, các địa phương Tp.HCM - Bình Dương - Bà Rịa - Vũng Tàu đây là 3 địa phương có sự gắn kết chặt chẽ về kinh tế, hạ tầng, và nguồn lực lao động, tạo nên một tam giác phát triển năng động nhất cả nước sẽ giúp cho nền kinh tế nói chung ở các ngành nghề đều phát triển, trong đó lĩnh vực tài chính, lĩnh vực bất động sản bất động sản cũng sẽ có nhiều chuyển biến rõ rệt" ông Tiến cho hay.
Chia sẻ với PV, ông Ngô Quang Phúc, Tổng giám đốc Công ty CP Địa ốc Phú Đông cho hay "Việc sáp nhập 3 địa phương sẽ tạo nên một đại :đô thị cực lớn.
Trước đây Tp.HCM được ví như trung tâm tài chính, dịch vụ… của khu vực phía Nam, thì sau hợp nhất các địa phương, đây là khu đô thị đáp ứng tất cả mọi tiêu chí phát triển xuyên suốt từ tài chính, logistics, xuất nhập khẩu, công nghiệp dịch vụ, nhà đất… tạo ra một cơ hội lớn không chỉ cho đất nước mà ngay cả những người dân sinh sống làm việc tại địa phương này cũng sẽ đón nhận được những thay đổi vượt bậc".
Kéo giảm giá nhà và cuộc "di dân" trong tương lai
Cũng theo ông Ngô Quang Phúc, việc hợp nhất sẽ giúp mở rộng địa giới để giải tỏa áp lực hạ tầng Tp.HCM bởi thành phố hiện quá tải cả về dân số, hạ tầng và không gian sống.
Trong khi đó, tỉnh Bình Dương dư địa lớn, phát triển nhanh có vị trí địa lý thuận lợi nhất là nằm liền kề với nhau, khu vực vệ tinh quanh thành phố hạ tầng giao thông gần như đã kết nối đồng bộ, thậm chí các dự án giao thông "siêu khủng" qua 2 địa phương trên đang kết nối hoàn thiện như Vành đai 3, Tp.HCM; Vành đai 4, Tp.HCM; Vành đai 2; Quốc lộ 13… với dân số và quy mô GDP đủ lớn, sẽ đủ sức kéo cả một nền kinh tế đi lên tầm cao mới.
Hệ thống giao thông đồng bộ, kết nối các khu vực giúp di chuyển thuận lợi. Khi ranh giới hành chính được xóa bỏ, cuộc "di dân" từ trung tâm về các vùng đệm sẽ xuất hiện.
Theo dữ liệu của Batdongsan.com, Bình Dương với lợi thế địa lý chiến lược, là cửa ngõ phía Đông Bắc của Tp.HCM, cách các quận trung tâm chỉ 20 - 30 phút, đã trở thành điểm đến lý tưởng thu hút làn sóng dịch chuyển, đặc biệt là cộng đồng tri thức trẻ. Với nội lực kinh tế sẵn có cùng tâm thế bước vào một vận hội mới, sức hút của thị trường bất động sản Bình Dương ghi nhận sự gia tăng mạnh mẽ.
Tính riêng tháng 3/2025, lượng tìm kiếm bất động sản tại khu vực này (đặc biệt là phân khúc chung cư) đã tăng 46% so với tháng trước, trong đó phần lớn người quan tâm đến từ Tp.HCM. Trong đó, các khu vực giáp ranh Tp.HCM như Thuận An tiếp tục giữ vị trí dẫn đầu về sự quan tâm từ các nhà đầu tư, tăng 57% so với tháng liền trước.
Ngoài ra, dữ liệu từ thị trường cũng cho thấy, so với quý I/2015, đến quý I/2025, giá rao bán bất động sản tại Bình Dương đã tăng 700% - cao nhất trong số các tỉnh thành lân cận Tp.HCM như Đồng Nai (tăng 500%), Long An (tăng 433%) và Bà Rịa – Vũng Tàu (tăng 140%).
Khu vực giáp ranh với Tp.HCM nhiều năm qua được nhiều doanh nghiệp phát triển dự án, người dân lựa chọn làm nơi an cư.
"Câu chuyện hợp nhất các địa phương, nhất là Tp.HCM sẽ là tâm điểm thu hút sự chú ý, đặc biệt sẽ thu hút các nhà đầu tư. Chắc chắn, việc hợp nhất thì giá nhà đất ở Bình Dương hoặc Bà Rịa - Vũng Tàu sẽ có sự biến đổi, đây là điều tất yếu của quy luật. Tuy nhiên, thực tế tăng cho thấy vẫn không tăng quá nhanh. Việc xóa bỏ danh giới địa phương sẽ tạo động lực cho 1 cuộc "di dân" lớn từ khu vực trung tâm ra các khu đô thị xa hơn.
Đơn cử, khu vực trung tâm thành phố giá nhà quá cao, tại khu vực Tp.Thủ Đức hiện nay đã hơn 100 triệu đồng/m2 (căn hộ). Chính vì vậy khi ranh giới địa phương không còn, người dân, người có nhu cầu ở thực họ sẽ tìm ra khu vực như Bình Dương để mua nhà với giá thấp hơn với chỉ dưới 50 triệu đồng/m2, Điều này sẽ làm cho giá nhà ở trung tâm chững lại thậm chí phải giảm đi để tạo sự cân bằng", ông Ngô Quang Phúc cho hay.
Cũng theo ông Phúc, quy tắc "vệt dầu loang" khi hợp nhất các địa phương, trong thời gian phát triển người dân sẽ bắt đầu "di dân" ra các vùng đệm, thoát khỏi trung tâm để tìm kiếm cơ hội mới. Sự tăng trưởng sẽ lan dần từ vũng lõi rồi sang các khu vực lân cận sau đó sẽ tạo được sự đồng bộ.
"Chắc chắn, khi hợp nhất, bảng giá nhà đất sẽ bão hòa, có nhiều hơn sự lựa chọn, nhà đầu tư không còn đặt quá nặng vào câu chuyện bất động sản tỉnh lẻ nữa vì đã hợp nhất. Chính vì vậy, họ sẽ lựa chọn những khu vực có vị trí đi lại thuận lợi, gần các trục tuyến giao thông, khu công nghiệp để làm việc.
Chính vì vậy, những khu vực hợp nhất với Tp.HCM trong đó Bình Dương được đánh giá sẽ là khu vệ tinh trong xây dựng phát triển công nghiệp và là vùng đất kéo giãn dân ở khu vực trung tâm đến làm việc tại các khu công nghiệp, địa điểm để xây dựng nhà ở, kéo giảm tình trang đông đúc ở trung tâm", Tổng giám đốc Phú Đông group nhận định
Các chuyên gia cũng chỉ ra những tiềm năng tương lai đang đặt ra cả cơ hội lẫn thách thức cho thị trường và các nhà phát triển bất động sản. Với cơ cấu dân số trẻ, tập trung vào nhóm đối tượng lao động tri thức đến làm việc, an cư, tạo ra nhu cầu ở thực, sở hữu nhà ở tạo cân bằng cho thị trường nhà đất cũng như nền kinh tế.
Còn tiếp...
Phùng Sỹ Sơn