Khi trẻ em 'cày cuốc KPI' tiền trong gió lạnh Sa Pa

Khi trẻ em 'cày cuốc KPI' tiền trong gió lạnh Sa Pa
5 giờ trướcBài gốc
"Vũ công" trong gió lạnh Sa Pa
Hiện tượng các đám trẻ em níu kéo xin tiền khách du lịch giữa gió lạnh Sa Pa đã không còn gì lạ nhưng năm nay thay vào đó là những hành vi nhảy múa trên đường phố cốt để “cày cuốc KPI” tiền bạc của du khách.
Những em nhỏ này vẫn trong trang phục dân tộc trông rất dễ thương với cái dáng vẻ nhí nhảnh nhưng khi tiếng nhạc dậm giật nổi lên từ những chiếc loa kéo gần đó, động tác của chúng lại hoàn toàn mang tính “phụ huynh” khi lắc người y chang như các vũ công!
Nhiều du khách đã bày tỏ ấn tượng rất ngạc nhiên, thậm chí không khỏi sốc trước hiện tượng lạ mang tính phản cảm xen lẫn xót xa này mà theo họ, hình như chỉ mới thấy xuất hiện ở thị xã Sa Pa ngay giữa cái lạnh cắt da cắt thịt với cả người lớn.
Ở một chiều kích khác, có không ít du khách lại tỏ ra thích thú, thậm chí còn tán thưởng những màn múa này bằng việc cùng vào tham gia nhảy múa và kết thúc bằng việc cho tiền những trẻ em vừa nhảy múa với họ. Không dừng lại ở đó họ còn quay clip và chia sẻ lại trên các mạng xã hội. Cũng có phương tiện truyền thông đặt vấn đề nên chăng không quá khe khắt mà nên ủng hộ “hoạt động” văn hóa này và coi đây như hoạt động của các nghệ sĩ đường phố, thể hiện “bản thân”, thể hiện “cái tôi”, nhất là với trẻ em!
Hãy khoan xem ý kiến nào đúng, ý kiến nào nên ủng hộ, chỉ cần đặt một câu hỏi thế này là rõ ngay, rằng, nếu đây là con cháu của những quý vị, nhất là những người khách đặt chân đến với Sa Pa thì liệu quý vị có chấp nhận để chúng đội mưa rét, đội giá lạnh để kiếm tiền kiểu như vậy không?
Trẻ em nhảy múa xin tiền du khách ở Sa Pa (ảnh được cắt từ clip mạng xã hội)
Rõ ràng là đám trẻ em tội nghiệp kia nếu như trước đây phải “cày cuốc KPI” tiền bạc bằng hình thức thô sơ là ngửa tay xin du khách thì nay hoạt động “cày KPI” tiền bạc này vẫn được tiếp diễn, thậm chí lại còn được nâng cấp, được biến tướng một cách thô thiển, thô thiển đến tàn nhẫn.
Rồi nữa là cho dẫu một địa điểm du lịch như Sa Pa có thể còn rất cần nhiều dịch vụ trong đó có cả dịch vụ văn hóa để hấp dẫn du khách đến với nơi này nhưng có một điều chắc chắc là việc xuất hiện những đám trẻ em nhảy múa theo những vũ điệu của người lớn hoàn toàn không phải là chủ trương của chính quyền sở tại.
Vậy thì ai là người giấu mặt, đứng sau những màn nhảy múa ấy? Tiền nong thu được sẽ chảy vào đâu, các em bé kia liệu có được hưởng trọn những khoản tiền ấy hay không? Vẫn là những câu hỏi mà câu trả lời còn hoàn toàn bỏ ngỏ.
Chính quyền sở tại nói gì?
Sau khi những clip về đám trẻ em nhảy múa theo vũ điệu người lớn được chia sẻ trên mạng xã hội, chính quyền sở tại đã có những phản hồi trên báo chí. Thừa nhận thực tế trẻ em chèo kéo du khách bằng nhiều hình thức để kiếm tiền đã diễn ra từ nhiều năm nay, chính quyền sở tại cho biết, thị xã Sa Pa đang lên phương án cụ thể để giải quyết tình hình.
Theo đó, cùng với những phương án đã triển khai như tuyên truyền với khách qua hệ thống loa truyền thanh, tờ rơi dán ở nhà hàng khách sạn điểm công cộng, chính quyền tiếp tục tuyên truyền người dân nâng cao nhận thức, không chèo kéo nhảy múa để xin tiền, tạo hình ảnh phản cảm. Ngoài ra, chính quyền đang rà soát các hộ gia đình tại địa phương có trẻ nhỏ, gia cảnh khó khăn để đưa đi đào tạo nghề, giải quyết sinh kế.
Thậm chí phương án tổ chức cho cả người lớn và trẻ em biểu diễn nghệ thuật tại các điểm du lịch có thể cũng sẽ được tính đến với mức thù lao cụ thể, công khai để góp phần tăng thu nhập bớt đi khó khăn trong cuộc sống của một số gia đình nơi đây.
Nghĩa là hoạt động trẻ em nhảy múa sẽ cần phải được chấn chỉnh, đưa vào tổ chức cho phù hợp cả về hình thức và nội dung, trong đó có việc chấn chỉnh trang phục, nhạc nền phải là nhạc dân tộc chứ không phải là những bản nhạc dậm giật trên nền tảng TikTok.
Sẽ là rất đáng mừng nếu như những giải pháp này được thực hiện rốt ráo, góp phần tạo ra diện mạo văn hóa thực sự lành mạnh, mang rõ bản sắc dân tộc ở một nơi như Sa Pa. Nhưng vẫn còn đó một nỗi niềm canh cánh là cần dứt khoát làm rõ những đối tượng tổ chức những hoạt động trẻ em nhảy múa như trên để có giải pháp xử lý. Bởi việc từ hiện tượng trẻ em ăn xin đến trẻ em nhảy múa “cày cuốc KPI” tiền bạc kiểu như trên hoàn toàn không phải là tự phát mà rõ ràng là phải có "đường dây" hẳn hoi.
Để những ai đã đến, đã yêu Sa Pa sẽ còn đến lại, yêu nơi này hơn nữa chứ đừng để họ “một đi không trở lại”.
Trong thời gian tới, Sa Pa sẽ hỗ trợ trẻ em tham gia vào một số chương trình biểu diễn văn nghệ, tái hiện đời sống văn hóa các dân tộc tại công viên văn hóa ở quảng trường. Các hoạt động mang tính trải nghiệm, vừa gìn giữ bản sắc văn hóa vừa có thêm nguồn thu nhập hợp lý…
Quang Lộc
Nguồn Công Thương : https://congthuong.vn/khi-tre-em-cay-cuoc-kpi-tien-trong-gio-lanh-sa-pa-375279.html