Con đường đến với cách mạng
Ông Phan Thanh Sỹ.
Ông Phan Thanh Sỹ sinh năm 1945 tại Châu Thành, tỉnh Hậu Giang, một vùng đất giàu truyền thống cách mạng. Ba ông tham gia kháng chiến chống Pháp và hy sinh trước khi ký kết hiệp định Genevơ năm 1954. Ba hy sinh, một mình mẹ chèo chống nuôi các con. 10 tuổi, ông mới được đến trường.
Hết tiểu học, ông thi đỗ vào Trường Trung học Phan Thanh Giản, và xin với tổ chức thoát ly vào vùng giải phóng nhưng do tuổi đời còn nhỏ nên được các anh chị động viên ở lại vừa đi học, vừa hoạt động cách mạng. Và ông bắt đầu tham gia vào phong trào đấu tranh của học sinh ngay chính tại ngôi trường mình theo học.
Lăn lộn trong phong trào, bản lĩnh gan dạ của ông càng được tôi luyện với vụ đặt mìn đánh cư xá Mỹ ở đường Duy Tân, ném lựu đạn giữa ban ngày phá hoại cuộc vận động bầu cử tổng thống của chính quyền Sài Gòn nơi đối diện hẻm Tài Sỉu, đường Lý Thái Tổ.
Năm 1967, ông được lãnh đạo giao nhiệm vụ tìm cách vào làm ở kho xăng lộ 19. Những ngày giáp Tết Mậu Thân 1968, công nhân ra vào cổng bị khám xét rất kỹ, qua nhiều lần thử nghiệm và bằng sự bình tĩnh của bản thân, ông đã khéo léo đưa mìn vào kho xăng trót lọt và chọn thời cơ thuận lợi hành động. Kết quả, một góc kho xăng bị nổ gây tiếng vang cho cách mạng.
Bảy năm hoạt động ở nội thành, ngoài những chiến công lập được, ông còn góp phần gây dựng cơ sở, thành lập được chi bộ, kinh qua nhiều thử thách trong chiến đấu, giữ bí mật và tồn tại khá lâu dài.
Những ngày chiến đấu
Tháng 5/1968, ông tham gia thành lập chi bộ học sinh tại xã Tân Phú Thạnh, huyện Châu Thành A (nay thuộc địa phận tỉnh Hậu Giang) với nhiệm vụ củng cố, gây dựng cơ sở, phát triển thêm lực lượng, điều nghiên đánh địch.
Kỷ vật chiếc khăn mùi soa ông Phan Thanh Sỹ thêu trong tù
Giữa trưa ngày 21/5/1968, khi đang ở nhà riêng tại xóm Chài (rạch Bà Hơn), ông bất ngờ bị một toán cảnh sát với điện đài, súng đạn từ đồn kéo vào vây ráp tứ phía. Ông tìm cách cản chân địch rồi tháo chạy nhưng địch đã nổ súng, đạn xuyên qua phổi khiến ông trọng thương. Chúng đưa ông vào nhà thương. Khi vết mổ chưa kịp lành, chúng đưa ông về trung tâm thẩm vấn thuộc Nha Cảnh sát vùng 4 để khai thác thông tin. Địch tra tấn ông đến ngất xỉu, chết đi sống lại nhiều lần. Vết thương chưa kịp lành vết thương mới chồng lên nhức nhối.
Ông bị kết án 15 năm khổ sai, 15 năm biệt xứ. Từ khi bị kết án, trong đầu ông luôn thường trực suy nghĩ: phải vượt ngục cho bằng được trước khi bị đưa đi đày. Khi nắm được đây cũng là tâm lý chung của anh em bị kết án nhiều năm, ông tìm cách liên hệ bí mật bàn cách tổ chức vượt ngục. Một kế hoạch táo bạo và đầy nguy hiểm, khó khăn trăm bề nhưng tất cả đều đồng lòng, quyết tâm. 6 người trong nhóm, gồm 2 nữ và 4 nam giả vờ bị bệnh nặng để được đưa qua nhà thương.
Tại đây, nhân lúc được đưa ra ngoài “trực sinh” (ba mươi phút), 6 người ra ám hiệu với nhau bắt đầu hành động. Vũ khí chiến đấu gồm ống nước bằng sắt, cây móc sắt đã chuyển qua nhà thương trong những chiếc gối ôm theo, giấu trong một hồ nước được vớt lên. Họ đã phối hợp quật ngã và bắn chết giám thị trại giam, cướp súng và dùng súng bắn mở khóa còng số 8 rồi leo lên lưng nhau để trèo qua tường thoát ra ngoài. Hai người nữ được ưu tiên trèo qua trước, rồi đến 2 người nam. Khi còn lại ông và 1 người nữa thì địch kéo đến vây kín, bắn bị thương và đưa lại vào tù.
Trở lại Khám Lớn Cần Thơ với tội danh tổ chức vượt ngục, ông bị tra tấn tàn bạo, không thiếu một cực hình nào. Nhớ về những ngày tháng tù đày khốc liệt này, ông Sỹ chia sẻ: “Chúng còng cả tay chân giam biệt lập ở xà lim cầm cố suốt 8 tháng trời. Mọi sinh hoạt như: ăn uống, tiểu tiện đều tại chỗ, không cho tắm nắng, tắm nước, cơm không đủ no, thức ăn không đủ bữa, thuốc men không có để chữa bệnh. Chúng bắt đi thẩm vấn không biết bao nhiêu lần nhằm tìm manh mối tổ chức Đảng trong nhà lao. Lúc ấy, nhiều người sợ nếu chúng tôi không chịu nổi mà khai báo sẽ đổ bể cả chi bộ trong nhà lao, sẽ có một cuộc khủng bố đẫm máu nhưng chúng tôi trước sau kiên định thà chết chứ nhất định không khai báo, không đầu hàng”.
Khi ra trước tòa Thượng thẩm đại hình, ông bị buộc tội “cố sát”, kết án chung thân khổ sai.
“Gan không núng, chí không mòn”
Sau phiên tòa, án chồng án, chúng chuyển ông lên nhà lao Chí Hòa. Tại đây, ông được tổ chức Đảng trong nhà lao tiếp nhận sinh hoạt chi bộ và tiếp tục tham gia đấu tranh cùng với tập thể tù chính trị thành án ở đây. Trước mắt là đấu tranh đòi dân sinh, dân chủ, kết hợp khẩu hiệu chính trị, đòi trả tự do cho những người không án và mãn án và chuẩn bị tinh thần cho tình huống bị đày đi Côn Đảo.
Tháng 5/1972, cùng với nhiều tù nhân chính trị, ông bị đày đi Côn Đảo trong đêm. Do đã được chuẩn bị trước, trên đường từ khám Chí Hòa cho đến cảng Bạch Đằng, những tờ rơi với nội dung tố cáo âm mưu, tội ác của địch vẫn được các tù nhân rải trắng đường. Ông Sỹ nhớ lại: “Trời chưa rạng sáng, đoàn xe chở khoảng 500 tù nhân nối đuôi nhau cập cầu cảng. Chúng đổ tù nhân xuống tàu rồi tống thẳng vào hầm chiếc tàu viễn dương. Từng ấy con người bị xâu vào từng mảng còng, mỗi xâu từ hai ba chục người, kẻ ngồi, người nằm la liệt dưới hầm tàu, kín như bưng, ngột ngạt, ánh sáng lờ mờ không phân biệt được là đêm hay ngày…”.
Tại trại 8 nhà tù Côn Đảo-địa ngục trần gian, nơi những tên chúa đảo và cai ngục khét tiếng độc ác, ông được lãnh đạo chi bộ tin tưởng phân công làm nhiệm vụ thông tin liên lạc và “xướng ngôn” đọc thông báo, phát loa, soạn các văn bản do lãnh đạo truyền đạt. Trải qua những trận tra tấn tàn ác, với ý chí và bản lĩnh đã được trui rèn, ông cùng với các tù nhân chính trị ở trại đoàn kết, tìm cách đối phó, nhất quyết không thỏa hiệp, kiên trì, kiên quyết đấu tranh đòi cải thiện cuộc sống, tuyên bố tuyệt thực, giữ xác tù nhân bị bệnh chết vì không được chữa trị để tố cáo trưởng trại khiến chúa đảo phải nhượng bộ.
Năm 1973, Hiệp định Paris được ký kết nhưng địch cố tình phản bội không thực hiện, thẳng tay đàn áp, bóp siết mọi sinh hoạt bình thường tối thiểu của tù nhân. Sau đó, ông cùng phần lớn anh em trong trại 8 bị đưa về trại 5. Tại đây, ông được gặp lại một số đồng đội thân thiết đã từng hoạt động, chiến đấu cùng nhau, tiếp tục kề vát sát cánh bên nhau. Từ năm 1974 đến ngày 01/5/1975 (ngày tù Côn Đảo tự vùng lên giải phóng) là cuộc đấu tranh cuối cùng mà trại 5 tiến hành với tinh thần đoàn kết, thống nhất cao của toàn trại, đã góp phần to lớn vào thắng lợi của phong trào đấu tranh của tù nhân chính trị Côn Đảo.
Ký ức không quên
Đất nước thống nhất, ông Phan Thanh Sỹ công tác tại Đảng ủy Thành phố Cần Thơ (khi đó thuộc tỉnh Hậu Giang) và sau đó là Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Cần Thơ, tiếp tục đem nhiệt huyết, trí tuệ của mình đóng góp, cống hiến xây dựng đất nước, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Ở vị trí công tác nào ông đều nỗ lực hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.
Sau khi nghỉ hưu, ông đảm nhận vai trò Chủ tịch Hội liên lạc tù kháng chiến Thành phố Cần Thơ, cây cầu kết giao giữa những người chiến sĩ cách mạng đã từng dấn thân trên con đường đấu tranh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc. Trải qua những chặng đường, hiểm nguy, những cửa ải tù đày tàn khốc, những lằn ranh sinh tử ông vẫn lưu giữ nguyên vẹn ký ức về những năm tháng kháng chiến gian khổ, hào hùng như một phần máu thịt trong cuộc đời, trân quý nghĩa tình đồng đội, thủy chung, son sắt với đồng chí, đồng bào, với lý tưởng cách mạng. Ông nâng niu từng kỷ vật kháng chiến: Chiếc kỷ niệm chương “Chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày”, chiếc bếp dầu dành “nấu cơm thành cháo” cho những người tù đau ốm nặng, một mặt gối thêu gởi tặng mẹ trước ngày ông bị đày ra Côn Đảo, chiếc vỏ bình tích do ông tự đan, đặc biệt là chiếc khăn mùi soa do ông tự thêu trong tù rất tỉ mỉ, tinh tế hai màu chỉ xanh đỏ, trang trí hình cành hoa vươn lên và hai câu thơ: “Mái đầu xanh ghi trang lịch sử/ Mảnh khăn này khắc chữ tương lai”.
Từ một học sinh yêu nước đến người tù cộng sản anh dũng, kiên trung trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước đến người cán bộ, đảng viên mẫu mực trong cuộc sống thời bình, cuộc đời gần trọn thế kỷ của ông Phan Thanh Sỹ là một bản anh hùng ca về sự tận hiến cho độc lập, tự do của Tổ quốc, cho bình yên, hạnh phúc của nhân dân.
THU HOÀN