Khi 'tử thần' đến từ… biển!

Khi 'tử thần' đến từ… biển!
2 ngày trướcBài gốc
Khi đặc sản có chứa chất độc
Các loài hải sản mang độc tố rất khó để nhận biết, hoặc nhận biết được nhưng trong quá trình chế biến, chỉ cần sơ suất nhỏ cũng sẽ bị nhiễm độc khi ăn. Ngày 11/3, Bệnh viện Đa khoa Trung ương Quảng Nam đã cứu sống bệnh nhân là bà P.T.M. (51 tuổi, trú tại huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) ăn cá nóc bị ngộ độc nguy kịch.
Sau khi ăn cá, bà M. có biểu hiện mệt mỏi, lơ mơ, nôn ói nhiều nên được đưa vào khoa Cấp cứu, Bệnh viện Đa khoa Trung ương Quảng Nam. Tại đây, các bác sĩ nhanh chóng xác định bệnh nhân bị ngộ độc nặng, có nguy cơ dẫn đến suy hô hấp cấp. Ngay lập tức, bệnh nhân được rửa dạ dày, sử dụng than hoạt tính và chuyển lên khoa Hồi sức tích cực - chống độc để theo dõi.
Bệnh nhân ngộ độc cá nóc điều trị tại bệnh viện.
Sau khoảng 5 giờ, tình trạng bệnh nhân diễn tiến xấu hơn với các triệu chứng như yếu cơ hô hấp, mê sâu, rối loạn tiểu tiện và có dấu hiệu toan hô hấp. Các bác sĩ quyết định đặt nội khí quản, hỗ trợ thở máy và tiến hành lọc máu hấp phụ để loại bỏ độc tố. Sau 6 giờ lọc máu, bệnh nhân bắt đầu tỉnh táo trở lại, tri giác cải thiện rõ rệt.
Qua ngày hôm sau, sức khỏe bà M. dần ổn định, cơ lực hồi phục hoàn toàn, được rút ống thở. Bác sĩ CKI. Nguyễn Thị Ngọc Diễm, Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc, Bệnh viện Đa khoa Trung ương Quảng Nam cho biết: "Cá nóc chứa độc tố tetrodotoxin, tập trung nhiều ở da, gan, ruột, đặc biệt là tinh hoàn và buồng trứng. Nếu sơ chế không đúng cách, người ăn có nguy cơ ngộ độc cao. Thời gian qua, bệnh viện đã tiếp nhận nhiều ca ngộ độc cá nóc tương tự”.
Bác sĩ Diễm khuyến cáo, nếu có dấu hiệu nghi ngộ độc cá nóc như nôn mửa, tê môi, tê tay chân, lơ mơ, suy giảm ý thức, cần nhanh chóng đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu kịp thời, tránh nguy hiểm đến tính mạng.
Trước đó 5 ngư dân ở huyện Tuy Phong (Bình Thuận) cùng nhau ăn cá nóc đã bị ngộ độc nhập viện, một người tử vong.
Vào trưa ngày 5/1/2025, anh Đ.V.L (30 tuổi) bắt được cá nóc ở ngoài biển mang về nhà cùng cha là ông Đ. G (57 tuổi, thôn 3, xã Bình Thạnh) chế biến thành món ăn. Hai cha con và 3 ngư dân khác cùng ăn món cá này. Khoảng 15h, họ ra tàu cá đang neo ngoài biển để chuẩn bị đi đánh bắt hải sản thì bắt đầu có triệu chứng tê đầu lưỡi, mặt tím tái, khó thở, được đồng nghiệp dùng thuyền thúng đưa vào bờ.
5 người được đưa vào Trung tâm Y tế huyện Tuy Phong cấp cứu, bác sĩ chẩn đoán ngộ độc nặng do ăn cá nóc nên chuyển lên tuyến trên. Khoảng 21h cùng ngày, ông H. A. T (50 tuổi) tử vong tại Bệnh viện Đa khoa khu vực Bắc Bình Thuận. Bốn người còn lại được chuyển đến Bệnh viện Đa khoa Bình Thuận điều trị tích cực. Sau hơn hai tháng trở về từ “cõi chết”, hiện hai cha con ông Đ. G. đã ổn định sức khỏe, nhưng chưa thể làm việc bình thường do di chứng của vụ ngộ độc.
Cá nóc 5 ngư dân bị ngộ độc là loài cá nóc mít, chúng dài khoảng 10-20 cm, đầu và bụng to, vây ngắn, trên lưng có vân đen. Chúng mang độc tố tetrodotoxin, khi vào cơ thể rất nguy hiểm cho hệ thần kinh, có thể dẫn đến tử vong khi ăn. Nhiều năm qua, nhà chức trách và các chuyên gia y tế liên tục cảnh báo người dân tuyệt đối không ăn cá nóc. Tuy nhiên loại cá này được xem là món đặc sản, thịt trắng dai ngon hơn nhiều loại cá khác nên một số ngư dân vùng biển vẫn chế biến ăn dẫn đến ngộ độc.
Bác sĩ Quân y thăm khám cho bệnh nhân bị ngộ độc khi ăn cá hồng.
Không chỉ dân vùng biển khoái khẩu loài cá mang độc dược này, mà dân ở khắp nơi cũng ưa chuộng chúng. Hiện nay, cá nóc còn được bày bán tràn lan trên “chợ mạng”, ai cũng có thể mua và ăn chúng, dù không hề có kinh nghiệm chế biến. Vào dịp đầu năm 2025, chị Nguyễn Thị Cẩm M. (ngụ quận 12, TP Hồ Chí Minh) đặt mua 3kg cá nóc từ một trang bán hải sản trên mạng.
Chủ trang này quảng cáo, đây là loài cá nóc nhím, hoàn toàn không có độc và rất an toàn. Số cá nóc mua về, chị M. mang chia cho ba mẹ chồng một nửa để cả nhà cùng thưởng thức của ngon vật lạ. Ba mẹ chồng của chị M. dùng cá nóc nấu cháo tẩm bổ. Sau hơn một giờ ăn cháo, ông bà có biểu hiện xây xẩm, choáng váng và nôn mửa liên tục. Con cháu đưa ông bà đi cấp cứu và được chẩn đoán ngộ độc hải sản.
“May là ông bà bị thể nhẹ vì ăn một ít lại nôn ra hết nên độc tố chưa ngấm vào nội tạng, chưa nguy hiểm đến tính mạng. Sau vụ việc, tôi có hỏi một chuyên gia về biển, họ nói cá nóc nhím ở vùng biển êm không có độc nhưng tại vùng biển khác, khi vào mùa gió chướng thì chất độc xuất hiện không chỉ ở ruột, gan mà còn trong từng thớ thịt trắng phau của nó”, chị M. chia sẻ.
Hệ lụy khôn lường từ hải sản độc
Biển cả có vô vàn loài hải sản, trong số đó không ít loài chứa chất độc mà không phải ai cũng biết và có kinh nghiệm xử lý an toàn. Đặc biệt là những người không phải là dân biển, việc bị ngộ độc khi ăn nhầm loài hải sản có độc diễn ra phổ biến.
Ngư dân đi biển được khuyến cáo không sử dụng những loài hải sản có độc dược.
Vụ ngộ độc khi ăn nhầm so biển tại Bà Rịa - Vũng Tàu là điển hình cho việc thiếu kinh nghiệm cũng như kiến thức phân biệt các loài hải sản an toàn. Theo đó, ông N.Q. L và ông D.N.C (cùng sinh năm 1978, trú tại huyện Long Điền) cùng ăn hải sản tại một quán ốc ở Vũng Tàu, trong đó có món sam biển nướng. Đến 23 giờ cùng ngày, ông L. có triệu chứng tê buốt răng miệng, xây xẩm mặt mày và được đưa vào Bệnh viện Bà Rịa cấp cứu.
Khi vào viện, ông L. lên cơn co giật mạnh, phải nhập Khoa Hồi sức tích cực và chống độc. Trong khi đó, ông C. bị đau bụng, nôn ói. Sau khi được các bác sĩ tích cực điều trị, bệnh nhân đã qua cơn nguy kịch.
Kết quả chẩn đoán 2 trường hợp bị ngộ độc do ăn nhầm so biển. Theo các bác sĩ, nhiều người do chưa phân biệt được con so biển và con sam biển nên đã ăn nhầm dẫn đến ngộ độc, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng vì trong con so biển có chứa chất tetrodotoxin cực độc.
Điểm khác nhau nổi bật nhất giữa sam biển và so biển đó là đuôi. Đuôi con sam biển khi cắt ngang có tiết diện hình tam giác, 3 cạnh chụm lại kéo dài đến tận cuối đuôi, ở đỉnh tam giác có gai nhọn như lưỡi cưa. Ngược lại đuôi so biển có tiết diện tròn hoặc bầu dục khi cắt ngang và không hề có gai nhọn.
Sau vụ việc, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã yêu cầu các cơ quan, đơn vị liên quan khẩn trương kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm tại quán ốc, xác minh thông tin làm rõ và xử lý nghiêm theo quy định.
Viện Hải dương học đã đưa ra khuyến nghị sam/ so là loài sinh vật cổ có tốc độ sinh trưởng chậm. Máu của sam biển có thể trích xuất chất phát hiện nội độc tố, so biển chứa độc tố chủ yếu là tetrodotoxins và có thể có một lượng nhỏ saxitoxins. Đây là các chất độc thần kinh, rất độc, tỉ lệ tử vong cao, hiện chưa có thuốc giải độc đặc biệt.
Bệnh nhân khi bị ngộ độc cần được hỗ trợ hô hấp và đưa ngay đến trung tâm y tế để chăm sóc kịp thời đến khi độc tố được đào thải. Đồng thời, Viện Hải dương học cũng khuyến nghị nên cấm sử dụng sam/so làm thực phẩm.
Các loài hải sản mang độc tố rất khó để nhận biết, hoặc nhận biết được nhưng trong quá trình chế biến, chỉ cần sơ xuất nhỏ cũng sẽ bị nhiễm độc khi ăn. Nhiều ngư dân, nửa đời bám biển vẫn trở thành nạn nhân của loài hải sản mang độc dược. Cuối tháng 2/2025, quân y đảo Song Tử Tây (huyện đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa) đã cấp cứu thành công cho 6 ngư dân trên tàu cá bị ngộ độc do ăn cá hồng trong quá trình đánh bắt hải sản trên biển.
Cá nóc có chất độc nhưng lại được xem là đặc sản.
Tàu cá do ông H. N. X (tỉnh Quảng Ngãi) làm thuyền trưởng cùng 5 thuyền viên, đã câu được một con cá hồng ở vùng biển cách đảo Song Tử Tây 50 hải lý. Các ngư dân trên tàu cá đã chế biến và ăn thịt con cá hồng. Không lâu sau đó, toàn bộ 6 thuyền viên đều xuất hiện đau đầu, sốt, đau mỏi toàn thân, nôn, đau bụng, đi ngoài, nổi ban đỏ ngứa rải rác toàn thân. Họ tự uống thuốc hạ sốt nhưng không đỡ. Đến 5h sáng hôm sau, thuyền trưởng tàu đã liên lạc với đảo Song Tử Tây để nhờ hỗ trợ, cấp cứu. Nhận được thông tin, chỉ huy đảo Song Tử Tây đã chỉ huy đơn vị hướng dẫn tàu cá vào âu tàu, cử tổ quân y cấp cứu ngư dân.
Qua thăm khám, quân y đảo Song Tử Tây kết luận 6 ngư dân bị nhiễm trùng, nhiễm độc do ăn cá hồng. Trong đó 2 ngư dân nhiễm độc nặng, bị tụt huyết áp, mạch chậm. Các bác sĩ đã kịp thời cấp cứu truyền dịch và tiêm thuốc cho các ngư dân. Sau khi được điều trị tích cực, sức khỏe các ngư dân đã ổn định và có thể trở lại tàu tiếp tục ra khơi.
Trước tình trạng ngộ độc hải sản và thực phẩm hoa quả rừng xảy ra liên tiếp trong thời gian gần đây tại một số địa phương, đặc biệt là khu vực miền núi phía Bắc, miền Trung, Tây Nguyên và một số tỉnh ven biển xảy ra các vụ ngộ độc do ăn động, thực vật có chứa độc tố tự nhiên như: nấm độc, côn trùng độc, quả rừng, cây rừng, cóc, so biển, cá nóc… trong đó đã có những trường hợp tử vong.
Ngày 24/3, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) đã có công văn đề nghị Sở Y tế các tỉnh, Sở An toàn thực phẩm TP Hồ Chí Minh, Ban Quản lý An toàn thực phẩm TP Đà Nẵng, các thành phố trực thuộc Trung ương và đơn vị chức năng tăng cường giám sát, triển khai các giải pháp kiểm soát an toàn thực phẩm trong thu hái, đánh bắt, tiêu dùng sản phẩm nông, lâm, thủy sản, sử dụng các loại nấm, cây, củ quả rừng tự nhiên…và phòng, chống ngộ độc thực phẩm do độc tố tự nhiên trong động vật, thực vật theo đặc điểm vùng miền, đặc biệt đối với các đối tượng nguy cơ cao, phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương; huy động sự tham gia của các cấp chính quyền, đoàn thể và tổ chức chính trị - xã hội trên địa bàn.
Cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục thường xuyên, liên tục kiến thức an toàn thực phẩm, các biện pháp bảo đảm an toàn thực phẩm và phòng chống ngộ độc thực phẩm do độc tố tự nhiên cho cộng đồng (sử dụng tiếng dân tộc đối với vùng đồng bào dân tộc, vùng sâu, vùng xa), đặc biệt khuyến cáo người dân tuyệt đối không thu hái, đánh bắt, kinh doanh, sử dụng các động, thực vật lạ, có nguy cơ gây ngộ độc như nấm rừng, cây củ, quả rừng lạ, côn trùng lạ...
Sở Y tế các tỉnh, thành phố chú ý hướng dẫn biện pháp chế biến đảm bảo an toàn đối với các sản phẩm mang tính truyền thống hoặc tập quán của địa phương; hướng dẫn người dân đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu, điều trị kịp thời khi xuất hiện các triệu chứng ngộ độc.
Bên cạnh đó, chỉ đạo các đơn vị y tế trên địa bàn chuẩn bị sẵn sàng các phương án, lực lượng thường trực, phương tiện, vật tư, hóa chất để kịp thời khắc phục, giảm thiểu ảnh hưởng khi có ngộ độc xảy ra.
Ngọc Hoa
Nguồn ANTG : https://antg.cand.com.vn/phong-su/khi-tu-than-den-tu-bien--i763602/