Dưới thời chính quyền Tổng thống Donald Trump, Mỹ đã chuyển dịch rõ rệt cách thức tiếp cận viện trợ quốc tế. Nếu như trong quá khứ, Washington thường xuất hiện với vai trò “nhà bảo trợ”, rót viện trợ quân sự hoặc nhân đạo theo mô hình gần như một chiều, thì nay, logic đầu tư đã lấn át: viện trợ không còn chỉ là nghĩa vụ quốc tế hay biểu tượng của quyền lực mềm, mà trở thành một công cụ tạo ra lợi ích trực tiếp, rõ ràng và có hồi đáp. Thỏa thuận khoáng sản với Ukraine chính là ví dụ điển hình.
Tổng thống Donald Trump và người đồng cấp Ukraine Volodymyr Zelensky tại cuộc gặp ở Washington D.C. ngày 28/2. Ảnh: AP.
Theo đánh giá của các chuyên gia, động thái này giúp Mỹ không chỉ duy trì quan hệ hợp tác với Ukraine trong bối cảnh căng thẳng khu vực gia tăng, mà còn đảm bảo lợi ích chiến lược của chính Washington. Ukraine sở hữu khoảng 20 trong số 50 loại khoáng sản được coi là thiết yếu cho các ngành công nghiệp then chốt, bao gồm lithium, titanium, uranium - những nguyên liệu không thể thiếu để sản xuất pin điện, thiết bị quân sự, vi mạch bán dẫn. Trong bối cảnh cạnh tranh khốc liệt về chuỗi cung ứng toàn cầu, đặc biệt là với Trung Quốc, việc tăng cường hiện diện tại Ukraine có ý nghĩa chiến lược to lớn đối với Mỹ.
Giới phân tích nhìn nhận đây là cách Mỹ giảm dần phụ thuộc vào các chuỗi cung ứng do Bắc Kinh kiểm soát. Năm 2024, Trung Quốc chiếm hơn 60% thị phần toàn cầu về tinh luyện đất hiếm và 70% chuỗi cung ứng pin lithium. Sự lệ thuộc này đặt Washington vào vị thế dễ tổn thương, nhất là khi căng thẳng Mỹ - Trung không ngừng leo thang. Do đó, việc Mỹ mở rộng hợp tác kinh tế với Ukraine không chỉ phục vụ mục tiêu phát triển, mà còn là cách thiết lập mạng lưới đối trọng chiến lược, trải dài từ Đông Âu sang các khu vực trọng yếu khác.
Tuy nhiên, ý nghĩa của thỏa thuận không dừng lại ở khía cạnh kinh tế hay địa chính trị. Nó còn làm nổi bật một xu thế mới trong chính sách viện trợ quốc tế: sự hòa trộn giữa viện trợ và đầu tư, nơi ranh giới giữa “giúp đỡ” và “mua ảnh hưởng” ngày càng mờ nhạt. Để dễ hình dung, viện trợ quân sự trước đây thường gắn với các cam kết chính trị hoặc an ninh, nhưng ít khi đi kèm các điều kiện kinh tế mang tính sở hữu.
Với mô hình mới mà chính quyền Tổng thống Donald Trump đang áp dụng, bất kỳ viện trợ quân sự nào cũng có thể được quy đổi thành “đóng góp đầu tư” vào quỹ chung, nơi các công ty Mỹ được phép tham gia khai thác tài nguyên, xây dựng hạ tầng, vận hành các dự án chiến lược. Đây là cách để Tổng thống Donald Trump giải quyết những mâu thuẫn chính trị trong lòng nước Mỹ. Mặt khác, điều này cho phép Mỹ duy trì quan hệ hợp tác với Ukraine trong bối cảnh địa chính trị khu vực có nhiều biến động, đồng thời tránh tạo cảm giác viện trợ đơn phương không mang lại lợi ích trực tiếp.
Việc tiếp cận các nguồn tài nguyên chiến lược tại Ukraine không chỉ giúp củng cố năng lực cạnh tranh kinh tế của Mỹ mà còn mở rộng phạm vi ảnh hưởng kinh tế tại một khu vực vốn thu hút sự quan tâm của nhiều cường quốc. Bằng cách biến viện trợ thành đầu tư, ông chủ Nhà Trắng Trump không chỉ làm hài lòng nhóm cử tri chống can thiệp mà còn củng cố hình ảnh nhà lãnh đạo “thực dụng, hiệu quả”, đặt lợi ích Mỹ lên trên hết.
Tuy nhiên, mô hình mới này cũng mang đến những rủi ro không nhỏ. Ukraine hiện là một vùng chiến sự với mức độ bất ổn cao, từ các đòn tấn công bằng máy bay không người lái, tên lửa đạn đạo, đến những mối đe dọa mạng nhắm vào hạ tầng trọng yếu. Việc mời gọi các công ty Mỹ đầu tư trong bối cảnh như vậy đòi hỏi không chỉ cam kết chính trị, mà cả sự bảo đảm an ninh thực tế. Điều này có thể kéo Mỹ lún sâu hơn vào cuộc xung đột, biến các tập đoàn Mỹ thành mục tiêu của các đòn trả đũa từ Nga hoặc các nhóm vũ trang thân Nga.
Ở góc độ toàn cầu, chiến lược của Mỹ cũng đặt ra những câu hỏi lớn về vai trò của nước này trong việc tái thiết trật tự quốc tế. Liệu Washington đang giúp xây dựng một Ukraine độc lập, tự chủ, hay đang biến Kiev thành một mắt xích trong chuỗi lợi ích chiến lược của Mỹ? Liệu viện trợ kèm đầu tư có thực sự giúp các quốc gia đang xung đột tái thiết bền vững, hay chỉ làm gia tăng lệ thuộc và xói mòn chủ quyền kinh tế?
Một số chuyên gia cảnh báo rằng, nếu không được quản lý cẩn trọng, chiến lược “viện trợ đổi lấy đầu tư” có thể làm trầm trọng thêm sự bất ổn toàn cầu. Trong trường hợp của Ukraine, việc Mỹ hiện diện sâu hơn về kinh tế chắc chắn sẽ làm Moskva gia tăng phản ứng đối đầu, có thể bằng cả biện pháp quân sự lẫn ngoại giao. Trong khi đó, Bắc Kinh cũng khó lòng ngồi yên chứng kiến Washington mở rộng mạng lưới chuỗi cung ứng chiến lược ngay giữa châu Âu - một khu vực vốn dĩ Trung Quốc đã tìm cách mở rộng ảnh hưởng thông qua các sáng kiến như “Vành đai và Con đường” (BRI).
Bên trong Ukraine, bài toán cũng không hề đơn giản. Để nhận được dòng vốn Mỹ, Kiev sẽ phải chấp nhận những điều kiện đi kèm, có thể liên quan đến ưu đãi đầu tư, nhượng quyền khai thác tài nguyên hoặc cam kết cải cách pháp lý theo tiêu chuẩn Mỹ. Điều này, về lâu dài, có thể làm dấy lên lo ngại về việc Ukraine đánh mất quyền kiểm soát tài nguyên quốc gia, thậm chí trở thành “sân sau” của các tập đoàn đa quốc gia.
Mặc dù vậy, khó có thể phủ nhận những lợi ích mà thỏa thuận mang lại trước mắt. Về phía Mỹ, Tổng thống Donald Trump có thể khẳng định đã biến viện trợ thành một công cụ sinh lời, củng cố cả vị thế chính trị nội bộ lẫn ảnh hưởng toàn cầu. Về phía Ukraine, Kiev nhận được không chỉ hỗ trợ quân sự, mà còn là một cam kết đầu tư mang tính bảo đảm an ninh mềm - sự hiện diện của các tập đoàn Mỹ, với toàn bộ sức mạnh chính trị và kinh tế đi kèm, là một hình thức răn đe không kém hiệu quả so với các lá chắn tên lửa hay xe tăng trên thực địa.
Trong dài hạn, câu hỏi lớn vẫn là: liệu mô hình viện trợ - đầu tư này có bền vững hay không? Lịch sử cho thấy những khoản đầu tư gắn với xung đột thường rất mong manh, dễ bị đảo ngược nếu cán cân quyền lực thay đổi. Một khi Ukraine đạt được thỏa thuận ngừng bắn, hoặc khi các ưu tiên chiến lược của Mỹ dịch chuyển, các công ty Mỹ liệu có còn mặn mà bám trụ tại đây? Và nếu họ rút lui, Ukraine sẽ lại phải đối mặt với bài toán tái thiết gần như từ đầu. Dù vậy, thỏa thuận khoáng sản Mỹ - Ukraine vẫn là minh chứng sinh động cho một trật tự thế giới đang thay đổi nhanh chóng.
Khi viện trợ trở thành đầu tư, khi các cam kết an ninh chuyển hóa thành hiện diện kinh tế, các siêu cường không chỉ cạnh tranh bằng súng đạn mà còn bằng vốn, bằng công nghệ, bằng khả năng kiểm soát chuỗi cung ứng toàn cầu. Ukraine, trong cuộc chơi này, không chỉ là một quốc gia đang khao khát tái thiết, mà còn là bàn cờ nơi Mỹ, Nga và Trung Quốc so găng để giành lấy ảnh hưởng chiến lược.
Ở một thế giới mà ranh giới giữa “chiến tranh” và “kinh tế” ngày càng mờ nhạt, thỏa thuận Mỹ - Ukraine là minh chứng rõ rệt nhất cho sự giao thoa giữa các yếu tố quân sự, chính trị và tài chính. Đây không chỉ là một thắng lợi tạm thời, mà là phép thử cho mô hình quyền lực mới mà Mỹ đang muốn áp dụng trên phạm vi toàn cầu.
Khổng Hà