Di sản, nếu chỉ tồn tại trong bảo tàng hay sân khấu vắng bóng khán giả, thì chẳng khác gì “vàng mười mà cất trong rương”. Nhưng dòng chảy văn hóa chưa bao giờ chịu ngủ yên.
Bằng tinh thần đổi mới, công nghệ, trải nghiệm thị giác và cách kể chuyện hiện đại, nhiều sáng kiến đang giúp nghệ thuật truyền thống bước ra khỏi khán phòng, sống động trong đời thường và từng bước tìm lại vị trí xứng đáng trong trái tim công chúng đương đại.
Chương trình “Xẩm on the bus” thu hút đông đảo du khách và người dân tham gia trải nghiệm
Lên “xe bus”, vào “trường học”…
Trước thực trạng ấy, dự án Xẩm on the bus ra đời, là một nỗ lực sáng tạo nhằm đưa nghệ thuật xẩm trở lại gần hơn với công chúng, đặc biệt với thế hệ trẻ. Không còn bó mình trong sân khấu truyền thống, nghệ sĩ xẩm hát giữa phố phường, giữa tiếng còi xe và dòng người tấp nập.
Điểm độc đáo của chương trình nằm ở không gian biểu diễn di động, trên chiếc xe buýt 2 tầng, như một “sân khấu du hành” xuyên suốt các địa danh biểu tượng của Hà Nội như Hồ Gươm, Hồ Tây, Nhà hát Lớn, Nhà thờ Lớn…
Những làn điệu xẩm cổ Bắc Kỳ vui nhất Hà thành, Chân quê, Tứ hải giao tình… vang lên giữa phố thị đã mang lại trải nghiệm thưởng thức nghệ thuật mới lạ, đồng thời tạo nên sự tương tác gần gũi giữa nghệ sĩ và khán giả khi họ không chỉ được nghe hát xẩm mà còn được giao lưu với các nghệ sĩ, tìm hiểu câu chuyện, lịch sử của từng bài xẩm, từng giai điệu.
Cùng với xẩm, chèo cũng đang trên đường đi tìm khán giả qua dự án Thị Mầu xuyên không. Với hình thức trải nghiệm nghệ thuật dành cho trẻ em từ 7-15 tuổi, dự án giúp các em hiểu hơn về nghệ thuật truyền thống qua nhiều hoạt động thú vị: Xem trích đoạn Quan Âm Thị Kính được kể lại theo phong cách hiện đại và cô đọng; học về âm nhạc trong chèo thông qua hoạt động “Tích tịch tình tang”; khám phá tạo hình nhân vật chèo cổ qua trò chơi “Mật mã di sản”… Sự kết hợp giữa kể chuyện, trình diễn và tương tác giúp các em nhỏ tiếp cận nghệ thuật chèo một cách gần gũi, vui nhộn.
Có thể thấy, việc chọn một tác phẩm trong chương trình Ngữ văn rồi chuyển thể thành vở diễn để các em học sinh tiếp xúc với các tác phẩm này theo cách riêng, đặc biệt bằng nghệ thuật truyền thống, sẽ giúp các em hiểu sâu về tác phẩm và biết thêm về nghệ thuật chèo.
Xẩm on the bus, Thị Mầu xuyên không hay nhiều dự án sáng tạo khác đang góp phần đưa nghệ thuật truyền thống ra khỏi vùng an toàn, bước thẳng vào đời sống hiện đại để đối thoại trực tiếp với công chúng hôm nay. Những giai điệu từng bị xem là “xưa cũ” nay được làm mới, vang lên giữa phố phường nhộn nhịp, giữa ánh đèn và dòng người tấp nập.
Người nghệ sĩ không còn đứng trên sân khấu khu biệt, mà hiện diện giữa đời thường, để chạm đến trái tim của thế hệ trẻ. Và thế hệ trẻ cũng từ đó nhận ra, những giá trị văn hóa tưởng chừng cũ kĩ, lạc hậu kia thực ra vẫn luôn sống động… nếu được kể lại bằng cách kể mới, gần gũi hơn với nhịp sống hôm nay.
Các em học sinh hào hứng với hoạt động tương tác trong dự án “Thị Mầu xuyên không”
Giữ nhịp thở dài lâu cho nghệ thuật truyền thống
Những năm gần đây, có thể thấy một tín hiệu tích cực: Các loại hình như xẩm, tuồng, chèo… đang dần trở lại trong các chương trình nghệ thuật giải trí hoặc tương tác. Qua sân khấu hiện đại, gameshow truyền hình, video ngắn trên mạng xã hội… các làn điệu xưa đã được làm mới, gần gũi hơn với cảm quan thị giác và thói quen tiếp nhận của công chúng.
Tuy nhiên, theo Phó Giám đốc phụ trách chuyên môn Trung tâm Xúc tiến, Quảng bá di sản văn hóa phi vật thể Việt Nam (VICH) Đinh Thảo, nếu chỉ dừng lại ở mức “gây chú ý” thì nghệ thuật truyền thống vẫn chưa thể bước chân bền vững vào đời sống đương đại. Sự thích thú thoáng qua không thể tạo nên sự gắn bó lâu dài.
Muốn nghệ thuật truyền thống thực sự sống giữa đời sống hôm nay, trước hết cần tạo điều kiện để nó hiện diện thường xuyên và tự nhiên trong nhiều không gian khác nhau, từ giáo dục, truyền thông, sân khấu cho tới sự kiện cộng đồng. Không chỉ để giải trí, nghệ thuật truyền thống cần đi vào nhà trường như một công cụ giáo dục thẩm mỹ; xuất hiện trên truyền thông như một nội dung văn hóa chứ không chỉ là “màu sắc phụ họa”.
Song song đó, cần đẩy mạnh quảng bá để công chúng có thể phân biệt rõ ràng đâu là yếu tố truyền thống được bảo lưu, đâu là phần sáng tạo đương đại, từ đó hình thành thói quen lựa chọn và nhu cầu tiếp cận một cách chủ động.
“Để có thể làm được điều này, đòi hỏi sự phối hợp hoặc tham gia của các cấp, ngành, từ vai trò của các đơn vị quản lý văn hóa, các đơn vị làm công tác chuyên môn, đến những nhà nghiên cứu, sưu tầm, nghệ nhân, nghệ sĩ, tổ chức văn hóa cộng đồng, trường học, báo đài...”, bà Đinh Thảo nhấn mạnh.
Điều quan trọng hơn, nghệ thuật truyền thống không thể “sống bền vững” nếu không thể tự nuôi được chính mình. Những nhà hát, đoàn nghệ thuật, sân khấu biểu diễn chỉ thật sự sống khi có khán giả, có thị trường và có nguồn thu để tái đầu tư.
Việc phát triển nghệ thuật truyền thống như một phần của công nghiệp văn hóa chính là cách tiếp cận hiện đại, phù hợp với bối cảnh kinh tế sáng tạo ngày nay. Khi một loại hình nghệ thuật có thể tạo ra giá trị kinh tế, nó sẽ có chỗ đứng, có động lực để đổi mới và có lý do để tiếp tục tồn tại.
THANH MAI - MỸ TRANG