Khi xe thí điểm mãi chỉ là xe thí điểm?

Khi xe thí điểm mãi chỉ là xe thí điểm?
6 giờ trướcBài gốc
Nguyên do là bởi quy định tại Nghị định số 165/2024/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đường bộ và Điều 77, Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ quy định từ ngày 15/2/2025 xe chở người 4 bánh có gắn động cơ chỉ tổ chức hoạt động trên các tuyến đường có đặt biển báo tốc độ khai thác tối đa 30 km/h, áp dụng với tất cả các phương tiện tham gia giao thông. Hệ thống đường xá ở khu vực hoạt động của xe điện 4 bánh thí điểm tại thành phố không có điều kiện này, nên theo quy định chuyển tiếp, số xe điện thí điểm đưa vào chở khách trên buộc phải dừng hoạt động sau ngày 30/6. Trong khi hiệu quả trong thời gian thí điểm cũng đã khá rõ với con số vận chuyển được gần 500 nghìn lượt hành khách.
Để hỗ trợ nhà đầu tư, hiện Trung tâm Quản lý hạ tầng giao thông đường bộ - Sở Xây dựng TP Hồ Chí Minh đã phối hợp các đơn vị liên quan khảo sát, nghiên cứu để đề xuất lộ trình hoạt động phù hợp. Cụ thể là phối hợp với Sở Du lịch, Công an thành phố và các cơ quan liên quan lấy ý kiến, đề xuất phương án tiếp tục triển khai loại hình này tại một số khu vực có điều kiện phù hợp. Trong đó, định hướng đang được xem xét là tích hợp xe điện 4 bánh vào đề án kiểm soát khí thải phương tiện giao thông, dự kiến hoàn thiện vào cuối năm nay. Một số địa bàn như Cần Giờ, Côn Đảo hoặc khu vực trung tâm thành phố có thể được xem xét để tiếp tục điểm thí điểm trong thời gian tới.
Xe buýt nhỏ mang tên thí điểm.
Trước đó Sở GTVT (nay là Sở Xây dựng) TP Hồ Chí Minh còn sử dụng xe 4 bánh chạy điện vận chuyển khách tham quan, du lịch trong nội thành với số lượng lên đến 200 xe. Theo báo cáo của Bộ GTVT (nay là Bộ Xây dựng) vào tháng 5/2024, thì cả nước đã có tới 35 địa phương cho phép thí điểm hoạt động xe 4 bánh có gắn động cơ điện chở khách tham quan, du lịch trong khu vực hạn chế. PGS.TS Phạm Xuân Mai, chuyên gia tư vấn của Sở GTVT thành phố từng cho rằng, việc cho phép xe chở người 4 bánh có gắn động cơ lưu thông trên làn đường hỗn hợp cùng với nhiều loại phương tiện khác là rất nguy hiểm, nguy cơ mất an toàn rất cao và gây cản trở giao thông đô thị. Loại xe này dễ bị tổn thương nghiêm trọng trong các tình huống va chạm.
Vì vậy, Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ số 36/2024/QH15 đã quy định các phương tiện chở khách trong thành phố phải đáp ứng các điều kiện an toàn cho hành khách và người tham gia giao thông khác, phải được kiểm định và chứng nhận đạt tiêu chuẩn kỹ thuật về an toàn và bảo vệ môi trường.
Một loại xe thí điểm khác dùng để vận chuyển hàng hóa đã xuất hiện hơn chục năm nay nhưng chưa từng được sơ kết, tổng kết, đánh giá hiệu quả để cho phép nhân rộng hay quyết định dẹp bỏ là xe 4 bánh trên biển số có ghi chữ “TĐ”. Xe 4 bánh được thí điểm để chở hàng hóa này xuất hiện sau khi cả nước thực hiện chủ trương cấm xe ba bánh tự chế lưu thông. Cụ thể, năm 2009 Chính phủ cho phép thí điểm loại xe không giống xe thô sơ, nhưng cũng không phải xe ôtô tải được dùng để thay thế xe ba gác tự chế. Điều đặc biệt, loại xe này không cần đăng kiểm. Sau chủ trương này, cả nước đã có gần 10.000 xe bốn bánh có gắn động cơ thí điểm được đưa vào hoạt động thay thế xe ba gác. Trong đó riêng địa bàn TP Hồ Chí Minh cũ đã có hơn 2.800 xe thí điểm loại này được đăng ký.
Năm 2014, Bộ GTVT đã ban hành Thông tư số 16, trong đó quy định dù là xe thí điểm, nhưng loại xe này phải có đăng ký, đăng kiểm, người điều khiển phải có bằng lái và quy định làn đường. Khi lực lượng CSGT tập trung kiểm tra việc chấp hành các điều kiện trên mới lòi ra chuyện hầu hết số xe thí điểm này không có tên trên hệ thống đăng kiểm. Đến nay, dù số lượng xe thí điểm này đã dần giảm ở TP Hồ Chí Minh do cũ nát, bị phá dỡ hoặc do được dịch chuyển về các vùng nông thôn để hoạt động, thì câu chuyện xe thí điểm vẫn không được nhắc tới.
Một loại xe thí điểm khác từng xuất hiện nhiều tại TP Hồ Chí Minh với giá trị đầu tư cao hơn cần phải nhắc tới đó là 527 xe buýt nhỏ, loại 12 chỗ ngồi với mục đích thay thế loại xe chở khách 3 bánh là xe Lam. Ông Nguyễn Chí Mạnh, thời điểm là Chủ nhiệm HTX vận tải số 14 từng cho biết, năm 2002 khi đội xe buýt của thành phố, chủ yếu là xe Lam đã cũ nát, rệu rã nhưng dự án 1.318 xe buýt loại lớn chưa kịp hình thành, TP Hồ Chí Minh đã kêu gọi các tổ chức, cá nhân đầu tư thay thế xe Lam. Hơn 500 đầu xe buýt nhỏ loại 12 chỗ ngồi mang nhãn hiệu Daihatsu, Suzuki đã xuất hiện.
Chỉ hoạt động được vài năm, khi xe buýt loại lớn đồng loạt được đầu tư thì cũng là lúc quy định về vận tải hành khách công cộng loại hẳn số xe buýt nhỏ trên bằng quy định: “Xe hoạt động vận tải hành khách công cộng phải là loại từ 17 chỗ trở lên”. Để hỗ trợ chủ xe, chính quyền TP Hồ Chí Minh đã phải đề xuất Bộ GTVT đồng ý cho số xe buýt nhỏ trên được hoạt động đến khi hết niên hạn và sẽ thay thế dần.
Trong khi đó, đại diện HTX vận tải số 14 đã chứng minh rằng, với hơn 500 đầu xe buýt nhỏ đưa vào hoạt động trên 20 tuyến cố định, loại xe thí điểm này đã đóng góp 5% sản lượng hành khách của hệ thống xe buýt tại thành phố trong khi tiền trợ giá cho xe buýt 12 chỗ chỉ ở mức 4% nên đại không thể nói loại xe buýt nhỏ hoạt động thiếu hiệu quả.
Năm 2018, nhóm nghiên cứu của PGS.TS Phạm Xuân Mai cũng đã đề xuất việc phát triển xe buýt nhỏ, đưa vào khai thác tại các tuyến đường nhỏ nhằm chung chuyển hành khách ra các tuyến chính. Căn cứ vào kết quả phối hợp với Viện Nghiên cứu giao thông của Pháp, nhóm nghiên cứu của Phó GS.TS Phạm Xuân Mai đã xác định có 85% dân số thành phố sống trong các khu dân cư có đường giao thông nhỏ từ 3-6m. Trong khi đó có 86% người được khảo sát ở nhiều quận, huyện mong muốn trạm xe buýt cách nơi ở từ 200m trở lại để thuận tiện cho việc đi bộ.
Xe buýt nhỏ có sức chở 12 chỗ, chiếm diện tích mặt đường là 1,5 - 1,8m2 thay cho 12 xe máy chiếm diện tích mặt đường 18m2. Đồng thời xe buýt nhỏ chỉ chạy một chiều trong các đường nhỏ và chạy theo một luồng tuyến nhất định để trung chuyển khách trong các khu dân cư ra các trạm xe buýt ở đường lớn. Theo PGS.TS Phạm Xuân Mai cho rằng, tỷ lệ vốn đầu tư cho mini buýt chỉ ở mức khoảng 500 - 600 tỉ đồng cho 3.000 xe. Trước mắt, đề thí điểm bước đầu, nhóm nghiên cứu đề nghị thành phố đầu tư khoảng 360 xe. Nhưng đề nghị thí điểm trên đến nay vẫn chưa được phê duyệt, bởi nếu không số xe buýt này sẽ lại vướng vào rắc rối mang tên thí điểm (!?)
Bảo Sơn
Nguồn CAND : https://cand.com.vn/ban-doc-cand/khi-xe-thi-diem-mai-chi-la-xe-thi-diem--i773732/