CTCP Cao su Đà Nẵng (DRC) là một doanh nghiệp (DN) nội địa hàng đầu trong lĩnh vực sản xuất săm lốp ô tô, tuy nhiên, trong báo cáo tài chính quý 1/2025 mới công bố cho thấy lợi nhuận sau thuế chỉ đạt 9,47 tỷ đồng, giảm gần 81% so với cùng kỳ năm trước. Đây là mức lợi nhuận thấp nhất trong 10 năm qua của DN này.
Nguy cơ bị thôn tính
Đáng chú ý, tại một hội thảo gần đây ở Tp.HCM bàn về phát triển thị trường trong nước, một đại diện của DRC bày tỏ mối lo các DN đầu tư nước ngoài (FDI) tại Việt Nam (đặc biệt là các DN Trung Quốc) trong lĩnh vực săm lốp ô tô sẽ tràn ngập thị trường Việt Nam khi mà Mỹ áp thuế đối ứng cao khiến cho họ khó xuất đi được.
Hàng hóa của DN sản xuất trong nước cần có những ưu đãi nhất định khi đấu thầu để phá thế khó về đầu ra trước sức ép cạnh tranh khốc liệt từ hàng ngoại giá rẻ như hiện nay.
“Mặc dù chúng tôi có hệ thống phân phối, nhưng với chính sách kích cầu, các DN FDI đưa ra các chương trình khuyến mãi, bán giảm giá thì trong tương lai sẽ thôn tính các DN trong nước”, vị đại diện của DRC băn khoăn.
Chính vì vậy, theo vị đại diện từ DRC, hơn lúc nào hết phải triển khai một cách thực chất hơn nữa chương trình người Việt Nam dùng hàng Việt. Trong khi đó, vẫn có không ít thách thức cho các DN nội địa trong việc đấu thầu qua mạng, nhất là khi các DN FDI đến từ Trung Quốc rõ ràng đã cạnh tranh hơn hẳn khối nội về mặt giá cả.
Còn với CTCP Bóng đèn Phích nước Rạng Đông (RAL), trong báo cáo tài chính quý 1/2025 vừa công bố cho thấy doanh thu giảm tới 46% so với cùng kỳ năm 2024. Mức lợi nhuận cũng giảm tới 43% so với cùng kỳ năm rồi, là mức lợi nhuận gộp quý thấp nhất của công ty trong 6 quý trở lại đây và là mức sụt giảm mạnh nhất tính từ năm 2020 đến nay.
Nguyên nhân của tình trạng “lao dốc” này, như lý giải từ phía RAL, đó là do “cơn đại hồng thủy” hàng hóa nước ngoài, đặc biệt là hàng Trung Quốc dư thừa công suất và của các công ty nước ngoài chuyển đầu tư vào Việt Nam cạnh tranh với công ty ngày càng khốc liệt.
Theo đó, các tập đoàn nước ngoài với kinh nghiệm lâu đời và mô hình kinh doanh hiện đại, đặc biệt các nền tảng kinh doanh trực tuyến và O2O (mô hình kinh doanh kết hợp hoạt động trực tuyến và cửa hàng thực tế) tràn vào chiếm lĩnh thị trường 100 triệu dân của Việt Nam ngày càng mạnh mẽ, thu hút khách hàng và người dùng cuối của RAL.
Chỉ với hai DN như kể trên cũng đủ thấy khó khăn với các DN khối nội như thế nào trước sức cạnh tranh khốc liệt từ khối ngoại ngay trên thị trường “sân nhà”. Điều đáng nói, ngoài áp lực cạnh tranh thì các DN nội địa còn đang đối mặt với thị trường biến động, chi phí leo thang, áp lực từ xu hướng công nghệ mới và hành vi tiêu dùng thay đổi từng ngày.
Như chia sẻ từ phía DRC, giá nguyên liệu đầu vào tăng mạnh (cụ thể giá cao su nguyên liệu tăng 25-30% so với cùng kỳ năm trước), rồi chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp đều tăng, trong khi công ty chưa thể điều chỉnh giá bán tương ứng do cạnh tranh gay gắt trên thị trường.
Trong khi đó, với CTCP Bóng đèn Phích nước Rạng Đông, sự phổ biến của mạng 5G, trí tuệ nhân tạo (AI) và năng lượng tái tạo cũng được xem là thách thức lớn, đe dọa trực tiếp tới mô hình phát triển truyền thống của DN này.
Và thực tế cho thấy trước sức ép cạnh tranh khốc liệt từ khối ngoại thì việc rút lui khỏi thị trường của DN khối nội là khó tránh khỏi, thậm chí là còn tăng so với thời gian tới.
Phải đi từ doanh nghiệp đi lên
Như dữ liệu được Cục Thống kê (Bộ Tài chính) đưa ra hôm 6/5 cho thấy, trong tháng 4/2025 cả nước có 7.184 DN đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 63,6% so với tháng trước. Không chỉ vậy, còn có 8.989 DN ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, tăng 83,5% so với tháng trước và tăng 93,1% so với cùng kỳ năm 2024.
Còn tính chung bốn tháng đầu năm 2025, số DN trong cả nước rút lui khỏi thị trường là 96,5 nghìn DN, tăng 12,2% so với cùng kỳ năm trước; bình quân một tháng có hơn 24,1 nghìn DN rút lui khỏi thị trường.
Riêng tại Tp.HCM, ghi nhận cho thấy tình trạng DN rút lui khỏi thị trường chủ yếu tập trung ở một số ngành truyền thống. Đáng chú ý, 50% DN tham gia khảo sát nói rằng khó khăn với họ là do nhu cầu tiêu dùng suy giảm.
Trong khó khăn về đầu ra của các DN khối nội như hiện nay, để khắc phục phần nào, đứng ở góc độ quản lý, một lãnh đạo của Cục Quản lý và Phát triển thị trường trong nước (Bộ Công Thương) nhấn mạnh “phải đi từ DN đi lên” và phối hợp với khâu chính sách vĩ mô thì mới có hiệu quả. Và điều quan trọng là các DN, các hiệp hội cần thường xuyên ngồi lại với nhau để bàn và thực thi các giải pháp thỏa đáng, cụ thể nhất.
Còn đối với việc ưu đãi cho hàng Việt khi đấu thầu, trong góp ý gần đây Dự thảo Luật Luật sửa đổi một số điều của Luật Đấu thầu; Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư; Luật Hải quan, Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu; Luật Đầu tư; Luật Đầu tư công; Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, phía Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đánh giá Dự thảo Luật đã bổ sung quy định về việc ưu đãi trong đấu thầu đối với sản xuất trong nước, xuất xứ Việt Nam – đây là một chủ trương đúng đắn, có ý nghĩa quan trọng trong việc hỗ trợ DN trong nước, thúc đẩy sản xuất nội địa, phát triển công nghiệp hỗ trợ và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Theo VCCI, việc ưu tiên hàng hóa, dịch vụ sản xuất trong nước sẽ tạo ra hiệu ứng lan tỏa tích cực, hỗ trợ chuỗi cung ứng trong nước. Tuy nhiên, để áp dụng được cơ chế ưu đãi này trong thực tiễn, điều kiện tiên quyết là phải có tiêu chí rõ ràng, minh bạch để xác định như thế nào là “sản xuất trong nước, xuất xứ Việt Nam”.
Thế nhưng, như băn khoăn của VCCI, cho đến nay chưa có một văn bản pháp lý nào quy định cụ thể, đầy đủ và có giá trị pháp lý cao về tiêu chí xác định hàng hóa sản xuất trong nước, xuất xứ Việt Nam. Việc thiếu căn cứ pháp lý rõ ràng dẫn đến khó khăn trong việc tổ chức đấu thầu, gây lúng túng cho bên mời thầu trong việc áp dụng ưu đãi.
Ngoài ra, để tạo sức bật cho hàng Việt khi tham gia đấu thầu trên “sân nhà”, giới chuyên gia cho rằng điều quan trọng là các DN khối nội cần phải nâng cao tính cạnh tranh so với hàng hóa của khối ngoại về chất lượng, mẫu mã, giá cả hàng hóa. Thực ra, có nhiều mặt hàng đòi hỏi yêu cầu kỹ thuật cao muốn ưu tiên hàng hóa trong nước nhưng không có DN nội địa nào có thể đáp ứng do chưa sản xuất được.
Chung quy, trước thế “khó chồng khó” của các DN khối nội giữa sức ép cạnh tranh khốc liệt, nếu không muốn rơi vào tình cảnh bị đào thải đang cần có những thay đổi lớn từ bản thân DN và cần tiếp tục có chính sách ưu đãi cao hơn, hiệu quả hơn nữa cho hàng hóa của các DN sản xuất trong nước trên thị trường “sân nhà”.
Thế Vinh