Người dân ở xã Ba (Đông Giang) chăn nuôi heo đen trong dự án phát triển kinh tế địa phương.
- Đất đã có, tiền đã rót sao vẫn không làm là thế nào?
- Nguyên nhân là xã A Rooi chưa có quy hoạch chi tiết nên buộc phải làm quy hoạch chi tiết 1/500 riêng cho khu tái định cư. Chính vì vậy, cuối tháng 4 vừa qua, dự án mới làm các thủ tục liên quan, sau đó mới “tính” đấu thầu thi công. Không chỉ khu tái định cư nêu trên, nhiều dự án khác cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự, mặc dù dự án đã có từ năm 2024, như: Dự án nghĩa trang nhân dân các xã trên địa bàn huyện; Dự án khu xử lý rác thải xã Jơ Ngây cũng chưa thể khởi công dù tiền ngân sách đã “rót”… Ngoài ra, các chương trình mục tiêu quốc gia còn bố trí nguồn lực cho công tác đào tạo nghề cho người dân khá nhiều, tuy nhiên số người đăng ký học nghề, đăng ký đi lao động xuất khẩu khá ít, không đáp ứng được kế hoạch.
- Sao nhiều chuyện thế nhỉ?
- Chưa hết đâu, chương trình xây dựng Nông thôn mới gặp không ít thách thức, bởi bộ tiêu chí giai đoạn 2022-2025 có yêu cầu cao hơn so với giai đoạn trước, nhất là địa phương miền núi còn nhiều khó khăn như Đông Giang. Có thể nói ngay, tiêu chí về thu nhập của nhiều hộ dân khó có thể đạt ngay được, rồi xóa nhà tạm, nhà dột nát cũng gặp trở ngại do nhiều hộ dân không có kinh phí đối ứng vì hoàn cảnh nghèo khó…!
- Đã nhìn ra các nguyên nhân, vậy Đông Giang có giải pháp khắc phục nào chưa?
- UBND huyện Đông Giang cùng ngành chức năng cũng có các biện pháp như đẩy nhanh công tác quy hoạch để triển khai các dự án, đẩy mạnh công tác tuyên truyền cho người dân hiểu việc đi học nghề… Dùng lực lượng tại chỗ hỗ trợ người dân về nhân công, vật liệu xây dựng trong xóa nhà tạm, nhà dột…
- NXD thiết nghĩ, nay đã sang gần giữa quý II rồi, các biện pháp thế nào phải đẩy nhanh, chứ chương trình mục tiêu quốc gia mà cứ từ từ thì chỉ có người dân là chịu khổ mãi. Trách nhiệm vẫn là chính quyền và ngành chức năng trong công tác này.
N.X.D