Khó hiểu với đề xuất miễn thuế nhập khẩu hàng dưới một triệu đồng

Khó hiểu với đề xuất miễn thuế nhập khẩu hàng dưới một triệu đồng
một ngày trướcBài gốc
Tranh cãi trái chiều
Cách đây 15 năm, khi các sàn TMĐT chưa phát triển mạnh mẽ, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định 78/2010/QĐ-TTg quy định hàng hóa nhập khẩu gửi qua dịch vụ chuyển phát nhanh có giá trị từ 1 triệu đồng trở xuống được miễn thuế nhập khẩu và thuế giá trị gia tăng. Tuy nhiên, trong bối cảnh TMĐT phát triển mạnh mẽ, hàng hóa nhập khẩu giá trị nhỏ gia tăng đáng kể. Điều này gây thất thu ngân sách, tạo sự không công bằng giữa hàng nhập khẩu và hàng sản xuất trong nước.
Theo đó, tại Quyết định 01/2025/QĐ-TTg ngày 3/1/2025 của Thủ tướng Chính phủ bãi bỏ toàn bộ Quyết định số 78/2010/QĐ-TTg ngày 30/11/2010 về mức giá trị hàng hóa nhập khẩu gửi qua dịch vụ chuyển phát nhanh được miễn thuế. Từ ngày 18/2/2025, các loại hàng hóa có giá trị dưới 1 triệu đồng khi gửi qua dịch vụ chuyển phát nhanh sẽ phải chịu thuế nhập khẩu và thuế giá trị gia tăng.
Người tiêu dùng chọn mua hàng qua website thương mại điện tử shopee. Ảnh: Phạm Hùng
Chỉ sau hơn 1 tháng chính sách này có hiệu lực, mới đây, tại Dự thảo Nghị định về quản lý hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu giao dịch qua TMĐT, Bộ Tài chính lại “quay xe” đề xuất miễn thuế cho hàng hóa nhập khẩu có giá trị dưới 1 triệu trên TMĐT. Đề xuất này của Bộ Tài chính khiến nhiều người khó hiểu, bởi chỉ trong một thời gian ngắn, nhưng chính sách miễn thuế và thu thuế thay đổi liên tục.
Lý do Bộ Tài chính đề xuất miễn thuế hàng nhập khẩu dưới 1 triệu trên TMĐT bởi, trong những năm gần đây, TMĐT Việt Nam phát triển mạnh mẽ. Theo số liệu công bố mới nhất của Bộ Công Thương, tốc độ phát triển thương mại điện tử nhanh cả về quy mô và hình thức, trung bình mỗi năm từ 15-20%.
Tốc độ phát triển TMĐT nhanh cả về quy mô và hình thức. Tuy nhiên, thách thức đối với Việt Nam hiện nay là có thể bị các tổ chức, cá nhân lợi dụng kinh doanh xuyên biên giới để trốn thuế, gây thất thoát thu ngân sách. Mặt khác, DN kinh doanh không cần có trụ sở, thực hiện giao dịch bằng phương thức điện tử.
Ngoài ra, máy chủ có thể đặt ở nước ngoài nên gây khó khăn trong xác định danh tính người nộp thuế và căn cứ tính thuế. Thêm nữa, cơ quan chức năng khó khăn trong kiểm soát dòng tiền do người mua hàng sử dụng phương thức thanh toán là tiền mặt và tiền điện tử.
Để đảm bảo không thất thu ngân sách, tạo thuận lợi cho hoạt động sản xuất kinh doanh cũng như theo thông lệ quốc tế, Bộ Tài chính đề nghị hàng hóa nhập khẩu giao dịch qua TMĐT có trị giá hải quan theo từng đơn hàng từ 1 triệu đồng trở xuống được miễn thuế nhập khẩu. Đồng thời, mỗi tổ chức, cá nhân mua hàng chỉ được hưởng chính sách miễn thuế đối với hàng hóa nhập khẩu này không quá 48 triệu đồng Việt Nam/năm.
Mừng ít, lo nhiều
Đề xuất miễn thuế hàng nhập khẩu giá trị dưới 1 triệu trên sàn TMĐT đang nhận lại nhiều ý kiến trái chiều, vừa mừng, vừa lo. Bởi, khi miễn thuế, người tiêu dùng sẽ được mua hàng nước ngoài giá rẻ, đa dạng hàng hóa trên thị trường.
Chị Nguyễn Thị Tâm (ở Bắc Từ Liêm, Hà Nội) bày tỏ: “Tôi không rõ miễn thuế sẽ ảnh hưởng thế nào tới DN, nhưng với tâm lý người tiêu dùng, quan trọng là được mua hàng giá rẻ, chất lượng, giao hàng nhanh”.
Còn theo chị Trần Thị Ngọc Điệp – một người chuyên kinh doanh trên sàn TMĐT cho rằng, khi hàng hóa giá rẻ được nhập nhiều về sẽ làm đa dạng thị trường hàng hóa trong nước. Qua đó tạo áp lực để bản thân các DN sản xuất trong nước cải tiến công nghệ, nâng cao năng suất, chất lượng để tăng khả năng cạnh tranh.
Tuy nhiên, theo kinh nghiệm của chị Điệp, hàng nhập khẩu giá trị trên 1 triệu đồng/món rất ít, chưa kể khi mua đơn hàng trên 1 triệu khách hàng sẽ tách nhỏ ra để hưởng chính sách miễn thuế. Mặt khác, số lượng người tiêu dùng ở Việt Nam đủ khả năng chi tiêu 48 triệu đồng hàng nhập khẩu mỗi năm sẽ không nhiều. Vì vậy, chính sách thuế này chủ yếu tác động tới các nhà kinh doanh là chính, bởi họ nhập số lượng lớn. Mà trong kinh doanh, bán buôn phải chịu thuế là lẽ thường tình.
Theo số liệu của Bộ Công Thương, trung bình mỗi ngày có từ 4-5 triệu đơn hàng giá trị nhỏ dưới 1 triệu đồng được vận chuyển từ Trung Quốc về Việt Nam qua các sàn TMĐT. Nếu áp dụng chính sách miễn thuế với nhóm hàng hóa này, mỗi năm sẽ có khoảng 328.500 tỷ đồng giá trị hàng hóa giao dịch được miễn thuế. Điều này không chỉ làm thất thu hàng chục nghìn tỷ đồng tiền thuế, mà còn tạo sự cạnh tranh không bình đẳng với hàng hóa sản xuất trong nước.
Như vậy, có thể thấy rằng, tác động của chính sách miễn thuế với hàng nhập khẩu giá trị nhỏ là không hề nhỏ. Ngoài việc làm thất thu hàng chục nghìn tỷ đồng tiền thuế mỗi năm, chính sách này còn gây áp lực lên DN sản xuất trong nước.
Tổng giám đốc Công ty TNHH Kế toán và Tư vấn thuế Trọng Tín Nguyễn Văn Được cho rằng, thực hiện miễn thuế hàng nhập khẩu giá trị dưới 1 triệu đồng là phù hợp với cam kết tại Nghị định thư về đơn giản thủ tục hải quan ngày 26/6/1999, yêu cầu pháp luật của các quốc gia phải quy định giá trị hoặc mức thuế tối thiểu của hàng hóa nhập khẩu không thu thuế nhập khẩu và các loại thuế khác. Tuy nhiên, nếu miễn thuế có thể dẫn đến tình trạng thiếu công bằng giữa các phương thức nhập khẩu khác nhau, cũng như với DN sản xuất trong nước. Mặt khác, người mua hàng sẽ lách luật bằng cách tách nhỏ đơn hàng. Vì vậy, cần phải xem xét kỹ lưỡng về tính hợp lý của đề xuất này, tránh tạo ra những lỗ hổng không đáng có trong chính sách quản lý thuế đối với hàng hóa nhập khẩu.
Phương Nga
Nguồn KTĐT : https://kinhtedothi.vn/kho-hieu-voi-de-xuat-mien-thue-nhap-khau-hang-duoi-mot-trieu-dong.659414.html