Khó khăn trong kiểm tra trên môi trường thương mại điện tử

Khó khăn trong kiểm tra trên môi trường thương mại điện tử
3 giờ trướcBài gốc
10.000 chai nước hoa không có nhãn phụ bằng tiếng Việt theo quy định, trị giá hơn 1 tỷ đồng, là tang vật vừa bị Cục Nghiệp vụ quản lý thị trường thu giữ sau quá trình đột xuất kiểm tra điểm chứa hàng hóa của Công ty Cổ phần Tập đoàn Zenpali, nằm tại tầng một của một tòa chung cư thuộc huyện Thanh Trì, thành phố Hà Nội.
Các khu vực livestream, chốt đơn, máy tính phục vụ việc tăng lượt xem ảo cho các video, khu vực đóng gói và kho hàng được bố trí bài bản trên một mặt sàn rộng khoảng 1.000 m2. Nhằm qua mắt lực lượng chức năng, các đối tượng đã thuê một gian phía sau trụ sở làm việc của một công ty để cất giấu hàng hóa.
Bà Phạm Thị Minh Phương - Phó Trưởng phòng nghiệp vụ 3 - Tổng Cục Quản lý thị trường, cho biết: “10.000 chai nước hoa có nhãn từ nước ngoài, một số không có nguồn gốc xuất xứ nên họ không thực hiện công bố sản phẩm, không có các giấy tờ, chứng từ liên quan. Chúng tôi sẽ làm việc với Tiktok để kiểm tra lại các giao dịch của những đơn hàng vi phạm và tuyên truyền cho người bán các quy định của pháp luật về kinh doanh trên môi trường thương mại điện tử”.
Trong một vụ việc khác, 10 tấn hàng hóa gồm quần áo, túi xách, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng… không rõ nguồn gốc xuất xứ, nhập lậu, một số mặt hàng có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu vừa bị lực lượng chức năng phát hiện và thu giữ khi kiểm tra đột xuất một hộ kinh doanh. Bên ngoài địa điểm kiểm tra là địa chỉ của quán tạp hóa. Toàn bộ hoạt động livestream, chốt đơn sản phẩm và đóng gói hàng hóa được thực hiện phía sâu bên trong quán, rất khó để lực lượng chức năng tiếp cận và phát hiện dấu hiệu vi phạm.
Bên cạnh khó khăn trong việc xác định địa điểm kinh doanh thì hiện nay lực lượng chức năng phải đối mặt với tình trạng các chủ thể hoạt động thương mại điện tử dễ dàng xóa dấu vết, cản trở việc thu thập chứng cứ khi vi phạm. Ông Nguyễn Quang Huy - Phó Vụ trưởng Vụ Tổng hợp - Kế hoạch - Tài chính, Tổng Cục Quản lý thị trường, cho hay: “Khó khăn của chúng tôi là các đối tượng dễ dàng xóa giao dịch, do đó chúng tôi đã làm việc với sàn thương mại điện tử lớn để có những hợp tác chặt chẽ trong việc chia sẻ thông tin, phối hợp xử lý các đối tượng vi phạm. Lực lượng quản lý thị trường chúng tôi đã phối hợp tổ chức hội thảo, hội nghị để nâng cao năng lực thực thi cho công chức”.
Trong 9 tháng năm 2024, lực lượng quản lý thị trường cả nước đã phát hiện, xử lý trên 2.000 vụ vi phạm trong lĩnh vực thương mại điện tử, xử phạt hành chính 35,4 tỷ đồng với trị giá hàng vi phạm 29,4 tỷ đồng. Nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm trong thương mại điện tử, lực lượng quản lý thị trường tiếp tục ưu tiên phòng ngừa, giám sát, tăng cường kiểm tra đột xuất, chuyên đề, hậu kiểm, tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật; xây dựng cơ sở dữ liệu quản lý địa bàn tập trung; đưa các giải pháp về công nghệ áp dụng vào quá trình thực thi công vụ.
Đức Tâm
Nguồn Hà Nội TV : https://hanoionline.vn/video/kho-khan-trong-kiem-tra-tren-moi-truong-thuong-mai-dien-tu-276130.htm