Theo đó, tại tổ thảo luận số 1, một số đại biểu kiến nghị nhiều vấn đề liên quan đến những khó khăn trong hoạt động chính quyền cấp xã sau sáp nhập. Đơn cử như cơ sở vật chất, điều kiện phục vụ cho cán bộ, công chức cấp xã làm việc còn thiếu thốn.
Cần quan tâm bố trí công việc hợp lý cũng như giải quyết chế độ thỏa đáng cho cán bộ không chuyên trách cấp xã. Đặc biệt là việc kết nối giữa cấp xã và cấp tỉnh để giải quyết công việc và thủ tục liên quan vẫn còn “khoảng trống” nhất định.
Tại tổ thảo luận số 2, đại biểu Hà Xuân Quang cho rằng, chính quyền địa phương hai cấp bước đầu hoạt động hiệu quả, tuy nhiên chưa đạt yêu cầu. Cần đầu tư máy móc phương tiện phục vụ nhiệm vụ. Ở các xã trung tâm thì cơ bản đạt, nhưng các xã miền núi còn gặp khó khăn.
Đại biểu nêu nhiều ý kiến, kiến nghị tại tổ thảo luận trong kỳ họp HĐND tỉnh Nghệ An.
Các đại biểu cũng quan tâm về nội dung cần có hướng dẫn xử lý, bàn giao các dự án còn dang dở ở các huyện cũ. Cùng với đó là nhiệm vụ lớn sau sáp nhập là Đại hội Đảng bộ các xã mới cần có chỉ đạo để xây dựng hệ thống chỉ tiêu. Các xã mới được thành lập cần quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng, phương tiện làm việc. Đề nghị ưu tiên các xã miền núi, các xã xa trung tâm.
Các đại biểu cũng nêu những bất cập về công tác quản lý đô thị, nhất là thực trạng đậu, đỗ xe gây cản trở giao thông và khó cho công tác phòng cháy, chữa cháy. Vấn đề cấp nước sạch đô thị các phường trung tâm cho người dân vẫn còn chậm trễ. Cần có giải pháp giải phóng mặt bằng quyết liệt hơn để thi công quốc lộ 7, xử lý nạn hàng giả, hàng nhái...
Về điều tiết tỷ lệ % đấu giá quyền sử dụng đất về cấp xã. Đại biểu cho rằng, trước đây việc phân bổ tỷ lệ % qua cấp xã, cấp huyện và cấp tỉnh, hiện nay cần điều tiết tỷ lệ % về xã sao cho hợp lý để tạo điều kiện lớn bước đầu hoạt động chính quyền địa phương hai cấp.
Hoàng Phạm