Từ chối bán thuốc khi không có đơn
Dịch cúm vẫn đang gia tăng ở nhiều địa phương, thị trường thuốc Tamiflu trong những ngày qua luôn sôi động khi người dân tìm mua nhiều. Lo lắng bệnh cúm tăng nặng, nhiều người đã mua thuốc kháng virus tích trữ khiến mặt hàng này "nóng" và tăng giá trong những ngày qua.
Chiều 3/2, tìm đến nhà thuốc Kiểm nghiệm ở 48 phố Hai Bà Trưng, quận Hoàn Kiếm (Hà Nội), chúng tôi hỏi mua thuốc Tamiflu, nhân viên bán hàng tại đây cho biết còn thuốc của Pháp, giá 550.000 đồng/hộp 10 viên (55.000 đồng/viên). Tuy nhiên, phải có đơn của bác sĩ kê mới bán. Dù khách hàng năn nỉ, nhưng nhân viên cũng kiên quyết không bán nếu không có đơn.
"Nếu người nhà chị là người khỏe mạnh mắc cúm, chỉ cần ăn uống nâng cao sức đề kháng, uống thuốc hạ sốt khi sốt 38,5 độ C, uống nhiều nước, không cần uống thuốc Tamiflu, bởi thuốc này có nhiều tác dụng phụ. Thuốc kháng virus Tamiflu chỉ có tác dụng với người có bệnh nền, suy giảm miễn dịch", nhân viên nhà thuốc tư vấn.
Nhiều nhà thuốc từ chối bán Tamiflu khi không có đơn của bác sĩ.
Nằm ngay bên cạnh là nhà thuốc chuẩn Kiểm nghiệm (cũng ở địa chỉ 48 Hai Bà Trưng) giá bán Tamiflu 62.000 đồng/viên. Nhà thuốc này cũng chỉ bán thuốc kê đơn của bác sĩ hoặc có test dương tính với cúm A,B. Nhân viên nhà thuốc tư vấn khá cặn kẽ với khách và từ chối bán khi không có đơn và không có kết quả test dương tính với cúm.
"Test phải chuẩn, xác định mắc cúm A hoặc cúm B thì mới uống thuốc Tamiflu. Chúng em phải tư vấn kỹ cho khách, phải có đơn của bác sĩ mới bán, vì người khỏe mạnh bình thường mắc cúm A không cần uống Tamiflu, tốn kém mà không giải quyết gì, có khi còn gây ra tình trạng kháng thuốc", nhân viên nhà thuốc cho biết.
Khi tôi thắc mắc sao giá thuốc ở đây lại đắt hơn ở cửa hàng bên cạnh, nhân viên cho biết: "Giá của chúng em là rẻ rồi. Mấy hôm trước có người đi mãi không mua được, còn phải mua 80.000 đồng/viên".
Tại nhà thuốc Trường Thọ (48 Hai Bà Trưng), khi chúng tôi hỏi mua thuốc Tamiflu, nhân viên bán thuốc cho biết, giá 55.000 đồng/viên, do Pháp sản xuất. Nhà thuốc này cũng bán Tamiflu khi có đơn của bác sĩ và từ chối bán cho khách không có đơn. Nhân viên nhà thuốc còn tư vấn về tác dụng của thuốc kháng virus, để khách hàng hiểu rõ hơn và không nên tự mua về uống.
Đến chợ thuốc ở phố Vũ Trọng Phụng (quận Thanh Xuân, Hà Nội), một số nhà thuốc ở đây đã hết thuốc Tamiflu, nhưng còn loại cùng hoạt chất do Việt Nam sản xuất. Tại Siêu thị thuốc Việt cơ sở Nguyễn Trọng Phụng, nhân viên cho biết hết Tamiflu và đang nhập hàng về, nhưng ở cơ sở Cầu Giấy thì còn. Giá bán Tamiflu ở đây là 50.000 đồng/viên và phải có đơn của bác sĩ.
Nhà thuốc M.T (phố Nguyễn Quý Đức, Thanh Xuân, Hà Nội) hết Tamiflu nửa tháng nay do nhà phân phối không giao hàng, hiện chỉ có thuốc cùng hoạt chất do Việt Nam sản xuất là Flustad 75 giá 16.000 đồng/viên (thuốc này không cần kê đơn của bác sĩ).
Trên địa bàn quận Hà Đông, khảo sát tại nhà thuốc Tiến Minh, nhân viên ở đây cho biết có thuốc Tamiflu, giá bán 53.000 đồng/viên.
Nhiều nơi còn thuốc Tamiflu.
Theo một nhân viên nhà thuốc ở Yên Xá, xã Tân Triều, huyện Thanh Trì, mấy hôm trước giá thuốc Tamiflu ở nhiều nơi "nhảy múa", nhưng nhà thuốc này không tăng giá, vẫn bán 53.000 đồng/viên. "Có khách quen của em còn mua 100.000 đồng/viên và nói phải giá đó mới là thuốc "xịn"", nhân viên này cho biết.
Tại hệ thống nhà thuốc Long Châu mấy ngày trước hết thuốc Tamiflu thì chiều 3/2 cho biết đã có Tamifilu 75mg Roche 10 viên/hộp, giá 52.000 đồng/viên. Tuy nhiên, nhu cầu của khách hàng thông tin về thuốc Tamiflu đợt này có gia tăng gấp 7 lần so với ngày thường nên nguồn cung hiện vẫn còn thiếu so với nhu cầu.
Khảo sát trên mạng, một trang facebook quảng cáo quầy thuốc H.H ở huyện Ba Vì, Hà Nội giá bán Tamiflu 53.000 đồng/viên. Trang mạng này còn nhắn: "Khách hàng đau mỏi người, sốt, rát họng qua em test cúm thì hãy mua thuốc Tamiflu nhé. Không nên tích trữ vừa lãng phí lại khan hiếm hàng, giá leo thang".
Tăng giá điều trị cúm để trục lợi sẽ bị xử phạt
Trước đó, vào ngày 10/2, đại diện Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) cũng khẳng định, các thuốc chứa hoạt chất Oseltamivir điều trị cúm hiện vẫn đảm bảo về nguồn cung.
Đối với thuốc Tamiflu, theo thông tin từ công ty nhập khẩu, hiện tại số lượng thuốc tồn kho hơn 10.000 hộp, ngoài ra vừa xuất bán cho công ty phân phối hơn 30.000 và sắp tới sẽ nhập thêm khoảng 50.000 hộp. Trong nước cũng sản xuất và cung ứng thuốc chứa Oseltamivir, hiện đang có trên 300.000 viên với giá bán buôn vẫn giữ nguyên.
Cục Quản lý Dược cũng liên tiếp có 3 văn bản yêu cầu các đơn vị chủ động về nguồn cung, không được găm hàng tăng giá.
Văn bản mới nhất do ông Nguyễn Thành Lâm, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Dược ký ngày 12/2, yêu cầu Sở Y tế các địa phương tổ chức thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm trong kinh doanh các thuốc kháng virus dùng trong điều trị cúm mùa, các thuốc điều trị cúm A, đặc biệt là vi phạm các quy định về quản lý giá thuốc (thực hiện kê khai giá không đúng quy định, không thực hiện niêm yết giá thuốc, bán cao hơn giá niêm yết,…), các trường hợp kinh doanh thuốc không rõ nguồn gốc, bán thuốc kê đơn nhưng không có đơn của bác sĩ, lợi dụng dịch bệnh để tăng giá thuốc bất hợp lý.
Thuốc Tamiflu bán trên thị trường mỗi nơi một giá.
Cục Quản lý Dược cũng yêu cầu các bệnh viện chủ động bảo đảm cung ứng đầy đủ, kịp thời thuốc điều trị cúm mùa, đặc biệt thuốc điều trị cúm A, không để xảy ra tình trạng thiếu thuốc phục vụ công tác khám bệnh, chữa bệnh tại đơn vị.
Thực hiện đúng các quy định về mua, bán thuốc và quản lý giá thuốc tại cơ sở bán lẻ trong khuôn viên cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.
Các cơ sở bán lẻ thuốc phải tuân thủ đúng quy định về bán thuốc theo đơn, có trách nhiệm hướng dẫn đầy đủ cho người dân về việc sử dụng thuốc theo đúng chỉ định của bác sĩ và hướng dẫn sử dụng thuốc để bảo đảm an toàn, hiệu quả.
Tuân thủ đầy đủ các quy định về quản lý giá thuốc, không được lợi dụng tình hình dịch bệnh để đầu cơ, găm hàng và đẩy giá thuốc tăng cao nhằm trục lợi.
Các bệnh viện phải chủ động bảo đảm cung ứng đầy đủ, kịp thời thuốc điều trị cúm mùa, đặc biệt thuốc điều trị cúm A.
Theo BS Đồng Phú Khiêm, Phó Giám đốc Trung tâm Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, thực tế dịch cúm năm nay so với một vài năm về trước (những năm 2011-2012, 2015-2016) Trung tâm Hồi sức tích cực của bệnh viện đều tiếp nhận điều trị nhiều bệnh nhân nặng vì mắc cúm, thậm chí nặng hơn bây giờ. Tuy nhiên, năm nay dịch bệnh lan rộng ở nhiều nước trên thế giới, đã có người nổi tiếng tử vong vì bệnh cúm; mọi người cũng ám ảnh lo sợ cúm mới sau đại dịch COVID-19, truyền thông đưa tin khuyến cáo nhiều nên mọi người quan tâm hơn.
Các bác sĩ cho biết, 80-90% các trường hợp mắc cúm là ở thể nhẹ, có thể tự khỏi. Những trường hợp sốt cao kéo dài, liên tục, tổn thương phổi thì mới cần nhập viện điều trị. Ngoài thuốc Tamiflu, bác sĩ sẽ dùng nhiều loại thuốc khác để phối hợp điều trị.
Tamiflu là thuốc kháng virus, nhưng không giống với hầu hết kháng sinh, nó không có khả năng tiêu diệt virus cúm. Tamiflu là thuốc ức chế men neurominidase của virus cúm.
Tamiflu chỉ có tác dụng nếu chẩn đoán phát hiện cúm sớm trong 48 giờ đầu, có triệu chứng sốt cao kéo dài, liên tục, tổn thương phổi và theo chỉ định của bác sĩ. Sau 48 giờ, bệnh nhân chủ yếu được điều trị hạ sốt và chăm sóc để phòng biến chứng.
BS Khiêm khuyến cáo, thuốc kháng virus cúm chỉ có lợi ích với những người bị cúm nặng (đã nhập viện), hoặc bị cúm và có yếu tố nguy cơ bị nặng và cần được bác sĩ đánh giá và kê đơn. Việc tự ý mua và dùng thuốc tự do không theo hướng dẫn, không đúng liều lượng và thời gian có thể là yếu tố nguy cơ gia tăng tình trạng virus cúm đề kháng thuốc sẽ gây khó khăn cho điều trị bệnh cúm trong tương lai.
Trần Hằng