Trước dự thảo thông tư mới này, nhiều cán bộ quản lý, giáo viên trong cả nước cũng như tỉnh Bình Phước lo ngại vì không còn công cụ nào đủ nghiêm khắc với những học trò ngỗ nghịch.
Cần chế tài đủ mạnh để răn đe
Theo dự thảo, tùy mức độ vi phạm, học sinh tiểu học bị nhắc nhở hoặc yêu cầu xin lỗi; học sinh cấp THCS, THPT bị nhắc nhở, phê bình hoặc yêu cầu viết bản tự kiểm điểm. Đây là hình thức kỷ luật quá nhẹ, bởi như thông tư hiện hành với nhiều mức kỷ luật nhưng học sinh vẫn còn chậm thay đổi, tiến bộ, ảnh hưởng đến quá trình phát triển, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện.
Cô, trò Trường THCS Tân Phú, TP. Đồng Xoài trong giờ học
Với hơn 20 năm làm chủ nhiệm lớp, cô Trương Thị Quyên, giáo viên Trường THCS Tân Phú, TP. Đồng Xoài cho biết: Trước đây, nhà trường có rất nhiều hình thức kỷ luật học sinh, như viết bản kiểm điểm, khiển trách, cảnh cáo, đặc biệt có thể đình chỉ học 1 năm. Tuy nhiên, dự thảo thông tư mới quy định nặng nhất chỉ yêu cầu học sinh viết bản tự kiểm điểm, theo tôi, hình thức này quá nhẹ với học sinh. Hình thức này chưa rõ mức độ vi phạm, sẽ ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục cũng như công tác quản lý của trường. Bởi trước đây đã dùng rất nhiều biện pháp kỷ luật học sinh nhưng các em vẫn chậm tiến bộ, ảnh hưởng đến quá trình giáo dục, dạy học. Theo cô Quyên, Bộ GD&ĐT cần quy định thêm một số hình thức kỷ luật khác để giáo dục học sinh phát triển toàn diện, không chỉ về nhân tài, nhân lực mà còn phát triển đạo đức, nhân cách các em.
Công tác 33 năm trong ngành giáo dục, thầy Nguyễn Viết Tuyên, Hiệu trưởng Trường THCS Tân Phú, TP. Đồng Xoài cho rằng: Hình thức kỷ luật trước đây rất phù hợp, bởi muốn kỷ luật 1 học sinh phải thành lập hội đồng kỷ luật, có tất cả đoàn thể trong trường, xem xét thấu tình, đạt lý trước khi đưa ra quyết định tạm dừng đến trường của một học sinh. Theo tôi, như thế là khách quan, còn nếu bỏ hình thức kỷ luật này thì nền nếp, tác phong nhà trường khó đảm bảo, quản lý trường học rất khó khăn, thậm chí bất lực trước những học sinh cá biệt khiến môi trường giáo dục bị đe dọa, thầy cô giáo bị coi thường. Thực tế cho thấy, nhiều học sinh đã dùng các biện pháp giáo dục từ nhẹ đến nặng như viết bản kiểm điểm, mời phụ huynh làm việc, mời ban đại diện cha mẹ học sinh, đoàn, đội cảm hóa nhưng vẫn không tiến bộ, vẫn vô lễ với thầy cô, đánh hội đồng gây thương tích về tinh thần và thể xác cho bạn, trấn lột tiền của bạn khác, nghỉ học tự do… Ngoài ra, hiện nay tình trạng bạo lực học đường nhiều, tội phạm ngày càng trẻ hóa nên cần có giải pháp mạnh hơn để đủ chế tài răn đe, làm gương cho những bạn khác nếu không bạo lực học đường sẽ gia tăng.
Không thể cào bằng
Cùng với đó, nhiều ý kiến cho rằng dự thảo thông tư mới của Bộ GD&ĐT nhấn mạnh không sử dụng biện pháp kỷ luật mang tính bạo lực, xúc phạm nhân phẩm, ảnh hưởng đến thể chất và tinh thần học sinh mà giáo dục bằng tình yêu thương. Đây là hình thức mang tính nhân văn nhưng cần quy định cụ thể mức độ vi phạm, không thể cào bằng chung chung.
Cô Trịnh Thị Phương Mai, Hiệu trưởng Trường THCS Tân Xuân, TP. Đồng Xoài cho biết: Thông tư 32 đã quy định khá rõ về việc đánh giá, xếp loại học tập, rèn luyện của học sinh với 4 mức tốt, khá, đạt và chưa đạt. Đồng thời, Thông tư 08 cũng quy định chi tiết về các mức độ vi phạm của học sinh để có thể khiển trách, phê bình trước lớp, kỷ luật cảnh cáo, đình chỉ học tạm thời. Tuy nhiên, theo dự thảo thông tư mới, hình thức kỷ luật chỉ yêu cầu viết bản tự kiểm điểm.
Theo cô Mai, học sinh ở độ tuổi THCS rất nhạy cảm, đang hình thành nhân cách, bởi 1 lớp có 45 em thì chuyện xảy ra va chạm là thường xuyên. Phía sau đó, phụ huynh của 45 em có cách nhìn nhận, giáo dục khác nhau, có gia đình rất thông cảm cho lứa tuổi này nhưng cũng có gia đình phản đối, vì thế, khi thực hiện hình thức kỷ luật, nhà trường chủ yếu giúp các em hiểu vấn đề. Bởi vậy, dự thảo thông tư mới cơ bản đáp ứng xu hướng hiện nay, đó là kỷ luật để các em nhận lỗi. Tuy nhiên, cần nói rõ vi phạm các em ở mức độ nào để trường học, nhà quản lý giáo dục đảm bảo tất cả quyền lợi, kể cả giáo viên cũng như học sinh, tức là cần làm rõ hành vi vi phạm của các em.
Dự thảo thông tư này khi được ban hành sẽ thay thế Thông tư số 08/TT ngày 21-3-1988 của Bộ GD&ĐT hướng dẫn về việc khen thưởng và thi hành kỷ luật học sinh. Thông tư 08 cũng là một trong những thông tư có “tuổi đời” lâu nhất của ngành giáo dục khi có hiệu lực trong suốt 37 năm.
Theo dự thảo, việc khen thưởng, kỷ luật dựa trên nguyên tắc chung là bảo đảm tính giáo dục, nhân văn, vì sự tiến bộ của học sinh; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, tăng cường tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của hội đồng nhà trường, hiệu trưởng, giáo viên; bảo đảm sự phối hợp giữa nhà trường, gia đình và xã hội trong công tác khen thưởng, kỷ luật học sinh; thực hiện đúng, đủ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của trường trong công tác khen thưởng, kỷ luật học sinh.
Hữu Phước