Thông tin trên được nêu tại Hội thảo khoa học “Thực trạng và giải pháp phát triển thị trường khoa học công nghệ tỉnh Cà Mau đến năm 2030”, do Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh phối hợp với Sở KH&CN tổ chức, sáng ngày 17/12.
Ông Mai Hữu Chinh, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh, nhận định, trên địa bàn tỉnh, thị trường KH&CN là thị trường phát triển chậm nhất so với các thị trường hàng hóa và dịch vụ khác.
Thị trường KH&CN của tỉnh đang từng bước hình thành, toàn tỉnh hiện có 7 tổ chức và 4 doanh nghiệp KH&CN.
Ông Mai Hữu Chinh, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh, nhận định, các tổ chức KH&CN hiện nay cơ bản thực hiện tốt các nhiệm vụ nghiên cứu, kết nối, ứng dụng, chuyển giao công nghệ, tổ chức điều tra, khảo sát, kết nối cung cầu công nghệ cho doanh nghiệp. Các doanh nghiệp KH&CN hỗ trợ tích cực trong công tác quản lý trại nuôi, minh bạch trong mua bán giống thủy sản, tạo ra các giá trị gia tăng phục vụ nhiều ngành công, nông nghiệp khác nhau,… góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương, giảm gánh nặng môi trường.
Ngoài đại diện các sở, ngành, chính quyền địa phương, tham dự hội thảo còn có nhiều nhà khoa học đến từ các Viện, trường.
Bên cạnh những thành công và kết quả đạt được thì thị trường KH&CN tỉnh Cà Mau còn đối mặt với những khó khăn, thách thức.
“Xuất phát điểm nền KH&CN của tỉnh thấp, thị trường KH&CN đang từng bước hình thành, với rất ít sản phẩm, chủ yếu trong lĩnh vực nông nghiệp và ít hoạt động giao dịch KH&CN; là thị trường phát triển chậm nhất so với các thị trường hàng hóa và dịch vụ khác. Tỉnh chưa có sàn giao dịch KH&CN tập trung...”, ông Chinh chia sẻ.
Theo ông Thái Trường Giang, Phó giám đốc Sở KH&CN, khó khăn lớn nhất hiện nay mà lĩnh vực KH&CN gặp phải, đó chính là cơ chế chính sách, thậm chí cả trong việc chuyển giao KH&CN.
Thời gian qua, việc ứng dụng khoa học công nghệ đã giúp tuyển chọn, lai tạo được nhiều giống lúa mới, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và thu nhập cho người dân.
Tại hội thảo, nhiều nhà khoa học đến từ các Viện, trường nhận định, Cà Mau hiện có nhiều tiềm năng phát triển từ kinh tế cho đến văn hóa, xã hội trong khu vực ĐBSCL. Do đó, việc phát triển thị trường KH&CN không chỉ là nhiệm vụ chiến lược mà còn là yếu tố sống còn để đảm bảo sự phát triển bền vững của tỉnh.
Nhiều đại biểu cho rằng, trong thời gian tới, ngành KH&CN không chỉ có trách nhiệm kết nối khoa học công nghệ từ quốc tế, các viện, trường, các nhà khoa học, doanh nghiệp và địa phương để tìm kiếm giải pháp, công nghệ nâng cao năng suất, chất lượng, mà còn phải tích cực đóng góp vào phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững của địa phương.
Theo ông Mai Hữu Chinh, Cà Mau là tỉnh có nhiều tiềm năng phát triển, với thế mạnh về kinh tế biển, nông nghiệp, thủy sản và năng lượng tái tạo… Để những tiềm năng này thực sự trở thành lợi thế cạnh tranh bền vững thì KH&CN không chỉ là yếu tố hỗ trợ, mà phải trở thành động lực then chốt để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nâng cao năng suất lao động và cải thiện chất lượng cuộc sống của người dân.
Nguyễn Phú