Theo đó, tất cả các địa phương đều phải đạt tốc độ tăng trưởng cao từ 8% trở lên và cao hơn tốc độ tăng trưởng đạt được trong năm ngoái.
Hà Nội được áp chỉ tiêu tăng trưởng 8%, cao hơn so với tỷ lệ 6,5% đạt được năm ngoái; TP.HCM được giao 8,5%, cao hơn với mức gần 7,2% của năm 2024.
Hàng loạt các ngôi sao đang lên như Quảng Ninh, Nam Định, Hà Nam, Ninh Bình, Hải Dương, Hải Phòng, Bắc Giang, Thanh Hóa, Nghệ An, Đà Nẵng, Quảng Nam, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Dương, Đồng Nai,… đều được đặt mục tiêu tăng trưởng hai con số.
Khoán tăng trưởng cho địa phương đặt ra áp lực rất cao để các nhà lãnh đạo địa phương chứng tỏ năng lực điều hành, quản lý. Ảnh: Hồ Giáp
Đây có lẽ là lần đầu tiên Chính phủ đặt ra chỉ tiêu tăng trưởng cho các địa phương sau khi Tổng Bí thư Tô Lâm chỉ đạo thực hiện chính sách “khoán tăng trưởng” cả về số lượng và chất lượng cho các địa phương tại Hội nghị đầu năm 2025 của Chính phủ.
Tốc độ tăng trưởng mục tiêu cao 8% năm 2025 này sẽ giúp cho tốc độ trung bình đạt khoảng 6,2% trung bình trong giai đoạn 2021-2025.
Khoán tăng trưởng không mới
Trên thực tế, khoán tăng trưởng đưa ra không hẳn là “mới”, theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Đình Cung. Ông cho biết, các quy hoạch phát triển các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đã được Thủ tướng phê duyệt đều đặt mục tiêu tăng trưởng trên 10%.
Các bản quy hoạch cũng đã xác định các nhiệm vụ đột phá, các định hướng phát triển ngành, vùng cùng danh mục dự án đầu tư,… để các địa phương đạt được mục tiêu tăng trưởng nói trên.
“Như vậy, trên thực tế lãnh đạo các địa phương đã đặt mục tiêu tăng trưởng cao và họ đã nhận thức rõ điều đó”, ông nói.
Hơn nữa, các chỉ tiêu, gồm tăng trưởng GRDP, số công ăn việc làm mới và thu nhập/bình quân đầu người tương ứng cho các địa phương, đang được xem xét để giao cho lãnh đạo địa phương trong giai đoạn 5 năm tới. Như vậy, các lãnh đạo địa phương sẽ phải được đánh giá năng lực điều hành theo kết quả với 3 chỉ tiêu (KPIs) nói trên.
Tăng trưởng GDP từ 8% trở lên trong năm 2025 sẽ tạo đà để tăng trưởng liên tục hai con số trong giai đoạn 2026 - 2030.
Ông Cung nói: “Mục tiêu như thế là rất cao; và chỉ có người tài thực sự mới có thể làm được. Giao mục tiêu cao sẽ tạo áp lực mạnh buộc Bí thư, Chủ tịch tỉnh phải đốc hết sức lực và trí tuệ, phải lao tâm, khổ tứ, phải thu phục nhân tâm, phải đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ khác và làm khác để đạt mục tiêu”.
Tuy vậy, trong lịch sử 35 năm kể từ Đổi mới, chưa năm nào tăng trưởng kinh tế của Việt Nam đạt hai con số. Nếu tính từ năm 1990, năm bắt đầu tính GDP, trở lại đây, thì năm 1995 đạt được mức tăng trưởng cao nhất là 9,5% và năm 1996 đạt 9,3%.
Ông Cung khẳng định, mục tiêu tăng trưởng 10% ổn định trong thời gian 10-20 năm là rất cao và rất khó để đạt được. Kinh nghiệm quốc tế đến nay cho thấy, chỉ có một số rất ít các quốc gia làm được. “Điều đó có nghĩa, mục tiêu tăng trưởng hai con số là cực kỳ khó, nhưng không phải là không thể đạt được”, ông nói.
Những chỉ số đáng quan tâm
Đã thành quy luật và khá dễ hiểu về mặt số học: tốc độ tăng trưởng năm sau luôn cao khi tốc độ tăng trưởng năm trước thấp và ngược lại.
Tốc độ tăng trưởng năm 2022 đạt kỷ lục 8,02% trên nền tảng tăng trưởng năm 2021 chỉ là 2,58%, mức thấp kỷ lục.
Đến năm 2023, tốc độ tăng trưởng đã giảm xuống thấp, còn 5,05%, và trên nền tảng tăng thấp đó, đến năm 2024, tốc độ tăng GDP lại vọt lên 7,09%, cao vượt ngoài các dự đoán của hầu hết chuyên gia, tổ chức kinh tế trong và ngoài nước.
Quy luật này cho thấy, chỉ tiêu tăng trưởng 8% cho năm 2025 là rất áp lực khi tăng trưởng năm 2024 đã cán mốc rất cao là 7,09%.
Tuy nhiên, điều quan trọng nhất là nền kinh tế vẫn đứng trước nhiều khó khăn, thách thức không thể xử lý một sớm một chiều cả ở bên trong và những tác động chưa lường hết từ bên ngoài.
Ở bên trong, Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 01/2025 ước tính giảm 9,2% so với tháng trước và tăng 0,6% so với cùng kỳ năm trước. Sức mua trong nước vẫn phục hồi khá chậm, chỉ ở mức 6,6% trong tháng 1/2025 và 5,9% năm 2024, tức chỉ tăng hơn một nửa so với tốc độ tăng trước dịch Covid-19. Các mức tăng khiêm tốn của hai trụ cột này trong GDP là rất đáng thảo luận.
Bên cạnh đó, hoạt động của khu vực doanh nghiệp nội địa, bao gồm doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp tư nhân và các hộ kinh tế gia đình vẫn rất khó khăn. Trong tháng 1, số doanh nghiệp giải thể lên tới gần 53 nghìn, cao gấp 5 lần số thành lập mới là 10,7 nghìn. Số doanh nghiệp giải thể đã đạt gần 200 nghìn năm 2024.
Mặc dù vậy, cũng có nhiều yếu tố thuận lợi.
Thứ nhất, nguồn vốn đầu tư công rất lớn và lãnh đạo Chính phủ luôn quyết liệt thúc đẩy giải ngân để hoàn thành các dự án cơ sở hạ tầng quy mô lớn.
Thứ hai, xuất khẩu cũng hứa hẹn tăng trưởng tốt mặc dù những diễn biến không lợi trên thế giới gần đây, và nền tảng xuất khẩu của năm trước rất cao.
Thứ ba, một lượng vốn lớn trong khu vực doanh nghiệp nhà nước sau khi cổ phần hóa và thoái vốn là nguồn lực lớn cho đầu tư, phát triển.
Thứ tư, chính sách tiền tệ được cam kết mở rộng hơn để đạt mục tiêu tăng trưởng.
Thứ năm, nguồn vốn FDI vẫn hứa hẹn trong năm nay.
Cuộc cách mạng về sắp xếp tổ chức, thu gọn đầu mối, giảm biên chế đang diễn ra sẽ giúp mang lại hiệu quả lớn để doanh nghiệp, người dân vận hành tốt hơn trong tương lai, cho dù trước mắt có thể gặp khó khăn do vướng tới 184 luật, 200 nghị định liên quan.
Tạo áp lực cho các lãnh đạo địa phương
Khoán tăng trưởng cho địa phương đặt ra áp lực rất cao để các nhà lãnh đạo địa phương chứng tỏ năng lực điều hành, quản lý. Từ đó, họ sẽ tạo áp lực xuống cả hệ thống để khơi thông mọi nguồn lực trong dân cho đầu tư, phát triển bằng cách tháo gỡ mọi rào cản, hay nhũng nhiễu.
Ông Nguyễn Đình Cung phân tích, cần thực hiện phân cấp triệt để, toàn diện cho địa phương theo phương châm “địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm”. Điều đó có nghĩa là địa phương không chỉ được quyết “làm gì”, mà có quyền quyết cả “làm thế nào”; không cần xin ý kiến, không cần chấp thuận, hay phê duyệt của cơ quan trung ương, cơ quan cấp trên.
Trong trường hợp phải thay đổi, bổ sung quy hoạch,… thì Bí thư, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh, Chủ tịch hội đồng nhân dân tỉnh yêu cầu Hội đồng Nhân dân tỉnh/thành phố chấp thuận, sau đó báo báo Thủ tướng.
Họ cần được quyền áp dụng, thực thi linh hoạt các quy định pháp luật; trường hợp quy định pháp luật về cùng một vấn đề chồng chéo, khác nhau thì được quyền chọn quy định phù hợp nhất để áp dụng giải quyết vấn đề liên quan.
Tuy nhiên, ông cũng lưu ý, cần đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của họ theo mục tiêu, theo kết quả và hiệu quả tổng thể, không đánh giá họ theo quy trình, quy định hay không vì một thất bại hay thành công tại một dự án, mà phủ nhận thành tích của họ trong các mục tiêu tổng thể thể hiện qua các chỉ tiêu nói trên.
Về phần mình, Trung ương phải đảm bảo sự phối hợp giữa các địa phương trong vùng trong thực hiện các dự án vùng; không để tình trạng địa phương này vì sự phát triển của địa phương mình mà ngăn chặn kết nối, hạn chế không gian và cơ hội phát triển của địa phương khác. Trường hợp cần thiết, Chính phủ thực hiện bảo lãnh để các địa phương vay thêm vốn đầu tư các dự án quan trọng, không thể thiếu để đạt được mục tiêu tăng trưởng như đã khoán cho họ.
Giao khoán tăng trưởng là điều kiện cần; và phân cấp, giao quyền cho họ là điều kiện đủ để đạt được mục tiêu tăng trưởng không chỉ trong năm nay, mà còn giai đoạn tới.
Khi đã làm như vậy mà lãnh đạo địa phương không đạt được mức khoán, thì rõ ràng họ đã chứng tỏ năng lực điều hành như thế nào. Đó là cơ hội để lựa chọn những người thực tài vào trong hệ thống để có quản lý hiệu quả hơn.
Tư Giang