Gấu trúc Fu Wa tại Trung tâm bảo tồn và nghiên cứu gấu trúc khổng lồ Trung Quốc. Ảnh: Xinhua.
Ngày 19/5, cặp gấu trúc Fu Wa và Feng Yi đã chính thức rời Malaysia để trở về Trung Quốc, kết thúc hơn một thập kỷ sống tại Vườn thú Quốc gia ở Kuala Lumpur.
Chúng từng là biểu tượng của chương trình "ngoại giao gấu trúc" giữa 2 nước và đã thu hút hàng triệu lượt khách tham quan trong suốt thời gian qua.
Tuy nhiên, ngay sau khi cặp gấu rời đi, người dân Malaysia bắt đầu tranh luận gay gắt về việc liệu có nên tiếp tục chi tiền để nuôi một cặp gấu trúc mới trong 10 năm tới, trong bối cảnh nhiều loài động vật bản địa đang đối mặt nguy cơ tuyệt chủng.
Malaysia là một trong 17 quốc gia được Tổ chức Bảo tồn Quốc tế (Conservation International) xếp vào nhóm "siêu đa dạng sinh học" với hơn 170.000 loài sinh vật. Dù vậy, hơn 1.100 loài trong số này đang nằm trong danh sách bị đe dọa, bao gồm hổ Mã Lai, đười ươi Borneo và voi lùn châu Á.
"Voi, hổ bị xe đâm chết do mất rừng, có lẽ nên quan tâm đến chúng hơn là gấu trúc", người dùng Sylvia Tan viết.
Một số ý kiến khác cũng nhấn mạnh loài voi lùn ở Sabah mới đây đã được đưa vào Danh sách Đỏ các loài nguy cấp của Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN), với chỉ khoảng 400 cá thể trưởng thành còn sinh sống trong tự nhiên.
Trong khi đó, gấu trúc khổng lồ đã được IUCN hạ từ "nguy cấp" xuống "dễ tổn thương" từ năm 2016, tức là không còn ở mức báo động như trước.
Du khách tham quan gấu trúc tại Vườn thú quốc gia Kuala Lumpur. Ảnh: Xinhua.
Cặp gấu trúc Fu Wa và Feng Yi được Trung Quốc gửi sang Malaysia vào năm 2014 và được nuôi dưỡng trong một khu bảo tồn riêng biệt, có điều hòa không khí tại Vườn thú Quốc gia. Trong suốt 7 năm, chúng sinh được 3 gấu con – một thành công hiếm có với loài động vật nổi tiếng khó sinh sản này.
Tuy nhiên, chi phí nuôi dưỡng chúng lại là điều khiến dư luận bức xúc. Theo báo cáo năm 2018, Trung tâm Bảo tồn Gấu trúc tại Vườn thú Quốc gia tiêu tốn 4,65 triệu ringgit (hơn 1 triệu USD). Một năm sau, con số này tăng lên tới 7,38 triệu ringgit.
Trong khi đó, vườn thú phải kêu gọi cộng đồng hỗ trợ tài chính để duy trì hoạt động, từ việc mua thức ăn đến sơn sửa cơ sở vật chất. Nhiều công trình phải dựa vào các chương trình trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp để duy trì.
"Chúng ta không có tiền để vận hành Vườn thú Quốc gia, nhưng lại chuẩn bị chi hàng triệu ringgit để chăm gấu trúc thêm 10 năm nữa", tài khoản Srisanthia Ramankutty viết trên mạng xã hội.
Bất chấp những chỉ trích, Chính phủ Malaysia vẫn quyết định ký tiếp thỏa thuận mới với Trung Quốc hồi tháng 4, qua đó tiếp tục đón một cặp gấu trúc khác trong 10 năm tới.
Thủ tướng Anwar Ibrahim thừa nhận chi phí nuôi dưỡng gấu trúc khá cao, song được bù đắp bằng hiệu quả thu hút du lịch.
"Chúng ta không phải trả tiền để đón gấu trúc, chỉ mất chi phí chăm sóc. Rất nhiều du khách đến vườn thú chỉ để được nhìn thấy gấu trúc một lần trong đời", Thủ tướng Malaysia nói trong một phát biểu hồi tháng 1.
Châu Sa