Khoảng sân con Phố Phái

Khoảng sân con Phố Phái
18 giờ trướcBài gốc
Những phòng khách, phòng ăn, phòng ngủ, nhà kho... Mỗi phòng có chức năng tương thích. Nhưng khi tiếp quản Thủ đô, người ta đã phá vỡ tiêu chuẩn này bằng cách nhồi mỗi hộ gia đình vào ở một phòng. Diện tích có hạn nên buộc các hộ gia đình này phải cơi nới, lấn chiếm. Thế là nhếch nhác, lôm côm.
…Cũng nhờ ông con dẫn đi coi vài căn phòng mà Bùi Thanh Phương đã chuộc lại được sau này và đã cải tạo ra sao. Tự dưng hơi bị ấn tượng với cái khoảng sân con của nhà 87. Nó vẫn đấy hình như trước sau cải tạo nhà 87 nó không xê xích, thay đổi đi bao nhiêu?
Khoảng sân con vài mét vuông ấy hình như ngó ra và kề diện tích chỉ có hơn 1m2. Nơi làm việc mà ông thích nhất là nơi góc nhà ngó ra khoảng sân con mà ông con Bùi Thanh Phương đang thở dài, dám chắc đó là "xưởng vẽ" nhỏ nhất thế giới dành cho một danh họa. Xưởng vẽ luôn là một giấc mơ theo suốt cuộc đời Bùi Xuân Phái nhưng ông đã lỡ và không bao giờ thực hiện được giấc mơ nhỏ nhoi ấy!
Như những “xen” đoản, trường của dạng phim nhiều tập đã diễn ra ở khoảng sân con này. Mà tinh chuyện buồn.
Những sải chân ngắc ngứ hoang mang ngập ngừng cảnh giác trên khoảng sân kia năm 1952. Sải chân của vợ chồng Bùi Xuân Phái vừa hồi cư.
Trạm gác canh chừng vùng tự do và vùng tề Ba La Bông Đỏ mạn Vân Đình ấy gần sáng ấy đón lõng được một mớ người dinh tê. Thời điểm ấy, hồi cư dinh tê là sự thường. Ở chiến khu, ở nơi tản cư, bệnh tật, nạn sốt rét đói khát không chịu được gian khổ, nhiều người dân, cả cán bộ đã bỏ về thành.
Đám lính phát hiện người đàn ông có cái dáng ốm đói, da trắng như ngó cần đi cùng người đàn bà khai là vợ, bụng mang dạ chửa cũng ốm o khật khừ lại diện đôi giày hơi bị lạ! Thứ giày mà trật sĩ quan Hồng quân Trung Quốc mới được dùng.
Người đàn ông ấy khai tên là Bùi Xuân Phái. Hai vợ chồng tức khắc bị tống vào Hỏa Lò.
Chuyện đơn giản, một người bà con của Bùi Xuân Phái ở chiến khu Quần Tín Thọ Xuân thấy Bùi Xuân Phái trong đám văn nghệ sĩ kháng chiến quá ốm yếu, kém chịu rét đã nhường cho đôi giày sĩ quan vốn rất phổ biến ấy ở chiến khu. Việc trưng đôi giày sĩ quan Hồng quân Trung Hoa ngay ở Hà Thành là thứ khó chấp nhận?
May thời điểm đó, trong số cán bộ điệp báo nội thành có ông Hoàng Bắc (sau này làm cán bộ cỡ, người từng ký Thẻ Nhà Báo những năm cuối 70) do quen biết Bùi Xuân Phái và biết chuyện ông bị tống giam Hỏa Lò. Lại biết cả mật vụ sắp thử thách cái anh cán bộ văn nghệ vừa dinh tê kia bằng cách nếu dám bước qua lá cờ cách mạng thì sẽ được tha.
Hoàng Bắc biết Bùi Xuân Phái còn ở Hỏa Lò ngày nào thì sẽ rắc rối nguy hiểm. Người cán bộ điệp báo ấy cấp tốc tin ngay cho gia đình cô Sính, vợ Bùi Xuân Phái là nhà tư sản rất có máu mặt ở phố Đinh Tiên Hoàng, Hà Nội. Người nhà cô Sính tìm mọi cách chạy chọt. May mà việc trót lọt. Bùi Xuân Phái được tha về 87, Thuốc Bắc, nhưng trong tầm kiểm soát theo dõi của mật thám.
…Ông Bùi Thanh Phương thở dài, Bùi Xuân Phái thoát tầm theo dõi của bọn Pháp nhưng mấy năm sau lại vướng phải tầm dõi theo khác. Nể bạn, Bùi Xuân Phái vui tay minh họa vài cái hình cho tờ Nhân văn. Không bị bắt nhưng luôn trong tầm mắt để ý. Cũng cả những buổi hạch hỏi của các nhà chức việc.
Phương thảy ra một tấm hình đen trắng. Hình một anh thợ mộc đang gò mình co chân với động tác cưa. Bùi Xuân Phái đấy. Năm 1958 ấy, Phương mới 2 tuổi. Mẹ bế Phương, đưa theo cả chị gái và anh trai đi tàu hỏa vào Nam Định thăm nuôi Bùi Xuân Phái đang lao động cải tạo với giai cấp công nhân trong một xưởng mộc. Sau đợt "học tập, lao động 3 cùng" này, trong buổi tổng kết, báo cáo tại Hội trường Thống nhất (bên cạnh Nhà hát lớn Thành phố). Hôm ấy, người ta ngạc nhiên và cười ồ khi thấy Bùi Xuân Phái báo cáo thành tích bằng cách lễ mễ bê lên hội trường một chiếc ghế đẩu do chính tay ông đóng.
Đương chuyện, Bùi Xuân Phương đưa tôi coi một mẩu bìa. Cái gì thế này? Những dòng chữ được kẻ nắn nót. “Phiếu ăn kỷ niệm các bạn đã đến thưởng thức món ăn ở cửa hàng số 5 Bát Đàn”. Phương đang kể chuyện Minh Đức Trần Thiếu Bảo. Dằng dặc bao năm, nước Nam mới phát lộ một tài năng trong lĩnh vực xuất bản tư nhân. Đó là ông Minh Đức Trần Thiếu Bảo, bà đỡ cho những sách của Tự lực văn đoàn, rồi tác phẩm của Vũ Trọng Phụng. Nhà in tư nhân Minh Đức in những số nhân văn trong đó có vài minh họa của Bùi Xuân Phái. Bùi Xuân Phái chỉ bị đi cải tạo ít ngày nhưng ông Minh Đức phải ngồi tù những 10 năm và 5 năm thử thách. Minh Đức sau khi ra tù ở phố Bát Đàn 5m2. Bản tính vui vẻ lạc quan của Trần Thiếu Bảo như lây sang nhà Bùi Xuân Phái gần đó. Bùi Xuân Phái tỷ mẩn kẻ, vẽ những phiếu ăn cho “cửa hàng ăn” chỉ vừa đủ cho 2 người nhưng lúc nào cũng ế của Minh Đức. Những mẩu bìa phiếu ăn như chứng tích một thời gian khó, như tiêu bản cái tình bạn của Bùi Xuân Phái.
Người nhà Bùi Xuân Phái ngạc nhiên chứng kiến hai ông già cùng đọc đi đọc lại mà như hát mấy câu như đồng dao.
“Làm chi cũng chả làm chi/ Dẫu có thế nào cũng chẳng làm sao”
Có một chốc, tôi loanh quanh chỗ khoảng sân con kia chừng như để kiểm chứng để lây lan một chuyện lạ và đẹp như huyền thoại mà anh con trai Bùi Xuân Phương được chứng kiến trong đêm B.52 cuối tháng 12/1972. Một cuộc mặc cả giữa hai nhà sưu tập khủng Đức Minh, ông Bổng, Hàng Buồm, và Bùi Xuân Phái. Ông Đức Minh thì muốn có bức Kiều của Nguyễn Tư Nghiêm mà ông Bổng đang giữ. Còn ông Bổng muốn ông Đức Minh mua bức tranh của Bùi Xuân Phái để trao đổi lấy bức Kiều.
Bùi Xuân Phái (trái) và nhà thơ Vũ Đình Liên
…“Ông Phái ơi. Ông Phái ơi” Cái chất giọng rè, trầm, mặc dù chủ nó đã gắng. Bùi Xuân Phái ngó ra khoảng sân, nhận ra ngay họa sĩ kiêm văn sĩ Tạ Tỵ người bạn cùng vào Trường Mỹ thuật Đông Dương. Mà người này, đợt đi Nam năm ngoái, Bùi Xuân Phái đã cố công tìm. Tận nhà. Nhưng đành buồn bã quay lui vì chủ nhân đang tận ngoài Bắc...
Tạ Tỵ vẫn dáng cao ngòng nhưng ốm tong teo. Trước mập, tướng tá ngon lành. Sau những bất ngờ hỏi han vồ vập không đúng lắm với tuổi tác, hai ông bạn cao niên đột nhiên cùng ngồi thừ ra. Cứ lặng lẽ bên nhau gần 2 tiếng đồng hồ. Thứ thừ ra như thế có lẽ những dấu lặng trong trường đoạn buồn của thứ giao hưởng mới đủ sức chuyển tải? Chia tay, mắt hai ông già như ầng ậng ướt.
Bậu cửa căn phòng chội chội ngó ra khoảng sân con như lưu lại dáng ngồi cũng cái cười hom hóm của nhà văn Nguyễn Tuân ngồi làm mẫu cho Bùi Xuân Phái. Số là nghe tin Bùi Xuân Phái chuẩn bị tranh để mở Triển lãm cá nhân đầu tiên, Nguyễn Tuân đã vác bức tranh Hàng Thiếc, Bùi Xuân Phái vẽ năm 1952 khi mới vào thành. Bức tranh ấy Bùi Xuân Phái tặng Nguyễn Tuân đã lâu “tôi ngắm nó mãi rồi giờ đem góp vào triển lãm. Ông vẽ đền tôi một bức chân dung”. Bức chân dung được hoàn thành, Nguyễn hài lòng lắm. Vì sơn còn ướt nên chưa đem đi được, hôm sau đến lấy thì Bùi Xuân Phái ngập ngừng kể lại chuyện nhà sưu tập Nguyễn Bá Đạm sững sờ khi thoáng thấy thần thái ông Nguyễn hay quá là hay nên cứ vật vã đòi Bùi Xuân Phái để lại với cái giá cao nhất!
Vốn là chỗ quen thân với nhà sưu tập, ông Nguyễn cười.
“Thôi bán cho lúy (hắn, lão) ông ạ. Cũng là một dịp tốt để ông mua thêm họa phẩm. Để hôm nào thong thả, tôi lại ngồi làm mẫu cho ông”
Cái dịp ấy chả bao giờ có nữa. Ít tháng sau nhà văn Nguyễn Tuân phải vào viện và ra đi mãi mãi.
*
* *
Không phải tất tật tranh của danh họa Bùi Xuân Phái được chấp nhận, được hoan nghênh.
Một ngày mùa thu năm 60. Giới mỹ thuật Hà Nội rộn rịp cho một cuộc triển lãm tranh hoành tráng.
Chỗ làm việc của Bùi Xuân Phái không đủ chỗ ngồi. Đám bạn người thì ồn ã, người lặng lẽ sải những bước nôn nóng trên khoảng sân con kia. Họ đến sẻ chia với ông cảm giác hẫng hụt bởi bức sơn dầu mà ai cũng nắc nỏm phút cuối đã bị Ban tổ chức loại thẳng cánh. Lý do, trong bức tranh, người chiến sĩ lại nhắm mắt trong lúc đương vinh dự được lãnh đạo hỏi chuyện thân mật (?) Thì chỉ khi nào trong tâm trạng vui sướng cảm động đến tột bậc, mắt người ta thường có động thái nhắm hoặc khép hờ như thế. Mọi thanh minh, giải thích nhưng bất lực.
Một mái phố trong hàng trăm “Phố” của Bùi Xuân Phái
Đầu năm 80 có một cuộc triển lãm hiếm hoi mang tên PHÁI tại Stockholm Thụy Điển. Tranh được mượn từ các chuyên gia, quan chức ngoại giao đóng tại Hà Nội từ những năm 60. Những người Thụy Điển đó đã đến khoảng sân con này của 87, Thuốc Bắc. Và họ mua được những bức tranh của Bùi Xuân Phái với giá quá ư thân thiện. Về nguyên tắc, thời ấy không được tiếp xúc với người nước ngoài nhưng vẫn có một thị trường nho nhỏ. Tranh của họa sĩ vẽ ra nếu không có người ngoại quốc hỏi mua thì cũng sẽ chẳng có ai mua cả!
Người con trai của Bùi Xuân Phái bộc bạch thêm, thời gian có triển lãm PHÁI, anh có được đọc những bài viết trên báo nước ngoài. Nhiều người Thụy Điển và người nước ngoài ở Hà Nội thập niên 70, 80 của thế kỷ trước đã có cơ may tìm đến 87 Thuốc Bắc. Họ kể về những bữa ăn tối hiếm hoi chụp ảnh lưu niệm với Bùi Xuân Phái và gia đình. Trước lúc ra về, với tình cảm chân thành họ thường mua một vài bức tranh mong giúp chủ nhân cải thiện chút kinh tế trong thời buổi khó khăn. Có lẽ trong số khách bỏ ra mấy chục USD để rinh về một mớ tranh ấy, không ai nghĩ rằng hiện thời có giá khó đo đếm trên thị trường đấu giá!
Bùi Xuân Phái (trái) và Nguyễn Tuân (giữa)
Vẫn có cơ cho một Bùi Xuân Phái tiết tháo phát lộ. Vẻ như Bùi Xuân Phái đã không im lặng khi bị xúc phạm? Trong trả lời phỏng vấn trên tạp chí Mỹ thuật năm 1998, như chút thoáng nụ cười hài hước chua chát của Bùi Xuân Phái như lấp ló sau chòm râu thưa “Người ta muốn nói đến chữ thoát trong nghệ thuật. Phải cao tay thế nào để thoát ra khỏi cái chất đi thi sợ trượt. Thoát ra khỏi cái chất dự triển lãm sợ bị loại, thoát ra khỏi cái chất muốn bán sợ không bán được”.
Trong tận cùng những áy náy vì đã cố tình khấu đi một buổi của họa sĩ Bùi Xuân Phương. Câu chuyện cứ lan man từ phòng tranh của Bùi Xuân Phương sải qua các bậc cầu thang dẫn xuống khoảng sân con như thứ nhân chứng nghiệt ngã nhưng sống động một thời. Chuyện họa sĩ Phương (tranh Bùi Xuân Phương thời trẻ từng được nhà sưu tập danh tiếng Đức Minh mua 2 bức) nhưng đã từng vật vã ráo riết bao năm vùng thoát được những khoảng cớm rợp của một người cha danh tiếng để tự tin đứng vững trên đôi chân của mình ra sao. Xin khất bạn đọc vào một dịp khác!
Chao ôi mãi đến cái năm 98 ấy, nỗi phiền ngại bị dị nghị ấy đã không bị đông cứng?
Ở một chỗ khác, Bùi Xuân Phái viết: “Có những tay quả thực là tài năng không có gì. Thế mà ăn to nói lớn khiếp lên được” và: “Đối với những kẻ phê bình láo, kể cả những kẻ nịnh hót để kiếm chác, chỉ nên giữ một sự lặng lẽ khinh bỉ”. (Bùi Xuân Phái, cuộc đời và tác phẩm, NXB Mỹ thuật, 1998)
Trên khoảng sân con như còn vương những sải bước mau mắn của nhà văn Tô Hoài mỗi lần ghé thăm ông bạn đồng niên Bùi Xuân Phái. Những sải chân lần ấy tự dưng lập chập khi ông cháu Bùi Xuân Phương tò mò “Bác tha lỗi cho, mừng bác được nhận Giải thưởng “Vì tình yêu Hà Nội mang tên Bùi Xuân Phái” Giải mang tên người mà sinh thời, bố cháu chỉ là một nghệ sĩ chả có chức tước gì...”.
Ông bà Bùi Xuân Phái
Bùi Xuân Phái vướng trọng bệnh. Khi cái chết đã có thể đếm được từng giờ, ông vẫn vẽ. Ông con Bùi Xuân Phương bồi hồi, mấy bức tranh cuối Bùi Xuân Phái vẽ những bông hoa súng do một người mẫu quen mang đến tặng. Từng bông hoa đổ cong rồi gục xuống. Ngày hôm sau tệ hơn ngày hôm trước. Cho đến khi chúng gục hẳn xuống mặt bàn. Tôi nhìn tranh mà lạnh toát… Chưa, tranh cuối nhưng chưa phải bức cuối cùng. Đó là bức mà Bùi Xuân Phái vẽ chính bàn chân của mình. Vì ông không đủ sức ngồi dậy được nữa. Cứ thế ông dồn những thương cảm mê man nhưng sống động thần thái vào nét vẽ rồi thiếp đi mãi mãi.
Xuân Ba
Nguồn Tiền Phong : https://tienphong.vn/khoang-san-con-pho-phai-post1707533.tpo