Theo kết luận điều tra, với vai trò là Tổng cục trưởng Tổng cục Địa chất & khoáng sản, ông Nguyễn Văn Thuấn có nhiệm vụ trực tiếp chỉ đạo, điều hành việc cấp giấy phép hoạt động khoáng sản.
Dù biết rõ Công ty Thái Dương do ông Đoàn Văn Huấn là Chủ tịch HĐQT chưa đủ điều kiện để được cấp phép, nhưng ông Thuấn vẫn đánh giá là đủ điều kiện. Ông Thuấn đề xuất ông Nguyễn Linh Ngọc, khi đó là Thứ trưởng Bộ TN&MT ký giấy phép khai thác khoáng sản, giao nguồn tài nguyên khoáng sản cho Công ty Thái Dương khai thác. Việc này dẫn đến Công ty Thái Dương được khai thác khi chưa đủ điều kiện, gây thất thoát khoáng sản trị giá hơn 864 tỷ đồng.
Sau khi Công ty Thái Dương được cấp giấy phép khai thác, ông Đoàn Văn Huấn đã đưa ông Thuấn số tiền 500 triệu đồng để cảm ơn.
CQĐT xác định, ông Huấn đã bán trái phép hơn 10 triệu kg quặng đất hiếm trị giá hơn 403 tỷ đồng và hơn 280 triệu kg quặng sắt, trị giá hơn 333 tỷ đồng, hưởng lợi bất chính hơn 736 tỷ đồng.
Thời điểm đó, ông Hoàng Văn Khoa ngồi ghế Vụ trưởng Vụ Khoáng sản thuộc Tổng cục Địa chất & khoáng sản. Ông Khoa có nhiệm vụ tham mưu, giúp Tổng cục trưởng trong việc cấp phép hoạt động khoáng sản, trực tiếp giải quyết hồ sơ xin cấp phép của Công ty Thái Dương.
Dù biết rõ Công ty Thái Dương chưa đủ điều kiện để được cấp phép theo quy định nhưng ông Khoa không tổ chức thẩm định hồ sơ mà đánh giá công ty đủ điều kiện được cấp phép, đề xuất ký giấy phép khai thác khoáng sản, giao nguồn tài nguyên khoáng sản cho Công ty Thái Dương khai thác, dẫn đến việc công ty này khai thác trái phép, gây thất thoát khoáng sản trị giá hơn 864 tỷ đồng.
Từ trái qua phải gồm các bị can: Nguyễn Linh Ngọc, Nguyễn Văn Thuấn, Hoàng Văn Khoa. Ảnh: Bộ Công an
Tương tự, bị can Lê Duy Phương với vai trò là chuyên viên Vụ Khoáng sản thuộc Tổng cục Địa chất & khoáng sản được giao trực tiếp thẩm định hồ sơ xin cấp phép của Công ty Thái Dương, dù biết rõ công ty này chưa đủ điều kiện để được cấp phép theo quy định nhưng bị can không thẩm định hồ sơ mà đánh giá là công ty đủ điều kiện.
Ông Phương đã đề xuất cấp trên ký giấy phép khai thác khoáng sản, giao nguồn tài nguyên khoáng sản cho Công ty Thái Dương khai thác, dẫn đến doanh nghiệp này khai thác gây thất thoát khoáng sản trị giá hơn 864 tỷ đồng.
Cựu cán bộ tỉnh Yên Bái làm sai
Trong vụ án này, CQĐT xác định, với vai trò là Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Yên Bái, có nhiệm vụ tham mưu cho Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh trong việc quản lý nhà nước về khoáng sản trên địa bàn tỉnh, ông Hồ Đức Hợp biết Công ty Thái Dương khai thác khi chưa nộp thiết kế mỏ được phê duyệt theo quy định, không thông báo ngày bắt đầu khai thác, tiêu thụ sản phẩm quặng đất hiếm chưa qua chế biến sâu trái quy định…
Dù vậy, cựu Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Yên Bái đã không chỉ đạo, tổ chức kiểm tra, không xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị Bộ TN&MT xử lý để kịp thời ngăn chặn mà để mặc cho Công ty Thái Dương khai thác, tiêu thụ trái phép quặng đất hiếm.
Thậm chí, khi Công ty Thái Dương làm thủ tục gia hạn giấy phép, ông Hồ Đức Hợp đã ký văn bản báo cáo và tham mưu cho UBND tỉnh Yên Bái ký văn bản báo cáo không trung thực, không phản ánh những sai phạm của Công ty Thái Dương. Việc này làm tiền đề để Bộ TN&MT tiếp tục cấp phép khai thác khoáng sản (gia hạn), dẫn đến việc Công ty Thái Dương tiếp tục khai thác gây thất thoát khoáng sản trị giá lớn.
Theo CQĐT, với vai trò là PGĐ Sở TN&MT tỉnh Yến Bái, ông Lê Công Tiến đã không tham mưu, chỉ đạo, tổ chức kiểm tra để kịp thời ngăn chặn, để mặc cho Công ty Thái Dương khai thác, tiêu thụ trái phép quặng đất hiếm.
Ông Tiến còn tham mưu để ông Hồ Đức Hợp ký văn bản tham mưu cho UBND tỉnh Yên Bái ký văn bản báo cáo không trung thực, không phản ánh những sai phạm của Công ty Thái Dương, làm tiền đề để Bộ TN&MT tiếp tục cấp phép khai thác khoáng sản, để Công ty Thái Dương tiếp tục khai thác trái phép.
CQĐT cho rằng, các sai phạm của ông Tiến dẫn đến Công ty Thái Dương khai thác, tiêu thụ trái phép quặng đất hiếm trong thời gian dài, gây thất thoát khoáng sản trị giá hơn 864 tỷ đồng.
T.Nhung