Khoảng tối sau ánh sáng từ thủy điện nhỏ

Khoảng tối sau ánh sáng từ thủy điện nhỏ
7 giờ trướcBài gốc
Nước là mạch sống của mọi cộng đồng, không chỉ nuôi dưỡng những cánh đồng màu mỡ mà còn đem lại nguồn thủy sản phong phú và giữ gìn cân bằng tự nhiên.
Nhờ có nước, đất mới mềm tơi để gieo hạt, cá tôm mới đầy suối và rừng mới xanh tốt. Nhờ có nước, những công trình thủy điện mới mang đến ánh sáng cho các bản làng, giúp trẻ em được học bài dưới ánh đèn điện và người dân có cơ hội tiếp cận với cuộc sống hiện đại hơn.
“Người dân bản trước đây chỉ dùng đèn dầu, từ ngày có công trình thủy điện mới được dùng điện, đời sống thuận lợi hơn. Các vấn đề an sinh xã hội được doanh nghiệp chú ý và hỗ trợ nhiều, đời sống nhiều điều tích cực hơn”, bà Đào Thị Liễu, Trưởng bản Cửa Rào 1, xã Xá Lượng, huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An, chia sẻ với phóng viên TheLEADER.
Thế nhưng, cũng chính con đập chặn dòng ấy đã khiến các con suối cạn kiệt hơn, nguồn cá tôm thưa vắng hơn và ruộng đồng phía hạ lưu dần bạc màu. Trong bối cảnh biến đổi khí hậu với các hiện tượng thời tiết cực đoan diễn ra thường xuyên hơn, các tác động từ thủy điện nhỏ ngày càng trở nên phức tạp, thậm chí vượt ra khỏi sự phỏng đoán của các bên liên quan, từ đó gia tăng khó khăn cho việc phòng ngừa, hạn chế rủi ro.
Những tác động tiêu cực ấy đòi hỏi một cơ chế chia sẻ thông tin rộng rãi, kịp thời hơn, một kế hoạch hành động rõ ràng với nhiệm vụ cụ thể cho từng bên tham gia, có thể theo dõi và đánh giá nhằm chia sẻ lợi ích nguồn nước công bằng hơn.
Đây không chỉ là lời giải cho một công trình, mà còn là kinh nghiệm cho hàng trăm công trình thủy điện nhỏ trên khắp mảnh đất hình chữ S. Theo Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch điện VIII), thủy điện nhỏ tiếp tục là một trong những nguồn phát điện với công suất tăng thêm giai đoạn 2023 – 2030 là gần 4.500MW.
Không chỉ vậy, việc giải quyết những ảnh hưởng tiêu cực của thủy điện nhỏ với sinh kế người dân còn đảm bảo quá trình chuyển dịch năng lượng công bằng hơn khi thủy điện nhỏ được xem là một dạng năng lượng tái tạo.
Trong bóng râm của thủy điện nhỏ
Đại diện một trong những cộng đồng chịu ảnh hưởng từ nhà máy thủy điện Xoỏng Con, bà Liễu cho biết, nhiều người dân thôn bản mất đất, mất rừng, mất đất canh tác do hoạt động của nhà máy thủy điện. Không chỉ vậy, nguồn lợi thủy sản cũng sụt giảm cho với trước đây.
Dữ liệu từ nghiên cứu “Thúc đẩy chia sẻ công bằng tài nguyên nước cho cộng đồng dân tộc thiểu số khu vực hạ lưu các thủy điện nhỏ” cũng cho thấy điều tương tự.
TS. Hồ Thị Phương, Giảng viên trường Đại học Vinh, tác giả nghiên cứu, cho biết, ngoài khu vực xã Xá Lượng, tại xã Tam Thái thuộc huyện Tương Dương – khu vực thường xuyên chịu tác động trực tiếp của nhà máy thủy điện Xoỏng Con, sinh kế của người dân trở nên dễ bị ảnh hưởng bởi những thay đổi về nguồn nước và môi trường. Nguyên nhân là bởi người dân chủ yếu dựa vào trồng trọt, chăn nuôi, làm thuê và nuôi trồng thủy sản.
Năng suất cây trồng giảm từ 20 – 40%, và thậm chí, tình trạng thiếu nước có thể làm giảm năng suất ở mức 40 – 60%. Đồng thời, nguồn thủy sản tự nhiên – từ tôm, cá, ốc cho đến loài cá Mát có giá trị kinh tế cao – cũng bị suy giảm về số lượng và đa dạng sinh học, từ đó làm mất đi nguồn thu nhập truyền thống và ảnh hưởng trực tiếp đến an ninh lương thực của cộng đồng.
Một trong những khu vực bị ảnh hưởng bởi hoạt động của đập thủy điện
Trong mùa mưa lũ, việc vận hành thủy điện đã làm gia tăng tình trạng ngập úng tại các khu vực ruộng đồng, ao hồ và nương vườn ven suối ở hạ lưu đập, đồng thời, gây ra hiện tượng xói lở ven bờ suối tại nhiều thôn bản trên địa bàn xã Tam Thái.
Những thay đổi này đã buộc nam giới gánh vác thêm phần việc nặng nhọc như tìm kiếm nguồn nước tưới tiêu, khắc phục hạn hán, trong khi phụ nữ chịu ảnh hưởng nặng nề về kinh tế do thiếu lao động chia sẻ, hạn chế khả năng tham gia vào các sinh kế thay thế.
Đại diện cho cộng đồng của mình, bà Liễu cho biết, khi mùa vụ sụt giảm, không ít người dân buộc phải đi làm ăn xa, thậm chí vay ngân hàng để có thể xuất khẩu lao động. “Với những người phụ nữ, thiếu nước sạch cho sinh hoạt hàng ngày buộc họ phải đi xa hơn để tìm thấy các khe, các suối”.
Chia sẻ nước công bằng hơn
Trong bối cảnh thủy điện nhỏ còn nhiều tác động tiêu cực tới sinh kế, bà Liễu đề xuất, các bên liên quan cần hỗ trợ nước sạch sinh hoạt cho người dân như làm giếng khoan, hỗ trợ các gia đình chuyển đổi sinh kế như cung cấp cây giống, con giống trên cạn.
Trao đổi với TheLEADER, ông Bùi Đại Nghĩa, Phó giám đốc CTCP Đầu tư và xây dựng MCK, chủ đầu tư dự án thủy điện Xoỏng Con, cho biết: “Doanh nghiệp hiểu được những tác động của dự án đối với đời sống bà con. Doanh nghiệp đã và đang triển khai nhiều giải pháp để mang lại lợi ích cân bằng hơn cho các bên”.
Ông Nghĩa chia sẻ thêm, doanh nghiệp đã nỗ lực giảm thiểu tối đa các tác động không mong muốn từ dự án thủy điện dù bản thân doanh nghiệp còn gặp nhiều khó khăn trong vận hành và thậm chí chưa có lãi. Trung bình, dự án thủy điện nhỏ cần khoảng 10 năm mới có thể hoàn vốn, trong khi nhà máy Xoỏng Con mới đi vào hoạt động vào cuối năm 2018.
Quá trình truyền tải thông tin tới người dân để có những giải pháp kịp thời cũng phải đối mặt với nhiều thách thức khi vẫn còn tình trạng gián đoạn, dẫn tới một số hậu quả không đáng có.
Trong thời gian tới, đại diện doanh nghiệp cho biết, MCK sẽ tiếp tục tiếp cận với người dân nhiều hơn thông qua chính quyền địa phương, tiếp tục hỗ trợ cộng đồng xây dựng các công trình phúc lợi và thúc đẩy chuyển đổi sinh kế cho người dân.
Tại buổi hội thảo giữa tháng này tại Nghệ An, ông Nguyễn Hữu Hiến, Phó chủ tịch UBND huyện Tương Dương, đã đề xuất kế hoạch hành động chia sẻ lợi ích công bằng hơn, tăng cường tính đồng thuận của các bên liên quan tại dự án Xoỏng Con, đóng góp cho việc đổi mới chính sách phát triển thủy điện nhỏ tại Việt Nam.
Ông Hiến nhấn mạnh, việc hợp tác trong chia sẻ nguồn nước là nhiệm vụ liên ngành, là trách nhiệm của chính quyền cấp xã, cấp huyện cùng với phía doanh nghiệp cũng như cộng đồng các thôn, bản, xã thuộc khu vực hạ lưu.
Trong đó, phía UBND tỉnh cần cấp kinh phí từ thuế của dự án thủy điện để xử lý nhanh chóng cấp nước chống hạn cho sản xuất nông nghiệp; các sở, ngành liên quan cần kết hợp cùng doanh nghiệp nghiên cứu, điều chỉnh bản đồ ngập lụt và hạn hán.
“Việc nghiên cứu và đánh giá tác động của thủy điện, cũng như việc chia sẻ công bằng lợi ích nguồn nước phía dưới công trình, là vô cùng cần thiết để đảm bảo sự phát triển bền vững cho cộng đồng và bảo vệ môi trường”, ông Hiến nhấn mạnh.
Kiều Mai
Nguồn Nhà Quản Trị : https://theleader.vn/chia-se-nuoc-cong-bang-khoang-toi-sau-anh-sang-tu-thuy-dien-nho-d39911.html