Dường như các nút thắt tâm lý trong ngắn hạn chưa được giải tỏa kết hợp với áp lực bán chưa có dấu hiệu suy kiệt đã dẫn tới trạng thái điều chỉnh tiếp diễn của thị trường trong tuần qua khiến chỉ số VN-Index bị xuyên phá ngưỡng 1.240 điểm và hướng đến ngưỡng hỗ trợ 1.230 điểm. Liệu xu hướng thị trường có những chuyển biến tích cực hơn trong tuần tới không, theo các ông/bà?
Ông Lê Đức Khánh, Giám đốc phân tích, CTCK VPS
Trong khu vực 1.200 – 1.230 điểm, các phiên hồi mạnh sẽ xuất hiện - TTCK đã giảm về khu vực quá bán - tâm lý yếu sẽ được kích hoạt khi dòng tiền bắt đáy quay lại. Vùng hỗ trợ trên biểu đồ tuần cũng ở quanh mốc 1.230 – 1.235 điểm, bởi vậy, diễn biến thị trường tuần tới cũng rất có thể có pha phục hồi tăng điểm bất ngờ.
Ông Dương Hoàng Linh, Trưởng phòng phân tích, CTCK Sacombank (SBS)
VN-Index sau khi để mất mốc hỗ trợ quan trọng tại 1.250 điểm đã chuyển biến sang trạng thái tiêu cực. Do vậy, nhiều khả năng xu hướng giảm vẫn sẽ là chủ đạo trong tuần tới.
Bên cạnh đó, tuần giao dịch này có thể là cao điểm của hoạt động rút tiền nghỉ Tết, vì vậy áp lực bán được dự báo tăng sẽ gây áp lực tới xu thế, VN-Index có thể hướng tới ngưỡng hỗ trợ tiếp theo ở vùng 1.200-1.210 điểm.
Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Phân tích, CTCK Yuanta Việt Nam
Hiện nay, mức 1.230 điểm được xem là vùng hỗ trợ quan trọng của chỉ số VN-Index, đặc biệt các chỉ báo đang giảm vào vùng quá bán cho nên có khả năng thị trường có thể sẽ xuất hiện nhịp hồi kỹ thuật trong tuần tới.
Tuy nhiên, dấu hiệu hình thành đáy vẫn chưa hình thành cho nên rủi ro ngắn hạn vẫn ở mức cao và nếu chỉ số DXY tiếp tục tăng mạnh và vượt mức 110 điểm thì chỉ số VN-Index cũng có thể tiếp tục đà giảm ngắn hạn và hướng về mức hỗ trợ kế tiếp là 1.200 điểm.
Ông Nguyễn Thế Minh
Ông Vũ Duy Khánh, Giám đốc Phân tích, CTCK Smart Invest (AAS)
Tuần tới, thị trường vẫn gặp nhiều áp lực bởi chúng ta có đáo hạn hợp đồng tương chỉ chỉ số và tái cơ cấu các quỹ theo VN30. Về cơ bản khối tự doanh vẫn đang cầm trạng thái short hợp đồng tương lai chỉ số trong khi đó lại có sự hợp lực từ việc bán ròng các cổ phiếu ngân hàng trong kỳ tái cơ cấu VN30 nên xu hướng chính có lẽ vẫn là điều chỉnh giảm điểm. Tuy nhiên, vùng hỗ trợ 1.200 điểm là vùng hỗ trợ mạnh và tôi kỳ vọng sẽ có cầu dò đáy xuất hiện vào nửa cuối tuần ngăn chặn đà giảm mạnh lúc này.
Ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn Đầu tư Maybank Investment Bank
Với thanh khoản hiện nay cùng với việc USDX đã cán mốc 110 nên làm áp lực lên thị trường tài chính, trong đó có chứng khoán. Do vậy, trong ngắn hạn vẫn còn áp lực lên thị trường. Tuy nhiền, nhiều khả năng sắp tới khi USDX chạm mốc kháng cự mạnh điều chỉnh và Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump chính thức nhận chức, có thể giúp thị trường tài chính quốc tế sôi động trở lại, USDX cũng giảm bớt từ đó hỗ trợ thị trường trong nước.
Bên cạnh đó, giai đoạn gần Tết (năm nay Tết sớm) cũng làm cho giao dịch thận trọng hơn nhưng kỳ vọng sau Tết sẽ sớm sôi động trở lại.
Thanh khoản vẫn đang là vấn đề trở ngại với thị trường khi có những phiên, giá trị giao dịch trên HOSE chỉ đạt hơn 6.000 tỷ đồng, mức thấp nhất trong vòng 5 năm qua. Diễn biến này khiến nhiều nhà đầu tư có kinh nghiệm e ngại. Vậy đâu là những lực đẩy quan trọng kích dòng tiền tham gia tích cực hơn trên TTCK?
Ông Lê Đức Khánh, Giám đốc phân tích, CTCK VPS
Dòng tiền mua lên khá dè dặt trong khi lực bán ra đã giảm dần là nguyên nhân khiến thanh khoản của thị trường giai đoạn này thấp. Giai đoạn này cũng phản ánh rõ nét tâm lý giao dịch của giới đầu tư giai đoạn đầu năm và hoạt động đầu tư trước Tết Nguyên đán.
Thời điểm phù hợp cho việc mua gom tích lũy cổ phiếu bởi diễn biến tốt của thị trường theo thống kê hay diễn ra ở các tháng đầu năm. Triển vọng kinh tế, số liệu kinh tế vĩ mô khả quan, dòng tiền đồng thuận mua vào, giá trị giao dịch khối ngoại và việc chuẩn bị sóng nâng hạng sẽ là động lực khiến thị trường khởi sắc từ cuối tháng 1 và cả quý I/2025.
Ông Dương Hoàng Linh, Trưởng phòng phân tích, CTCK Sacombank (SBS)
Hiệu quả lướt sóng rất thấp thời gian qua cùng tâm lý nghỉ Tết là lý do khiến dòng tiền ngắn hạn dừng tham gia thị trường. Chỉ khi nào xu hướng có sự chuyển biến thực sự tích cực thì mới có thể kỳ vọng thu hút dòng tiền quay trở lại.
Ông Dương Hoàng Linh
Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Phân tích, CTCK Yuanta Việt Nam
Thanh khoản đang ở mức thấp cho thấy rất rõ ràng nhà đầu tư chưa sẵn sàng quay trở lại thị trường mặc dù rất nhiều cổ phiếu cũng đã có mức chiết khấu mạnh về mức hấp dẫn. Hiện nay, rủi ro lớn nhất vẫn là tỷ giá khi chỉ số DXY vẫn tiếp tục tăng mạnh do đến gần thời điểm ông Trump nhận chức Tổng thống Mỹ và tâm lý lo ngại về lạm phát năm 2025.
Trong ngắn hạn hiện tại, nhà đầu tư vẫn còn lo ngại về tỷ giá. Tôi cho rằng, hiện nay thị trường sẽ có khả năng có hai kịch bản: Nếu chỉ số DXY không thể vượt được mức 110 điểm thì thị trường chứng khoán có thể sớm tạo đáy ngắn hạn, ngược lại nếu chỉ số DXY tiếp tục vượt mức 110 điểm thì chỉ số VN-Index có thể sẽ tiếp tục giảm về quanh mức 1.200 điểm và sự hấp dẫn được kích thích hơn để bù đắp rủi ro từ tỷ giá.
Áp lực tỷ giá vẫn có thể ở mức cao trong đầu năm 2025, nhưng tôi cho rằng giá trị bán ròng của khối ngoại không quá lớn như thời điểm 2024 khi tỷ lệ sở hữu của nhóm quỹ tài chính không còn nhiều sau thời điểm bán ròng mạnh trong năm 2024. Điều này nhà đầu tư sẽ dần quen với áp lực bán ròng nhẹ của khối ngoại trong thời gian tới và từ đó tâm lý của nhà đầu tư nội sẽ bớt thận trọng hơn.
Ông Vũ Duy Khánh, Giám đốc Phân tích, CTCK Smart Invest (AAS)
Thanh khoản giảm là yếu tố lo ngại nhưng đó cũng là yếu tố mang tính chu kỳ. Chúng ta đều biết, mỗi khi vào kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, thanh khoản thị trường thường co hẹp và thanh khoản chỉ bắt đầu cải thiện từ tháng 3 trở đi. Nếu mong muốn thanh khoản cải thiện lúc này có lẽ chỉ là lúc thị trường đi xuống và thực tế đây cũng không phải là điều nhà đầu tư mong muốn. Về cơ bản, chúng ta rất khó kỳ vọng yếu tố gì quá đột phá giúp thanh khoản đi lên lúc này.
Ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn Đầu tư Maybank Investment Bank
Các chính sách kích cầu kinh tế, kết quả kinh doanh 2024 và định hướng phát triển của các doanh nghiệp trong năm 2025, đặc biệt hướng đến kỷ nguyên vươn mình với trọng tâm là công nghệ để giúp kinh tế phát triển nhanh hơn đạt được các mục tiêu tăng trưởng. Các doanh nghiệp truyền thống cũng cần thích nghi, thay đổi, ứng dụng tốt công nghệ trong thời đại công nghệ.
Ông Phan Dũng Khánh
TTCK Việt Nam vốn quá nhiều những doanh nghiệp hoạt động truyền thống, đặc biệt nhóm tài chính – ngân hàng – chứng khoán và bất động sản chiếm quá nửa vốn hóa trong khi những thị trường phát triển như Mỹ thì nhóm này chiếm tỷ lệ nhỏ và nhóm công nghệ mới hàng đầu. Do đó, điều này cần thay đổi dần dần để thu hút dòng tiền giúp cải thiện thanh khoản vì hiện tại nhóm cổ phiếu công nghệ trên TTCK Việt Nam rất ít dù công ty chuyên về công nghệ là FPT là công ty tư nhân có vốn hóa lớn nhất nhưng các công ty công nghệ khác lại rất thiếu vắng.
Dựa trên các số liệu và thực trạng kinh tế hiện tại, mục tiêu tăng trưởng GDP 8-10% trong giai đoạn tới liệu có khả thi, theo dự báo của ông/bà? Tăng trưởng nền kinh tế có mối liên hệ như thế nào với tăng trưởng TTCK trong năm 2025?
Ông Lê Đức Khánh, Giám đốc phân tích, CTCK VPS
Ông Lê Đức Khánh
Tỷ giá hạ nhiệt, đà tăng trưởng GDP vào chu kỳ tăng cao hơn, nhất là từ giai đoạn Covid 2020 - 2022, hoạt động đầu tư công được đẩy mạnh, sự quyết liệt chỉ đạo của Chính phủ liên quan đến giải pháp hỗ trợ tăng trưởng.
TTCK thường khá "nhạy" với những chuyển biến kinh tế vĩ mô - mỗi bước đi cải thiện, tích cực hơn sẽ thẩm thấu, cải thiện tâm lý nhà đầu tư, dòng tiền được khai thông chảy vào TTCK. TTCK thường sẽ đi trước nền kinh tế một nhịp, vận động cùng chiều trong các pha hồi phục và xu hướng tăng hoặc ngược lại.
Ông Dương Hoàng Linh, Trưởng phòng phân tích, CTCK Sacombank (SBS)
10% thì có vẻ xa vời nhưng 8% là mục tiêu hoàn toàn có thể đạt được với những điều kiện hiện tại của nền kinh tế: nội lực vững vàng, sự dịch chuyển của dòng vốn FDI.
Tuy nhiên, những yếu tố tích cực từ kinh tế vĩ mô chủ yếu sẽ phát huy vai trò trong dài hạn, còn xu thế thị trường trong ngắn hạn (cụ thể là năm 2025) còn chịu nhiều ảnh hưởng từ các yếu tố khác. Dù vậy tôi vẫn đánh giá cao mức độ tăng trưởng của TTCK trong năm 2025 dưới ảnh hưởng từ những tác động của bức tranh kinh tế sáng sủa này.
Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Phân tích, CTCK Yuanta Việt Nam
Mức mục tiêu tăng trưởng 8-10% được xem là thách thức trong năm 2025, nhưng vẫn có khả năng khi năm 2025 được kỳ vọng về tăng trưởng trụ cột đến từ xuất khẩu, FDI, đầu tư công và bất động sản.
Về dài hạn, TTCK luôn biến thiên cùng chiều với tăng trưởng của nền kinh tế cho nên tăng trưởng kinh tế đã bắt đầu có dấu hiệu hồi phục kể từ 2023 và dần bước vào giai đoạn tăng trưởng tăng tốc trong năm 2025 thì chiến lược nắm giữ và đầu tư dài hạn được xem là chiến lược mang lại hiệu quả vượt trội.
Ông Vũ Duy Khánh, Giám đốc Phân tích, CTCK Smart Invest (AAS)
Chúng tôi cho rằng, GDP tăng trưởng trên 8% là con số khó khăn nhưng vẫn có thể đạt được nếu những cải cách thể chế sớm có hiệu lực (Ví dụ quý I/2025 nếu chúng ta sớm hoàn thành tái cấu trúc bộ máy để có thể hoàn thiện tổ chức). Kinh nghiệm năm ngoái tại Argentina cho thấy, khi tinh gọn bộ máy, nửa cuối năm nền kinh tế nước này có thành quả ngay và nhìn những cải cách đã và đang làm của Việt Nam, tôi kỳ vọng chúng ta sẽ có thể thành công.
Tuy nhiên, con số tăng trưởng 2 con số lúc này không khả thi. Tôi kỳ vọng, con số đó chỉ có thể đạt được từ năm 2027 trở đi khi cải cách bắt đầu ngấm mạnh trong cuộc sống, thúc đẩy đầu tư tư nhân quay trở lại và đầu tư công giai đoạn mới bắt đầu bùng nổ về quy mô với các cởi trói về thể chế khi phân cấp, phân quyền và tăng tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm, chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm.
Nhìn một cách biện chứng mối liên hệ giữa tăng trưởng GDP và thị trường chứng khoán là không rõ ràng, bởi đã nhiều lần GDP tăng trưởng thấp nhưng TTCK đi lên mạnh và ngược lại. Một phần nguyên nhân là tăng trưởng GDP Việt Nam tới từ nhập nhập khẩu mà phần lớn là doanh nghiệp FDI hay đầu tư công, trong khi đó nhiều doanh nghiệp niêm yết trên sàn Việt Nam không nằm trong số doanh nghiệp đó, hiểu nôm na là TTCK Việt Nam chưa đủ doanh nghiệp làm đại diện cho hàn thử biểu kinh tế lúc này.
Ông Vũ Duy Khánh
Ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn Đầu tư Maybank Investment Bank
Nếu ứng dụng tốt công nghệ, các doanh nghiệp thích nghi được với thời đại công nghệ cũng như những chính sách thúc đẩy kinh tế phát huy hiệu quả thì mục tiêu này thậm chí cao hơn là khả thi. Khi đó TTCK vốn được xem là phong vũ biểu của nền kinh tế sẽ được hỗ trợ.
Với việc điều chỉnh của thị trường trong giai đoạn vừa qua, nhiều nhóm cổ phiếu đang được chiết khấu khá mạnh. Nếu chọn giải ngân ở thời điểm hiện tại, ông/bà nhìn nhận đâu là những cổ phiếu còn dư địa tăng trưởng?
Ông Lê Đức Khánh, Giám đốc phân tích, CTCK VPS
Nhóm tài chính, nhóm cổ phiếu hưởng lợi từ hoạt động đầu tư công như xây dựng và vật liệu, hóa chất, cảng biển và vận tải biển, công nghệ - viễn thông vẫn sẽ tiếp tục là địa chỉ của dòng tiền.
Ông Dương Hoàng Linh, Trưởng phòng phân tích, CTCK Sacombank (SBS)
Đúng vậy, trong ngắn hạn thì mức độ rủi ro hiện đang rất cao so với hiệu quả lướt sóng. Tuy nhiên với góc nhìn dài hạn, đây lại là cơ hội rất lớn. Tôi đánh giá cao các nhóm: Bất động sản khu công nghiệp, Dịch vụ du lịch, Bảo hiểm và Bán lẻ.
Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Phân tích, CTCK Yuanta Việt Nam
Tôi vẫn kỳ vọng nhóm Ngân hàng, Vận tải, Công nghệ, Sản xuất thực phẩm, Hóa chất có thể được xem là các nhóm tăng trưởng vượt trội và còn dư địa tăng trưởng.
Ông Vũ Duy Khánh, Giám đốc Phân tích, CTCK Smart Invest (AAS)
Tôi cho rằng nhóm cổ phiếu sau có nhiều dư địa tăng trưởng trong thời gian tới như CSM, CTD, VGC, VIB, DPG.
Ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn Đầu tư Maybank Investment Bank
Vẫn là nhóm cổ phiếu công nghệ, sau đó là vận tải (đặc biệt là hàng không), bất động sản, năng lượng xanh và các doanh nghiệp truyền thống ở các ngành có thể thích nghi tốt và ứng dụng hiệu quả công nghệ để tạo đột phá.
Hoàng Anh