Kẻ rục rịch đến, người ngậm ngùi bỏ đi
Những ngày gần đây, Bolt - hãng gọi xe công nghệ lớn đến từ châu Âu, đang khởi động kế hoạch gia nhập thị trường Việt Nam và “gửi chân” đầu tiên tại TP.HCM. Bolt đã khởi chạy hàng loạt quảng cáo tuyển dụng tài xế trên các mạng xã hội với hứa hẹn chính sách thu nhập lên đến 4 triệu đồng/tuần, tức khoảng 16 triệu đồng/tháng. Bolt cung cấp đầy đủ các dịch vụ như gọi xe công nghệ, giao đồ ăn, giao hàng, cho thuê xe…
Nền tảng này hiện phục vụ 150 triệu người tại hơn 600 thành phố ở 50 quốc gia và vùng lãnh thổ. Trong đó, Bolt trở thành đối thủ chính của Uber tại châu Âu và chiếm thị phần chủ đạo tại các nước châu Phi.
Tại khu vực Đông Nam Á, Bolt được hậu thuẫn bởi Daimler và Didi Chuxing của Trung Quốc, đã có mặt tại Thái Lan từ năm 2020. Tháng 8/2024, Bolt cũng tiến vào thị trường Malaysia.
Bolt sẽ là một đối thủ lớn cho các doanh nghiệp đang hoạt động trên thị trường Việt Nam. Start-up này đạt doanh thu 2 tỷ euro (2,11 tỷ USD) vào năm 2024. Doanh nghiệp này được định giá hơn 8 tỷ USD (năm 2022).
Trong năm 2024, thị trường gọi xe công nghệ Việt Nam đã chia tay “ông lớn” Gojek sau 6 năm hoạt động. Trong 2 năm gần nhất, thị phần của Gojek thu hẹp từ 30% xuống còn 7%. Các số liệu cho thấy, Gojek liên tiếp thua lỗ, đến cuối năm 2023 đã lỗ lũy kế gần 5.700 tỷ đồng.
Trước Gojek, vào cuối năm 2023, ứng dụng Baemin cũng buộc phải rời bỏ thị trường Việt Nam sau 4 năm hoạt động. Ông chủ của Baemin Woowa Brothers (Hàn Quốc) đã lỗ sau thuế hơn 4.000 tỷ đồng trong “cuộc chơi” tại Việt Nam.
Google, Temasek và Bain & Company ước tính, tổng giá trị hàng hóa (GMV) nền kinh tế số Việt Nam trong năm 2024 lên đến 36 tỷ USD. Thị trường gọi xe trực tuyến tại Việt Nam đã trở nên cạnh tranh hơn với các hãng xe nội địa và xe điện (EV). GMV của Việt Nam cho hai lĩnh vực vận tải và thực phẩm dự kiến đạt 4 tỷ USD (tăng trưởng 12%) trong năm 2024.
Thị trường gọi xe công nghệ Việt Nam năm 2024 đã chứng kiến cuộc cạnh tranh khốc liệt giữa tân binh “ông hoàng xe điện” Xanh SM với các cựu binh như Grab, Be. Cuộc cạnh tranh đốt tiền về giá đã chuyển hướng sang các loại vũ khí mới như xanh hóa, tốc độ giao hàng, hay các dịch vụ tiện ích.
Cuộc đối đầu mới
Với sự gia nhập của Bolt, thị trường gọi xe công nghệ sẽ thêm đối thủ mạnh, có tiềm lực tài chính, công nghệ. Rất có thể, Bolt sẽ áp dụng chiến lược giá rẻ và mô hình kinh doanh tối ưu tại Việt Nam. Xanh SM, Grab, Be sẽ phải đẩy nhanh tốc độ cạnh tranh, giành khách hàng và thị phần.
Ông Nguyễn Văn Thanh, CEO Xanh SM chia sẻ, có 3 khó khăn mà doanh nghiệp này phải đối mặt.
Thứ nhất là duy trì và nâng cao chất lượng dịch vụ. Đặc biệt là khi quy mô ngày càng lớn, tới hàng trăm ngàn nhân sự (cả ở thị trường nước ngoài) là bài toán rất khó.
Thứ hai là tốc độ. Xanh SM phải giải bài toán khó hơn ở các thị trường quốc tế.
Thứ ba là công nghệ. Xanh SM định vị là công ty công nghệ, với hàm lượng công nghệ và chất xám do người Việt tạo ra ngày càng nhiều lên. Xanh SM cần tạo ra hệ thống công nghệ thông minh hơn, vượt trội hơn để phục vụ tốc độ phát triển nhanh ở trong nước cũng như các thị trường nước ngoài nằm trong kế hoạch mở rộng của công ty.
Một cựu binh dày dạn kinh nghiệm với 10 năm tham gia thị trường là Grab cũng đang có sự thay đổi lớn. Grab không ngừng cải tiến công nghệ dựa trên dữ liệu thực tế và sự thấu hiểu địa phương để mang đến trải nghiệm tốt nhất, trong thời gian ngắn nhất cho cả người dùng và đối tác.
Ông Alejandro Osorio, CEO Grab Việt Nam nhận định, thị trường còn nhiều tiềm năng tăng trưởng khi mức độ thâm nhập của các dịch vụ số còn thấp, kể cả tại các thành phố lớn. Tầm nhìn của doanh nghiệp này là hướng đến tương lai mọi người dân Việt Nam đều có thể hưởng lợi từ nền kinh tế số, không một ai bị bỏ lại phía sau.
Trong thời gian tới, Grab tiếp tục đẩy nhanh sứ mệnh “giúp mọi người dân Việt Nam hưởng lợi từ nền kinh tế số” thông qua việc tập trung vào 3 trụ cột: người dân, thành thị và đổi mới sáng tạo.
“Tôi cho rằng, không khó để gia nhập thị trường hay ‘đốt tiền’ giành thị phần, nhưng điểm mấu chốt là làm thế nào để xây dựng được một nền tảng vận hành hiệu quả, một hệ sinh thái đa dạng và ứng dụng phải có năng lực tăng trưởng bền vững trong dài hạn”, CEO Grab cho hay.
Nếu Grab thu hút tệp khách trẻ bằng phân khúc giá rẻ, thì chiến lược của Be tập trung vào trải nghiệm với dịch vụ VIP, bao gồm beCar Plus, beBike Plus, với tiêu chí tuyển chọn tài xế và xe đẳng cấp hơn, nhằm phục vụ tệp khách hàng đông đảo hơn và ngày càng hiểu biết về công nghệ. Bên cạnh lĩnh vực cốt lõi là vận tải, Be đang mở thêm nhiều dịch vụ mới, trải nghiệm mới cho khách hàng.
Ông Hoàng Công Huấn, Giám đốc phát triển kinh doanh của Be Group chia sẻ, Be xác định vận tải là lĩnh vực cốt lõi của mình và không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ để đáp ứng nhu cầu ngày càng đa dạng của khách hàng. Hiện tại, Be cung cấp đầy đủ các dịch vụ vận tải, từ xe máy, ô tô, đến đặt vé tàu hỏa và máy bay. Trong tương lai, Be sẽ mở rộng sang cả vận tải đường thủy, hướng đến một hệ thống vận tải liên tuyến liền mạch. Khách hàng có thể đi từ nhà đến ga tàu bằng xe máy, từ ga tàu đến nơi làm việc bằng tàu điện ngầm và về nhà bằng ô tô, tất cả thông qua một siêu ứng dụng duy nhất.
Có thể thấy, thị trường gọi xe công nghệ như thanh gươm đã rút ra khỏi vỏ. Bolt có vũ khí về giá; Xanh SM sở hữu đội ngũ xe điện khổng lồ, thân thiện với môi trường; Grab mạnh cả về tiềm lực kinh tế, nền tảng công nghệ và kinh nghiệm. Mỗi doanh nghiệp đều có thế mạnh riêng, nhưng muốn vươn lên, giành vị thế dẫn dắt, thì phải nỗ lực cải tiến dịch vụ, đi theo xu hướng mới, thân thiện môi trường, liên kết với các đối tác để cùng phát triển và đặc biệt là được sự ủng hộ của người tiêu dùng.
Tú Ân