Hé lộ các tuyến cao tốc VEC “lên đời” nếu được tăng vốn thêm 38.251 tỷ đồng
Theo kế hoạch, chiều 17/2, các đại biểu Quốc hội sẽ nghe Bộ trưởng Bộ tài chính Nguyễn Văn Thắng thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày tờ trình về phương án đầu tư bổ sung vốn điều lệ giai đoạn 2024 - 2026 của Công ty mẹ - VEC; Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội trình bày Báo cáo thẩm tra về phương án đầu tư bổ sung vốn điều lệ giai đoạn 2024 - 2026 của Công ty mẹ - VEC và thảo luận ở hội trường đối với nội dung quan trọng này.
Một đoạn cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình do VEC đầu tư.
Trong ngày 15/2, Chính phủ đã có Tờ trình số 103/TTr - CP gửi Quốc hội về về phương án đầu tư bổ sung vốn điều lệ giai đoạn 2024 - 2026 của Công ty mẹ - VEC sau khi tiếp thu, bổ sung hoàn thiện ý kiến của cấp có thẩm quyền, Ủy ban Thường vụ Quốc hội; ý kiến thẩm tra của Ủy ban Tài chính - Ngân sách.
Theo đó, tại Tờ trình số 103, Chính phủ kiến nghị Quốc hội cho phép sử dụng số vốn đầu tư công đã giao kế hoạch cho Bộ GTVT để đầu tư Dự án số tiền 36.689 tỷ đồng, trong đó 10.062 tỷ đồng vốn đối ứng từ ngân sách nhà nước, 24.127 tỷ đồng vốn ODA tại các dự án thực hiện theo hình thức chuyển vốn vay về cho vay lại thành cấp phát ngân sách nhà nước, 2.500 tỷ đồng vốn cấp phát ngân sách nhà nước cho dự án Nội Bài - Lào Cai và Cầu Giẽ - Ninh Bình, để chuyển thành nguồn vốn ngân sách nhà nước cấp bổ sung vốn điều lệ cho Công ty mẹ - VEC.
Chính phủ cũng đề nghị Quốc hội chấp thuận chủ trương đầu tư bổ sung vốn điều lệ cho Công ty mẹ - VEC giai đoạn 2024-2026 là 38.251 tỷ đồng, bao gồm: 1.562 tỷ đồng từ Quỹ Đầu tư phát triển tại doanh nghiệp, 36.689 tỷ đồng từ nguồn ngân sách nhà nước (vốn đầu tư công đã giao kế hoạch cho Bộ GTVT để đầu tư 5 dự án đường bộ cao tốc do VEC làm chủ đầu tư và đã được giải ngân gồm: Cầu Giẽ - Ninh Bình, Nội Bài - Lào Cai, Đà Nẵng - Quảng Ngãi, TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây và Bến Lức - Long Thành).
Theo đánh giá của Chính phủ, việc tăng vốn điều lệ cho VEC sẽ nâng cao hiệu quả hoạt động và năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, phát triển VEC trở thành doanh nghiệp vững mạnh, phát huy vai trò nòng cốt, dẫn dắt trong đầu tư phát triển mạng lưới đường cao tốc quốc gia trong kỷ nguyên mới.
Ngoài việc khẳng định địa vị pháp lý của VEC là công ty TNHH một thành viên do nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, tạo điều kiện cho VEC góp phần vào việc xây dựng hạ tầng giao thông đường bộ quốc gia nói riêng, phát triển kinh tế xã hội nói chung... đây còn là điều kiện thuận lợi để VEC hợp tác với các tổ chức, doanh nghiệp khác có quy mô lớn do một doanh nghiệp có vốn điều lệ lớn sẽ dễ dàng tạo độ tin cậy từ phía các đối tác của doanh nghiệp.
“Thông thường, mức tăng vốn điều lệ sẽ đại diện cho mức tăng nghĩa vụ tài chính cần thực hiện cũng như khả năng chịu trách nhiệm đối với tài sản. Từ đó, tạo được niềm tin về nghĩa vụ của doanh nghiệp đó đối với đối tác trong hoạt động giao dịch”, Tờ trình số 103 nêu rõ.
Bên cạnh đó, nếu được bổ sung thêm là 38.251 tỷ đồng vốn điều lệ sẽ giúp VEC huy động vốn từ các tổ chức tài chính, các tổ chức tín dụng để triển khai các dự án và tự chủ hơn trong hoạt động sản xuất kinh doanh; có cơ sở để thực hiện công tác hạch toán kế toán, công tác quản lý tài sản theo quy định của pháp luật.
Theo đánh giá của Chính phủ, sau khi được đầu tư bổ sung vốn điều lệ, VEC đủ năng lực tài chính để triển khai kế hoạch sản xuất kinh doanh đã được Ủy ban quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp phê duyệt.
Trong đó có việc đẩy mạnh thực hiện Dự án cao tốc Bến Lức - Long Thành để hoàn thành đưa vào sử dụng đảm bảo chất lượng trong năm 2025; hoàn thành các thủ tục điều chỉnh dự án để triển khai thực hiện hoàn thành các hạng mục còn lại của tuyến Đà Nẵng - Quảng Ngãi trong năm 2025; thực hiện đầu tư mở rộng tuyến cao tốc TP.HCM - Long Thành (VEC thu xếp và huy động vốn đầu tư); triển khai thực hiện đầu tư mở rộng tuyến Nội Bài - Lào Cai và Cầu Giẽ -Ninh Bình (VEC thu xếp và huy động vốn đầu tư công trình).
Các dự án đường cao tốc được VEC dự kiến triển khai giai đoạn 2026 - 2030 và sau năm 2030: đầu tư mở rộng một số dự án thuộc cao tốc Bắc Nam từ 2 làn xe lên 4 làn xe; đầu tư mới một số tuyến cao tốc còn lại chưa thực hiện trong quy hoạch quốc gia và sẵn sàng tham gia các tuyến cao tốc mang tính phục vụ mục tiêu an ninh quốc phòng, phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo, khó thu hút được các thành phần kinh tế khác tham gia.
Dự kiến nguồn vốn VEC cần huy động để thực hiện đầu tư các dự án nói trên khoảng 136.200 tỷ đồng.
“Theo Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào tháng 9/2021, định hướng đến năm 2050, mạng lưới đường bộ cao tốc được quy hoạch 41 tuyến, tổng chiều dài khoảng 9.014 km; mục tiêu đến năm 2030 phấn đấu xây dựng hoàn thành khoảng 5.000 km đường bộ cao tốc. Điều đó cho thấy tiềm năng và nhu cầu đầu tư của VEC còn rất lớn”, Tờ trình số 104 cho biết.
Đề xuất làm metro dọc tuyến đường kết nối Sân bay Gia Bình - Hà Nội
Ngày 17/2, Văn phòng UBND TP. Hà Nội ban hành Thông báo số 57/TB-VP về Kết luận của Phó chủ tịch UBND Thành phố Dương Đức Tuấn về phương án xây dựng tuyến đường nối Sân bay Gia Bình (tỉnh Bắc Ninh) với Thủ đô Hà Nội trên địa bàn TP. Hà Nội.
Minh họa phối cảnh Sân bay Gia Bình.
Thực hiện chỉ đạo của Trung ương về chủ trương đầu tư xây dựng tuyến đường kết nối sân bay Gia Bình (tỉnh Bắc Ninh) với Thủ đô Hà Nội, UBND TP. Hà Nội đã giao Sở Quy hoạch – Kiến trúc chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, đơn vị, phối hợp với tỉnh Bắc Ninh và Tổng Công ty Tư vấn thiết kế GTVT-TEDI (đơn vị được Bộ Giao thông vận tải giao nghiên cứu phương án) nghiên cứu các phương án xây dựng tuyến đường.
UBND TP. Hà Nội cơ bản thống về phương án tuyến kết nối từ Sân bay Gia Bình (tỉnh Bắc Ninh) về trung tâm TP. Hà Nội (đoạn tuyến trên địa phận TP. Hà Nội) - phương án 1 theo đề xuất của Sở Quy hoạch - Kiến trúc.
Tổng chiều dài toàn tuyến Bắc Ninh – Hà Nội 49,52 km, trong đó chiều dài đoạn tuyến qua địa phận Hà Nội 28,58 km (gồm 8,06 km đoạn tuyến làm mới; đoạn đi trùng cao tốc Hà Nội – Thái Nguyên/vành đai 3, đường cầu Tứ Liên khoảng 20,54 km).
Dự án đồng bộ với định hướng trong Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065 đã được phê duyệt, đảm bảo kết nối với mạng lưới các tuyền đường giao thông đã được xác định trong các đồ án quy hoạch được duyệt như Vành đai 3, Quốc lộ 5, đường nối cầu Giang Biên - Vĩnh Tuy - Vành đai 2, đường Hà Huy Tập...
UBND TP. Hà Nội và UBND tỉnh Bắc Ninh thống nhất toàn tuyến từ Sân bay Gia Bình về trung tâm TP. Hà Nội có quy mô mặt cắt tuyến 100 m - 120 m (lựa chọn 120 m để phù hợp với quy mô tỉnh Bắc Ninh dự kiến điều chỉnh 142 m về 120 m) và mở rộng nghiên cứu không gian phát triển đô thị dọc hai bên đường từ 300 m – 400 m;
Đồng thời, thống nhất đề xuất nghiên cứu tuyến đường sắt đô thị dọc tuyến đường kết nối từ Sân bay Gia Bình về trung tâm TP. Hà Nội (đoạn trên địa bàn Hà Nội).
Đề xuất hơn 300 tỷ đầu tư khu dân cư, tái định cư phục vụ 2 cao tốc
Ngày 21/2, ông Trần Hồng Thái, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng giao Sở tài chính chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan xem xét đề xuất chủ trương đầu tư Dự án đầu tư cơ sở hạ tầng khu dân cư, tái định cư phục vụ Dự án đường bộ cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc và Bảo Lộc - Liên Khương của UBND thành phố Bảo Lộc. Các cơ quan kể trên kiểm tra, rà soát cụ thể và tham mưu đề xuất UBND tỉnh trước ngày 15/3/2025.
Trước đó, ngày 18/2/2025, UBND thành phố Bảo Lộc có Tờ trình số 36/TTr-UBND về Quyết định chủ trương đầu tư Dự án đầu tư cơ sở hạ tầng khu dân cư, tái định cư phục vụ dự án đường bộ cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc và Bảo Lộc - Liên Khương đoạn qua địa bàn thành phố Bảo Lộc. Theo đó, UBND thành phố Bảo Lộc đề xuất Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng thành phố Bảo Lộc làm chủ đầu tư.
Khu đất thực hiện dự án gồm khu đất thu hồi của Công ty cổ phần Hóa chất cơ bản Miền Nam thuê theo Quyết định số 1441/QĐ-UBND ngày 30/6/2017 và số 2503/QĐ-UBND ngày 3/11/2020 của UBND tỉnh Lâm Đồng thuộc phường Lộc Phát, thành phố Bảo Lộc (phía Bắc, Nam và Đông giáp đất dân sinh; phía Tây giáp đường Lý Thường Kiệt), với diện tích 236.257m2. Dự kiến tổng mức đầu tư dự án này, theo đề xuất của UBND thành phố Bảo Lộc là 309 tỷ đồng. Nguồn vốn thực hiện từ ngân sách tỉnh (100%).
Theo UBND thành phố Bảo Lộc, việc đầu tư cơ sở hạ tầng khu dân cư, tái định cư phục vụ Dự án đường bộ cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc và Bảo Lộc - Liên Khương thời điểm hiện tại là cấp thiết nhằm đảm bảo đời sống, sinh kế ổn định của những hộ dân bị ảnh hưởng, đảm bảo tiến độ triển khai thực hiện của các dự án cao tốc qua địa bàn, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội chung của thành phố nói riêng và toàn tỉnh nói chung. Do vậy, UBND thành phố Bảo Lộc trình UBND tỉnh Lâm Đồng xem xét bố trí kế hoạch thực hiện dự án trong giai đoạn 2025 - 2026.
Ninh Bình khởi công Cụm công nghiệp Khánh Lợi
Ngày 18/2, UBND tỉnh Ninh Bình tổ chức Lễ khởi công Dự án hạ tầng Cụm công nghiệp Khánh Lợi, công trình đầu tiên trong 21 dự án tiêu biểu chào mừng Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XXIII (2025-2030).
“Hoàn thiện hạ tầng, tối ưu hiệu quả khu công nghiệp, cụm công nghiệp” - đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm được Đại hội Đảng bộ tỉnh Ninh Bình lần thứ XXII (nhiệm kỳ 2020-2025) xác định. Để hiện thực hóa mục tiêu này, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết số 06 (ngày 11/10/2021) tạo nền tảng vững chắc cho giai đoạn phát triển 2021-2025, tầm nhìn đến 2030.
Phối cảnh không gian Cụm công nghiệp Khánh Lợi.
UBND tỉnh Ninh Bình đã quyết liệt thu hút các nhà đầu tư có năng lực nhằm phát triển hạ tầng công nghiệp đồng bộ, hiện đại, tạo quỹ đất sạch để mời gọi Dự án thứ cấp. Việc mở rộng các cụm công nghiệp không chỉ thúc đẩy sản xuất, gia tăng giá trị công nghiệp mà còn đóng góp đáng kể vào ngân sách địa phương, tạo đà tăng trưởng kinh tế bền vững.
Trong chiến lược này, Dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng Cụm công nghiệp Khánh Lợi đã được xúc tiến nhanh chóng. Với sự nhất trí của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã phê duyệt chủ trương đầu tư, giao cho Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển hạ tầng Bảo Minh - Khánh Hồng triển khai thực hiện. Đây là đơn vị giàu kinh nghiệm trong lĩnh vực phát triển bất động sản, công nghiệp và đô thị kiểu mới.
Dự án có quy mô 63 ha, tọa lạc tại các xã Khánh Lợi, Khánh Thiện (huyện Yên Khánh) với tổng vốn đầu tư gần 700 tỷ đồng. Sở hữu vị trí đắc địa khi giáp sông Đáy, kết nối trục đường Bái Đính - Kim Sơn, gần Quốc lộ 10 và cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng, dự án hứa hẹn trở thành tâm điểm thu hút đầu tư thứ cấp, đồng thời tạo sự liên kết sản xuất chặt chẽ với các khu công nghiệp lân cận như Khánh Phú, Khánh Cư.
Sau khi hoàn tất các thủ tục pháp lý, dự án đã sẵn sàng khởi công. UBND tỉnh đã chỉ đạo sát sao, phối hợp chặt chẽ với các sở, ban, ngành để tháo gỡ vướng mắc, thúc đẩy tiến độ triển khai. Chính quyền huyện Yên Khánh cũng tích cực hỗ trợ công tác giải phóng mặt bằng, đảm bảo sự đồng thuận cao từ nhân dân địa phương.
Phát biểu tại lễ khởi công, Phó chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình Nguyễn Cao Sơn đánh giá cao nỗ lực của chủ đầu tư và các bên liên quan, đồng thời nhấn mạnh vai trò quan trọng của dự án trong việc nâng tầm công nghiệp địa phương. Phó chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình đề nghị Công ty Bảo Minh - Khánh Hồng huy động tối đa nhân lực, vật lực để đảm bảo tiến độ xây dựng, đồng bộ hạ tầng theo đúng quy hoạch, thu hút các dự án sử dụng công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường, góp phần nâng cao giá trị sản xuất và gia tăng nguồn thu ngân sách.
UBND tỉnh cam kết thực hiện phương châm "Chính quyền đồng hành, gắn bó, chia sẻ," tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh, từ đó thúc đẩy kinh tế - xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân.
Tại buổi lễ, lãnh đạo tỉnh Ninh Bình gồm Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Đoàn Minh Huấn, Phó bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Mai Văn Tuất, Phó bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Quang Ngọc cùng đại diện chủ đầu tư và các đại biểu đã thực hiện nghi thức khởi công dự án. Đây không chỉ là một bước tiến trong chiến lược phát triển công nghiệp của Ninh Bình mà còn là công trình tiêu biểu chào mừng Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XXIII, khẳng định sự chuyển mình mạnh mẽ của địa phương trong thu hút đầu tư và phát triển bền vững.
TP.HCM đề xuất di dời gần 40.000 căn nhà ven kênh rạch để khai thác quỹ đất
Sở Xây dựng vừa trình UBND TP.HCM đề án di dời toàn bộ nhà trên và ven sông kênh rạch trên địa bàn để thực hiện chỉnh trang đô thị.
Theo phương án, hiện Thành phố còn 398 Dự án, tuyến sông, kênh, rạch thuộc 16 quận, huyện và TP.Thủ Đức chưa được triển khai với quy mô di dời gần 40.000 căn nhà.
TP.HCM muốn di dời gần 40.000 căn nhà ven kênh rạch sông để khai thác quỹ đất, phát triển kinh tế, chỉnh trang đô thị
Để đạt mục tiêu đến năm 2030 cơ bản di dời, bố trí tái định cư cho toàn bộ người dân sống trên và ven kênh rạch, khai thông dòng chảy, cải thiện vệ sinh môi trường, chỉnh trang đô thị, khai thác quỹ đất 2 bên để phát triển kinh tế, Sở này cho rằng, Thành phố cần phải chi ra khoảng hơn 221.000 tỷ đồng bồi thường di dời gần 40.000 căn nhà, xây dựng nhà ở xã hội cho người không đủ điều kiện và xây dựng hạ tầng, nạo vét, cải tạo kênh rạch.
Sau khi hoàn tất sẽ khai thác quỹ đất 2 bên kênh rạch, dự kiến ngân sách thu lại hơn 164.100 tỷ đồng.
Về nguyên tắc tài chính, để triển khai thực hiện, đối với công tác bồi thường, di dời, giải phóng mặt bằng tất cả các tuyến sông, kênh, rạch và công tác nạo vét, cải tạo, xây dựng hạ tầng được thực hiện bằng nguồn vốn ngân sách.
Đối với quỹ đất lớn sau khi di dời giải phóng mặt bằng, việc khai thác được thực hiện theo hình thức đấu thầu hoặc đấu giá để nhà đầu tư thực hiện theo quy hoạch.
Đối với các dự án xây dựng các khu tái định cư, cần nghiên cứu phương án do Nhà nước thực hiện đầu tư hoặc kêu gọi các nhà đầu tư tham gia thực hiện.
Đối với dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội thì dùng nguồn vốn ngân sách nhà nước, sau đó khai thác chủ yếu cho thuê và xem xét giao cơ quan, đơn vị sự nghịep tại địa phương thực hiện nếu đáp ứng đủ điều kiện theo quy định pháp luật.
Được biết, kế hoạch di dời nhà trên và ven kênh rạch được TP.HCM khởi động từ năm 1993 trên kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè. Tính đến nay có 44.338 căn nhà được giải tỏa.
Đà Nẵng đề nghị rà soát vướng mắc, sớm đưa Công viên phần mềm số 2 vào khai thác
Ban kinh tế - Ngân sách HĐND thành phố Đà Nẵng vừa đề nghị HĐND thành phố thống nhất chủ trương đưa vào khai thác sớm hạ tầng thông tin Khu công nghệ thông tin tập trung Công viên phần mềm Đà Nẵng - Công viên phần mềm số 2 (giai đoạn 1) đối với các hạng mục đã hoàn thiện.
Dù đã tổ chức khai trương nhưng Khu công viên phần mềm số 2 (giai đoạn 1) vẫn đang trong quá trình hoàn thiện, chưa nghiệm thu, bàn giao. Ảnh: Linh Đan
Tại Tờ trình số 37/TTr-UBND ngày 11/2/2025, UBND thành phố Đà Nẵng cho biết, Sở Xây dựng thành phố Đà Nẵng mới đây đã chấp thuận kết quả nghiệm thu hoàn thành công trình Khu Công viên phần mềm số 2 (giai đoạn 1), Khu công nghệ thông tin tập trung Đà Nẵng.
Còn Ban quản lý Dự án xây dựng các công trình dân dụng, công nghiệp và hạ tầng kỹ thuật Đà Nẵng đang hoàn thiện công trình để nghiệm thu hoàn thành, bàn giao đưa vào sử dụng.
Đồng thời, ngày 16/1/2025, UBND thành phố đã tổ chức Lễ khai trương Khu công viên phần mềm số 2 (giai đoạn 1). Đây là sự kiện dấu mốc quan trọng trong hành trình xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng và kinh tế số, công nghiệp công nghệ số.
Sở Thông tin và Truyền thông đã ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác với 3 đối tác chiến lược lĩnh vực vi mạch bán dẫn và trí tuệ nhân tạo (gồm Công ty TNHH Công nghệ Marvell, Công ty cổ phần Tập đoàn FPT, Công ty cổ phần Tập đoàn Sovico).
Hiện nay, Sở Thông tin và Truyền thông đang tiếp tục tham mưu UBND thành phố trình HĐND thành phố công nhận đối tác chiến lược. Đến nay, cơ quan này đã tiếp nhận, tổng hợp khoảng 30 doanh nghiệp có nhu cầu đăng ký thuê mặt bằng, văn phòng tại Tòa nhà ICT1 Khu công viên phần mềm số 2 với tổng diện tích đăng ký gần 25.000 m2 (vượt quá diện tích khai thác cho thuê của Tòa nhà ICT1).
Tuy nhiên, theo UBND thành phố Đà Nẵng, do Dự án Khu công viên phần mềm số 2 (giai đoạn 1) đang trong quá trình hoàn thiện, chưa nghiệm thu, bàn giao, đưa vào sử dụng; tài sản kết cấu hạ tầng thông tin chưa được bàn giao nên chưa đủ cơ sở pháp lý để UBND thành phố ban hành Quyết định giao Khu công nghệ thông tin tập trung - Công viên phần mềm số 2 cho đơn vị quản lý khai thác, vận hành.
Mặt khác, Dự án Khu công viên phần mềm số 2 (giai đoạn 1) chưa đủ cơ sở pháp lý để lập, phê duyệt Đề án khai thác tài sản kết cấu hạ tầng Khu công nghệ thông tin tập trung; chưa phê duyệt giá khởi điểm và chưa đảm bảo cơ sở pháp lý để tổ chức đấu giá cho thuê mặt bằng.
Nhằm tránh lãng phí sử dụng tài sản công và tạo không gian phát triển, đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp công nghệ thông tin, công nghệ số; tạo nền tảng thúc đẩy phát triển công nghiệp công nghệ số, kinh tế số, hoàn thành các mục tiêu theo chủ trương Nghị quyết số 57-NQ-TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, UBND thành phố đề xuất HĐND thành phố thống nhất chủ trương đưa vào khai thác sớm đối với các hạng mục công trình đã hoàn thiện tài sản kết cấu hạ tầng thông tin Khu công nghệ thông tin tập trung Công viên phần mềm Đà Nẵng - Công viên phần mềm số 2 (giai đoạn 1) và tổ chức đấu giá tài sản trong thời gian chờ công trình thi công hoàn thành, nghiệm thu bàn giao đưa vào sử dụng.
Qua báo cáo của UBND thành phố về những khó khăn, vướng mắc và kiến nghị, đề xuất tại Tờ trình số 37/TTr-UBND ngày 11/2/2025, Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND thành phố nhận thấy, việc đưa vào khai thác, vận hành tài sản kết cấu hạ tầng thông tin Khu công nghệ thông tin tập trung Công viên phần mềm Đà Nẵng - Công viên phần mềm số 2 là cần thiết, nhằm khai thác hiệu quả, kịp thời, tránh lãng phí sử dụng tài sản công.
Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND Thành phố cũng đề nghị UBND Thành phố chủ động rà soát, nghiên cứu, xây dựng, quyết định phương án khai thác, triển khai thực hiện theo thẩm quyền, đảm bảo hiệu quả, kịp thời và phù hợp quy định, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển ngành kinh tế mũi nhọn của Thành phố theo Nghị quyết số 136/2024/QH15 ngày 26/6/2024 của Quốc hội.
Gần 132 tỷ đồng quản lý, vận hành Trạm xử lý nước thải Sơn Trà giai đoạn 2
Ban kinh tế - Ngân sách HĐND thành phố Đà Nẵng vừa thống nhất trình HĐND thành phố thông qua dự toán kinh phí 2025 và dự kiến kinh phí giai đoạn 2026 - 2029 để thực hiện công tác quản lý, vận hành Trạm xử lý nước thải Sơn Trà - giai đoạn 2 theo đề nghị của UBND thành phố.
Tại Tờ trình số 35/TTr-UBND ngày 11/2/2025, UBND thành phố trình HĐND thành phố xem xét, thống nhất kinh phí thực hiện công tác quản lý, vận hành trong thời gian 5 năm từ năm 2025 đến năm 2029 đối với Trạm xử lý nước thải Sơn Trà - giai đoạn 2 với số tiền 131.920.585.000 đồng.
Ba Kinh tế - Ngân sách HĐND thành phố đề nghị UBND thành phố tổ chức triển khai các bước tiếp theo theo đúng quy định; chịu trách nhiệm, chỉ đạo tổ chức thực hiện công tác đấu thầu đảm bảo công khai minh bạch, cạnh tranh; trình HĐND thành phố về dự toán ngân sách hàng năm phù hợp với tình hình thực tiễn; lưu ý chủ động xử lý các vấn đề liên quan trong trường hợp hụt thu ngân sách khi ký kết hợp đồng thực hiện.
Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND thành phố cũng đề nghị UBND thành phố quyết định giao dự toán, quản lý, nghiệm thu khối lượng, thanh quyết toán nguồn kinh phí đảm bảo đúng quy định; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát quá trình tổ chức triển khai thực hiện.
Phê duyệt Quy hoạch Cảng hàng không quốc tế Vinh đón được siêu tàu bay Boeing 787
Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) vừa ký quyết định phê duyệt Quy hoạch Cảng hàng không quốc tế Vinh - Nghệ An thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Theo đó, trong thời kỳ 2021-2030, Cảng hàng không quốc tế Vinh có cấp sân bay 4E (theo mã tiêu chuẩn của Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế - ICAO); công suất khoảng 8 triệu hành khách/năm và 25.000 tấn hàng hóa/năm; loại tàu bay khai thác là tàu bay code C như : A320/A321 và tương đương, tàu bay code E như: B747/B777/B787/A350 và tương đương; phương thức tiếp cận hạ cánh theo tiêu chuẩn CAT II tại đầu 17 của đường cất hạ cánh số 1.
Cảng hàng không quốc tế Vinh.
Tầm nhìn đến năm 2050, Cảng hàng không quốc tế Vinh có cấp sân bay 4E, công suất khoảng 14 triệu hành khách/năm và 35.000 tấn hàng hóa/năm; loại tàu bay khai thác là tàu bay code C như: A320/A321 và tương đương, tàu bay code E như :B747/B777/B787/A350 và tương đương; phương thức tiếp cận hạ cánh theo tiêu chuẩn CAT II tại đầu 17 của đường cất hạ cánh số 1, đầu 2 và đầu 20 của đường cất hạ cánh số 2.
Đối với hệ thống đường cất hạ cánh, trong thời kỳ 2021-2030, quy hoạch kéo dài đường cất hạ cánh hiện hữu về phía đầu 17 đạt kích thước 3.000 m x 45 m; kích thước lề vật liệu theo quy định.
Tầm nhìn đến năm 2050, Cảng hàng không quốc tế Vinh quy hoạch đường cất hạ cánh số 2 với kích thước 3.000 m x 45 m, hướng 02-20 về phía Đông đường cất hạ cánh hiện hữu, kích thước lề vật liệu theo quy định.
Đối với sân đỗ máy bay, trong thời kỳ 2021-2030, thực hiện mở rộng sân đỗ máy bay hiện hữu đáp ứng khoảng 15 vị trí đỗ tàu bay code C; quy hoạch sân đỗ máy bay khu vực nhà ga hành khách T2 đáp ứng khoảng 10 vị trí đỗ tàu bay.
Tầm nhìn đến năm 2050, Cảng hàng không quốc tế Vinh được quy hoạch mở rộng sân đỗ tàu bay khu vực nhà ga hành khách T2 đáp ứng khoảng 29 vị trí đỗ tàu bay; dự trữ để mở rộng khi có nhu cầu.
Đối với nhà ga hành khách, trong thời kỳ 2021-2030 sẽ mở rộng nhà ga hành khách T1 hiện hữu đạt công suất khoảng 5 triệu hành khách/năm; quy hoạch nhà ga hành khách T2 mới tại khu vực giữa 2 đường cất hạ cánh với công suất khoảng 3 triệu hành khách/năm.
Tầm nhìn đến năm 2050, Cảng hàng không quốc tế Vinh được quy hoạch mở rộng nhà ga hành khách T2 đạt công suất khoảng 9 triệu hành khách/năm, nâng tổng công suất toàn Cảng đạt khoảng 14 triệu hành khách/năm; dự trữ đất phát triển khi có nhu cầu.
Đối với nhà ga hàng hóa, trong thời kỳ 2021-2030, Cảng hàng không quốc tế Vinh tiếp tục duy trì nhà ga hàng hóa hiện hữu; quy hoạch nhà ga hàng hóa và sân đỗ tại khu vực phía Bắc nhà ga hành khách T1, công suất khoảng 25.000 tấn/năm.
Tầm nhìn đến năm 2050, Cảng hàng không quốc tế Vinh được quy hoạch mở rộng nhà ga hàng hóa và sân đỗ đáp ứng công suất khoảng 35.000 tấn/năm; dự trữ đất phát triển khi có nhu cầu.
Nhu cầu sử dụng đất cho thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 của Cảng hàng không quốc tế Vinh khoảng 543,53 ha, trong đó bao gồm diện tích đất do hàng không dân dụng quản lý 262,708 ha; diện tích đất do quân sự quản lý 238,838 ha; diện tích đất dùng chung 41,988 ha. Diện tích đất đề nghị bổ sung so với quy hoạch trước đó là khoảng 96,5 ha.
Bộ GTVT giao Cục Hàng không Việt Nam chủ trì, phối hợp với UBND tỉnh Nghệ An và các cơ quan liên quan tổ chức công bố, quản lý và thực hiện quy hoạch theo quy định.
UBND tỉnh Nghệ An có trách nhiệm rà soát, cập nhật các nội dung quy hoạch nêu trên vào quy hoạch của địa phương và các quy hoạch có liên quan; bố trí và bảo vệ quỹ đất phù hợp theo Quy hoạch được duyệt, có phương án về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất để đảm bảo quỹ đất sẵn sàng đáp ứng khi có nhu cầu phát triển mở rộng theo quy hoạch.
Theo Quy hoạch điều chỉnh Cảng hàng không quốc tế (Cảng hàng không quốc tế) Vinh thời kỳ 2021 - 2030 và định hướng sau năm 2030 tại Quyết định số 347/QĐ-BGTVT ngày 29/1/2015, trong thời kỳ 2021 – 2030, Cảng hàng không quốc tế Vinh là Cảng hàng không cấp 4E, sân bay quân sự cấp I; lượng hành khách tiếp nhận 7 triệu hành khách/năm, sản lượng vận chuyển hàng hóa 22.000 tấn hàng hóa/năm; giai đoạn định hướng sau năm 2030 đạt sản lượng hành khách tiếp nhận đạt công suất 10 triệu hàng khách/năm, sản lượng hàng hóa 62.000 tấn hàng hóa/năm.
Theo hồ sơ quy hoạch phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 648/QĐ-TTg ngày 7/6/2023, Cảng hàng không quốc tế Vinh được xác định mở rộng để đạt công suất 8 triệu hành khách/năm trong thời kỳ 2021 - 2030; tầm nhìn đến năm 2050 tiếp tục mở rộng để đạt 14 triệu hành khách/năm.
Trong thời gian qua, Cảng hàng không quốc tế Vinh đã có sự tăng trưởng rất nhanh, nhiều hạng mục công trình chính bị quá tải, lượng khai thác thực tế đã vượt xa so với dự báo trước đây; cũng như không còn phù hợp với Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
“Chính vì vậy, việc điều chỉnh Quy hoạch Cảng hàng không quốc tế Vinh là việc làm rất cần thiết và cần phải được nghiên cứu ngay từ bây giờ, nhằm phù hợp với Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng và tăng trưởng của ngành hàng không”, lãnh đạo Cục Hàng không Việt Nam cho biết.
Quảng Nam có hơn 140 dự án chậm tiến độ, chủ yếu là dự án ngoài ngân sách
UBND tỉnh Quảng Nam vừa báo cáo Ban thường vụ Đảng ủy UBND tỉnh về các công trình, dự án chậm tiến độ, kém hiệu quả, lãng phí. Theo đó, tính đến hiện tại, Quảng Nam có 59 dự án đang ở trạng thái không sử dụng, sử dụng chưa hiệu quả hoặc không hiệu quả. Danh mục này bao gồm các trụ sở, điểm trường thuộc tài sản công không sử dụng, sử dụng chưa hiệu quả hoặc không hiệu quả. UBND tỉnh đề nghị Ban Thường vụ Đảng ủy UBND tỉnh lãnh đạo Đảng ủy Sở tài chính hướng dẫn các cơ quan, đơn vị, địa phương liên quan xử lý theo thẩm quyền hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công và pháp luật khác có liên quan.
Tỉnh Quảng Nam có 88 Dự án đầu tư xây dựng nhà ở, khu dân cư, khu đô thị ngoài khu kinh tế, khu công nghiệp chậm tiến độ trên 24 tháng so với tiến độ trong văn bản chấp thuận chủ trương đầu tư ban đầu. Trong ảnh là các khu đô thị chậm triển khai tại thị xã Điện Bàn. Ảnh: Linh Đan
Đồng thời, tỉnh này có 55 dự án đang ở trạng thái chậm tiến độ. Đối với nhóm dự án này, UBND tỉnh đề nghị Ban Thường vụ Đảng ủy UBND tỉnh giao Đảng ủy các chủ đầu tư, Ban Thường vụ các Huyện ủy, Thị ủy, Thành ủy lãnh đạo thực hiện rà soát mục tiêu đầu tư, hiệu quả đầu tư các hạng mục đã đầu tư, xác định điểm dừng kỹ thuật, xin chủ trương kết thúc dự án, thực hiện quyết toán dự án hoàn thành đúng thời gian quy định; trường hợp chưa phát huy được hiệu quả đầu tư dự án, thực hiện rà soát các hạng mục cấp thiết, gia hạn thời gian thực hiện dự án và bổ sung kế hoạch vốn để tiếp tục đầu tư các hạng mục còn lại.
Đối với 12 dự án đang ở trạng thái dừng thực hiện, UBND tỉnh đề nghị Ban Thường vụ Đảng ủy UBND tỉnh giao Đảng ủy các chủ đầu tư, Ban Thường vụ các Huyện ủy, Thị ủy, Thành ủy lãnh đạo thực hiện rà soát mục tiêu đầu tư, hiệu quả đầu tư các hạng mục đã đầu tư thực hiện quyết toán hoàn thành dự án đúng thời gian quy định; xác định hiệu quả đầu tư đối với phần chưa thực hiện để đề xuất tiếp tục đầu tư nhằm phát huy hiệu quả dự án.
Đối với 1 dự án đang ở trạng thái đã phê duyệt quyết toán nhưng chưa thu hồi được số vốn thanh toán vượt quyết toán, UBND tỉnh đề nghị Ban Thường vụ Đảng ủy UBND tỉnh giao Đảng ủy cơ quan chủ đầu tư lãnh đạo thực hiện thu hồi số vốn thanh toán vượt quyết toán nộp ngân sách Nhà nước. Trường hợp đơn vị thi công không thực hiện nộp trả, đề nghị chủ đầu tư thực hiện khởi kiện ra tòa án các cấp xử lý theo quy định của pháp luật.
Đáng chú ý, tỉnh Quảng Nam có loạt dự án, công trình sử dụng vốn ngoài ngân sách chậm tiến độ. Cụ thể, đối với các dự án đầu tư xây dựng nhà ở, khu dân cư, khu đô thị ngoài khu kinh tế, khu công nghiệp, tỉnh Quảng Nam có 88 dự án chậm tiến độ trên 24 tháng so với tiến độ trong văn bản chấp thuận chủ trương đầu tư ban đầu; trong đó có 5 dự án chậm tiến độ trên 10 năm, 21 dự án chậm tiến độ từ 5 - 10 năm, 62 dự án chậm tiến độ từ 24 tháng đến 5 năm.
Đối với nhóm dự án này, UBND tỉnh đề nghị Ban Thường vụ Đảng ủy UBND tỉnh lãnh đạo UBND tỉnh khẩn trương thực hiện hoàn thành đưa vào sử dụng, thực hiện theo đúng Kế hoạch số 1892/KH-UBND ngày 19/3/2024 của UBND tỉnh.
Đối với các dự án sản xuất, kinh doanh và dự án khác ngoài khu kinh tế, khu công nghiệp, tỉnh Quảng Nam có 24 dự án chậm tiến độ trên 24 tháng so với tiến độ trong văn bản chấp thuận chủ trương đầu tư ban đầu; trong đó có 5 dự án chậm tiến độ trên 10 năm, 15 dự án chậm tiến độ từ 5 - 10 năm, 4 dự án chậm tiến độ từ 24 tháng đến 5 năm.
Đối với nhóm dự án này (13/24 dự án đã và đang được thanh tra đất đai), UBnD tỉnh đề nghị Ban Thường vụ Đảng ủy UBND tỉnh lãnh đạo UBND tỉnh giao Thanh tra tỉnh, Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các ngành, địa phương liên quan rà soát, đánh giá kết quả thực hiện các kết luận thanh tra, văn bản chỉ đạo thực hiện kết luận thanh tra để tham mưu UBND tỉnh xem xét, giải quyết theo quy định.
Đối với các dự án còn lại, UBND tỉnh đề nghị Ban Thường vụ Đảng ủy UBND tỉnh lãnh đạo UBND tỉnh giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành, địa phương kiểm tra, đánh giá tình hình thực hiện; xác định nguyên nhân chậm tiến độ để tham mưu UBND tỉnh xem xét, chỉ đạo giải quyết đối với từng dự án theo quy định của pháp luật.
Đề xuất mở rộng Khu công nghiệp Tam Thăng 2 hơn 111 ha, vốn đầu tư 600 tỷ đồng
Công ty cổ phần Capella Quảng Nam vừa đề xuất UBND tỉnh Quảng Nam, Ban quản lý các Khu kinh tế và Khu công nghiệp tỉnh thống nhất chủ trương cho phép họ được nghiên cứu đầu tư Khu công nghiệp (KCN) Tam Thăng 2 mở rộng. Theo đó, diện tích đề xuất hơn 111 ha, tổng vốn đầu tư dự kiến khoảng 600 tỷ đồng.
Khu công nghiệp Tam Thăng, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam.
Mục tiêu nhằm đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng KCN nhằm thu hút các nhà đầu tư thứ cấp thuê lại đất để đầu tư xây dựng nhà máy, thực hiện sản xuất kinh doanh các ngành nghề liên quan đến lĩnh vực sản xuất chế biến thực phẩm, đồ uống; chế biến gỗ; sản xuất chế biến sản phẩm từ khoáng phi kim loại; sản xuất vật liệu xây dựng; linh kiện điện tử; ngành công nghiệp sản xuất ô tô và xe có động cơ khác; công nghiệp hỗ trợ cơ khí; sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu; kho bãi và các ngành nghề phù hợp với ngành nghề thu hút đầu tư của tỉnh Quảng Nam.
Trong văn bản đề xuất, ông Trần Ngọc Anh, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Capella Quảng Nam cho rằng, việc nghiên cứu, đề xuất mở rộng KCN Tam Thăng 2 đã được Capella Quảng Nam nghiên cứu rất kỹ, dựa trên tình hình triển khai Dự án, tình hình thu hút đầu tư và thời gian cần thiết để hoàn thiện thủ tục pháp lý một khu công nghiệp.
Đầu tiên là tỉnh Quảng Nam với lợi thế về địa lý, hạ tầng giao thông, hậ tầng xã hội và môi trường đầu tư thông thoáng nên đã và đang là điểm đến của các nhà đầu tư lớn. Thứ hai là vị trí đề xuất nghiên cứu mở rộng KCN Tam Thăng 2 phù hợp với quy hoạch xây dựng Khu kinh tế mở Chu Lai đã được Thủ tướng Chính phủ phê quyệt tại Quyết định số 1737/QĐ-TTg ngày 13/12/2018. Tại phía bắc KCN Tam Thăng 2, quỹ đất đã được quy hoạch phát triển công nghiệp đến năm 2035, tầm nhìn đến 2050. Thứ ba là KCN Tam Thăng 2 đã cho thuê đất tính đến thời điểm hiện tại đạt chỉ tiêu hơn 60% diện tích đất công nghiệp của KCN Tam Thăng 2.
Về điều kiện mở rộng KCN, Công ty này cho rằng, theo Điều 9, Nghị định 35/2022/NĐ-CP của Thủ tướng Chính phủ ngày 28/5/2022 quy định về quản lý KCN và KKT thì việc nghiên cứu mở rộng KCN Tam Thăng 2 dựa vào điều kiện như KCN đã được thành lập trước đó đạt tỷ lệ lấp đầy tối thiểu là 60% và đã đầu tư xây dựng, đưa vào vận hành hạ tầng bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường hoặc đã hoàn thành việc đầu tư xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng theo quy hoạch xây dựng KCN được cấp có thẩm quyền phê duyệt; KCN mở rộng có khả năng kết nối, sử dụng chung hạ tầng kỹ thuật với KCN đã được tành lập trước đó (cụ thể là KCN Tam Thăng 2 mở rộng có thể đấu nối hệ thống xử lý nước thải vào KCN Tam Thăng 2).
Được biết, Văn phòng UBND tỉnh vừa chuyển kiến nghị nêu trên của Công ty cổ phần Capella Quảng Nam đến Ban quản lý các Khu kinh tế và Khu công nghiệp tỉnh để chủ trì, phối hợp với các ngành, địa phương liên quan kiểm tra, báo cáo, tham mưu UBND tỉnh giải quyết theo đúng quy định của pháp luật.
Tập đoàn Đầu tư Phù Mỹ thực hiện dự án khu công nghiệp hơn 4.500 tỷ đồng
UBND tỉnh Bình Định vừa chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời chấp thuận nhà đầu tư đối với Công ty cổ phần Tập đoàn Đầu tư Phù Mỹ thực hiện Dự án Đầu tư xây dựng hạ tầng và kinh doanh kết cấu hạ tầng Khu công nghiệp Phù Mỹ - giai đoạn 1 (gọi tắt là Khu công nghiệp Phù Mỹ giai đoạn 1).
Phối cảnh Khu công nghiệp Phù Mỹ. Nguồn: binhdinh.gov.vn.
Dự án được thực hiện với diện tích 436,87 ha thuộc quy hoạch Phân khu Bắc (Phân khu 1), Khu công nghiệp Phù Mỹ, xã Mỹ An và Mỹ Thọ, huyện Phù Mỹ. Dự án có tổng vốn đầu tư 4.569,457 tỷ đồng; trong đó, vốn góp của nhà đầu tư là hơn 685 tỷ đồng, còn lại vốn vay thương mại hơn 3.884 tỷ đồng. Dự án có thời gian hoạt động trong vòng 70 năm.
Dự án được thực hiện trong vòng 48 tháng theo tiến độ bàn giao mặt bằng, trong đó quý I/2025 hoàn thiện thủ tục đầu tư và khởi công xây dựng; quý II đến quý IV/2025 xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật chính trên diện tích 200 ha; trong năm 2026 và 2027 xây dựng tiếp hệ thống hạ tầng kỹ thuật chính đối với diện tích còn lại; từ quý I/2028 đến quý I/2029 hoàn thiện bổ sung một số hạng mục hạ tầng kỹ thuật, cây xanh cảnh quan…
UBND tỉnh Bình Định yêu cầu Công ty cổ phần Tập đoàn Đầu tư Phù Mỹ triển khai thực hiện dự án đầu tư theo đúng mục tiêu, quy mô, nội dung, tiến độ cam kết; triển khai thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất lúa, chuyển mục đích sử dụng đất rừng theo quy định.
“Việc triển khai thi công Dự án trên hiện trường chỉ thực hiện sau khi hoàn tất đầy đủ các thủ tục theo quy định”, UBND tỉnh Bình Định nêu rõ.
Công ty cổ phần Tập đoàn Đầu tư Phù Mỹ có địa chỉ tại đường Hoài Thanh, Khu đô thị An Phước, phường Quang Trung, TP. Quy Nhơn, tỉnh Bình Định; được cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp lần đầu vào ngày 6/6/2024. Ông Trần Như Long là người đại diện theo pháp luật (chức vụ Tổng giám đốc).
Công ty có vốn điều lệ 1.425 tỷ đồng. Ngành nghề chính là kinh doanh bất động sản, quyền sử dụng đất thuộc chủ sở hữu, chủ sử dụng hoặc đi thuê.
Theo tìm hiểu, cổ đông sáng lập gồm 3 doanh nghiệp là Công ty cổ phần Tập đoàn Mandala, Công ty cổ phần Tư vấn Đầu tư Hướng Việt và Công ty cổ phần Đầu tư Cảng biển Việt Nam.
Công ty cổ phần Tập đoàn Đầu tư Phù Mỹ cũng đã đề xuất Dự án Khu bến cảng Phù Mỹ khi ngày 23/9/2024, Công ty có văn bản gửi UBND tỉnh Bình Định đăng ký việc khảo sát, nghiên cứu và đầu tư Dự án Bến cảng tổng hợp, chuyên dụng phục vụ Khu công nghiệp Phù Mỹ; đề xuất Dự án Sản xuất hydrogen xanh tại Khu công nghiệp Phù Mỹ với công suất giai đoạn 1 từ 450 đến 500 MW (thí điểm 50 MW) từ năm 2026 - 2030, giai đoạn 2 có công suất 2.000 MW từ năm 2030 - 2035.
Trước đó, tại Hội nghị Công bố Quy hoạch tỉnh Bình Định thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 diễn ra vào ngày 23/12/2023, UBND tỉnh Bình Định đã trao bản ghi nhớ tìm hiểu, nghiên cứu cho Công ty cổ phần Tư vấn đầu tư Hướng Việt với Dự án Tổ hợp sản xuất hydro, cảng tổng hợp và Dự án Khu công nghiệp Phù Mỹ, dự kiến vốn đầu tư khoảng 21.000 tỷ đồng.
TP.HCM trình 4 dự án hạ tầng theo hợp đồng BOT, tổng vốn 57.000 tỷ đồng
Tại kỳ họp kỳ thứ 21 (kỳ họp chuyên đề) HĐND TP.HCM khóa X, diễn ra vào chiều 20/2, UBND Thành phố đã có các tờ trình quyết định chủ trương đầu tư nâng cấp, mở rộng 4 Dự án BOT theo Nghị quyết 98.
Đầu tiên là dự án nâng cấp đường trục Bắc - Nam (từ đường Nguyễn Văn Linh đến cao tốc Bến Lức Long Thành). Mục tiêu của dự án nhằm tạo tuyến đường giao thông nhanh, ít gián đoạn kết nối Khu trung tâm hiện hữu với khu đô thị mới Nam Sài gòn, khu đô thị - cảng Hiệp Phước; hình thành trục giao thông hướng tâm kết nối tuyến đường Vành đai 2 với cao tốc Bến Lức - Long Thành (vành đai 3) và sau này là Vành đai 4.
Đường trục Bắc - Nam tại TP.HCM có một số đoạn đã giải phóng mặt bằng và đang chờ mở rộng. Ảnh: Lê Toàn
Theo đó, dự án nằm trên địa phận Quận 7 và huyện Nhà Bè. Chiều dài tuyến khoảng 8,6 km. Đầu tư hoàn chỉnh mặt cắt ngang rộng 60 m, quy mô 10 làn xe, xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật phù hợp quy định.
Diện tích sử dụng đất của dự án khoảng 66,5 ha, trong đó diện tích đất phải thực hiện giải phóng mặt bằng khoảng 2,2 ha (trong đó đất ở khoảng 0,9 ha, đất nông nghiệp khoảng 1,36 ha).
Dự án được chia làm 2 thành phần để thực hiện. trong đó, dự án thành phần 1 là bồi thường, hỗ trợ và tái định cư, di dời hạ tầng kỹ thuật dự án kết hợp xây dựng hoàn chỉnh nút giao Nguyễn Văn Linh, nút giao với đường Cao tốc Bến Lức - Long Thành. Đầu tư công, sử dụng vốn ngân sách Nhà nước 100%, tương ứng với khoảng 3.596 tỷ đồng.
Dự án thành phần 2 là nâng cấp đường trục Bắc – Nam, đầu tư theo hình thức PPP - Hợp đồng BOT, với khoảng 6.298 tỷ đồng (bao gồm lãi vay 531 tỷ đồng). Vốn ngân sách nhà nước tham gia khoảng 1.084 tỷ đồng, tương ứng với khoảng 17% tổng mức đầu tư của dự án thành phần 2. Vốn của nhà đầu tư tham gia khoảng 5.214 tỷ đồng, tương ứng với khoảng 83% tổng mức đầu tư của dự án thành phần 2.
Tổng mức đầu tư dự án khoảng 9.894 tỷ đồng. Trong đó, nguồn vốn ngân sách Thành phố khoảng 4.680 tỷ đồng (chiếm 47% tổng mức đầu tư bao gồm lãi vay).
Đối với phần vốn nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án PPP chịu trách nhiệm thu xếp khoảng 5.214 tỷ đồng (bao gồm lãi vay khoảng 531 tỷ đồng); trong đó Vốn chủ sở hữu của Nhà đầu tư tối thiểu 703 tỷ đồng, chiếm 15% tổng mức đầu tư dự án không bao gồm vốn nhà nước theo quy định của Luật Đầu tư theo phương thức thức đối tác công tư.
Thời gian thực hiện dự kiến từ năm 2025 – 2028. Thành phố dự kiến thời gian hoàn vốn 22 năm 1 tháng; Thời hạn hợp đồng dự án (hợp đồng BOT) 25 năm 1 tháng.
Thứ hai là dự án nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 1 (từ đường Kinh Dương Vương đến ranh tỉnh Long An). Dự án nằm trên địa phận quận Bình Tân, huyện Bình Chánh với chiều dài khoảng 9,62 km.
Mục tiêu dự án nhằm tạo tuyến đường giao thông nhanh kết nối liên vùng, kết nối với các đường cao tốc, đường vành đai góp phần giảm ùn tắc, tai nạn giao thông ở cửa ngõ phía Nam Thành phố. Nâng cao khả năng thông hành của đường Quốc lộ 1 là trục xuyên tâm Đông Tây, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội Thành phố và các tỉnh lân cận.
Diện tích sử dụng đất khoảng 95,77 ha, trong đó diện tích đất phải thực hiện giải phóng mặt bằng khoảng 29,18 ha. Dự án được thiết kế rộng 60 m, tương ứng 10 – 12 làn xe.
Dự án này được chia làm 3 thành phần. Trong đó dự án thành phần 1 - Bồi thường, hỗ trợ, tái định cư trên địa bàn quận Bình Tân bằng nguồn ngân sách nhà nước, tương ứng khoảng 1.068 tỷ đồng; Dự án thành phần 2 - Bồi thường, hỗ trợ, tái định cư trên địa bàn huyện Bình Chánh với tổng vốn khoảng 8.543 tỷ đồng bằng nguồn ngân sách nhà nước.
Dự án thành phần 3 - Nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 1 sẽ được đầu tư theo hình thức PPP - Hợp đồng BOT với khoảng 6.674 tỷ đồng (bao gồm lãi vay khoảng 802 tỷ đồng).
Tổng mức đầu tư dự án khoảng 16.285 tỷ đồng (đã bao gồm lãi vay 802 tỷ đồng trong thời gian xây dựng), trong đó ngân sách Thành phố khoảng 9.611 tỷ đồng (chiếm 59% tổng mức đầu tư bao gồm lãi vay). Phần vốn của doanh nghiệp dự án PPP chịu trách nhiệm thu xếp khoảng 6.674 tỷ đồng (bao gồm lãi vay khoảng 802 tỷ đồng); trong đó vốn chủ sở hữu của Nhà đầu tư tối thiểu 1.001 tỷ đồng, chiếm 15% tổng mức đầu tư dự án không bao gồm vốn nhà nước.
Thành phố dự kiến sẽ thực hiện dự án này từ năm 2025 – 2028. Thời gian hoàn vốn 21 năm 11 tháng. Thời hạn hợp đồng dự án là 25 năm 11 tháng.
Thứ ba là dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 22 (từ nút giao An Sương đến đường Vành đai 3). Dự án có chiều dài khoảng 8,03 km, nằm trên địa phận Quận 12, Huyện Hóc Môn.
Mục tiêu dự án nhằm tạo tuyến đường giao thông nhanh, hoàn chỉnh hệ thống giao thông khu vực, thuận lợi kết nối liên vùng, liên khu vực, kết nối với các đường cao tốc, đường vành đai góp phần giảm ùn tắc, tai nạn giao thông ở cửa ngõ phía Tây TP.HCM; tăng năng lực, hiệu quả khai thác tuyến đường, tạo tiền đề hình thành hành lang kinh tế Đông – Tây dọc theo Quốc lộ 22, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội Thành phố và các tỉnh lân cận.
Diện tích sử dụng đất của dự án khoảng 49,25 ha, được thiết kế mặt cắt ngang rộng 60,0m, quy mô 10 làn xe.
Dự án này cũng được chia làm 3 thành phần. Trong đó, dự án thành phần 1 - Bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và di dời hạ tầng phục vụ dự án trên địa bàn huyện Hóc Môn; tổng mức đầu tư: 6.227 tỷ đồng; đầu tư theo phương thức đầu tư công; Dự án thành phần 2 - Di dời hạ tầng phục vụ dự án trên địa bàn Quận 12; tổng mức đầu tư: 7 tỷ đồng; đầu tư theo phương thức đầu tư công.
Dự án thành phần 3 - Đầu tư xây dựng cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 22 theo Hợp đồng BOT. Tổng mức đầu tư: 4.190 tỷ đồng (vốn Nhà đầu tư).
Như vậy, tổng mức đầu tư toàn dự án khoảng 10.424 tỷ đồng (đã bao gồm lãi vay 436 tỷ đồng trong thời gian xây dựng). Trong đó, nguồn vốn ngân sách Thành phố khoảng 6.234 tỷ đồng (chiếm 59,8% tổng mức đầu tư bao gồm lãi vay); phần vốn Nhà đầu tư, Doanh nghiệp dự án PPP chịu trách nhiệm thu xếp khoảng 4.190 tỷ đồng; trong đó Vốn chủ sở hữu của Nhà đầu tư khoảng 628,5 tỷ đồng, chiếm 15% tổng mức đầu tư dự án.
Thành phố dự kiến thực hiện dự án từ năm 2025 - 2028. Thời gian hoàn vốn là 23 năm 7 tháng; Thời hạn hợp đồng là 25 năm 7 tháng.
Thứ tư là dự án nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 13 (từ cầu Bình Triệu đến ranh tỉnh Bình Dương). Dự án nằm trên địa phận TP. Thủ Đức, với diện tích sử dụng đất khoảng 39,54 ha.
Mục tiêu của dự án nhằm tạo động lực phát triển kinh tế, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, việc tiếp tục và đẩy mạnh đầu tư hệ thống hạ tầng giao thông, tăng cường kết nối vùng, tạo thông suốt giao thông giữa các trung tâm kinh tế, trung tâm công nghiệp, trung tâm văn hóa với các sân bay, bến cảng quốc tế.
Dự án được thiết kế rộng 60 m với quy mô 10 làn xe và các hành lang để bố trí cây xanh, các công trình hạ tầng kỹ thuật phù hợp với quy mô quy hoạch. Vận tốc thiết kế tuyến chính 80km/h; vận tốc thiết kế 60km/h đối với đường song hành hai.
Dự án được chia làm 2 dự án thành phần. Cụ thể, dự án thành phần 1 - Bồi thường, hỗ trợ và tái định cư dự án khoảng 14.619 tỷ đồng bằng ngân sách nhà nước; Dự án thành phần 2 - Nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 13 theo hợp đồng BOT với khoảng 6.281,52 tỷ đồng (bao gồm lãi vay khoảng 639,37 tỷ đồng).
Như vậy, tổng mức đầu tư dự án khoảng 20.900 tỷ đồng. Trong đó, nguồn vốn ngân sách Thành phố khoảng 14.619,33 tỷ đồng (chiếm 69,95% tổng mức đầu tư); nhà đầu tư tham gia dự án chịu trách nhiệm thu xếp khoảng 6.281 tỷ đồng; trong đó Vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư tối thiểu 942,23 tỷ đồng, chiếm 15% tổng mức đầu tư dự án.
Thành phố dự kiến thực hiện dự án từ năm 2025 – 2028. Thời gian hoàn vốn dự kiến khoảng 18 năm 4 tháng.
Đề xuất vay 147 triệu USD nâng cấp tuyến nối Cần Thơ - Hậu Giang
Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa có công văn số 1319/BKHĐT kiến nghị lãnh đạo Chính phủ xem xét phê duyệt đề xuất Dự án nâng cấp mở rộng tuyến nối Cần Thơ - Hậu Giang (Quốc lộ 61C) sử dụng vốn vay ODA của Chính phủ Nhật Bản do UBND tỉnh Hậu Giang là cơ quan chủ quản.
Cụ thể, Dự án sẽ nâng cấp, mở rộng tuyến Quốc lộ 61C đạt quy mô đường cấp III đồng bằng 4 làn xe, có giải phân cách giữa, chiều rộng nền đường 23 m nhằm tăng cường kết nối các tỉnh Kiên Giang, tỉnh Hậu Giang, TP. Cần Thơ và các tuyến nhánh giao thông trên địa bàn với tổng chiều dài tuyến khoảng 37,152 km.
Một đoạn Quốc lộ 61C qua Hậu Giang (Ảnh: Kim Loan, VOV giao thông).
Dự án dự kiến tổng vốn vay của Chính phủ Nhật Bản là 21,82 tỷ yên, tương đương 3.556,69 tỷ đồng, tương đương 147,03 triệu USD; cơ chế tài chính trong nước đối với vốn vay Chính phủ Nhật Bản là cấp phát toàn bộ.
Tại công văn số 1319, Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị lãnh đạo Chính phủ giao bộ này thông báo cho phía Nhật Bản về việc Đề xuất dự án được phê duyệt và đề nghị cung cấp vốn vay cho Dự án.
Đồng thời giao UBND tỉnh Hậu Giang căn cứ phê duyệt Đề xuất dự án của Thủ tướng, tiếp thu ý kiến của các cơ quan, địa phương liên quan, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính trao đổi, làm việc với Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án để trình cấp có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư theo quy định.
Việc đầu tư Dự án nâng cấp mở rộng tuyến nối Cần Thơ - Hậu Giang (Quốc lộ 61C) là hết sức cần thiết, cấp bách nhằm giải quyết vấn đề trực tiếp trước mắt là việc đi lại của nhân dân trong khu vực và kết nối, phát triển kinh tế - xã hội, giao thương hàng hóa được thuận lợi dễ dàng.
Công trình còn tạo điều kiện thuận lợi cho việc từng bước hoàn chỉnh hệ thống giao thông theo quy hoạch, góp phần phát triển kinh tế xã hội, văn hóa của vùng đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu, phù hợp với Quy hoạch vùng đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Trước đó, JICA đã thể hiện quan tâm và phối hợp cùng UBND tỉnh Hậu Giang khảo sát, chuẩn bị Dự án. UBND tỉnh Hậu Giang đã bắt đầu lập và tiến hành thủ tục trình cấp có thẩm quyền phê duyệt Đề xuất dự án từ năm 2022; nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của các cơ quan liên quan để hoàn chỉnh Đề xuất dự án trong thời gian qua.
Hải Phòng góp 10.960 tỷ đồng vào dự án đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng
Chiều 20/2, HĐND TP. Hải Phòng đã thông qua Nghị quyết về chủ trương đóng góp kinh phí từ nguồn ngân sách Thành phố thực hiện Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng (đoạn qua địa bàn Thành phố).
Cụ thể, Hải Phòng sẽ đóng góp 10.960 tỷ đồng cho Dự án đường sắt này. Trong đó, có khoảng 5.860 tỷ đồng để thực hiện công tác giải phóng mặt bằng để đầu tư xây dựng đoạn tuyến qua địa bàn thành phố, bao gồm tuyến chính và các tuyến nhánh (nhánh Nam Đình Vũ - Đình Vũ; nhánh Nam Hải Phòng - Nam Đồ Sơn) và 5.100 tỷ đồng thực hiện đầu tư xây dựng tuyến nhánh đường sắt từ ga Nam Hải Phòng đi ga Nam Đồ Sơn, chiều dài khoảng 12 km và ga Nam Đồ Sơn.
Dự án tuyến đường sắt Lào Cao - Hà Nội - Hải Phòng
Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng có điểm đầu tại vị trí kết nối ray qua biên giới giữa ga Lào Cai và ga Hà Khẩu Bắc (Trung Quốc) thuộc địa phận TP. Lào Cai, điểm cuối tại bến Lạch Huyện thuộc địa phận TP. Hải Phòng. Tổng chiều dài đầu tư khoảng hơn 403 km gồm tuyến chính dài hơn 388 km và 2 tuyến nhánh dài 15 km (không bao gồm tuyến nhánh đi Nam Đồ Sơn dài 12 km).
Đoạn tuyến đi qua địa bàn Hải Phòng có chiều dài tuyến chính là 46,18 km và 2 tuyến nhánh dài 20,57 km (từ ga Nam Hải Phòng - ga Nam Đồ Sơn và từ Trạm tác nghiệp kỹ thuật Nam Đình Vũ - ga Đình Vũ), tốc độ thiết kết đoạn tuyến chính 160 km/giờ, tuyến nhánh 80 km/giờ. Trên đoạn tuyến qua thành phố Hải Phòng có 4 nhà ga, trong đó, ga Nam Hải Phòng có diện tích lớn nhất khoảng 51 ha nằm ở phía Nam đường cao tốc ô tô Hà Nội - Hải Phòng trên địa bàn 2 xã Đại Đồng và Minh Tân (huyện Kiến Thụy) là ga hỗn hợp, ga lập tàu, tác nghiệp hàng hóa và hành khách.
Tiếp đến là ga cảng Lạch Huyện nằm trong bến cảng Lạch Huyện thuộc thị trấn Cát Hải (huyện Cát Hải) có diện tích 22 ha là ga hỗn hợp, ga tiền cảng, tác nghiệp hàng hóa.
Ga Đình Vũ (tuyến nhánh xuống cảng Đình Vũ) diện tích khoảng 5,6 ha trên địa bàn phường Đông Hải (quận Hải An) là ga hỗn hợp, ga tiền cảng, tác nghiệp hàng hóa. Ga Nam Đồ Sơn trên địa bàn xã Đại Hợp (huyện Kiến Thụy) là ga hỗn hợp, ga tiền cảng, tác nghiệp hàng hóa, diện tích khoảng 10,5 ha.
Ngoài ra, trên đoạn tuyến Hải Phòng còn có 2 trạm tác nghiệp kỹ thuật là Trạm tác nghiệp kỹ thuật Tân Viên trên địa bàn xã Quốc Tuấn (huyện An Lão) diện tích khoảng 6,8 ha, Trạm tác nghiệp kỹ thuật Đình Vũ trên địa bàn phường Đông Hải (quận Hải An) diện tích khoảng 6,2 ha (ga trên cao).
Thành phố Hải Phòng ước tính diện tích phải giải phóng mặt bằng dự án cả 2 giai đoạn là 376 ha, chi phí giải phóng mặt bằng, tái định cư khoảng 5.860 tỷ đồng (giai đoạn 1 là 345 ha, chi phí 5.376 tỷ đồng, giai đoạn 2 là 30,5 ha, chi phí 484 tỷ đồng).
Về chi phí xây dựng, đoạn tuyến chính chiều dài khoảng 46,18 km, kinh phí đầu tư khoảng 20.480 tỷ đồng. Đoạn nhánh tuyến Nam Đình Vũ – Đình Vũ dài 7,89k m, kinh phí đầu tư khoảng 1.350 tỷ đồng, tuyến nhánh Nam Hải Phòng – Nam Đồ Sơn dài khoảng 12,63 km, kinh phí đầu tư khoảng 5.100 tỷ đồng.
Theo UBND TP. Hải Phòng, việc triển khai Dự án có ý nghĩa tác động rất lớn đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của thành phố nói riêng và mang lại hiệu quả kinh tế xã hội nói chung, góp phần từng bước phát triển giao thông vận tải đường sắt hiện đại, đồng bộ qua đó tạo hiệu ứng lan tỏa, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vũng đúng như mục tiêu Kết luận số 49-KL/TW ngày 28/02/2023 của Bộ Chính trị đã đề ra.
Cùng với việc đầu tư phát triển mạnh mẽ cảng cửa ngõ quốc tế Lạch Huyện, dự án đường sắt này sẽ đáp ứng nhu cầu vận tải hành khách, hàng hóa trên hành lang Đông Tây, là cửa ngõ giao thương với thế giới qua các cảng biển lớn khu vực Hải Phòng cũng như kết nối liên vận quốc tế về giao thông đường sắt tại cửa khẩu Lào Cai. Cùng với việc đầu tư phát triển mạnh mẽ cảng cửa ngõ quốc tế Lạch Huyện.
Hơn nữa, hệ thống các cảng đường thủy nội địa và đường hàng không, phát triển giao thông vận tải đường sắt trên hành lang kinh tế Đông Tây “Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng” là vô cùng cần thiết cho thời kỳ đến 2030 và tầm nhìn 2050. Thúc đẩy phát triển chiến lược “Hai hành lang, một vành đai” của Việt Nam và “Vành đai con đường” của Trung Quốc, thúc đẩy kinh tế mậu dịch qua lại giữa Việt Nam và Trung Quốc. Hình thành tuyến thông đạo bằng đường sắt liên kết Đông Á - Trung Á - Châu Âu.
Bên cạnh đó, tạo không gian phát triển mới, đẩy nhanh quá trình phát triển đô thị, lao động dọc hành lang tuyến và tăng năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, tạo động lực thúc đẩy phát triển công nghiệp, du lịch, dịch vụ.
Mặt khác, đây là phương thức vận tải bền vũng, hiện đại, thân thiện, góp phần giảm tai nạn giao thông, ô nhiễm môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu và góp phần bảo đảm quốc phòng, an ninh. Phù hợp với định hướng chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí các-bon và khí mê-tan của ngành giao thông vận tải đã được Thủ tướng Chính phủ ban hành tại Quyết định số 876/QĐ-TTg ngày 22/7/2022 và Ủy ban nhân dân thành phố ban hành tại Quyết định 3962/QĐ-UBND ngày 24/11/2022 về Chương trình hành động về chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí các bon và khí mê-tan ngành giao thông vận tải.
Ông Phạm Văn Lập, Chủ tịch HĐND TP. Hải Phòng đánh giá Nghị quyết này là chủ trương quan trọng, thể hiện tầm nhìn chiến lược của thành phố trong việc phát triển hạ tầng giao thông, thể hiện sự đóng góp tích cực, trách nhiệm của thành phố với trung ương, nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án, là đòn bẩy thúc đẩy kinh tế xã hội Thành phố phát triển nhanh và bền vững, đặc biệt là khu vực cảng quốc tế Lạch huyện, khu kinh tế ven biển phía Nam và cảng nước sâu Nam Đồ Sơn.
Liên danh Becamex - VSIP đề xuất dự án với tổng diện tích 3.000 ha ở Khánh Hòa
Liên danh Becamex - VSIP vừa làm việc với lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa về đề xuất Dự án dự kiến sẽ đầu tư, phát triển tại tỉnh.
Theo đại diện Becamex - VSIP, dự án dự kiến sẽ phát triển tại Diên Khánh và Ninh Hòa, với tổng diện tích 3.000 ha và chia thành 3 phân khu: công nghiệp, đô thị và dịch vụ.
Cùng với huyện Diên Khánh, thị xã Ninh Hòa là khu vực được Liên danh Becamex - VSIP đề xuất đầu tư. Ảnh: V.K
Trong đó, hạ tầng khu công nghiệp và đô thị được đề xuất tuân thủ nguyên tắc gần gũi với thiên nhiên, dựa vào hệ sinh thái có sẵn để xây dựng đề án. Hạ tầng vừa phù hợp với từng địa phương nhưng phải mang quy chuẩn quốc tế với nhiều ưu điểm mới, vượt trội.
Mục tiêu của nhà đầu tư nhằm phát triển hành lang kinh tế, tăng tính kết nối và hiệu quả phát triển kinh tế tổng thể của tỉnh Khánh Hòa; thu hút đầu tư trong và ngoài nước vào các lĩnh vực công nghiệp xanh, công nghệ cao và dịch vụ phụ trợ; đáp ứng nhu cầu về khu dân cư, thương mại và dịch vụ cho lực lượng lao động và dân cư tại khu vực, tạo môi trường sống, học tập và làm việc chất lượng cao.
Bên cạnh đó, các khu vực có dự án sẽ tạo động lực phát triển kinh tế bền vững và chuyển đổi kinh tế cho các khu vực Ninh Hòa và Diên Khánh, hỗ trợ phát triển kinh tế vùng; qua đó, góp phần hiện thực hóa các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Khánh Hòa và đóng vai trò quan trọng trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và phát triển bền vững của khu vực và quốc gia.
Ngoài ra, đại diện Becamex IDC - VSIP cũng trình bày cụ thể các định hướng đầu tư, phương án thu hút đầu tư; tiêu chí để lựa chọn nhà đầu tư thứ cấp nhằm góp phần vào sự phát triển chung của Khánh Hòa. Nhà đầu tư mong muốn sự quan tâm, tạo điều kiện của lãnh đạo tỉnh trong quá trình tiến hành thực hiện các thủ tục đề xuất dự án.
Bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa, ông Nghiêm Xuân Thành đánh giá cao năng lực của Liên danh Becamex - VSIP cũng như quyết tâm của nhà đầu tư trong đề xuất dự án. Bí thư Tỉnh ủy đề nghị nhà đầu tư trong thời gian tới cần trình bày cụ thể hơn về tính hiệu quả kinh tế của dự án, đóng góp vào thu ngân sách nhà nước, tăng trưởng, tạo ăn công ăn, việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân…; phối hợp với các sở, ngành để tiếp tục rà soát các quy hoạch, chỉ tiêu sử dụng đất và các thủ tục khác.
Tỉnh Khánh Hòa xác định, trong thời gian tới để thực hiện tăng trưởng 2 con số, công nghiệp đóng vai trò rất quan trọng. Lãnh đạo tỉnh rất ủng hộ phương án đề xuất đầu tư của Becamex - VSIP và sẽ tạo điều kiện tốt nhất theo quy định của pháp luật.
Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tấn Tuân cho biết, sau 5 tháng nghiên cứu, Liên danh Becamex - VSIP đã xây dựng được các ý tưởng đầu tư ban đầu. Hiện nay, các quy hoạch của tỉnh đã cơ bản hoàn thành, thời gian tới tiếp tục hoàn thiện các quy hoạch phân khu. Do đó, đây sẽ là điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư đề xuất các dự án.
Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định, Khánh Hòa sẽ hỗ trợ Liên danh Becamex - VSIP triển khai đề xuất đầu tư và hy vọng trong thời gian sớm nhất các dự án mà nhà đầu tư đề xuất sẽ thành hiện thực và đi vào hoạt động để góp phần phát triển kinh tế - xã hội của Khánh Hòa.
Hạnh Nguyên (tổng hợp )