Khởi công đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam vào cuối năm sau

Khởi công đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam vào cuối năm sau
16 giờ trướcBài gốc
Thủ tướng đặt mục tiêu đến năm 2030-2045 phải phát triển được công nghiệp đường sắt. Ảnh minh họa: Hoàng Hà/Vietnamnet.
Văn phòng Chính phủ vừa ban hành thông báo kết luận của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại Phiên họp lần thứ nhất Ban Chỉ đạo các công trình, dự án quan trọng quốc gia lĩnh vực đường sắt.
Thủ tướng đánh giá hệ thống đường sắt trong thời gian tới có quy mô rất lớn, gồm nhiều dự án trọng điểm như đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam; đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, các đường sắt đô thị Hà Nội, TP.HCM, và các tuyến Lạng Sơn - Hà Nội, Hải Phòng - Hạ Long - Móng Cái...
"Đây là cơ hội để chúng ta làm chủ công nghệ, phát triển sản xuất công nghiệp đường sắt. Mục tiêu là đến năm 2030-2045 phải phát triển được công nghiệp đường sắt (làm chủ sản xuất toa xe, đầu máy và hệ sinh thái liên quan công nghiệp đường sắt...)", Thông báo của Thủ tướng nêu.
Hình thành các tập đoàn lớn trong ngành công nghiệp đường sắt
Cụ thể, Thủ tướng cho rằng phải tập trung đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, cũng như hình thành các tập đoàn, doanh nghiệp lớn, bao gồm cả doanh nghiệp Nhà nước và doanh nghiệp tư nhân.
Mặt khác, cũng cần huy động mọi nguồn lực (gồm sử dụng vốn ngân sách Nhà nước, huy động từ nguồn vốn vay, vốn ODA, phát hành trái phiếu, khai thác quỹ đất theo hình thức TOD...).
Song song đó, Việt Nam cần xây dựng bộ quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật cho ngành đường sắt.
Tại thông báo lần này, Thủ tướng cũng đồng ý với kiến nghị của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam về việc tăng vốn điều lệ. Phó thủ tướng Hồ Đức Phớc sẽ chỉ đạo Bộ Tài chính hướng dẫn Tổng công ty Đường sắt Việt Nam thực hiện theo trình tự để trình cấp có thẩm quyền xem xét quyết định.
Bên cạnh đó, Bộ Tài chính chỉ đạo, tổ chức lập Đề án tái cơ cấu Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (theo định hướng mô hình tập đoàn) trong tháng 6 năm nay. Mục tiêu là để đơn vị này có thể tham gia các dự án ngay từ giai đoạn chuẩn bị đầu tư, triển khai và tiếp nhận, quản lý, khai thác, vận hành, bảo trì kết cấu hạ tầng sau khi các dự án hoàn thành.
Bộ Xây dựng được giao chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và các bộ, cơ quan, liên quan rà soát các chính sách để huy động các tập đoàn, tổng công ty lớn tham gia việc đầu tư, phát triển hệ thống đường sắt.
Bộ Xây dựng đồng thời xem xét giao Tập đoàn Viettel và VNPT chủ trì tiếp nhận, phát triển, làm chủ công nghệ hệ thống thông tin, tín hiệu và hệ thống điều khiển của các dự án đường sắt.
Sớm hoàn thiện các thủ tục, đẩy nhanh tiến độ các dự án
Với các dự án cụ thể, Thủ tướng lưu ý trước mắt cần ưu tiên tập trung công tác lập báo cáo nghiên cứu khả thi các dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam và đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng.
Đặc biệt, Thủ tướng cho rằng cần triển khai trước tuyến Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng và nghiên cứu mở rộng để triển khai đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam, kéo dài đến mũi Cà Mau các tuyến Lạng Sơn - Hà Nội, Móng Cái - Hạ Long - Hải Phòng.
Cụ thể, với dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam, Bộ Xây dựng cần trình Chính phủ bổ sung cơ chế về chỉ định thầu trong tháng 4, để Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quốc hội vào tháng 5 tới. Bộ Xây dựng tập trung hoàn thiện các thủ tục để khởi công dự án vào cuối năm 2026.
Cũng trong tháng 4, Bộ Tài chính trình Thủ tướng thành lập Hội đồng thẩm định Nhà nước cho dự án đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, để tiến hành thẩm định cùng với quá trình lập báo cáo nghiên cứu khả thi dự án, đáp ứng tiến độ khởi công vào tháng 12 năm nay.
Thủ tướng đồng ý với kiến nghị Bộ Xây dựng khởi công gói thầu xây dựng hạ tầng ga Lào Cai mới và khởi công các khu tái định cư của dự án trong năm 2025.
Phó thủ tướng Hồ Đức Phớc chỉ đạo Bộ Tài chính, Bộ Ngoại giao dự thảo và gửi Công thư của Phó thủ tướng đề nghị Phó thủ tướng Quốc vụ viện Trung Quốc phụ trách lĩnh vực để hỗ trợ về vốn vay ưu đãi của Trung Quốc cho dự án này.
Mặt khác, Thủ tướng yêu cầu Bộ Xây dựng chuẩn bị hồ sơ để sớm triển khai đồng bộ các tuyến đường sắt Hà Nội - Lạng Sơn, Hải Phòng - Hạ Long - Móng Cái.
Với các dự án đường sắt đô thị (metro) ở Hà Nội và TP.HCM, Thủ tướng yêu cầu UBND TP Hà Nội và UBND TP.HCM khẩn trương triển khai Nghị quyết số 188 của Quốc hội, bao gồm xây dựng kế hoạch chi tiết, tiến độ công việc triển khai các cơ chế chính sách áp dụng cho hai thành phố và ban hành kế hoạch riêng của mỗi địa phương, hoàn thành trong tháng 5.
Thủ tướng cũng yêu cầu hai địa phương rà soát lại kế hoạch triển khai các tuyến, xác định rõ phương án huy động nguồn vốn cho từng dự án. Đồng thời, hai thành phố phải có trách nhiệm phát triển công nghiệp đường sắt quốc gia; báo cáo kịp thời tình hình triển khai các dự án đường sắt đô thị tại địa phương cho Cơ quan thường trực Ban chỉ đạo để cập nhật báo cáo chung.
Bộ Tài chính phải hoàn thiện thủ tục, báo cáo Thủ tướng xem xét, phê duyệt đề xuất dự án metro số 3, đoạn ga Hà Nội - Yên Sở (Hoàng Mai) theo đề nghị của UBND TP Hà Nội.
Bộ Tài chính cũng được giao sớm có ý kiến về việc dừng sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài đối với tuyến metro số 2 Bến Thành - Tham Lương và điều chỉnh nguồn vốn cho dự án.
Người đứng đầu Chính phủ cũng nhấn mạnh cần giao các địa phương làm chủ đầu tư các dự án giải phóng mặt bằng, đồng thời ưu tiên bố trí nguồn lực, phối hợp chặt chẽ với Bộ Xây dựng và chủ đầu tư để hoàn thành theo đúng kế hoạch.
Thủy Tiên
Nguồn Znews : https://znews.vn/khoi-cong-duong-sat-toc-do-cao-bac-nam-vao-cuoi-nam-sau-post1543651.html