Khởi công sớm đường sắt cao tốc Bắc – Nam vào cuối năm 2026

Khởi công sớm đường sắt cao tốc Bắc – Nam vào cuối năm 2026
13 giờ trướcBài gốc
Thời gian khởi công đường sắt cao tốc Bắc - Nam được dời về cuối năm 2026, thay vì 2027 như trước. Ảnh: VGP
Văn phòng Chính phủ ban hành kết luận của Thủ tướng Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo các công trình, dự án quan trọng quốc gia trong lĩnh vực đường sắt.
Theo đó, Thủ tướng chỉ đạo một số nội dung liên quan dự án đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng. Cụ thể, Bộ Tài chính trình thành lập Hội đồng thẩm định nhà nước trong tháng 4, đảm bảo tiến độ khởi công vào tháng 12; đồng ý khởi công hạ tầng ga Lào Cai mới và các khu tái định cư trong năm 2025.
Bộ Ngoại giao, Bộ Tài chính làm việc với Trung Quốc để đàm phán Hiệp định khung trong tháng 5 và ký hiệp định vay vào tháng 11-2025 sau khi phê duyệt báo cáo khả thi. Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc chỉ đạo soạn và gửi công thư đến phía Trung Quốc đề nghị hỗ trợ vốn vay ưu đãi cho dự án.
Thủ tướng yêu cầu Bộ Xây dựng chuẩn bị hồ sơ để sớm triển khai đồng bộ các tuyến đường sắt Hà Nội - Lạng Sơn, Hải Phòng - Hạ Long - Móng Cái.
Với dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, Thủ tướng yêu cầu Bộ Xây dựng trình Chính phủ bổ sung cơ chế chỉ định thầu trong tháng 4, để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quốc hội vào tháng 5.
Các bộ, ngành hoàn thiện thủ tục, phấn đấu khởi công cuối năm 2026; đồng thời đề xuất cơ chế, chính sách đẩy nhanh tiến độ. Bộ Tư pháp sớm có ý kiến để Bộ Xây dựng ban hành Nghị định về thiết kế tổng thể theo thủ tục rút gọn trong tháng 4; các bộ ngành liên quan cần phản hồi kịp thời.
Đối với các dự án đường sắt đô thị Hà Nội và TPHCM, Thủ tướng yêu cầu UBND Hà Nội và TPHCM khẩn trương xây dựng kế hoạch chi tiết triển khai các cơ chế chính sách đặc thù và ban hành kế hoạch riêng trong thẩm quyền, hoàn thành trong tháng 5.
Hai địa phương cần rà soát lại kế hoạch các tuyến metro, xác định rõ phương án huy động vốn cho từng dự án, đồng thời có trách nhiệm tham gia phát triển công nghiệp đường sắt quốc gia và báo cáo kịp thời tiến độ cho cơ quan thường trực Ban chỉ đạo.
Ngoài ra, Thủ tướng đồng ý về nguyên tắc việc tăng vốn điều lệ của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam. Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc sẽ chỉ đạo Bộ Tài chính hướng dẫn Tổng công ty thực hiện theo đúng trình tự, thủ tục và quy định pháp luật để trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.
Tổng công ty sẽ chủ động phối hợp với các đối tác có năng lực để lập hồ sơ dự án tổ hợp công nghiệp đường sắt, phục vụ các dự án đường sắt, và trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định theo đúng quy định.
Thủ tướng yêu cầu các địa phương và Tập đoàn Điện lực Việt Nam khẩn trương lập kế hoạch, ứng vốn để thực hiện giải phóng mặt bằng cho các dự án đường sắt, đồng thời khai thác hiệu quả quỹ đất quanh các ga, tiến độ phải được báo cáo hằng tháng về Ban Chỉ đạo.
Bộ Tài chính khẩn trương hoàn thiện thủ tục, báo cáo Thủ tướng xem xét dự án metro Hà Nội tuyến số 3 (ga Hà Nội – Yên Sở); sớm có ý kiến về việc dừng dùng vốn ODA cho metro TPHCM tuyến số 2 và điều chỉnh nguồn vốn.
Thủ tướng giao Bộ Xây dựng, cơ quan thường trực Ban chỉ đạo, chủ trì, phối hợp Văn phòng Chính phủ theo dõi, đôn đốc triển khai các dự án đường sắt, kịp thời báo cáo để tháo gỡ vướng mắc.
Thủ tướng yêu cầu các bộ, địa phương hoàn thành các công việc sau trong tháng 4 tới tháng 6 gồm xây dựng các nghị quyết, nghị định hướng dẫn triển khai các nghị quyết của Quốc hội; lập đề án phát triển công nghiệp và nhân lực đường sắt; quy định tạm sử dụng rừng phục vụ thi công; lập đề án tái cơ cấu Tổng công ty Đường sắt Việt Nam theo hướng Tập đoàn; rà soát hệ thống đào tạo phục vụ ngành đường sắt; nghiên cứu giao Viettel, VNPT tiếp nhận, phát triển công nghệ thông tin, tín hiệu, điều khiển trong các dự án đường sắt.
Bình Dương
Nguồn Saigon Times : https://thesaigontimes.vn/khoi-cong-som-duong-sat-cao-toc-bac-nam-vao-cuoi-nam-2026/