Khởi công xây dựng Bia tưởng niệm liệt sĩ Biệt động Sài Gòn

Khởi công xây dựng Bia tưởng niệm liệt sĩ Biệt động Sài Gòn
5 giờ trướcBài gốc
Nghĩa trang TP Hồ Chí Minh (phường Long Bình, TP Thủ Đức) được chọn làm nơi dựng Bia tưởng niệm liệt sĩ Biệt động Sài Gòn, trở thành chốn yên nghỉ của những người con ưu tú đã hy sinh vì sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.
Đây là nơi để mỗi người dân Thành phố mang tên Bác, đặc biệt là cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang TP Hồ Chí Minh bày tỏ lòng thành kính, tri ân và nguyện tiếp bước con đường cách mạng của các thế hệ cha anh.
Đồng thời, tôn vinh và lan tỏa những giá trị lịch sử hào hùng của lực lượng vũ trang Thành phố Hồ Chí Minh; giáo dục sâu sắc về truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ, khơi dậy lòng tự hào dân tộc, ý chí quyết tâm xây dựng đất nước ngày càng giàu mạnh.
Các đại biểu dâng hoa tại Nghĩa trang Thành phố Hồ Chí Minh (phường Long Bình, TP Thủ Đức).
Các đại biểu thực hiện nghi thức xúc đất động thổ khởi công xây dựng Bia tưởng niệm liệt sĩ Biệt động Sài Gòn.
Dịp này, lễ dâng hương tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ Lực lượng vũ trang, Biệt động Sài Gòn-Chợ Lớn-Gia Định hy sinh trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ và Cuộc tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968 được tổ chức chức tại số nhà 499/20 Cách mạng Tháng Tám, quận 10, TP Hồ Chí Minh, nơi trước kia là garage xe phục vụ hậu cần-kỹ thuật cho lực lượng Biệt động Sài Gòn-Gia Định.
Các thế hệ con cháu cũng như đồng đội của các anh hùng Biệt động Sài Gòn-Gia Định đã tề tựu, cùng dâng hương, dâng hoa tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ.
Thắp hương tưởng nhớ các Anh hùng liệt sĩ Biệt động Sài Gòn-Chợ Lớn-Gia Định.
Tại buổi lễ, PGS, TS Phan Xuân Biên, Phó chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, nguyên Thư ký Tư lệnh Quân khu Sài Gòn - Gia Định nhấn mạnh: “Lịch sử Biệt động Thành là bản anh hùng ca, mỗi trận đánh là thiên sử cho muôn đời sau không ai có thể quên được.
Kể từ sau giải phóng, Đảng, Nhà nước và Quân đội đã có nhiều hoạt động tri ân lực lượng Biệt động Sài Gòn. Cùng với đó, các thế hệ chỉ huy lực lượng Biệt động và các gia đình, con cháu các chiến sĩ năm xưa đã tích cực thu thập tài liệu, hiện vật xây dựng bảo tàng, đó là biểu tượng ngời sáng của tình nghĩa, trách nhiệm đồng đội”.
Tin, ảnh: BẢO NGÂN
Nguồn QĐND : https://www.qdnd.vn/xa-hoi/chinh-sach/khoi-cong-xay-dung-bia-tuong-niem-liet-si-biet-dong-sai-gon-814167