Khởi công xây dựng Nhà trưng bày kết hợp Không gian văn hóa Hồ Chí Minh

Khởi công xây dựng Nhà trưng bày kết hợp Không gian văn hóa Hồ Chí Minh
5 giờ trướcBài gốc
Phát biểu tại buổi lễ, Bí thư Đảng ủy Khối Dân - Chính - Đảng TPHCM Trần Văn Nam khẳng định, năm tháng đã trôi qua nhưng sự kiện “Đêm trắng Vĩnh Lộc” mãi mãi là trang sử oanh liệt - 32 dân công hỏa tuyến với tuổi đời còn rất trẻ đã anh dũng, bất khuất, kiên cường ngã xuống, góp phần đem lại nền độc lập tự do cho dân tộc Việt Nam.
Bí thư Đảng ủy Khối Dân - Chính - Đảng TPHCM Trần Văn Nam phát biểu tại buổi lễ
Công trình xây dựng Nhà trưng bày kết hợp Không gian văn hóa Hồ Chí Minh tại Di tích lịch sử Dân công hỏa tuyến Vĩnh Lộc - Mậu Thân 1968 là công trình chào mừng kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30-4-1975 - 30-4-2025), 95 năm Ngày thành lập Đảng Cộng Sản Việt Nam (3-2-1930 - 3-2-2025) và Đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2025 - 2030.
Nghi thức khởi công xây dựng Nhà trưng bày kết hợp Không gian văn hóa Hồ Chí Minh
Đồng chí Trần Văn Nam gửi gắm mong muốn công trình sau khi hoàn thành sẽ là nơi trưng bày, tuyên truyền, giáo dục về truyền thống cách mạng, lòng biết ơn đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng bào, chiến sĩ đã anh dũng hy sinh cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đó còn là niềm tự hào, là trách nhiệm để mỗi người ra sức giữ gìn và xây dựng đất nước, xây dựng TPHCM văn minh, hiện đại, nghĩa tình, vững bước cùng dân tộc bước vào kỷ nguyên vươn mình.
Đại biểu chụp hình lưu niệm tại buổi lễ khởi công
Để thực hiện thành công công trình theo kế hoạch đề ra, đồng chí Trần Văn Nam để nghị đơn vị thi công, tư vấn thiết kế, tư vấn giám sát, các cơ quan tham mưu, giúp việc của Đảng ủy Khối, đoàn thể Khối nâng cao tinh thần trách nhiệm, làm việc nghiêm túc, khách quan, vô tư; hỗ trợ, tạo mọi điều kiện thuận lợi để triển khai công trình đúng tiến độ, chất lượng kỹ thuật được phê duyệt, sớm hoàn thành để đưa vào khai thác, sử dụng có hiệu quả.
Cách đây 56 năm, vào đêm 15-6-1968, tại địa danh đồng bưng Láng Cát, xã Vĩnh Lộc, trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Mậu Thân 1968, 32 dân công đã anh dũng hy sinh khi tuổi mới đôi mươi trong trận oanh kích của địch. Họ đã hy sinh trong tư thế che chở cho nhau mà trên tay không có một tấc vũ khí phòng thân. Sự hy sinh của những dân công hỏa tuyến Vĩnh Lộc chân trần, chí thép là biểu tượng ngời sáng về tinh thần yêu nước và chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam.
Đoàn đại biểu dâng hoa, dâng hương tại Khu di tích lịch sử Dân công hỏa tuyến Vĩnh Lộc - Mậu Thân 1968
CẨM TUYẾT
Nguồn SGGP : https://sggp.org.vn/khoi-cong-xay-dung-nha-trung-bay-ket-hop-khong-gian-van-hoa-ho-chi-minh-post773796.html